Chúng tôi nhận được bài viết của chị Bảo
Hà ở huyện An Lão (Hải Phòng) nói về câu chuyện của gia đình chị. Một
câu chuyện nhỏ, đơn giản, nhưng qua đó nói lên được nhiều điều về mối
quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn nhiều chuyện buồn nhưng cũng không ít
gia vị ngọt ngào.
Khốn khổ cảnh già
Tôi lấy chồng từ năm 25 tuổi, hiện đã có
2 con, một trai, một gái. Chồng tôi là công nhân, con trai út của một
gia đình có 6 anh chị em. Bố chồng tôi mất cách đây đã hơn 40 năm, mẹ
chồng tôi năm nay cũng gần 80 tuổi. Khi bà còn khỏe mạnh, bà vào miền
Nam giúp con trai trưởng trông nom nhà cửa, thu hoạch hoa màu ở trang
trại. 4 năm trước, mẹ chồng tôi quyết định về quê ở An Lão (Hải Phòng)
sống với các con, lúc đó bà đã bắt đầu lúc nhớ, lúc quên và có biểu hiện
mất trí nhớ.

Ảnh minh họa.
Khi bà về ở nhà tôi, bà hoàn toàn mất
trí, không nhớ được gì, thậm chí không nhớ cả tên con trai, con dâu và
các cháu mà bà đang sống cùng. Hàng ngày, vợ chồng tôi đi làm, để bà ở
nhà một mình và khóa cổng, khóa cửa xếp. Ở quê mà phải làm thế là bất
đắc dĩ, bởi chúng tôi không thể để bà đi lang thang, có thể gặp nguy
hiểm. Chắc bị nhốt một mình, bà rất buồn. Chúng tôi biết điều đó nhưng
không còn cách nào khác, bởi còn phải mưu sinh kiếm sống.
Điều chúng tôi lo lắng nhất là tình
trạng mất trí nhớ của bà, bà thường tiểu tiện, đại tiện lung tung, khi
ra sân, khi ra gầm cầu thang hay phòng ăn. 2 con còn nhỏ, tôi phục vụ
chúng đã mệt, mà còn phải thường xuyên dọn "chiến trường" của bà.
Khủng khiếp hơn là đêm đêm, bà thường
xuyên dậy đi lại, gọi tên đứa cháu con anh trai trưởng ở xa lơ xa lắc,
giật tung cửa khiến không ai ngủ được. Có đêm bà dậy tới 11-12 lần gọi
tên cháu thì coi như vợ chồng tôi thức trắng đêm. Bất kỳ lúc nào nhớ ra,
bà đều có thể gọi rất to tên một ai đó, có thể là con, cháu, hay hàng
xóm và gọi rất nhiều lần.
Hàng xóm nhà tôi cũng biết bà bị lẫn nên
không chấp sau nhiều lần tôi phải đi xin lỗi, giải thích với họ về tình
trạng của mẹ chồng tôi. Ngoài ra, ở nhà một mình nên khi nào nhớ ra bà
lại xê dịch đồ đạc, lấy chỗ nọ để chỗ kia khiến nhiều phen nhà tôi như
chiến trường, phải sắp xếp lại đồ và cũng không ít lần phải đi tìm đồ từ
đôi dép, cốc chén đến thực phẩm, thức ăn vì bà để lung tung.
Hết lòng với mẹ
Tôi nói như vậy không phải kể tội mẹ
chồng mà chính vì tình trạng bà như vậy, tôi càng thông cảm và thương bà
hơn. Tôi nói điều này là thực lòng bởi tôi biết, bà goá chồng từ rất trẻ
(35 tuổi) mà nuôi được 6 người con, dạy dỗ tạo dựng cho các con được
cuộc sống như hôm nay thật không phải ai cũng làm được.
Hồi trẻ, mẹ chồng tôi từng là người phụ
nữ có nhan sắc, tháo vát, có phần đanh đá. Anh chị em và các cháu nội
ngoại không thể ngờ mẹ chồng tôi, từ một người "oanh liệt" nay về già
lại ra nông nỗi này.
Bà ở với chúng tôi nhiều khi cũng không
tránh khỏi những lúc con cái bực dọc, nhất là khi gần 12 giờ trưa đi làm
về lại phải dọn "chiến trường" mất hàng tiếng đồng hồ hay những đêm thức
trắng.
Thế nhưng trên hết, chúng tôi vẫn hết
lòng với mẹ, hàng ngày tắm rửa cho bà, mắc màn trước khi bà đi ngủ, hay
pha đủ 2 ấm chè tươi mỗi ngày để bà uống (mẹ chồng tôi nghiện uống chè
tươi). Vợ chồng tôi đều nghĩ, mẹ còn sống trên đời đã là may mắn.
Nhiều lúc nhìn mẹ chồng như một đứa trẻ
phải cho ăn, mặc, tắm đến đi vệ sinh (bà còn khỏe mạnh, tự đi lại được),
tôi cũng thấy cám cảnh. Nhưng rồi tôi cứ nghĩ rồi sau này mình cũng là
mẹ chồng, cũng sẽ già và biết đâu trời kia đất nọ mình lại chẳng mắc
phải một căn bệnh nào đó.
Lúc ấy chắc tôi cũng cần yêu thương,
chăm sóc nhiều lắm. Vì vậy mà ngày hôm nay tôi làm cũng chính là hy vọng
để cho ngày sau. Nếu không thực sự yêu thương mẹ chồng, bạn sẽ không bao
giờ có sự đồng cảm. Đó là một thực tế trong cuộc sống này. |