Ngay từ thời xa xưa, ông bà ta đã nói đến những
người đàn ông có tướng râu quặp, nổi tiếng “nể vợ” qua câu ca
dao quen thuộc:
Làm trai rửa bát, quét nhà
Vợ gọi thì “Dạ, bẩm bà, tôi đây !”
hay tình cảnh thất thế của một đấng quân tử:
Còn thời cưỡi ngựa bắn cung,
hết thời xó bếp cầm thung bắn ruồi.
hoặc tâm trạng chán chường của người vợ chê
chồng:
Chồng ai đi ngược về xuôi,
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
Cho đến nay, những đàn ông dân tộc “sơ vơ” (sợ
vợ) đã tăng dân số đáng kể, họ không chỉ xuất hiện trong ca dao
dân ca, mà còn ở rất nhiều ban ngành đoàn thể, thuộc nhiều lứa
tuổi và thành phần, từ nông thôn ra chốn thị thành, thậm chí
phải kêu oan ở chốn công đường.
Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến nạn
nhân là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, có một giới nạn nhân khác
chưa được xã hội nhìn nhận đúng mức, đó là đàn ông. Ngày nay,
khi có sức khoẻ thể lực hơn, có khả năng làm ra nhiều tiền hơn,
có cá tính độc lập và tự quyết hơn, một số phụ nữ có khuynh
hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan
hệ, nhằm đạt được những gì họ mong muốn. Bạo lực do phụ nữ gây
ra đang gia tăng, khi cán cân quyền lực trong gia đình và xã hội
đổi chiều so với trước đây.
Cùng với phong trào giải phóng phụ nữ, ngày nay đã xuất hiện
nhiều “bóng hồng” trong các lãnh vực từng là độc quyền của phái
mạnh, và họ chẳng hề thua kém “cánh mày râu” trong việc tấn công
người khác giới.
“Thế gian được vợ hỏng chồng”:
Theo các nhà xã hội học và các chuyên viên tâm
lý, với xu hướng tìm kiếm để bổ sung cho những khiếm khuyết của
bản thân, những người đàn ông hiền lành, kém linh hoạt thường
chọn người bạn đời có cá tính mạnh mẽ, năng động, tháo vát.
Trong đời sống chung với người nhu nhược, những phụ nữ quá mạnh
mẽ có phần nổi loạn, sẽ dễ dàng bực bội và phát sinh mâu thuẫn.
Về lâu dài biến thành những ẩn ức, có thể dẫn đến tình trạng khó
kiềm chế được bản thân, và trở nên mất kiểm soát trong nhiều
tình huống. Những người chồng an phận thường không “có chí làm
quan có gan làm giàu”, thu nhập thấp hơn vợ, thiếu khả năng và ý
chí vực dậy nền kinh tế gia đình, không cáng đáng được chi phí
nuôi các con ăn học, khiến vợ con chịu thua thiệt so với các nhà
cùng mặt bằng giai tầng xã hội. Ngay cả những người chồng có
trình độ và tay nghề cao, mang bản tính thật thà, cả nể vẫn có
thể bị “lép vế” như thường, nếu trót cưới cô vợ cầm tinh sư tử.
Các vụ xung đột gia đình thường bắt đầu bằng cảm
giác không hài lòng “cơm không lành canh không ngọt” và thái độ
lạnh nhạt, coi thường của người phụ nữ, khi người chồng không
biểu lộ cảm xúc và hành động đáng mặt nam nhi, không làm chủ
được tình hình trong những tình huống cần thiết. Sự giao tiếp
đôi bên bị phá vỡ: nhẹ thì người vợ cằn nhằn, trách móc, chê bai
chồng, nặng thì tuyên bố “cấm vận”, chiến tranh lạnh. Người
chồng thoạt đầu chỉ nín nhịn cho nhà cửa “trong ấm ngoài êm”,
dần dần đánh mất vị thế người chủ gia đình và để bà nội tướng
lấn lướt, bắt nạt. Mâu thuẫn tăng dần theo những trận “khẩu
chiến” và người vợ sẵn sàng “dễ dàng, nhanh chóng, mọi lúc, mọi
nơi” xỉ vả, xúc phạm chồng, bất chấp cảm xúc và tính sĩ diện cao
ngút trời của người đàn ông. Sau mỗi lần như thế, nàng lại chủ
động xin lỗi, vuốt ve tự ái của chồng, có khi nước mắt ngắn nước
mắt dài rất tội nghiệp khiến người chồng “bỏ thì thương, vương
thì tội”. Mọi việc cứ thế đâu lại vào đấy. Nhiều quá hóa quen,
người chồng từ bất ngờ chuyển thành bất lực trước những cơn tam
bành của vợ. Sau đó nàng nhanh chóng chuyển sang giật tóc, cấu
véo, tát, cắn, quăng mọi thứ đồ đạc vào mặt chồng, kể cả nước
bọt,… Rồi dần dà lên “đô” theo kiểu đánh mãi quen tay, trở thành
một “nữ võ sĩ” có đẳng cấp.
Nguy cơ bạo hành gia tăng khi người phụ nữ lăng
mạ chồng trước mặt con cái, đe doạ đến mối quan hệ cha con, hoặc
chẳng thèm kiềm chế thái độ hung hăng khi có mặt con cái, họ
hàng thân tộc, người cùng cơ quan, hàng xóm láng giềng. “Bản
lĩnh đàn ông thời nay” khiến các ông chồng lúc nào cũng phải tỏ
ra cứng rắn, quân tử, dù bị vợ đánh cũng ít khi dám lên tiếng
hay tìm sự giúp đỡ. Có anh sau khi “tỏ thái độ” phản kháng còn
bị vợ xử lý nặng tay hơn. Tệ hại hơn nữa, người vợ kéo dài bi
kịch gia đình bằng cách lôi kéo con cái đứng về phe mình, tạo bè
phái, làm ngơ hoặc xúi giục những đứa trẻ tỏ thái độ bất kính,
coi thường, hắt hủi chính cha đẻ mình. Điều này khiến người đàn
ông mất dần tính tự tôn, sự tự tin và đến một lúc nào đó thực sự
nghĩ rằng mình là một kẻ nhu nhược “bất tài vô dụng”, “chẳng làm
nên trò trống gì” và coi tất cả những việc tồi tệ này là do lỗi
của mình.
Những giọt nước mắt khô:
Nhưng chính chút lòng tự tôn còn sót lại đó đã
khiến người đàn ông “sơ vơ” không thể khóc lóc, kể lể chuyện nhà
“như đàn bà”. Họ âm thầm nuốt những giọt lệ đắng chát vào lòng,
chấp nhận “sống chung với lũ, nên lâu lâu phải chịu … lũ quét”.
Sự đay nghiến, chì chiết, kiểm soát tiền bạc,
thời gian, cấm vận tình dục, hành hạ tinh thần, bạo hành thể xác
là các hình thức mà các bà vợ thường sử dụng khi bạo hành chồng.
Một số phụ nữ dùng lời lẽ ngọt ngào, ra vẻ quan
tâm, nhờ vả để dễ bề kiếm soát chồng. Họ có đầy “mưu kế” để đẩy
chồng vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động, “chỉ đâu đánh
đấy”, thậm chí chẳng dám có ý kiến gì trong gia đình và dòng
tộc. Một số phụ nữ coi chồng như bất động sản của mình, ngăn cấm
mọi giao tiếp, quan hệ của chồng với bạn bè, đồng nghiệp. Có chị
đến quậy chồng ở công ty hoặc thưa kiện làm mất danh dự của
chồng. Có bà vợ còn dùng “chiêu” doạ ly dị, giành quyền nuôi con
để gây áp lực với chồng hoặc khủng bố tinh thần bằng cách đập
phá đồ đạc, dọa thắt cổ, uống thuốc trừ sâu tự tử,…
Trong tổng số các vụ phụ nữ tấn công nam giới
thống kê từ 1929-1985, có 95% vụ xảy ra sau thập niên 1970.
Nghiên cứu này cho thấy, trong những thập niên gần đây của thế
kỷ này, nạn bạo hành do phụ nữ là thủ phạm gia tăng nhiều hơn.
Kết quả một cuộc thăm dò 8.000 cặp vợ chồng người
Mỹ trong vòng 10 năm 1975-1985: có 12,4% xô xát trong gia đình
là do vợ tấn công chồng, so với 12,2% là do chồng tấn công vợ.
Có nghĩa là, tỷ lệ phụ nữ tấn công nam giới ngang ngửa với tỷ lệ
đàn ông giở trò vũ phu với vợ.
Một nghiên cứu khác trong giai đoạn 1985-1994,
cho biết con số phụ nữ bị bắt vì sử dụng bạo lực tăng 90%, trong
khi đó con số đàn ông vi phạm tăng 43%.
Ở Việt nam, Bộ Công an cho biết: cả nước cứ
khoảng 2 – 3 ngày có 1 người bị giết liên quan đến bạo hành gia
đình, 80% nạn nhân là nữ, số nạn nhân còn lại là đàn ông. Trong
năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo hành gia đình
(151/1113 vụ, trong đó 39 vụ chồng giết vợ, 16 vụ vợ giết
chồng). Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2006, tỉ lệ này là 30,5%
(26/77 vụ).
Với những con số thống kê trên, người ta tự hỏi
tại sao vấn nạn bạo hành nam giới vẫn chưa được quan tâm đúng
mức? Sau đây là một vài lý do:
• Trong hầu hết các trường hợp, những thiệt hại
thể lý gây ra bởi nam giới thì nhiều hơn, trầm trọng hơn so với
những tổn hại thể lý gây ra bởi phụ nữ. Ảnh hưởng của nạn bạo
hành ngược này ít biểu hiện ra ngoài và cũng ít gợi được sự chú
ý của người khác.
• Phải mất rất nhiều năm để khuyến khích nạn nhân
nữ đối mặt và giải quyết cách hữu hiệu nạn bạo hành gia đình.
Ngược lại hầu như không có gì được thực hiện để khuyến khích
người đàn ông trình báo sự ngược đãi mà họ là nạn nhân.
• Một phần là do ý thức hệ, người ta cho rằng
loại đàn ông bị bạo hành chắc là yếu đuối hoặc không bình
thường. Ý nghĩ người đàn ông có thể là nạn nhân của bạo hành là
điều không thể tưởng tượng nổi với phần đông mọi người, đến nỗi
nhiều người đàn ông đành im lặng cam chịu để giữ thể diện.
• Người ta quan tâm nhiều đến vấn đề bạo hành phụ
nữ hơn vấn đề bạo hành nam giới. Có rất ít đề tài nghiên cứu đề
cập đến vấn đề này.
• Ngay cả khi người đàn ông trình báo mình là nạn
nhân, hầu như mọi người đều kinh ngạc, nên nạn nhân cảm thấy bất
lực vì chẳng ai tin lời mình cả. Những vết bầm dập trên thân thể
người đàn ông thường bị bỏ qua, vì mọi người nghĩ là hậu quả để
lại của trận ẩu đả tay đôi với người đàn ông khác hoặc bị tai
nạn lao động hay va quệt trong khi chơi thể thao. Ai mà tin nổi
phụ nữ vốn “chân yếu tay mềm” lại làm những việc như thế.
• Người đời thường chạnh lòng xót thương khi nhìn
thấy những vết thâm tím trên thân thể người phụ nữ, hơn là những
vết bầm trên mặt người đàn ông, vì những dấu vết đó làm người ta
liên tưởng ngay đến những vụ đàn ông đánh lộn hơn là do vợ gây
ra.
• Đôi khi người ta dường như phớt lờ vấn nạn cho
đến khi có những hậu quả gây chết người nghiêm trọng. Nhiều
thông tin về bạo hành nam giới bị coi là chuyện vặt vãnh được
phóng đại lên.
Vì đâu nên nỗi?
Người đàn ông bị vợ “thượng cẳng chân hạ cẳng
tay” có thể dựa vài lý do rất chính đáng:
1. Bảo vệ con cái: Nạn nhân nam giới thường sợ
con cái sẽ gặp nguy hiểm khi sống một mình với người mẹ thích
bạo hành. Anh ta sợ vợ mình sẽ chia cắt tình phụ tử, khi nói với
con cái rằng cha chúng là một người xấu hoặc cha chúng không yêu
thương chúng. Ở những nước phát triển, nạn nhân nam thường sợ
rằng nếu bỏ đi, họ sẽ chẳng bao giờ được phép gặp lại con lần
nữa.
2. Mặc cảm tội lỗi: Nhiều nạn nhân nam tin rằng
đấy là do lỗi của họ hoặc cảm thấy họ đáng bị đối xử như thế. Họ
mặc cảm về những sự việc chỉ xảy ra cho mình mà những người khác
không bao giờ gặp phải. Họ cảm thấy có trách nhiệm và ảo tưởng
kiểu sau cơn mưa trời lại sáng rằng: cứ cố chịu đựng biết đâu có
thể mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
3. Phụ thuộc (hoặc sợ phải sống tách riêng):
Người đàn ông là nạn nhân của bạo hành bị lệ thuộc về tinh thần,
tình cảm hoặc tài chánh với vợ mình. Ý nghĩ kết thúc mối quan hệ
thường gây cho họ sự lo lắng hay suy nhược về thể chất lẫn tinh
thần. Có thể nói nạn nhân và thủ phạm “nghiện” nhau như một “cặp
bài trùng”, họ sinh ra là để có nhau, đến mức không thể sống
thiếu nhau được.
Người ta thường gọi phụ nữ là phái yếu, phái đẹp
nhưng xem chừng kết quả các công trình nghiên cứu này đã đưa ra
một kết luận: bản năng bạo hành tồn tại ở cả hai giới. Trên thực
tế, sự tàn nhẫn do hai giới gây ra không thua gì nhau. Nếu như
người nam dễ thực hiện hành vi bạo hành vì sự nóng tính, thì bạo
lực do phụ nữ gây ra thường có nguyên nhân phức tạp hơn. Xét về
góc độ xã hội, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội
học Việt Nam, nhận định: Hành vi bạo hành cơ học của nữ giới đối
với nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ngộ nhận về
sức mạnh của bản thân, hoặc cũng có thể do việc không thể giải
tỏa áp lực cuộc sống hằng ngày...
Nhiều thập niên qua, xã hội đã không ngừng nỗ lực
đấu tranh cho sự bình đẳng giới, “nam nữ bình quyền”, góp phần
quan trọng vào sự tiến bộ của nhân loại. Vấn đề bạo hành cần
được nhìn nhận không nằm ở giới tính, mà ở con người. Bạo hành
ngược trong đó vợ hành hạ chồng đủ kiểu là hoàn toàn trái với
luân thường đạo lý, lỗi đạo làm vợ, góp phần tạo ra những đứa
con bất hiếu, vô ơn bạc nghĩa, ngược đãi cha mẹ, những đứa cháu
lớn lên hắt hủi ông bà. |