ƯU TƯ VỀ QUYỀN TRẺ EM


Lê An Phong, SDB     
 

Nói về quyền trẻ em, chúng ta không thể không nói đến quyền có một gia đình. Đó là cái nôi của sự sống, ngôi trường với những bài học đầu tiên của tình yêu thương, sự chấp nhận, lòng tha thứ… Có một điều mà nhiều người quan tâm là tình trạng khủng hoảng và khó khăn trong các gia đình đang ngày một gia tăng. Xin được chia sẻ cùng mọi người một ưu tư nho nhỏ khác về sự thay đổi khái niệm “gia đình”.

Nếu bạn muốn tìm một định nghĩa đơn giản nhất về gia đình thì đây là những nét chính: Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hoá-xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên.

Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng, một cách tự nhiên, là quan hệ giữa một ngườ nam và một người nữ và là một quan hệ cơ bản của sự hình thành, tồn tại và phát triển của gia đình, tạo nên quan hệ huyết thống đặc trưng của gia đình từ cha và mẹ. Trong gia đình, mọi thành viên sống quần tụ trong một không gian (sống chung); mỗi người có trách nhiệm liên đới và hiệp thông trong trật tự và theo vai trò nhất định. Nói một cách khác, chúng ta hiểu gia đình là một định chế xã hội, được xây dựng theo một cơ cấu và trật tự nhất định, ít nhất là theo trật tự tự nhiên vì sự sống còn của con người và xã hội loài người như cách hiểu chung của nhiều người

Ở các nước tiên tiến, có một chuyện đáng bàn là người ta đang muốn thay đổi khái niệm căn bản này về gia đình. Trong thực tế mọi sự đã thay đổi nhiều và bây giờ chỉ là lúc viết lại định nghĩa về gia đình mà thôi! Thực tế luôn đòi hỏi sự đổi thay trong cách nghĩ cách làm, nhưng chúng ta có thể tự hỏi mình rằng: liệu tất cả mọi sự thay đổi luôn là tích cực, hợp thời hay là tiến bộ chăng?

Trước hết là quan niệm về giống loài: Nhiều người suy nghĩ: là đàn ông hay đàn bà không phải là cái gì đó tự nhiên (nature) mà là một sự lực chọn (choice) của cá nhân và là một tiến trình “trở thành” người nam hay người nữ (Not being man or woman, but becoming the man and the woman). Vì thế cấu trúc cơ thể tự nhiên chẳng nói lên được điều gì cả. Tôi có thể mang thân xác người nam, nhưng tôi thích trở thành người nữ và tôi chọn cách sống như một người nữ và ngược lai. Hệ quả của kiểu suy nghĩ này ảnh hưởng đến việc nhìn nhận gia đình là: để cấu thành gia đình, không nhất thiết phải cần có quan hệ giữa một người nam và một người nữ ( vì đó chỉ là khái niệm tương đối về giống loài), chỉ cần gọi đó là một tập hợp căn bản để chung sống là được. Vì thế, người ta đã đi xa hơn khi chấp nhận gia đình của hôn nhân đồng tính hay việc chung sống không cần giá thú. Các nhà làm luật cũng đang đau đầu để tìm các từ ngữ hoặc cách diễn đạt nào đó thích hợp với luật lệ trong thời đại mới mà không gây “xúc phạm” cho nhiều người; chẳng hạn, không dùng trong định nghĩa về gia đình là “ sự kết hợp nam nữ” mà là “kết hợp giữa hai người, hay hai cá thể”, không dùng “các bậc cha mẹ” mà là “các bậc phụ huynh” vân vân...

Quan niệm về “quyền có con cái” cũng là điều đáng nói đến. Nhiều người kết hôn nhưng không muốn sinh con, nhưng có nhiều người lại đấu tranh để đòi Nhà nước và pháp luật công nhận quyền có con, tách biệt “việc có con” (hay đúng hơn quyền được sở hữu một đứa con) khỏi định chế hôn nhân hay gia đình.

Nếu chúng ta chấp nhận hôn nhân như một giao ước tình yêu nam –nữ, ràng buộc với chuyện kết hôn và việc truyền sinh, thì con cái chính là kết quả của tình yêu này. Con cái không thể là kết quả của những ham muốn tình dục nhất thời và chuyện “vỡ kế hoạch”, cũng không phải là sản phẩm của những dự án kinh tế hay nghiên cứu xã hội và khoa học (vì việc xoá đói giảm nghèo hay cân bằng sinh thái, thụ thai nhân tạo, nhân bản người...), cũng không phải là một đối tượng để người khác đấu tranh đòi quyền lợi (quyền có con hay quyền nuôi con, tương tự như quyền có nhà cửa, xe cộ và các thứ vật dụng khác).

Nếu từ đầu chúng ta không đón nhận trẻ em hay không muốn chấp nhận chúng như một món quà của tình yêu, bằng tình yêu và trách nhiệm, thì thật vô ích để nói đến chuyện bảo vệ sự sống hay quyền lợi cho các em.

Nếu bạn hỏi một em nhỏ em hiểu thế nào là một gia đình, em sẽ giải thích một cách đơn sơ rằng đó là ngôi nhà của em, là nơi có ba, mẹ, anh chị em…và những người thân khác cùng chung sống hằng ngày. Khái niệm gia đình, người thân, ba mẹ anh chị…là những hiểu biết sơ đẳng và rất tự nhiên đối với trẻ em. Những hiểu biết về gia đình còn gắn chặt với những dòng cảm xúc khác nhau tuỳ mỗi người và có thể theo trong chúng ta suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên có thể có trường hợp các ngôn từ như “gia đình”, “cha mẹ”, “anh chị em” gây nên ác cảm nơi nhiều người. Theo các nhà tâm lý, đó là kết quả của những kinh nghiệm sống đau thương và không mấy tốt đẹp nơi cuộc sống gia đình mà họ phải trãi qua. Thời gian thường làm phai mờ các nỗi đau, nhưng trong các trường hợp bị “chấn thương” tâm lý như trên thì khó mà tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống, kể cả khi đã lớn khôn.

Nên chăng làm một bước khởi hành cho việc giáo dục về quyền con người từ trong giáo dục gia đình và cuộc sống gia đình? Câu hỏi này đang chờ những nhà giáo dục và những ai có trách nhiệm trong xã hội trả lời vậy. (LAP)

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments