TRÁNH TRANH CHẤP QUYỀN HÀNH


Lm. Lê Văn Quảng
 

- Rửa sạch cái đĩa cho chó ăn kìa, bà mẹ ra lệnh cho cô bé Kim Chi.

- Tại sao con phải làm việc đó?

- Mẹ bảo đem rửa sạch cái đĩa cho chó ăn đó! Con có nghe không? Hãy làm ngay đi.

- Con không thấy lý do tại sao con phải làm điều đó?

- Vì mẹ bảo con làm có được không?

Cô bé nhún vai và không làm điều mẹ nó bảo. Vài giờ sau, bà mẹ nhìn thấy cái đĩa vẫn còn dơ và kiến bò đầy trên đó. Bà gọi cô bé lại và nói:

- Mẹ đã bảo con đem rửa sạch cái đĩa đó cách đây mấy tiếng đồng hồ rồi. Tại sao con không làm? Hãy nhìn kìa. Kiến bò đầy cả rồi. Bây giờ đi dọn ngay đi!

- Vâng, vâng.

Nhưng khi bà mẹ quay đi. Cô bé cũng chẳng chịu đem đĩa đi rửa. Một lúc sau, bà mẹ nhìn thấy đĩa vẫn chưa được dọn rửa. Lần nầy bà mới phết đít cho cô bé mấy cái. Cô bé thụng mặt ra nhưng cô không khóc.

- Nếu con không chịu thu dọn ngay bây giờ, con phải đi ngủ sớm. Không được coi tivi tối nay.

- Vâng, con sẽ dọn.

Cô bé cúi xuống lấy đĩa trong khi bà mẹ quay đi, nhưng vẫn không chịu chùi rửa đĩa. Sau đó bà mẹ khám phá ra: cái đĩa vẫn nguyên tình trạng dơ bẩn như vậy.

Cả hai mẹ con đã đi vào cuộc tranh chấp quyền hành. Bà mẹ cố gắng bắt cô bé thi hành lệnh. Cô bé cho thấy ai là kẻ có quyền. Rõ ràng một sự tranh chấp quyền hành đang tăng dần đến mức độ cần lưu ý. Con số những đứa trẻ như thế được đưa tới văn phòng cố vấn bỡi cha mẹ càng ngày càng nhiều. Tại sao vậy? Đâu là vấn đề? Con trẻ ngày hôm nay dám làm những điều mà chúng ta không bao giờ dám đối với cha mẹ chúng ta. Tại sao như thế? 

Vấn đề được khởi động bỡi sự thay đổi văn hóa cách tổng quát đang xảy ra. Con trẻ cảm được bầu khí dân chủ của thời đại chúng ta và phục thù những cố gắng nắm quyền trên chúng của chúng ta. Chúng tỏ sự giận dữ bằng cách trả thù. Chúng kháng cự sự cầm quyền của chúng ta và ngược lại muốn tỏ cho chúng ta thấy quyền hành của chúng. Trận đầu khai diễn trong đó cha mẹ cố gắng xác định quyền hành và con trẻ tuyên chiến. Chúng nhất định không chịu khuất phục. Tất cả những cố gắng để thống trị chúng đều vô ích. Con trẻ khôn hơn trong những trận chiến tranh giành quyền hành. Chúng không bị trói buộc bỡi những thể diện bên ngoài xã hội hoặc những hậu quả hiểm nguy bỡi hành động của chúng. Gia đình trở thành bãi chiến trường. Không còn có sự cộng tác, cũng không có sự hài hòa. Trái lại chỉ có giận dữ và hận thù. 

Bà mẹ đã thuyết phục được bé Kim Liên 12 tuổi đồng ý rửa sạch hộp đựng thức ăn trưa và bình đựng sữa của nó ngay khi nó từ trường về nhà và mọi sự xem ra tốt đẹp. Bỗng một ngày kia, cô bé lơ đảng không chịu chùi rửa. Bà mẹ giận dữ khi nhìn thấy chiếc hộp được để trên bàn với những thức ăn dính đầy bẩn thỉu, và bình đựng sữa đã bốc mùi chua. Bà mẹ quở cho một trận. Cô bé hứa sẽ nhớ. Nhưng một vài ngày sau, cô bé cũng lại bê bối ra. Lần nầy bà mẹ nhớ lại một phương cách giáo dục: “Cứ để hậu quả sẽ dạy nó”. Vì thế, bà không quan tâm nữa nhưng lại giận dữ trong lòng. Bà nói với chính bà: “Ta sẽ tỏ cho nó thấy”. Sáng hôm sau, bà gói bữa ăn trưa trong bao giấy và đặt tiền mua sữa trên bàn. Cô bé biết chuyện gì xảy ra. Bà mẹ bỏ hộp đựng thức ăn trưa đó qua một bên. Bà ngẫm nghĩ: “Tôi nhất định không rửa”. Bình đựng sữa và hộp đựng thức ăn ngày càng lên mốc và bốc mùi hôi. Bé Kim Liên tiếp tục mang thức ăn trưa trong bì giấy. Bà mẹ càng ngày càng nên giận dữ khi ngày trôi qua. Sau cùng bà nổi cơn giận và trút lên đầu cô bé. Cô bé đỏ mặt, mặt sập xuống nhưng vẫn không chịu đi rửa hôp và bình đựng sữa. Cuối cùng, trong thất vọng bà mẹ đẩy cô bé vào trong bếp, đứng bên cạnh bắt cô bé phải rửa cho đến khi làm xong. Bà mẹ nghiến răng bảo: “Từ nay con có lo nhớ không?” Cô bé hứa: “Vâng, thưa mẹ”. Tuy nhiên, ngày hôm sau, cô bé lại bỏ dơ không chịu rửa. Hoàn toàn thất vọng, bà mẹ quyết định: “Con chỉ mang thức ăn trưa trong một cái túi”. Cô bé đáp lại: “Không sao cả”.

Ngày cô bé không chịu rửa hộp và bình đựng sữa, và bà mẹ giận dữ là ngày cao độ của cuộc chiến giành quyền hành. Bà mẹ vẫn cố gắng ép buộc cô bé làm điều bà bảo. Bà đã áp dụng phương pháp đó như một hình phạt. Câu nói “ta sẽ cho thấy” là một sự trả thù. Cô bé cảm được sự giận dữ của mẹ dầu bà mẹ cố gắng che dấu. Bà muốn áp dụng phương pháp “hậu quả tất nhiên”, nhưng bà không để ý đến bản chất của phương pháp đó. Khi bà bỏ thức ăn vào bao giấy và cho tiền mua sữa, bà đã làm mất đi hậu quả tất nhiên của nó: bà vẫn còn tiếp tục phục vụ dẫu cô bé không muốn cộng tác. Lẽ ra bà không nên chuẩn bị bữa ăn trưa như thường lệ vì không có hộp đựng thức ăn. Bà chỉ để thức ăn trên bàn, cái kế tiếp là phần của cô bé. 

Cô bé có ý cho mẹ thấy rằng cô không thể bị ép buộc làm việc đó. Cô chấp nhận mọi sự hơn là phục tùng lệnh nầy. Làm thế nào bà mẹ có thể làm chủ được tình thế mà không cần phải chứng tỏ quyền hành.

Bà mẹ phải không quan tâm về cái hộp đó. Nó thuộc về cô bé. Nếu cô bé không chịu rửa, nó không có hộp đem thức ăn. Bà mẹ chỉ có thể quyết định điều cô bé sẽ làm, chẳng hạn: thức ăn mốc và sữa hôi chắc chắn không có chỗ trong bếp, hoặc bỏ hộp dơ và bình sữa dơ ở đó là một điều không được phép. Nhưng nếu bà ra lệnh và bắt buộc cô bé phải làm là dùng quyền lực và như vậy chỉ đưa vào cuộc chiến tranh giành quyền hành như được thấy rõ: ngày hôm sau, dẫu cho cô bé đã hứa, cô bé lại không chịu làm. Bà mẹ giận dữ vì cô bé đã công khai chống lại bà. Bà cảm thấy uy quyền của bà bị đe dọa và muốn tỏ cho cô bé thấy rằng bà sẽ không để cho cô bé làm chuyện như vậy.

Thật tốt đẹp biết mấy nếu bà mẹ đã cố gắng khám phá ra: cái gì đã làm cho cô bé phản ứng như vậy và nên thay đổi chiến thuật để không còn có sự chống đối của cô bé nữa. Trong trường hợp nầy, cô bé không thích mang hộïp đựng thức ăn trưa vì ít trẻ trong trường mang thức ăn trong hộp. Tại sao cô bé không nói điều đó ngay từ đầu? Cô bé muốn dùng tình cảnh đó đưa bà mẹ dấn thân vào cuộc tranh chấp quyền hành. Và cô bé đã thắng. Bà mẹ đầu hàng.

Nếu có một cuộc nói chuyện thân mật với cô bé thì tình thế có lẽ đã khác hẳn. Cuộc nói chuyện có thể đã giúp bà mẹ hiểu được tâm trạng của cô bé về chiếc hộp đựng thức ăn đó, bấy giờ hai mẹ con có thể cảm thông nhau cách dễ dàng và hy vọng có thể tránh được cuộc chiến tranh không cần thiết đó. Hoặc bà có thể dùng lốùi nói cách dịu dàng hơn để cô bé không cảm thấy mình bị xúc phạm: “Mẹ thấy rằng con đã không chịu sửa soạn chiếc hộp đựng thức ăn đó hôm nay. Mẹ bắt buộc phải nghĩ rằng con không muốn đem thức ăn trong hộp nữa. Con có muốn mẹ bỏ thức ăn vào túi và cho tiền con mua sữa không?” Như vậy, có lẽ đã tránh được một cuộc chiến tranh vô ích. 

Bất cứ khi nào chúng ta ra lệnh một đứa trẻ làm một điều gì hoặc cố gắng bắt nó làm điều gì là chúng ta mời nó làm một cuộc chiến với chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể hướng dẫn con cái chúng ta có một hành vi thích hợp. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta phải tìm một phương cách khác và hữu hiệu hơn. Chúng ta phải bỏ thái độ và phương cách lỗi thời, và dùng phương pháp xem ra có hiệu quả hơn. 

Huy Cường 5 tuổi đang làm mẹ nó điên lên. Bà nói như thế với cậu bé và với những người khác trước mặt nó. Bà mẹ phiền trách nó suốt ngày, còn cậu bé thì chẳng nghĩ ngợi gì, cũng chẳng quan tâm gì. Nếu bà mẹ có phết đít nó, cũng chỉ được một lúc thôi. Chẳng hạn hôm nay, bụng cậu bé không được bình thường, sáng ngày bà dẫn nó vào nhà vệ sinh sau bữa ăn sáng, nhưng nó trở ra nói rằng nó không thể đi vệ sinh lúc nầy, mặc dầu bà mẹ đã cố gắng dạy cho nó nhiều năm rồi. Bà cho nó ra ngoài chơi và bà tiếp tục công việc của bà. Vào khoảng trưa trong lúc dọn dẹp tủ quần áo, bà ngửi thấy mùi thối. Bà lục lọi và khám phá ra rằng cu bé đã bỏ phân trong mũ bố nó. Bà chạy ra ngoài tìm nó, mang nó vào, đặt nó đối diện với chiếc mũ, và đập nó nặng tay. Nó té đái trong quần, và bà nghĩ rằng đó là vì bà đánh nó. Tuy nhiên, suốt ngày nó cứ đái rấm trong quần và đêm đó đái ước cả giường nữa. 

Bà mẹ đã quan tâm về đường tiêu hóa của cậu bé khi cậu còn nhỏ. Bà bảo: “Con cho nó ra khi mẹ bảo như thế”. Nhưng hành động của cậu bé muốn nói: “Con chỉ cho nó ra khi nào con thích”. Từ lâu rồi, cậu bé đã dùng cách nầy như một phương cách để đánh bại bà mẹ đầy uy quyền. Cuộc sống hàng ngày của câu bé và của mẹ nó là một cuộc chiến đấu tranh giành quyền uy. Không dễ cho bà mẹ thay đổi cái quan hệ giữa mẹ và con ngoại trừ bà biết vấn đề nằm ở đâu và bà có thể làm được gì cho vấn đề đó.

Rất nhiều cha mẹ đã tạo nên những khó khăn như thế cho chính họ khi họ tỏ ra quá quan tâm về vấn đề huấn luyện cho con trẻ cách đi vệ sinh. Cái khác biệt giữa quan tâm bình thường và quá quan tâm nằm trong thái độ chúng ta. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh con trẻ cần học thói quen đi vệ sinh thích hợp, chúng ta kêu mời sự kháng cự. Nếu chúng ta mong ước và khuyến khích sự huấn luyên đi vệ sinh thích hợp, chúng ta mời gọi sự cộng tác. Nếu sau một thời gian huấn luyện, đứa trẻ xem ra dùng việc nầy để có sự chú ý không thích hợp hoặc để chống lại sự ép buộc của bố mẹ, tốt hơn là đừng quan tâm chi cả, cứ để kết quả tự nhiên xảy ra. Trong mọi trường hợp như thế, chúng ta đều thấy một cuộc chiến tranh quyền. Chúng ta có thể giải quyết nó trong những lãnh vực khác, ở đó tình thế xem ra thuận lợi cho việc bảo toàn trật tự mà không có chiến tranh. Chẳng hạn khi nó đái dầm hoặc ỉa són, bà mẹ có thể cho phép nó nằm trên giường ướt hoặc thay ra cho nó nếu nó cảm thấy khó chịu. Hoặc là bà có thể mặc cho nó một cái tã và để nó ướt nếu nó đái ra đó. Dĩ nhiên, nó không được phép làm ướt thảm hoặc bộ ghế ở phòng khách. Nó sẽ phải chịu như vậy cho tới khi nào nó sẵn sàng không còn đái dầm nữa. Tất cả điều đó có thể được thực hiện trong một cách thế không chính thức cho thấy “đây là vấn đề của con đó”. Con có thể thay đổi tình thế khi con sẵn sàng. Một khi không còn có sự tranh chấp quyền hành, đứa trẻ sẽ chọn lấy việc bãi bỏ sự bất ổn, nghĩa là không thích đái dầm nữa. 

Ở điểm nầy nhiều người sẽ cảm thấy rối loạn. Rất nhiều lần như những lúc nguy hiểm, chúng ta phải dùng đến sức mạnh. Chúng ta cũng dùng một loại áp lực khi hoàn cảnh cần đến và đôi khi bắt buộc chúng ta phải dùng sức mạnh để bảo vệ trật tự.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments