Để bé không ghen với em


HN
Nguồn: Nature/Dân Trí

Đa số bọn trẻ đều yêu em nhưng sự ghen tị đôi khi biến chúng thành những nhóc con tinh quái sẵn sàng “chơi xấu” em bất cứ lúc nào. Bạn không muốn điều đó xảy ra? Hãy “huấn luyện” con ngay từ khi nhóc sắp lên chức anh/chị.

Trước khi em bé ra đời

* Chuẩn tinh thần “đón em” cho con

3-4 tháng trước khi sinh, hãy nói với con, thật chân thành và thẳng thắn, về sự xuất hiện sắp tới của một em bé nữa trong nhà.

Đây là thời điểm tốt nhất vì bé đã có thể nhận biết những thay đổi: Bụng mẹ đủ to để chứa một em bé trong đó, em bé đang đạp và cử động trong bụng mẹ. Không nên nói sớm hơn vì bé có thể sẽ quên sự kiện trọng đại này.

Song song với việc thông báo, bạn nên giúp con hình dung những thay đổi có thể xảy đến khi em bé chào đời, ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến con (kể cả tích cực và không tích cực).

Động viên con đặt nhiều câu hỏi liên quan đến em và nói cho bố mẹ biết con cảm thấy thế nào. Thường xuyên trấn an con rằng không gì có thể ảnh hưởng đến tình yêu của bố mẹ dành cho con.

* Chơi trò “trang hoàng nhà cửa”

Hãy mời con cùng giúp bạn trang trí, lựa chọn đồ đạc cho phòng em bé. Nếu cần chuyển con sang phòng khác, hãy làm sớm khoảng vài tháng trước khi em bé ra đời, như vậy đứa lớn sẽ không có cảm giác bị “ra rìa”.

* Giải thích những điều sẽ xảy ra

2 tuần trước khi sinh, bạn chuẩn bị trước cho con về sự vắng mặt sắp tới của mẹ. Cùng “thảo luận” rõ ràng với con về những điều sắp đến, vì dù có thể bạn chỉ ở viện 1-2 ngày, nhưng bé vẫn rất buồn và nhớ mẹ.

Nếu có ý định mời người thân, họ hàng, hay người giúp việc đến trông con khi bạn đi sinh, tốt nhất nên đón họ đến ở cùng gia đình trước đó 1, 2 tuần. Nếu được, hãy cho con đến bệnh viện sau khi em bé thứ hai ra đời, để bé có cảm giác mình cũng là phần quan trọng của một “gia đình lớn” từ giờ phút thiêng liêng này.

Khi em bé về nhà

* “Cùng mẹ chăm em nhé!”

Hãy nhờ con mang khăn tắm cho em, “đẩy xe” cho em đi dạo (tất nhiên bạn vẫn là người điều khiển chính). Nếu con bạn muốn được bế em, hãy cố gắng để bé được làm điều đó. Có thể cho con ngồi lên ghế, kê gối ở bên rồi đặt em lên lòng con. Nhớ canh chừng cẩn thận để chắc chắn không có gì nguy hiểm.

Cũng nên xin “lời khuyên” của bé, ví dụ: “Con nghĩ em thích mặc áo nào?”, “Con giúp mẹ kể chuyện cho em nghe được không?”. Bé tuổi chập chững rất giỏi ca hát, nhún nhảy, diễn tả điệu bộ khuôn mặt, và quan trọng là bé cực kỳ hứng thú với công việc làm cho em cười. Hãy động viên con mỗi khi màn trình diễn của con được vị “khán giả nhí” hưởng ứng: “Nhìn xem, em đang cười toét với anh/chị kìa…”

Trường hợp bé không muốn giúp, bạn cũng đừng thúc ép. Một số trẻ thích “lờ tịt” em đi, ít ra là cho đến khi chúng không thể làm ngơ thêm được nữa. Đừng bắt con làm gì khiên cưỡng, chỉ nên thỉnh thoảng vờ “nài nỉ” bé giúp mẹ chăm em.

* Bù lấp

Khi có em, đứa lớn thường hay ghen tị, đó là chuyện bình thường, bởi bỗng nhiên nó phải chia sẻ tình yêu của mẹ với “kẻ lạ mặt” trong nhà. Kẻ lạ mặt ấy lại còn chẳng biết điều, ngốn hết phần lớn thời gian của mẹ.

Bạn đừng trách mắng, hãy bù lấp cho bé bằng cách tranh thủ chút thời gian ít ỏi cùng bé vẽ hay chơi xếp hình. Có thể nói với con: “Mẹ hiểu rằng con đang ước mẹ đừng dành nhiều thời gian đến thế cho em bé…”.

Nếu buổi tối bé con đi ngủ sớm hơn anh/chị, hãy tạo khoảng thời gian dành cho đứa còn lại. Bạn sẽ đọc sách, chơi game hoặc cùng xem album ảnh với con. Cho con xem hình con hồi nhỏ, nói với con rằng hồi đó con cũng như em bé bây giờ, rất cần được bố mẹ chăm sóc.

Dạy cho con biết một đứa trẻ ngoan sẽ như thế nào trong cách đi đứng, nói năng, và tự chơi một mình. Điều này sẽ giúp con bạn biết nhường nhịn em hơn.

* Xử lý khi bé đánh em

Đừng ngạc nhiên nếu đứa con lớn của bạn đánh hay ném vật gì đó vào em. Nếu đủ lớn, nhóc sẽ còn làm việc này “tinh tế” hơn bằng cách làm ra vẻ như đó là một “tai nạn” vô tình.

Đây là hành vi bình thường và không khó để nhận ra. Hãy ngăn chặn từng bước một. Những lúc chỉ có bạn và con, hãy động viên bé thổ lộ những cảm xúc giận dữ, ghen tị. Nói cho bé hiểu có cảm giác như vậy không có nghĩa là bé hư, nhưng vì những cảm giác đó mà đánh em thì chắc chắn là không chấp nhận được.

Khi bé đánh em, bạn không nên chế giễu hay đét đít bé, làm vậy bé sẽ “trả thù” em khi không có mặt mẹ. Cách tốt nhất, hãy nói ngay: “Con làm vậy là xấu. Em bé có đánh con đâu, và con lớn hơn em cơ mà”. Cho bé thời gian để suy nghĩ về hành động của mình.

Bởi bé chưa thể chấp nhận ngay những lời dạy của mẹ, tốt nhất trong vài tuần sau đó bạn nên “đề phòng”, để mắt đến đứa con nhỏ, cất hết những vật sắc, nặng đề phòng đứa lớn đánh em. Cố gắng không cho đứa lớn thấy sự đề phòng này, tránh cho nó nghĩ mình không được bố mẹ tin tưởng.

* Ngăn chặn sự ganh đua

Đừng bao giờ so sánh, ví dụ: “Sao con không ngoan được như em nhỉ!”. Thay vào đó, hãy cố gắng nêu bật những điểm mạnh riêng biệt của mỗi đứa con bằng lời khen tích cực. Khen cả hai con cùng một lúc, không bên nào hơn bên nào, ví dụ: “Ồ, tối nay chẳng có ai làm vãi cơm ra sàn cả”.

* Giao nhiệm vụ cho cả hai

Hãy tìm cơ hội khiến hai đứa trẻ phải “hợp tác” với nhau để hoàn thành một mục đích công việc. Ví dụ bạn bảo các con cùng xếp đồ chơi vào giỏ, giúp nhau chuẩn bị áo quần đi chơi công viên.

Khi các bé chơi cùng nhau, hãy bảo đảm rằng trò chơi không mang tính ganh đua, ví dụ để bé chơi “nấu cơm”, chơi “bán phở”, chơi trò bác sĩ khám bệnh hay chơi làm cô giáo.

* Dạy con tự giải quyết xung đột

Sẽ không thể trông đợi ở các con nhiều vì trẻ nhỏ chúa là hay chành chọe, nhưng bạn có thể khuyến khích chúng lắng nghe nhau và tự tìm giải pháp cho riêng mình, ví dụ: “Nếu các con không thể ngừng tranh giành đồ chơi thì tốt nhất là mỗi đứa ra một góc”.

Thể nào chúng cũng lại thấy “nhớ” nhau và đứa này tò mò không biết đứa kia đang làm gì. Khi ấy bạn đừng tiếc lời khen khi thấy hai con có thể dàn xếp chơi với nhau trong hòa bình ổn thỏa.

* Cách ly khi cần thiết

Sẽ có những giai đoạn bọn trẻ chơi với nhau rất ngoan nhưng đến lúc lại chí chóe suốt cả ngày. Vào thời điểm “hỗn loạn” ấy, tách bọn trẻ ra là biện pháp hữu ích. Đó là lý do bạn cần bổ sung vào lịch của các con “ngày của bố” và “ngày của mẹ”. Trong những ngày đặc biệt này, đứa lớn sẽ chơi riêng với bố trong khi đứa nhỏ chơi với mẹ hoặc ngược lại.

* Ngăn chặn con mách lẻo

Nếu đứa con lớn bắt đầu xán lại chỗ mẹ và leo lẻo: “Mẹ ơi, em vừa kéo đuôi mèo”, bạn hãy nói với con rằng “mẹ không quan tâm đến chuyện em bé đang làm gì, nhưng nếu con muốn tâm sự những việc con làm thì mẹ sẵn sàng nghe”. Bạn đang tỏ rõ cho con thấy mình không ngồi đó nghe chúng mách lẻo để đưa nhau vào phiền toái.

Song cũng nên chỉ ra một ngoại lệ: Bạn sẽ lắng nghe ngay lập tức nếu một trong hai đứa gặp rắc rối, bị đau hay làm người khác đau
.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments