Đòn roi đã khiến con chai lòng


Theo KTĐT
 

'Giận cá chém thớt', trút giận lên trẻ luôn xảy ra những hệ lụy đáng buồn.

Theo một khảo sát gần đây, trong số gần 1.400 người được hỏi, có đến một phần tư cho biết thường xuyên đánh, mắng con, gần 70% thỉnh thoảng có làm việc này. Đáng tiếc, không ít đứa trẻ bị đánh chửi quá nhiều lần và vô căn cứ, trở nên sợ hãi khi đứng trước bố mẹ.

Đây đang trở thành một hiện tượng bệnh lý, lúc nào trẻ cũng có cảm giác mình bị chà đạp, bị bỏ rơi.

“Giận cá chém thớt”

Một người phụ nữ tâm sự, chị không hiểu sao tình yêu của đứa con dành cho chị ngày một nhạt đi, nhất là từ ngày chị mất việc. Cuộc sống nhiều lúc mệt mỏi, bực tức, không kìm chế được chị trút cơn giận lên đứa con. Có khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ như cháu làm đổ cốc nước, làm rơi mấy hạt cơm ra áo… chị cũng hầm hầm quát: "Ăn uống thế à. Tao đập cho mày một nhát bây giờ", rồi vớ được dép, cái thước là chị phát vào mông con. Những trận đòn, trận chửi mắng vô cớ cứ kéo dài làm con bé sợ hãi khi đứng trước chị, nó giật mình thon thót mỗi lúc chị nói to.

Với không ít người, đánh mắng con trở thành một cách để thỏa mãn cơn tức giận, hay coi đó là cách để khẳng định quyền lực với con cái hoặc do không biết cách kỷ luật theo hướng tích cực. Từ bé, hễ làm chuyện gì không đúng, phạm lỗi dù nhỏ, Hùng đều bị mẹ mắng chửi thậm tệ. Khi lớn lên một chút, Hùng thấy ghét mẹ vô cùng, bởi mẹ cậu hễ cứ nhìn thấy mặt Hùng đâu bà lại không tiếc lời mắng nhiếc những câu rất thậm tệ... Tinh thần bị tra tấn khi sống trong môi trường ấy, khiến Hùng khép kín mình lại, tránh thật xa mẹ.

Các ông bố, bà mẹ đánh đập con vì nhiều nguyên nhân: Do trẻ không nghe lời, do công ăn việc làm bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn... nên họ đã “giận cá, chém thớt”. Hậu quả để lại là có thể bé bị oan, lỗi nhỏ nhưng phải chịu hình phạt lớn; bé hoảng sợ và xa lánh cha mẹ; cách dạy dỗ của phụ huynh không đem lại hiệu quả… Điều mà trẻ học được từ những trận đòn của cha mẹ lại là những bài học xấu, rằng nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết.

Và những điều không nên có

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, đánh, mắng con trẻ có thể khiến các em bị đau, nhưng điều quan trọng hơn cả là chấn động về tinh thần, tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách, tâm lý và tình cảm của trẻ. Nhiều em bị rối loạn trầm cảm, sợ bố mẹ. Thông thường tâm lý sợ hãi cha, mẹ ở trẻ không có biểu hiện rõ ràng. Nhưng cá biệt cũng có trẻ có biểu hiện rõ rệt bị chấn động thần kinh, đêm ngủ toàn khóc thét, nhiều khi giật mình đập thình thịch xuống giường. Nhiều trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm lầm lì, ít nói, đi học về chỉ ở trong phòng. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay, mà dần hình thành trong cách ứng xử khi trẻ trưởng thành.

Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con, giúp con nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn thành phương tiện để cha mẹ trút giận là điều nhiều chuyên gia khuyên. Điều cần nhất khi cha mẹ dạy dỗ còn là tấm gương của chính cha mẹ hàng ngày, sự nghiêm khắc và tình cảm dành cho con đúng mực. Thực tế cho thấy, trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược và không vâng lời, trong khi trẻ được yêu thương và dạy bảo với thái độ nghiêm khắc đúng lúc, đúng chỗ lại ngoan hơn.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments