1001 lí do mâu thuẫn mẹ chồng - dâu hiện đại


Theo Dân Trí

Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu chưa bao giờ là câu chuyện mới, thế nhưng lại có vô vàn điều đáng nói. Thời này, con dâu ngày càng quen với cuộc sống hiện đại, mẹ chồng nếu vẫn giữ tư tưởng cũ thì cả hai sẽ thật khó dung hòa.

Con dâu tôi không thích vào bếp

Từ xa xưa người ta đã coi phụ nữ trong nhà là người “giữ lửa”, nghĩa là người phụ nữ ấy phải biết nấu bát cơm ngon canh ngọt cho chồng, cho con. Chính bữa ăn ấy là nơi cả nhà đoàn tụ, quây quần, chia sẻ với nhau sau một ngày làm việc, học tập vất vả.

Nhịp sống hiện đại, những công việc xã hội bận bịu kéo theo hệ quả là nhiều nàng dâu trẻ không biết hoặc không muốn vào bếp - lí do cơ bản dẫn đến xung đột với mẹ chồng.

Hà và Hưng mới lấy nhau không được bao lâu, Hưng đón mẹ từ quên lên ở cùng, cũng là để mẹ và vợ có cơ hội gần nhau hơn.

Mọi chuyện không đơn giản như anh nghĩ. Xung đột giữa hai người phụ nữ nhiều khi làm anh đến đau đầu. Bà Tâm muốn con dâu đảm đang, ít nhất là phải biết vào bếp nấu ăn nên ngày cuối tuần bà thích để con dâu vào bếp “cho quen”.

Công việc của Hà lại khá bận nên cuối tuần cô chỉ muốn nghỉ ngơi, hầu như cuối tuần nào cũng vậy, nếu không cho cả nhà đi ăn hàng thì cô đặt vài xuất cơm hay bún chả… Điều đó làm bà Tâm thật sự khó chịu và thất vọng...

Bà Yến tự hào lắm khi con trai lấy vợ vì ai cũng khen con dâu bà duyên dáng, hiền lành, rằng chúng nó trông rất đẹp đôi.

Ngày giỗ ông nội, khách khứa họ hàng đến đông đủ. Bà bàn với con dâu cùng vào bếp để bà có cơ hội khoe con dâu không chỉ duyên dáng mà còn đảm đang.

Đáp trả lại đề nghị ấy của bà, Loan đi thuê hẳn cả một đội ngũ làm cỗ về. Món ăn ngày giỗ tuy là ngon thật đấy nhưng bà Yến không khỏi băn khoăn về gia đình mới của con trai với những bữa cơm hàng, cơm bụi.

Hầu hết các bà mẹ đều muốn con trai mình lấy được một người vợ đảm đang tháo vát, nấu ăn ngon và khéo léo. Nàng dâu hiện đại với nhược điểm không biết hay không thích vào bếp đã thực sự đánh mất điểm trước mẹ chồng, có khi còn kéo theo những mâu thuẫn, xung đột mà không phải lúc nào cũng dễ giải quyết.

Con dâu tôi đi sớm về khuya

Ngân làm PR cho một tờ báo có tên tuổi. Công việc bận rộn cùng những mối quan hệ xã hội khiến cô phải đi sớm về khuya, gần như không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Điều đó khiến mẹ chồng Ngân không hài lòng. Đã có lần hai mẹ con to tiếng đến nỗi bà muốn ẵm cháu nội về quê chăm sóc.

Cuộc sống hiện đại, phụ nữ ngày càng có vị trí cao trong xã hội và cũng bận không kém đàn ông. Thế nhưng việc không hiểu được vai trò của người phụ nữ trong nhà cũng như không thể điều chỉnh được thời gian giữa công việc và gia đình đã thực sự trở thành mối đe dọa đến hạnh phúc.

Con dâu tôi hay nũng nịu chồng

Chẳng có gì là sai khi thỉnh thoảng phụ nữ nũng nịu chồng, đòi anh giúp cái này giúp cái kia. Nhưng nhiều nàng dâu không khéo đã nhõng nhẽo ngay trước mặt mẹ chồng, gây phản cảm.

Các bà mẹ không thể chịu nổi cảnh con trai mình cặm cụi rửa bát hay giặt quần áo trong khi vợ nó xem tivi. Một cách xử sự khéo léo là nàng dâu cùng chồng làm những việc đó.

Con dâu tôi sạch quá

Bà Ngát vì thương hai con đi làm vất vả, Ngọc lại mới sinh thằng Tí nên bà lên ở cùng. Nhưng hỡi ôi, bà đến đau đầu về cái sự “sạch quá” của cô con dâu.

Ngọc khó chịu ra mặt, thậm chí không khiến bà chăm cháu khi thấy bà mớm cơm cho Tí, giận dỗi với bà vì không tráng bát bằng nước sôi trước khi cho cháu ăn, không ngâm comfort với quần áo của cu Tí, cho cháu lê la trên sàn nhà…

Xung đột giữa hai mẹ con khiến bà dỗi bỏ về quê vì cho rằng “nó chê mồm tao bẩn”, “tao không biết chăm cháu”, “chồng nó, các em nó khỏe mạnh như ngày hôm nay là tự dưng mà có à”…

Nuôi con khỏe, dạy con ngoan thì ai cũng muốn. Đôi khi một chút nhẹ nhàng, khéo léo sẽ khiến được mẹ chồng thay đổi lại không mất lòng bà.

Con dâu tôi ăn mặc “Tây quá”

Bà Lan than phiền về cách ăn mặc “không ra đâu vào đâu” của con dâu: “Nó mặc áo gì mà chỉ cần cúi xuống là cho cả thiền hạ “ngắm nhìn”, quần thì “ngắn không ra ngắn dài chẳng ra dài, ngồi xuống hở đến cả nửa cái lưng”…

Vẫn biết còn đó khoảng cách giữa hai thế hệ, biết rằng quan điểm thẩm mĩ mỗi người mỗi khác, nhưng trên hết, các nàng dâu cho dù hiện đại đến mấy cũng nên tôn trọng lời nói của “các cụ”. Chị em hoàn toàn có thể mặc những bộ đồ vừa trẻ trung lại vừa kín đáo khi xuất hiện trước mặt mẹ chồng.

Con dâu tôi “vung tay quá trán”

Chủ nhật, chị Hương rủ mẹ chồng ra siêu thị. Trong khi chị hí hửng vì có ngày nghỉ cuối tuần ra ngoài cho khuây khỏa thì bà Lý xót ruột ra mặt khi thấy con dâu “vác cả chợ về nhà”.

“Quần áo nó mua cả tá, ở nhà đã cả tủ rồi, làm sao mặc hết mà còn mua…”, “bàn là vẫn dùng được, nó vác về cho ai dùng”… Bà nói chị “bóc ngắn cắn dài”, “vung tay quá trán”, “không biết thương chồng làm chật vật mới ra đồng tiền”. Trong khi chị thút thít cãi lại “có phải mình anh ấy làm ra tiền đâu”.

Con dâu tôi không thích ở chung

Nhiều nàng dâu trẻ vì không muốn xích mích với mẹ chồng, không thích bị “soi” đã nằng nặc đòi ra ở riêng, trong khi tâm lý chung của người già là muốn gần con gần cháu. Chính sự khác biệt về kỳ vọng này giữa hai người phụ nữ lại là khởi nguồn cho những xung đột mới…

Phụng dưỡng cha mẹ là đạo lý của người phương Đông. Đáp ứng đầy đủ cuộc sống vật chất cũng như tinh thần cho người già không chỉ là trách nhiệm làm tròn đạo hiếu của con cái với cha mẹ mà còn là biểu hiện của một nếp sống văn minh thời hiện đại.

Mối quan hệ “xưa như trái đất” cùng những mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu tưởng chừng như chỉ do sự “khác máu tanh lòng” nhưng thực chất không phải vậy.

Đó là do sự khác biệt giữa hai thế hệ, hai quan điểm sống, trên hết là sự thiếu quan tâm chăm sóc, thông hiểu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Một chút yêu thương, một chút thông cảm, sẻ chia sẽ đủ để xây nên một mái ấm gia đình hạnh phúc.

LAN TƯỜNG

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments