Có những khi bé lẩn trốn ánh
nhìn của bạn, bé nấp vào sau ghế, tủ tìm kiếm sự riêng tư, bé
mút ngón tay, kéo áo lên trùm mặt v.v. Mọi chuyện chưa hẳn là
ngẫu nhiên, bé đang cố gắng nói vài điều với bạn đấy.
Bé không nhìn vào mắt bạn
Có thể hiểu là: “Con đang bối rối”

Khi em bé chuyển hướng nhìn, bé đang muốn nói với bạn rằng bé
mệt rồi, bé không muốn làm trung tâm của sự chú ý nữa.
Tầm 2 tuổi trở đi, lúc này bé đã phát triển các cảm xúc về ý
thức bản ngã, việc bé tránh ánh nhìn của bạn cũng gần giống như
là bé đang xấu hổ, cảm giác ngượng ngập khi có lỗi. Ví như khi
bé biết là bạn giận vì bé lại giật gấu Teddy của em.
Th.S, chuyên gia tâm lý Kristin Lagattuta, Trung tâm nghiên cứu
não bộ và ý thức ĐH California cho rằng: “Khi bé từ chối nhìn
vào mắt bạn, điều đó có nghĩa bé nhận ra rằng hành động nào đó
của mình có thể làm cho cha mẹ thất vọng”.
Phản ứng của bạn:
Cho bé biết rằng bé đã làm sai bằng những câu đơn giản, ngắn gọn
như: “Chúng ta không xé sách”, “chúng ta không đẩy bạn”, rồi mở
đường cho bé khắc phục hậu quả bằng một việc làm đúng đắn như đi
dán lại trang sách bị rách hoặc ôm bạn vừa bị đẩy ngã để làm
hòa.
Cách đó, bạn đã cho con thấy: Mọi người đều có lúc phạm lỗi,
quan trọng là làm gì tiếp theo để khắc phục hậu quả.
Bé muốn mang các bạn thú nhồi bông vào giường ngủ
Có thể hiểu là: “Con sợ”.
Không lâu trước đó bé còn ôm chăn ngủ ngon lành, thế rồi bỗng
dưng một ngày bé muốn mang tất cả các bạn cún, thỏ, cá sấu, vịt
bông v.v. vào ngủ cùng, ấy là vì đến tuổi này, bé đã bắt đầu
phát triển trí tưởng tượng.
Bé bắt đầu gặp những cơn ác mộng, bé hình dung đến những con
quái vật trong câu chuyện được nghe... Bé thích mang những đồ
vật thân thương vào ngủ cùng để cảm thấy yên tâm, nhất là khi
giữa đêm bé có lỡ thức giấc.
Phản ứng của bạn:
Ở lứa tuổi này, những tưởng tượng của bé gần như là rất thực.
Bạn không thể thuyết phục bé rằng không có con quái vật nào núp
trong tủ, vì bé sẽ cho rằng bạn không nhìn thấy.
Do đó, hãy để bé “trang bị” quanh mình bất kỳ điều gì bé thích.
Nếu bạn sợ những con thú nhồi bông có thể làm bé ngạt hoặc rơi
xuống đất, hãy đưa ra sự lựa chọn cho bé tự quyết định: “Hôm nay
con sẽ ngủ với 3 bạn thú nhồi bông, một món đồ chơi, 2 quyển
sách truyện, con chọn gì nào?”.
Bé kéo áo trùm lên đầu khi gặp người lạ
Có thể hiểu là: “Con lo lắng”
Người lớn khi lần đầu tiếp xúc với những gương mặt mới có thể tự
trấn an mình: “Mở rộng quan hệ bao giờ cũng tốt. Người phụ nữ
kia trông rất dễ gần, mình sẽ đến bắt chuyện với cô ấy”, rồi bạn
có thể sẽ tiến đến cùng ly rượu trên tay để khỏi cảm thấy lóng
ngóng.
Nhưng các em bé chưa đủ trưởng thành để tự kiềm cơn lúng túng.
Bé chỉ biết “hòa hiệp” với tình hình theo cách rất bản năng. Một
vài bé gặm gấu áo, giật giật ống quần trong khi số khác bám thật
chặt chân bố/mẹ, mút ngón tay hoặc giấu mặt vào đâu đó.
Phản ứng của bạn:
Hãy nhẹ nhàng đưa bé ra khỏi vỏ ốc. Trẻ con bao giờ cũng nhìn
theo cha mẹ để tìm kiếm cách phản ứng trong mỗi tình huống mới.
Bạn nên thả lỏng vai, mỉm cười và nói “chào anh/chào chị” với
người mới xuất hiện, tặng cho bé cái siết tay làm bé yên lòng.
Như thế bé sẽ biết xung quanh đang rất an toàn và thân thiện.
Sau đó, hãy cho bé thời gian để làm quen.
Bé nấp sau ghế/tủ khi “bĩnh” ra bỉm
Có thể hiểu là: “Con cần chút riêng tư”
Hành động phổ biến này ám chỉ 2 điều: Thứ nhất, cảm giác “buồn”
cho bé hiểu tình thế “cấp bách” rồi và sắp có cái gì đó chui ra
bỉm của bé. Thứ hai, bé đã quan sát và biết người lớn cũng làm
chuyện này rất “riêng tư”.
Đây là 2 dấu hiệu tích cực cho thấy đã đến lúc bé không cần dùng
bỉm nữa. Song dấu hiệu rõ ràng nhất chính là bé đòi thay bỉm
ngay lập tức. Nếu em bé nhà bạn vẫn không cảm thấy phiền hà gì
lắm khi ngồi trên cái bỉm dơ, điều đó có nghĩa là bạn chưa nên
thả bỉm cho bé.
Hầu hết các bé sẽ thích được sử dụng toilet như người lớn ở tuổi
2-3.
Phản ứng của bạn:
Rất nên khuyến khích bé tìm kiếm góc “riêng tư”, nhưng hãy lái
hướng cho bé vào toilet. Chỉ cần dạy bé vào phòng thích hợp đã
là một bước tiến rồi, không nhất thiết phải bắt bé ngồi bô.
Bé nói “mẹ của em chứ” khi bạn bế đứa trẻ khác
Nên hiểu là: “Hãy chú ý hơn đến con”
Bé bám riết lấy bạn có thể là dấu hiệu cho thấy bé cảm nhận rằng
mình chưa được nhận đủ sự quan tâm từ mẹ, đặc biệt khi bạn vừa
đi làm cả ngày về hoặc mới sinh thêm em bé.
Tính sở hữu ở trẻ lên 2 nhiều khi khiến người lớn bực mình, lúc
nào cũng “của con, của con”, song đó thực ra là một dấu hiệu
tốt, nó cho thấy bé đã ý thức được mình là ai với tư cách một
con người. Giai đoạn này, bé gắn liền với điều quý giá nhất với
mình, thông thường đó là mẹ.
Phản ứng của bạn:
Hãy ôm con rồi nói tất nhiên bạn là mẹ của bé và bạn yêu bé. Có
thể coi đây là khoảnh khắc dạy nhanh cho bé một bài học về chia
sẻ: “Mẹ là mẹ của con, không phải mẹ chị Cún, nhưng mẹ vẫn nên
tốt với các em bé khác và chào em bé chứ”. |