"Con dâu đặt đâu, mẹ chồng ngồi đấy"


Theo Thế Giới Mới

Nói về cô con dâu xinh đẹp, bà Thụy ở Bình Chánh, TP. HCM. chua chát: "Nó đi làm mẹ chồng thì đúng hơn". Con dâu bà ỷ sinh được cháu đích tôn nên hay lên mặt với gia đình chồng. Việc chăm sóc hai cháu, việc nhà đều do bà nội đảm nhận.

Thế mà, cô con dâu vẫn không hài lòng, còn kể tội bà Thụy với chồng. Anh chồng vốn cưng vợ, cứ nghe vợ phàn nàn là nạt nộ, chì chiết mẹ mà không tìm hiểu rõ nguyên do. Bà Thụy giận quá, nhiều lúc muốn bỏ đi nhưng thấy mình già rồi, lại thương đứa cháu nội nên đành cam chịu cho qua ngày.

Hiện tượng mẹ chồng bị con dâu ăn hiếp, sai vặt như ôsin không phải là chuyện lạ thời nay. Không ít nàng dâu ỷ mình làm ra tiền nên lớn tiếng, vênh mặt với gia đình nhà chồng, thậm chí còn giao phó chuyện bếp núc, nhà cửa, con cái cho mẹ chồng và xem đó là việc đương nhiên. Nhiều bà mẹ chồng vì muốn giữ hạnh phúc cho con trai, thương cháu nội nên chấp nhận.

Có thu nhập cao, lại lo toan cho cả gia đình chồng nên chị Hoà, trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu ở quận 4, TP. HCM. rất có "tiếng nói" với mẹ chồng. Chị đặt ra quy định, chủ nhật là ngày nghỉ của riêng vợ chồng, con cái chị, không ai được phép quấy rầy. Chuyện giao con cho bà nội chăm sóc và về nhà vào lúc nửa đêm đối với chị là điều bình thường. Mẹ chồng có cằn nhằn, chị giải thích: Công việc của một trưởng phòng bắt buộc như vậy. Mặc dù không hài lòng, bà cũng im lặng cho qua để "yên cửa yên nhà".

Thấy vợ đi sớm về khuya, chồng chị tình nguyện làm các công việc thuộc phần chị trước đây. Bà khó chịu thì anh con trai bênh vợ: "Cô ấy đã vì gia đình này mà phải vất vả thế, mẹ đã không thông cảm lại còn trách móc". Thế là từ đó, bà cụ cứ sống với cô con dâu theo kiểu "bằng mặt không bằng lòng".

Vụng về bếp núc

Nhiều bà mẹ chồng có dịp ngồi lại là than vãn về con dâu mình không biết nấu nướng, mỗi lần vào bếp đụng cái gì là hư cái nấy.

Khi còn độc thân, được ba mẹ cưng chiều, Lan Anh, nhân viên ngân hàng chưa bao giờ phải đụng tay đụng chân vào bếp nên cô chẳng biết nấu món gì cả. Khi về làm dâu, Lan Anh đã làm nhà chồng bao phen hoảng hồn khi chứng kiến cô "trổ tài" nữ công gia chánh. Cha mẹ chồng ngao ngán, chồng xấu hổ với bạn bè và họ hàng.

Lan Anh cho rằng, lỗi một phần do ba má cô. Cứ mỗi lần cô có ý xuống bếp là bà mẹ gạt phắt đi: "Con cứ làm tốt việc ở cơ quan, còn việc nhà cứ thuê ôsin là xong".

Còn bà Phương ở quận 1, TP. HCM. lại phải làm quen với cảnh ăn cơm hộp từ khi anh con trai lấy vợ. Con dâu bà vốn là nhân viên kinh doanh của một công ty dược phẩm. Công việc bận rộn cứ cuốn cô đi tối ngày, khi về đến nhà đã phờ phạc, nói gì đến chuyện cơm nước. Bà Phương mắt kém, lại có bệnh hay quên hay anh con trai không dám để mẹ nấu cơm. Con dâu đặt cơm tháng ở nhà hàng bên cạnh, cứ đến bữa là họ mang sang cho bà. Ăn không quen, bà cằn nhằn nhưng cô con dâu giải thích rằng cô không có thời gian, vả lại đi ăn tiệm "kinh tế hơn". Vậy là bà đành nín thinh.

Học cách quan tâm đến mẹ chồng

Chị Liên ở quận 8, TP. HCM. thường bị các chị em dâu ganh tỵ vì mẹ chồng cưng chiều. Chị cho biết, nếu con dâu biết quan tâm, yêu thương mẹ chồng thì cũng sẽ được mẹ chồng cưng ngay thôi. Chị luôn tạo sự gần gũi với mẹ chồng để hai mẹ con hiểu nhau nhiều hơn.

"Khi rảnh rỗi, tôi hay trò chuyện thủ thỉ xem phim cùng mẹ chứ không vội đóng cửa vào phòng khách như các chị em dâu khác. Mẹ chồng có điều không đúng, tôi cũng chẳng kể lại với chồng, gây khó xử giữa hai mẹ con. Thỉnh thoảng tôi cũng hay mua biếu những món quà mà bà thích hay tự tay nấu những món mẹ ưa", chị chia sẻ bí quyết.

Theo các chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình, khi quyết định kết hôn, bạn nên chủ động xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng. Bởi thực sự đó là người có tác động rất lớn đến hạnh phúc hôn nhân trọn vẹn của bạn.

Trước khi kết hôn, bạn cần nói chuyện rõ với chồng xem gia đình anh ấy mong đợi gì ở bạn: Sẽ là con gái hay con dâu. Dù có thích hay không thì hai người cần đồng ý với nhau về việc bạn phải có trách nhiệm cụ thể gì đối với cha mẹ anh ấy.

Thứ hai, hãy tránh đụng độ. Các nàng dâu sẽ thấy khó chịu khi mẹ chồng không chịu áp dụng các quy tắc nuôi dưỡng trẻ khoa học hoặc chiều chuộng cháu quá mức. Dành nhiều thời gian hơn cho con cái, tranh thủ dạy con khi không có mặt mẹ chồng... có lẽ là cách duy nhất để tránh phải đụng độ với bà khi hai người không thể tìm được tiếng nói chung.

Ngoài ra, hãy cố gắng tìm hiểu sở thích của mẹ chồng, tổ chức những cuộc đi chơi cả gia đình, mời mẹ chồng đi nghe nhạc hay tặng bà những món quà nhỏ. Như thế, khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ thu hẹp, hai người sẽ hiểu và gần gũi nhau hơn.

Và một điều rất quan trọng là đừng bắt chồng phải chọn hoặc là bạn, hoặc là mẹ anh ấy. Điều này chỉ làm mọi chuyện căng thẳng thêm mà thôi.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments