TRÁNH XUNG ĐỘT


Lm. Lê Văn Quảng
 

Bất cứ một tình huống nào không mấy tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái đều đến từ cả hai phía. Sự rối loạn là kết quả của sự xung khắc giữa hai bên. Nếu một bên rút lui, bên kia không thể tiếp tục. Nếu bố mẹ rút lui khỏi chiến trường, đứa trẻ sẽ không còn đối tượng để chiến đấu, cũng như để chiến thắng. Không còn ai để làm chủ. Cánh bườm đã rút lui khỏi gió. 

Mỗi buổi tối vào lúc 7 giờ rưỡi trận chiến thường xảy ra. Cu Nguyên 4 tuổi là kẻ luôn gây chiến.

- Nguyên, đi ngủ! Đã đến giờ rồi, bà mẹ gọi.

- Chưa, con chưa buồn ngủ, cậu bé trả lời.

- Nhưng đã đến giờ đi ngủ rồi.

- Chờ một chút, sau khi con sơn xong bức tranh đã.

- Con đi ngay bây giờ. Con có thể làm tiếp ngày mai. 

Trong lúc bà mẹ cố gắng thu dọn, cậu bé hét lên và gom những cây bút chì màu vào khủy tay, không cho mẹ thu nhặt. Bà mẹ do dự, không muốn đánh, liền bảo:

- Được, con làm xong đi.

Cu bé chú tâm vào sách, mỉm cười ở khóe miệng. Bà mẹ ngồi xuống giường chờ đợi. Cây bút chì của nó di chuyển càng lúc càng chậm. Bà mẹ không kiên nhẫn được nữa.

- Con không được kéo dài ra đó. Nào, hãy làm cho xong ngay.

- Con muốn làm nó thật đẹp. Con phải làm cẩn thận, cậu bé đáp lại.

Bà mẹ chờ một chặp, rồi sau đó bắt đầu thu dọn những cây bút chì không cần dùng nữa. Cậu bé phản đối. Bà mẹ lại nhấn mạnh. Cậu bé để bà mẹ thu dọn, và chọc bà bằng cách giữ lại hoặc giả vờ làm mất một vài cây. Một khi mọi sự được thu dọn xong, cậu bé tìm cách khác để nán lại. Nó kéo dài giờ trong nhà tắm, chơi trên giường, hoặc đi uống nước. Cuối cùng, bà mẹ kéo nó vào phòng, đoạn bà trở lại phòng xem tivi. Một ít phút sau, cậu bé dậy và đi ra nhà tắm, và rồi muốn hôn một cái hôn trước khi đi ngủ. Vào 9 giờ tối, nó vẫn còn động đậy. Bà mẹ nổi giận và đập cho. Cu bé khóc to. Ông bố đến cữa và rầy mẹ nó.

- Mẹ không thấy lý do tại sao con cứ phải làm như vậy mỗi tối. Nguyên, câm miệng lại! Leo lên giường và ngủ đi. 

Cuối cùng mọi sự yên tĩnh.

Mục đích của cu bé là xem ai là kẻ có quyền hành? Nó cho thấy khả năng của nó và đưa mẹ nó đi vào cuộc chiến. Nó càng được củng cố để tin vào sức mạnh của riêng nó bởi chính mẹ nó, người cố gắng áp đặt nó nhưng rồi lại nhường bước. Cậu bé nên đi ngủ. Nhưng bà mẹ không biết cách làm cho nó đi.

Có nhiều cách để giải quyết vấn đề nầy. Một là rút lui khỏi tình trạng xung đột. Chẳng hạn, người mẹ và người cha có thể đạt được thỏa thuận như làm một cái gì. Sau đây là một trong số những trường hợp đó. Chúng ta hãy xem nó ra thế nào?

Suốt giờ chơi buổi chiều, bà mẹ nói với cậu bé Chính:

-  Tám giờ tối là giờ đi ngủ. Mẹ sẽ nói cho con khi đến giờ đi tắm. Bố và mẹ sẽ nói với con “chúc ngủ ngon” lúc tám giờ. Sau đó, bố mẹ sẽ không còn quan tâm điều mà con làm. 

Lúc bảy giờ rưỡi bà mẹ bắt đầu chuẩn bị nước tắm và gọi nó. Cu bé trả lời:

- Con muốn chơi một chút nữa

- Nước tắm đã sẵn sàng, bà mẹ đáp lại và đi vào phòng đọc báo. 

Tám giờ, bố và mẹ đi vào phòng của cậu bé. Cậu bé vẫn còn chơi.

- Chúc con ngủ ngon, cưng của bố.

Ông bố bồng nó lên, ôm hôn nó, và nói:

- Gặp lại con vào buổi sáng. Chúc con ngủ ngon. Cưng nhé! 

Bà mẹ cũng hôn nó. Bố mẹ trở lại phòng đọc báo và mở tivi.

- Nhưng con chưa có tắm. Cu bé la lên và chạy vào phòng tivi. 

Bố mẹ hành động dường như cậu bé đã buồn ngủ. Cậu bé leo lên đùi mẹ và thỏ thẻ với mẹ:

- Con muốn tắm, mẹ ơi!

- Anh ơi! Chúng ta rang một ít hột bắp, bà mẹ vừa nói vừa đứng dậy để cho cậu bé chùi xuống khỏi vế bà. 

Cậu bé làm mọi sự mà nó nghĩ ra để lôi kéo sự chú ý. Cậu bé hét lên, nhảy cững, kéo chân bố mẹ nhưng không có kết quả. Cuối cùng nó đi vào phòng và thay đồ ngủ. Đoạn nó trở ra xin bố mẹ cột cho đồ ngủ. Bố mẹ say sưa coi tivi và hành động dường như nó đang ở trong phòng và đang ngủ ngon. Chín giờ rưỡi, cậu bé leo lên giường mà không ai giúp cả, với bộ đồ ngủ không cột, nó khóc một mình rồi ngủ yên. 

Bố mẹ rất cứng rắn. Họ đã nói lời “chúc ngủ ngon” và rồi chỉ có trách nhiệm đối với điều mà họ sẽ phải làm. Họ rút lui và để cậu bé nơi chiến trường. Cu bé cố gắng làm cho bố mẹ dấy mình vào cuộc chiến. Nó muốn đánh động lòng thương xót của bố mẹ bằng cách khóc. Nhưng bố mẹ vẫn giữ vững cứng rắn. Cách huấn luyện mới đã bắt nó thay đổi từ căn bản sự quan hệ của đứa trẻ với bố mẹ và trật tự. Đêm hôm sau, cậu bé sẵn sàng cho mẹ tắm và hai mẹ con cùng chung tận hưởng nửa giờ đồng hồ với nhau. Tám giờ tối, bố mẹ đưa cậu bé vào phòng, chúc cậu ngủ ngon và rời phòng nó. Nếu một ít phút sau đó, đứa bé ngồi dậy và đi vào phòng tắm, đòi uống nước và đòi hôn nữa, bố mẹ nên hành động như thể nó đã đi ngủ. Bấy giờ nó sẽ đi trở lại vào phòng ngủ. Chỉ trong vòng một tuần, cậu bé chấp nhận tám giờ tối là kết thúc ngày của nó để đi ngủ.

Một cách khác để tránh sự tranh chấp quyền hành là giữ thái độ cứng rắn và yên lặng trong khi đưa cậu bé 4 tuổi đi vào, không cần nói gì cả, nắm tay nó vào giờ thích hợp, giúp nó cởi đồ, và tắm cho nó, nhưng phải ý tứ khi nó quậy; sau đó, cho nó vào giường và khóa cữa lại. 

Cô bé Mai Lan 3 tuổi rưỡi chạy vào bếp trong lúc má nó đang nấu đồ ăn tối, nói:

- Má mi, con muốn uống nước, cô bé lè nhè.

- Không được lè nhè nhé! Không cho con gì cả cho tới khi con biết xin cách lịch   sự.

Cô bé càng lải nhải hơn:

- Nhưng con muốn uống nước.

- Mẹ không chịu được sự lè nhè như thế. Con phải ngưng ngay nhé! 

Cô bé vẫn nhè, ôm chân mẹ và dấu mặt.

- Con có muốn xin cách lịch sự không?

- Cho con uống nước mẹ! Cô bé vẫn lè nhè.

- Đây cho con. Bà mẹ đi lấy nước. 

Chúng ta đã được nghe nói: tất cả mọi đứa trẻ đều muốn lè nhè. Chúng ta đã được khuyên phải kiên nhẫn và chúng sẽ lớn lên. Tuy nhiên, không cần thiết phải chịu lải nhải mãi. Cô bé cho thấy sức mạnh làm điều nó muốn. Bà mẹ ra lệnh: ngưng ngay. Nhưng cô bé vẫn tiếp tục và bà đã nhân nhượng. 

Đó là điều chúng ta có thể làm. Chúng ta có thể từ chối đáp lại cái đòi hỏi lè nhè của đứa bé. Nhưng chúng ta phải rút lui, mà không nói. Chúng ta chắc chắn phải nhường nếu đứng ở đó như một mục tiêu đã sẵn để bị tấn công. Bà mẹ phải từ từ huấn luyện. Bà có thể tắt bếp ga và đi vào phòng tắm. 

Chúng ta gọi điều đó là kỷ thuật phòng tắm. Đây là một nơi trong nhà biểu tượng cho sự riêng tư. Đó là một sự rút lui lý tưởng nhất. Chúng ta nên có mấy tờ báo để trong đó cho những lúc như vậy và một radio để làm át tiếng động. Mỗi lần cô bé lè nhè, bà mẹ chui vào phòng tắm. Bà không cần nói gì cả. Cô bé có thể thay đổi giọng ngay.

-o0o-

Bà mẹ nghe tiếng động trong bếp nên bà đi xem thử. Bà khám phá ra cậu bé Bình 4 tuổi leo lên bàn đang vói lấy thẩu kẹo đặt trên giá.

- Con không được ăn kẹo bây giờ, Bình ơi. Gần đến giờ ăn rồi.

Nói rồi bà mẹ bồng nó xuống.

- Con muốn kẹo bây giờ, Cu bé hét.

- Không được con ơi. Mẹ làm bữa ăn trưa cho con bây giờ.

Cậu bé thét lên:

- Mẹ, con muốn kẹo.

- Bình, con không được hư.

Cậu bé nằm trên sàn thét to và giãy dụa.

- Con có muốn mẹ đánh không? Bà mẹ nổi cơn rồi đó.

- Con ghét! Con ghét!

- Bình, sao con nói vậy? 

Cậu bé càng làm dữ.

- Bình, yên ngay! Đây, mẹ cho con một cái kẹo. Nào, im ngay!

Cậu bé dần dần nhỏ giọng và cuối cùng lấy mẫu kẹo mà mẹ nó đưa cho nó. 

Thoạt đầu, người mẹ khước từ nhưng rồi cậu bé áp lực, bà nhường nhịn. Cậu bé thắng cuộc tranh chấp và củng cố niềm tin vào sức mạnh của cậu. Bà mẹ có thể làm cho cơn giận của cậu bé vô hiệu bằng cách rút lui khỏi hiện trường. Hãy cất kẹo đi và đi vào phòng tắm ngay tiếng la hét đầu tiên của nó. Hãy để cậu bé khóc la trong sự vô ích. Không có sự giận dữ nào có ý nghĩa khi không có khán giả.

Bà mẹ và cậu bé Huy 5 tuổi đi thăm một người bạn vào chiều hôm đó. Cậu bé thích thú thăm viếng đứa con trai của người bạn mẹ. Cậu bé chưa muốn về nhưng vì ép buộc phải về nên đã nổi trận lôi đình, suốt buổi ăn tối, cậu rời phòng ăn vào phòng tắm. Thói quen trong gia đình là nếu ai rời phòng ăn họ không thể trở lại. Trong lúc cậu bé rời bàn, người mẹ thuật lại với người cha về cuộc thăm viếng. Ông ta hiểu. Bà mẹ dọn cất đĩa của cậu bé. Cậu bé trở lại. Khi cậu bé không thấy đĩa của cậu nữa, cậu lăn mình trên sàn nhà nằm vạ bắt chước như bạn cậu. Người mẹ và người bố vẫn tiếp tục ăn tối dường như cậu bé không có ở đó. Họ nghe cậu bé lẩm bẩm: “Đĩa con đâu?” Nhưng họ không quan tâm tới.

Cô bé Thùy Vân mới sinh được 10 tháng, đang bò trên sàn nhà trong khi bà mẹ ũi quần áo. Ũi xong bà mẹ đặt nó vào trong xe của nó. Nó phản kháng và khóc. Bà mẹ phớt lờ đi, nhưng cô bé ngã người ra phía sau, giãy dụa, và khóc ré lên. Bà mẹ đi vào phòng tắm. Mười phút sau, bà trở lại thấy cô bé chơi với cái banh của nó. 

Ngay cả mới 10 tháng tuổi, nó cũng có cách của nó. Bà mẹ đang huấn luyện cô bé chấp nhận trật tự. Bà mẹ kính trọng sự quyết định của cô bé cố gắng làm trận  và bà đã nhường chiến trận cho cô bé, nhưng không chú ý, cũng không chìu theo ý nó. 

Rút lui khỏi tình trạng xung khắc là một phương cách tốt nhất. Điều đó không có nghĩa là rút lui khỏi đứa bé. Tình yêu, tình cảm, và sự thân thiện vẫn tiếp tục. Rút lui vào lúc xung đột giúp giữ được tình thân. Khi một đứa trẻ làm mình bực tức, chúng ta thường cảm thấy xa cách, chúng ta có khuynh hướng muốn đập cho một trận. Sự thù nghịch trên cả hai phía làm thiệt hại lớn cho sự quan hệ. Khi chúng ta biết khéo léo trong sự rút lui tức khắc, chúng ta thấy rằng con cái chúng ta đáp lại trong sự bất ngờ. Vì trong con người luôn có ước vọng “muốn thuộcvề”, chúng sẽ cảm thấy một chiến trận trống không vô nghĩa. Điều đó không làm cho chúng thay đổi thái độ, tránh làm trận. Nhưng một khi sự thực hành nầy được thực thi trong gia đình, con trẻ rất nhanh cảm thấy được những giới hạn của chúng. Nếu chúng đi quá giới hạn và cha mẹ rút lui khỏi tình thế, một cách nhanh chóng con trẻ cũng quên đi sự xung khắc và cũng tỏ cho thấy sự ước muốn cộng tác trở lại. Vì sự huấn luyện con cái cộng tác là mục đích của chúng ta, chúng ta có một tiến trình tuyệt vời nhờ đó có thể mang đến sự cộng tác.

Khó thấy được tiến trình nầy đúng như thế nào. Mới nhìn thì dường như chúng ta đang để cho con trẻ xếp đặt một cái gì. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn kỹ hơn vào động lực của đứa trẻ, chúng ta khám phá ra rằng trong hầu hết những tình cảnh xung khắc, nó muốn sự chú ý của chúng ta hoặc muốn lôi chúng ta vào sự đọ sức với nó. Nếu chúng ta cho phép chúng ta làm như thế, chúng ta đi vào con đường của đứa trẻ và củng cố mục đích sai lầm của nó. Vì thế, sự huấn luyện của chúng ta phải được nhắm đến tận căn rễ của vấn đề chứ không phải chỉ trên bề mặt. Dùng ngôn từ để sửa thói quen xấu của đứa trẻ thì quả là vô ích. Nếu chúng ta muốn huấn luyện một đứa trẻ để có hạnh kiểm tốt hơn, chúng ta phải hành động thế nào để gây một sự thay đổi trong cách xử sự của nó. Nếu nó cảm thấy rằng những cố gắng của nó cũng chỉ cho nó một chiến trường trống vắng, nó sẽ mau chóng quay sang một hướng mới khi khám phá ra rằng nó có thể có lợi hơn nhiều bằng cách hợp tác hơn là chống đối. Nếu nó không có cách thế riêng của nó, nó sẽ học chấp nhận những đòi hỏi của tình thế. Như vậy, nó phát triển sự kính trọng đối với thực tại cũng như đối với cha mẹ, những người đại diện cho trật tự xã hội hiện hành. 

Một khi sự huấn luyện qua việc rút lui đã được thiết lập trong gia đình, cũng dễ dàng hơn để đối phó với những xung khắc nơi công chúng. Chúng ta có thể phát triển chiến thuật rút lui vào nhà tắm, là cái xem ra có hiệu quả. Trẻ con rất nhạy cảm. Chúng cảm được sự rút lui của bố mẹ. Chúng ta đã thấy hiệu quả của nó trong những câu chuyện trên đây. Chúng ta gặp phải những thử thách đầy căm go khi con cái chúng ta quấy rầy nơi công chúng. Chúng ta cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vì chúng đặt chúng ta vào vị thế của những người bố mẹ xem ra không đủ tư cách làm bố mẹ. Trẻ con hành xử nơi công chúng như chúng được giáo dục ở gia đình. Nếu chúng là bất trị ở gia đình, chúng cũng sẽ bất trị ở nơi công chúng, và chúng ta sẽ nhận điều chúng ta đáng nhận. Vấn đề con trẻ thích làm nhiều bất ổn hơn nơi công cộng vì chúng cảm được sự tổn thương của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng “chiến thuật rút lui vào phòng tắùm trong tinh thần” để bao gồm tất cả những người đang đứng ngoài nhìn. Một lần nữa, khi sự chú ý của chúng ta nhắm vào những đòi hỏi của tình thế chứ không nhăùm vào tiếng tăm chúng ta, chúng ta có chìa khóa để giải quyết vấn đề.   

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments