THUYẾT PHỤC CỘNG TÁC - 2


Lm. Lê Văn Quảng
 

Có những lúc, để thuyết phục được sự cộng tác, chúng ta cần phải giúp đứa trẻ chiếm lại được vị thế của nó trong gia đình. Sau đây là một trong những trường hợp thường xảy ra mà chúng ta có thể nghiên cứu để học hỏi: 

Trà Mi 3 tuổi, một cô bé dễ thương, kháu khỉnh, và thông minh. Cô bé biết đi trước khi nó được một tuổi, và lúc 2 tuổi thì đã nói được những câu rất phân minh rõ ràng. Mọi người đều thích và cưng nó. Thình lình nó đổi tính sinh bướng bỉnh, thích nghịch phá các vòi nước, hay nghịch đất cát, trông có vẻ bẩn thỉu. Trước khi tính tình thay đổi thì em nó được sinh ra. Mấy tuần đầu nó thích thú em nó và giúp mẹ tắm em. Nhưng rồi nó bị mẹ nó từ khước và rầy la, vì thế nó sinh đổi tính. 

Bà mẹ đi tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn. Bà được cắt nghĩa cho thấy: cô bé nghĩ ràng chỉ có đứa bé vô dụng như em nó mới có giá trị. Bà cũng được cắt nghĩa cho thấy rằng việc bà từ khước sự giúp đỡ của cô bé là một sai lầm, nên phải làm sao để giúp cô bé lấy lại được vị thế và giá trị của nó trong gia đình. 

Bước đầu tiên của bà là phải ghi lại những gì cô bé có thể làm được để giúp mẹ. Bà yêu cầu cô bé bê chai nước từ trong bếp ra cho bà. Cô bé giận dữ chạy ra khỏi nhà. Một lúc sau cô bé trở lại với quần áo ướt đẫm. Nhận thấy vấn đề trầm trọng nhưng bà mẹ không rầy mắng. Bà ôm bé vào lòng và dịu dàng hỏi nó: “Con có muốn là đứa bé thơ ấu của mẹ không?” Cô bé bật khóc và ôm mẹ chặt hơn. Bà mẹ an ủi nó. Đoạn bà đề nghị cô bé trở về phòng nó. Bà mẹ giúp thay tã cho nó, cho nó bú bằng chai, và làm mọi sự cho nó như đã làm cho em nó. Cô bé cảm thấy vui khi thấy mẹ nó vào sáng hôm sau lại đến thay tã cho nó trước khi lo lắng cho em nó. Nó vui hưởng chai sữa vào sáng sớm. Nó chỉ được cho thức ăn giống như em nó. Cô bé yêu cầu cho đồ chơi để chơi trong giường nó. Bà mẹ cho nó đồ chơi của em nó. Khi cô bé yêu cầu cho nó những cây bút chì để vẽ, bà mẹ đáp trả: “Một đứa bé thơ như cu tí không thể sơn được. Con muốn là đứa bé thơ của mẹ kia mà?” Mỗi lần cô bé muốn có một cái gì vượt quá giai đoạn bé thơ, nó đều nhận được một sự trả lời như thế nhưng với một giọng điệu cho thấy sự đầm ấm và đầy thiện cảm. Vào buổi trưa ngày thứ hai, cô bé tuyên bố: “Con là một đứa con gái lớn và không muốn làm một đứa bé thơ nữa!” Bà mẹ nói: “Con có cảm thấy lớn đủ để giúp em con là đứa không có thể làm được gì cho chính nó không?” Cô bé đáp lại ngay tức khắc: “Vâng, có”. Bà mẹ cảm thấy vui và tiếp tục khuyến khích cô bé làm đứa trẻ lớn, và hành vi của đứa trẻ thơ ngày nào của nó đã biến mất.

Trong trường hợp nầy, bà mẹ đã tỏ cho cô bé qua hành động hơn là bà có thể nói với cô bé bằng ngôn từ. Bà cho phép cô bé nhận ra rằng một đứa bé thơ không phải như nó nhìn thấy. Bà giúp nó khám phá ra rằng làm một đứa trẻ lớn và có khả năng thì tốt hơn là làm một đứa trẻ thơ bé nhỏ. Bằng hành động của bà, bà mẹ chỉ dạy cho cô bé biết cách hành động và giúp nó thiết lập lại chỗ của nó như một đứa con gái lớn có thể giúp đỡ được. 

Bà mẹ và bé Bảo Quốc 5 tuổi đi vào xe để đi đón ông bố ở ga xe lửa. Đó là một ngày thật lạnh nhưng Bảo Quốc lại quay cửa sổ xuống. Bà mẹ nói: “Chúng ta chỉ cho xe chạy khi con quay cửa sổ lên”. Cậu bé chờ xe chạy. Bà mẹ ngồi lặng yên. Cậu bé nói: “Con sẽ quay cửa lên khi mẹ bắt đầu cho xe chạy”. Bà mẹ không nói gì và tiếp tục chờ đợi. Cậu bé nói tiếp: “Được rồi, con sẽ quay cửa lên khi mẹ cho chìa khóa vào ổ khóa”. Bà mẹ vẫn tiếp tục chờ và không nói gì. Bà cho thấy thái độ không vừa ý. Sau cùng cậu bé quay cửa lên. Bà mẹ bắt đầu cho xe chạy mỉm cười với nó và hỏi: “Mặt trời không tuyệt đẹp giọi chiếu trên tuyết sao? Hãy nhìn nó lấp lánh như hàng ngàn hạt kim cương”. 

Bà mẹ tránh làm một sự đòi hỏi “quay cửa lên” và tránh sự tranh chấp quyền hành. Bà cho thấy điều bà cần phải làm trong hoàn cảnh đó và muốn giữ vững lập trường mà không giận dỗi. Khi cậu bé cố gắng muốn quậy phá bà trong cách thế của nó, bà chỉ ngồi yên chờ đợi cho đến khi cậu bé có hành động phù hợp với đòi hỏi của tình thế, bà mới mỉm cười bắt đầu công việc và chú ý vào điểm khác trong cách thế thân tình. Sự cộng tác mau chóng của cậu bé cho thấy cậu bé đã có sự kính trọng đối với sự cứng rắn của bà mẹ.

Diệu Huyền 9 tuổi và bạn nó đang làm những sợi dây chuyền bằng bột. Bà me bước vào phòng mang theo cu bé Hinh vừa sinh được 9 tháng và nói: “Diệu Huyền, con coi em cho mẹ. Mẹ phải đi đón ba con”. “Ô mẹ, nó sẽ quậy phá bây giờ. Tại sao con cứ phải luôn trông coi nó?” “Thôi đủ rồi. Hãy làm như mẹ bảo”. Khi mẹ nó ra đi, cô bé nhìn cu tí đang bò tới những món đồ chơi hấp dẫn. Cô bé kéo nó lại và đưa cho nó một con gấu nhỏ. Cu tí dẹp gấu qua một bên và bò nhanh tới các đĩa bột. Khi mẹ nó trở về, cu tí thì thét lên còn chị nó thì la to. Bà mẹ nhập cuộc: “Con không thể trông em 15 phút mà không có sự xung đột được hay sao?” 

Giọng của bà mẹ và đòi hỏi của bà khiến cô bé giận dữ. Giọng điệu và cách xử thế của chúng ta là những yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục sự cộng tác của một đứa trẻ. Nhiều lần chúng ta đã nhận ra rằng con trẻ có thể kháng cự yêu sách của chúng ta hoặc vì nó không đúng lúc hoặc vì công việc được giao phó xem ra không thích thú gì với đứa trẻ.Trong những trường hợp như thế, chúng ta có khuynh hướng lên giọng và nhấn mạnh với hy vọng chế ngự được sự kháng cự nhưng ngược lại nó chỉ làm tăng thêm sự chống đối mà thôi. 

Chỉ có lịch sự và nhã nhặn mới có thể thắng được và chiếm được sự cộng tác của đứa trẻ. Tốt nhất là dùng những cách thế tỏ ra mình cũng hiểu được quan điểm của đứa trẻ, chẳng hạn như : mẹ nhận thấy có thể con không muốn, nhưng việc đó sẽ giúp mẹ nhiều nếu con… hoặc mẹ cảm ơn con nhiều nếu con cảm thấy có thể giúp mẹ được điều nầy… Những câu như vậy dễ tạo được sự hòa hợp, bớt sự căng thẳng, và dễ thuyết phục đứa trẻ cộng tác. 

Quỳnh Như 10 tuổi sống trong khu vực ngoại ô không có phương tiện chuyên chở công cộng. Bạn của nó là Như Mai, một đứa bạn rất thân với nó, sống cách xa không thể đi bộ được, và nếu đi xe đạp trong mùa đông thì lại quá lạnh. Cả 2 cô bé muốn chơi với nhau mỗi khi chúng có thời giờ rảnh rỗi. Không bao lâu hoặc bà mẹ nầy hoặc bà mẹ khác hầu như mỗi ngày chở con gái họ đi đi về về. Sau đó không lâu thì có những xung đột nên tình hình bắt đầu căng thẳng.

Một hôm Quỳnh Như và mẹ nó đang rửa chén bát và bầu khí xem ra là thân mật. Bà mẹ mới bàn chuyện đó với con gái mình. Bà cắt nghĩa: bà hiểu được Quỳnh Như có quyền đi thăm bạn nhưng cũng cảm thấy bà quá bận trong việc phải đưa đi đón về. “Con có thể đề nghị xem chúng ta có thể làm gì cho vấn đề đó? Mẹ nghĩ chúng ta có thể giảm thiểu bớt số lần đi lại. Con nghĩ là bao nhiêu lần một tuần thì tốt cho mẹ để mẹ chở con đi thăm bạn con?” Cô bé nghĩ một hồi rồi đáp: “Hai lần một tuần”. “Và nếu Như Mai một tuần đến đây hai lần nữa thì tốt lắm rồi. Được rồi, mẹ sẽ đưa con đi hai lần trong tuần”. “Ngày nào mẹ?” “Tối thứ ba và chiều thứ bảy, mẹ thường rảnh rỗi hơn. Con thấy thế nào?” “Như vậy là được rồi. Con thích thú lắùm .Cảm ơn mẹ!” 

Tình hình bây giờ được giải quyết trong sự cộng tác. Không phải mẹ, mà cũng không phải con cảm thấy bị áp đặt và mỗi người đều nhận ra quyền lợi của người khác. 

Trường Vũ 11 tuổi vừa mới mất cha. Nó và mẹ sống trong một vùng ngoại ô và đi vào phố vào ngày thứ bảy để học nhạc. Nó muốn đổi lớp học sang chiều thứ tư để nó có thể tham dự đội banh vào ngày thứ bảy. Tuy nhiên, chiều thứ tư mẹ nó lại luân phiên gặp bạn bè nên bị kẹt. Không thể giải quyết được nên cả hai đều cảm thấy bị lạm dụng. Bà mẹ đi tìm người cố vấn gia đình. 

Trường Vũ trình bày quan điểm của nó, chúng tôi hiểu được nhưng không đồng ý. Tuy nhiên không có chuyện kình cãi hoặc ép nó phải chấp nhận, như vậy càng làm tăng thêm cảm giác bị xúc phạm và làm cho tình nghĩa mẹ con ngày càng tai hại hơn. Chúng tôi đề nghị với nó rằng: vì mẹ nó đã hỏi ý kiến, nên chúng tôi khuyên nên để cho Trường Vũ đi học vào chiều thứ tư. Trường Vũ không biết điều đó. Nó cảm thấy rằng mẹ nó rất cứng rắn, sẽ không chịu nhường. Nhưng chúng tôi bảo đảm với nó rằng mẹ nó sẽ nhận lời khuyên của chúng tôi. Trường Vũ thình lình diễn tả sự do dự. Nó cảm thấy lưỡng lự, không biết rằng mẹ nó có nên bị yêu cầu để nhượng bộ không? Người cố vấn hỏi: “Tại sao không? Lợi ích của con từ đội banh vào ngày thứ bảy lớn hơn lợi ích của mẹ con vào ngày thứ tư!” “Không, cậu bé trả lời, không hẳn, vì từ lúc ba con chết, tình bạn thì rất quan trọng cho mẹ con. Thật không tốt cho mẹ con nếu mẹ con không tham dự được buổi họp mặt bạn bè của mẹ con”. 

Tại sao cậu bé thình lình đầu hàng? Không bao lâu nó cảm thấy rõ ràng rằng lý lẽ và quyền lợi của nó được thấu hiểu, nó cũng không còn cảm giác là nó bị áp đặt, và bây giờ được tự do để nhận xét nhu cầu của toàn thể tình cảnh gia đình. 

Khi mình cảm thấy bị áp đặt thì khó có thể hiểu được hoàn cảnh. Và rồi, chúng ta cũng không thể có được sự cộng tác bằng cách áp đặt ý mình lên bất cứ một người nào khác. Nhưng, sự cộng tác thì luôn có trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh nếu chúng ta biết khôn khéo hướng dẫn và tạo điều kiện cho con cái chúng ta có dịp để cộng tác. Đôi khi con cái chúng ta có những lối hành xử không thích hợp, chúng ta phải biết tỏ ra thông cảm và lấy tình yêu để khuất phục . 

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments