VÔ TUYẾN TRUYỀN HÌNH và GIA ĐÌNH 


Ferrero Bruno

Một trong những câu chuyện thần thoại khoa học kể lại như sau :

Có hai nhà thám hiểm từ một hành tinh khác bị rơi lạc xuống mặt đất. Khi trở về họ được người của trái đất tặng cho một cái vô tuyến truyền hình. Hai nhà thám hiểm vui mừng nói:

- Chúng tôi không bắt được tù binh nào của trái đất cả, nhưng chúng tôi đã bắt được một trong những thần tượng tai hại của loài người. Đó là cái vô tuyến truyền hình này.

Các bạn thân mến, mỗi lần đề cập đến vấn đề vô tuyến truyền hình trong gia đình, ít khi tránh khỏi được những đụng chạm, mất lòng và bất đồng ý kiến, về thời giờ, về việc chọn lựa các kênh và những chương trình tùy theo sở thích khác nhau. Cuối cùng, vô tuyến truyền hình vẫn được coi như con dê chạy tội và phải gánh chịu mọi lỗi lầm của người khác. Có những nơi việc kiêng tránh không xem vô tuyến truyền hình được coi như một thứ ăn chay hãm mình trong mùa chay, ngang hàng với việc nhịn ăn nhịn uống.

Vào thời đại chúng ta không mấy ai lại không biết đến vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình là gì. Có kẻ chê, người khen, không thiếu chi những người miệt mài tới mức nghiện ! Thế rồi, tối đến, ai cũng thích ngồi nghỉ trên chiếc ghế nệm salông và thoải mái xem vô tuyến truyền hình.

Vậy cần nên xem vô tuyến truyền hình với thái độ nào ? Xin gửi đến các bạn những đề nghị và nhận xét tích cực sau đây:

1. Tai hại của vô tuyến truyền hình không những chỉ vì những gì nó làm, nhưng hơn nữa là vì những gì nó không làm cho người ta làm.

Thử hỏi bầu khí gia đình sẽ ra sao khi không có vô tuyến truyền hình ?

Tiếc thay một số đông các gia đình có quan niệm rằng gia đình đoàn tụ là gia đình quây quần trước màn ảnh để xem vô tuyến truyền hình, chứ không phải để chuyện trò, trao đổi, hiểu biết nhau.

Trong quá khứ, các phần tử trong gia đình quây quần chung quanh những bậc lão thành khôn ngoan như ông bà, cha mẹ, để được chỉ dạy, và để chuyển đạt những giá trị căn bản thiết yếu cho cuộc sống. Ngày nay hướng đi đã đảo ngược. Con cháu chuyển lại cho ông bà, cha mẹ thứ văn hóa hưởng thụ và những giá trị giả tạo mượn từ vô tuyến truyền hình.

Không thể nói rằng, vô tuyến truyền hình làm thương tổn mối liên hệ gia đình. Nếu thật đúng như vậy, thì chỉ cần tắt vô tuyến truyền hình cũng đủ để tái lập bầu khí thân mật và sự liên hệ gia đình. Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Nó là hậu quả tai hại của sự thiếu vắng chân giá trị, là điểm gặp gỡ chung của người thuộc mọi lứa tuổi, mọi thời đại. Vì thế, một khi những chân giá trị đó không còn nữa con người sẽ lạc lõng bơ vơ, mất liên hệ với nhau.

2. Cần huấn luyện con em và các bạn trẻ, không chỉ xem vô tuyến truyền hình, nhảy từ kênh này qua kênh khác, đổi từ chương trình này sang mục kia, chỉ để giết thời giờ, nhưng phải biết tập thói quen theo dõi hết một chương với tinh thần kỷ luật và với óc phê phán để nhận ra được giá trị, chiều sâu của nó. Biết theo dõi các chương trình vô tuyến truyền hình một cách tích cực như thế là phương cách hữu hiệu, vừa để học hỏi, mở mang kiến thức, vừa để giúp giải trí cách khôn ngoan nữa.

3. Các bạn trẻ cần có một địa bàn để vạch định hướng đi. Thường các bạn trẻ cũng như các trẻ em không chỉ hài lòng với những chương trình được thực hiện cho lứa tuổi của các em mà thôi. Hơn nữa, tính hiếu kỳ của các em rất mạnh, nó thúc đẩy các em tò mò tìm xem các chương trình dành riêng cho những người lớn tuổi và trưởng thành nữa. Nói cách khác đi, các em xem tất cả, và muốn biết hết mọi sự, để rồi thu tập được một số hình ảnh hỗn độn, một số kiến thức làm xáo trộn tâm thần. Vì lý do đó, các em cần được người hướng dẫn để tập suy xét, tập phán đoán, chọn lựa, phân biệt điều phải, điều trái, cái đẹp cái xấu, chân giá trị và những giá trị giả tạo.

4. Giúp các bạn trẻ quân bình hóa ảnh hưởng của quảng cáo tiêu thụ và hưởng thụ. Đó là một thứ ngôn ngữ rất dễ đầu độc tâm hồn, bởi vì nó không xuyên qua bình diện lý trí, nhưng ngấm ngầm ăn sâu vào trong lãnh vực tình cảm như chất độc khó giải tỏa. Hình ảnh và âm thanh của nó ẩn hiện trong tiềm thức như một thứ chương trình kéo dài hạn.

5. Duy trì sự tiếp xúc trực tiếp với thực tế. Hồi năm ngoái tại Italia đã xảy ra những cái chết thật oan uổng. Lý do là vì các bạn trẻ đã bắt chước lối hành động của phim ảnh. Trong phim, người ta bắn nhau, nhưng không ai chết, người thắt cổ trên cành cây cột nhà, nhảy từ trên lầu cao xuống mà vẫn không can chi. Và như thế, các em cũng bắt chước thử nghiệm những gì đã xem thấy trong phim. Phim ảnh đã làm cho các em ra mù quáng, không còn biết phân biệt đâu là thực tế và đâu là chuyện hoang đường nữa. Đầu óc các em bay bổng trong tưởng tượng như ở trên mây!

6. Cần huấn luyện các em khám phá ra sự hứng khởi tinh thần qua việc tích cực hành động, chứ không chỉ thụ động ngồi xem mà thôi. Phải công nhận rằng, con người phát triển cách toàn diện khi phát triển đầy đủ tất cả các giác quan. Như lương thực được biến đổi và tan hòa trong máu để nuôi dưỡng cả cơ thể, cũng vậy việc xử dụng tất cả các giác quan, từ cảm giác, hương vị, hình ảnh, âm thanh đều là như lương thực vô hình nhưng rất căn bản trong việc phát triển tư tưởng, suy nghĩ, trí nhớ và tình cảm của con người. Để lớn lên, phát triển đầy đủ và đạt được sự an bình tâm thần, trẻ em cần được dịp sờ mó, chơi nhảy, tháo ra, ráp lại, làm hư hỏng để rồi sửa chữa lại, cần phải có dịp thưởng thức vẻ đẹp, cảm nghiệm được điều hay cái tốt, để mài dũa óc sáng tạo qua hành động và việc làm, thay vì chỉ trở thành người chuyên môn trong nghề thụ động ngồi xem, để rồi càng ngày càng trở nên xa lạ với thực tại.

7. Sau cùng, kinh nghiệm cho thấy vô tuyến truyền hình không thể nào hoàn toàn thay thế được trường học hoặc có thể giải tán các thầy giáo. Đồng thời học đường cũng không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước sức hấp dẫn của màn ảnh vô tuyến truyền hình và ảnh hưởng ngấm ngầm ăn sâu trong tâm hồn cũng như trong não trạng của tuổi trẻ. Ảnh hưởng của vô tuyến truyền hình phải là lý do thúc đẩy các phụ huynh và các nhà giáo dục xét lại vai trò và trách nhiệm của mình. Có thể nói được rằng vô tuyến truyền hình cung cấp cho tuổi trẻ vô số những màu sắc đủ loại, đủ cỡ, nhưng trách nhiệm của cha mẹ và các nhà giáo dục là hướng dẫn các em biết tận dụng những màu sắc đó để làm thành một bức tranh có hình ảnh rõ ràng, là giúp các em biết đặt mỗi màu sắc cho đúng chỗ của nó. Nói cách khác đi, huấn luyện tuổi trẻ biết suy nghĩ, biết chọn lựa theo bậc thang giá trị đúng đắn và biết hành động phù hợp với những giá trị ấy, đó chính là những mục đích khẩn thiết nhất của vấn đề giáo dục gia đình trong xã hội ngày nay, dưới mọi bầu trời.

---------

Cf FERRERO Bruno, Il caro intruso in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC

 (1997) p. 60-63.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments