HÃY CAN ĐẢM NÓI LÊN TIẾNG “KHÔNG”


Lm. Lê Văn Quảng

Với nhiều bà mẹ Việt Nam, nói lên tiếng “không” để đáp trả cho những yêu sách của con cái là chuyện không phải dễ, cho dầu nền kinh tế gia đình xem ra không được dồi dào, nhưng việc từ chối đối với một yêu cầu của đứa con là một chuyện cảm thấy đau lòng không thể làm được, nhất là đứa con đó lại là đứa con duy nhất của mình. Với sẵn quan niệm cho rằng thà mình vất vả một chút, đi làm thêm cuối tuần để cung cấp cho con mình có một đời sống đầy đủ và êm ấm còn hơn là chối từ để rồi cả con lẫn mẹ phải buồn sầu khổ sở. 

Và đây là một cuộc đối thoại của một bà mẹ Việt Nam, một người mà đối với tôi quả thật rất hiền lành và tử tế nhưng nhiều chuyện không may đã xảy đến cho cuộc đời bà khiến bà mang nhiều mặc cảm. 

Cậu bé Cương đòi mẹ:

- Mẹ, hãy mua cho con cái bể tắm mới!

- Để làm gì?

- Con không thích cái nầy nữa. Chở cho con đi mua cái mới.

- Con ơi, mẹ mệt lắm rồi. Chúng ta có thể mua nó ngày mai.

Cậu bé giẫm chân nói:

- Bây giờ.

- Mẹ van con. Hôm nay chúng ta đã đi ra ngoài quá nhiều lần rồi. Đi bơi, rồi đi học cỡi xe, rồi lại đi bơi. Con không thể chờ đến ngày mai sao?

- Con muốn đi ngay bây giờ và có cái mới ngay.

Bà mẹ tiếp tục năn nỉ: bà quá mệt. Cậu bé khóc, thét, chưởi, và đá bà. Cuối cùng bà chiều nó, lái xe đến cửa hàng và mua cái bể mới rộng hơn và đẹp hơn cho nó. 

Bà mẹ có cảm giác sâu xa nầy: cậu bé đã bị tổn thương vì bà và bố nó đã ly dị. Để bù lại cho sự bất hạnh đó, bà muốn cung cấp cho nó mọi sự có thể. Cậu bé cảm được điều đó nên lợi dụng để đòi mọi sự nó thích. Nếu bà mẹ biết nói “không” với những đòi hỏi hoàn toàn vô lý của cậu bé, nó sẽ thất vọng. 

Không có lý do gì khiến một bà mẹ cứ phải thoả mãn những đòi hỏi vô lý của đứa bé như bà nghĩ bà sẽ phải làm như thế cho đến khi chết. Nếu vậy, không cần thiết cho cậu bé học cách đối đầu với sự chán nản bao lâu bà mẹ còn có thể bảo đảm rằng bà sẽ ở đó để ngăn chặn cho nó khỏi phải những chán nản thất vọng. Dưới những điều kiện như vậy, bà mẹ sẽ tiếp tục vai trò của kẻ nô lệ đáng thương, tiếp tục chấp nhận sự lạïm dụng và những cái đá từ đứa con bạo chúa của bà, coi nó như một người có đầy quyền hành có quyền đòi hỏi, nhận, và phát triển sự khôn khéo trong việc dùng sự giận dữ để điều khiển. 

- Mẹ ơi, con có thể đi coi sô tối nay với bạn con, Thúy Hằng không? Cô bé Mỹ Nga gọi điện thoại xin mẹ. Mẹ của bạn con sẽ chở chúng con đi.

- Không, con ơi. Con không thể nào đi vào đêm có lớp.

- Nhưng mẹ, đây là một sô đặc biệt. Nó không có vào cuối tuần.

- Cái gì đặc biệt?

- Đó là câu chuyện về một con chó thật dễ thương, mẹ có biết không, từ trong sách.

- Mẹ thấy quảng cáo đó.

- Xin mẹ lần nầy thôi. Con hứa con sẽ không mệt mỏi vào ngày mai đâu. 

Tôi ghét từ chối cho nó một cái gì, có nghĩa chối từ quá nhiều với nó, bà mẹ ngẫm nghĩ. Cô bé rất thích chuyện thú vật và thật là câu chuyện hay. Tôi nghĩ điều đó sẽ không làm trở ngại gì lần nầy. Hơn nữa, nếu tôi không cho nó đi, nó sẽ sụ mặt suốt buổi chiều và tôi không thể chịu được. Thôi được, nhưng phải về ngay sau khi sô kết thúc.

Cô bé Mỹ Nga trở lại và nói với bạn: “Mẹ tao đồng ý cho tao đi rồi”.

Cô bé Mỹ Nga có bà mẹ được huấn luyện tốt. Cô phấn khởi và hữu lý trong yêu sách của cô và tùy thuộc vào ý muốn của mẹ. Nhưng nếu mẹ từ chối, cô sẽ thụng mặt ra. Cô bé được điều cô muốn. Bà mẹ cho phép cô không tôn trọng trật tự và phá luật lệ quen thuộc. Khi bà mẹ không thể nói “không”, bà tỏ ra thiếu kính trọng cho chính bà, cho cô bé và sức khỏe của nó, cho thói quen và trật tự trong nhà. 

Nếu bà mẹ tích lũy lại, bà sẽ ngạc nhiên với biết bao nhiêu “chỉ lần nầy thôi” đã được thoả nguyện. Mỗi lần tự nó có thể nghe là có lý, nhưng thường xuyên như vậy khiến bà mẹ nên xét lại. Đó là sự đe dọa có ám chỉ trong yêu sách biến nó thành một đòi hỏi của nhà độc tài. 

Cảm thấy bó buộc phải làm vừa lòng một đứa trẻ nhiều như có thể là một sai lầm vì đó là một thái độ nô lệ làm tăng “cái mình là trung tâm” trong đứa trẻ. Cô bé xem cuộc đời như một cuộc thương mại làm sao đạt được điều cô muốn. Sự chú ý của cô chỉ chú trọng vào cô và điều cô ước muốn chứ không phải vào nhu cầu của tình thế. Khả năng phát triển sự cộng tác bị xói mòn. Khi cô không thể có được điều cô muốn, cô làm ra vẻ đáng được thương hại. Cô bé đã bị hư hỏng. Cô không có tư tưởng làm thế nào để kiềm chế được sự chán nản thất vọng, làm thế nào để chấp nhận tiếng “không”, và làm thế nào để cố gắng làm tốt hết sức. Phần đáng buồn là cô bé sẽ bị gặp nạn trong cuộc đời khi nó gặp phải hoàn cảnh ở đó không ai quan tâm đến việc làm cho cô vừa ý. 

Cái nhìn thiển cận của chúng ta là: khó nhìn thấy những kết quả dài lâu của việc chiều theo những ước muốn kỳ quặt của đứa trẻ, vì làm nó vui thường mang lại sự hài hòa tạm thời cho gia đình. Vì thế, cần khôn ngoan trong việc làm vui lòng con trẻ. Con trẻ cần học biết làm sao điều khiển được những chán nản thất vọng. Cuộc đời người lớn thì đầy dẫy những điều đó. Thật vô lý mà cho rằng đứa trẻ sẽ có thể đối diện với những điều đó khi nó lớn lên. Ma thuật nào có thể cung cấp một sự khéo léo như thế trong khoảng thời gian đầu đời mà không cần phải học hỏi. Thế quân bình giữa làm vui lòng và không làm vui lòng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu thói quen và trật tự của gia đình đòi sự từ chối, và nếu bà mẹ có can đảm để nói “không”, cô bé có thể học được sự khéo léo cần thiết để chịu đựng được sự buồn chán đó.

-o0o-

Cậu bé Văn Minh 4 tuổi đi với mẹ đến cửa hàng thực phẩm, mang theo chiếc súng bắn nước. Bà mẹ quay lại đúng lúc nhìn thấy nó xịt nước vào mặt một người đàn bà. “Minh sao con vô lễ vậy? Cất ngay chiếc súng đó!” Cậu bé hạ súng dường như để cho súng vào bọc, trề môi, và nhìn xuống sàn nhà. Một ít phút sau nó gặp cũng người đàn bà đó và lại xịt nước vào mặt bà. Khủng khiếp, bà mẹ chạy đến chụp cây súng và xin lỗi người người đàn bà ấy. Cậu bé hét và nhảy xổm. Người ta quay lại nhìn. Bà mẹ nhanh chóng giao lại chiếc súng cho cậu bé và bảo: “Được rồi, chúng ta đi ngay”. 

Bà mẹ thiếu can đảm để nói tiếng “không”. Bà không thể chịu đựng nhìn thấy người ta nghe con bà hét. Bà mẹ đã huấn luyện cậu bé cảm thấy đúng trong những đòi hỏi của nó và phải có được điều nó muốn không thành vấn đề điều đó sai trái. Đến lượt cậu bé lại huấn luyện cho bà mẹ tốt đến nỗi bà sẵn sàng luôn tuân phục vào sự bạo chúa của nó. 

Nhiều trẻ con một cách thô bạo tỏ rõ sự giận dữ của chúng lúc chúng bị chối từ điều mà chúng muốn. Tuy nhiên, bà mẹ bó buộc phải giữ trật tự. Bà không có thể để cho cậu bé xịt nước vào mặt người ta. Vì nó không muốn kiềm chế mình, bà mẹ không nên để nó dùng súng. “Con hãy cất súng vào bọc và để yên ở đó cho tới khi về nhà con mới có thể được chơi”. Bà mẹ kính trọng quyền diễn tả sự giận dữ của nó, nhưng cũng phải kính trọng quyền nói tiếng “không” của bà. Nếu người ta nhìn, đó là một việc không tốt đẹp, nhưng sự huấn luyện và phát triển đứa trẻ thì quan trọng hơn. Chúng ta phải học quan tâm đến những đòi hỏi của tình thế và không quan tâm đến cái người ta nghĩ. Ở đây bà mẹ phải chọn lựa giữa sự hư không và bổn phận làm mẹ. 

Cậu bé Tiểu Long 3 tuổi đứng ở quầy bán đồ chơi khóc rên:

- Con muốn cái nào?

- Cái nầy, nó chỉ vào cái accordion nó đang cố gắng với tới.

- Không con ơi, nó quá ồn. Con không thể có nó. Mẹ sẽ mua cho con một chiếc xe nhỏ.

- Con không muốn chiếc xe, cậu bé khóc. Con muốn cái đó à!

Bà mẹ phớt lờ nó và tiếp tục nhìn một vài món hàng trên quày đối diện. Cậu bé bám chân mẹ khóc:

- Con muốn nó! Con muốn nó! Con muốn nó!

- Đây, mẹ lấy cho con. 

Khi cô bán hàng đưa cái gói cho bà mẹ, cậu bé với tay lấy, bà mẹ nói:

-Chờ về đến nhà đã! Nó quá ồn ào trong cửa hàng.

Cậu bé khóc và bảo:

- Bây giờ. Bây giờ. Bây giờ.

- Con có thể mang nó. Nhưng không được bóc ra khỏi hộp.

Cậu bé ngay tức khắc xé giấy bao bên ngoài. Bà mẹ nhìn xuống với vẻ thất vọng. Nó kéo cái đàn. Kéo tới kéo lui làm phát sinh tiếng động.

- Con ơi, con biết nó kêu thế nào. Hãy chờ đến khi về nhà hoặc mẹ sẽ lấy cất nó ngay.

Nó kéo ra kéo vô. Bà mẹ chụp lấy cái đàn. Nó hét lên. Bà mẹ đưa lại cho nó. Cậu bé lại kéo ra kéo vô, bà mẹ giận dữ nói:

- Con chờ cho đến khi ra khỏi cửa hàng đã.

Cậu bé không nghe. Cuối cùng bà mẹ lôi nó ra khỏi cửa hàng:

- Con làm mẹ bực mình. Tại sao không thể chờ cho tới lúc ra khỏi cửa hàng?

Bà mẹ thiếu can đảm để nói tiếng “không” và phải dối diện với sự quấy rầy của cậu bé. Bằng mọi cách, nó phải được thoả ý. Cậu bé có bà mẹ dưới quyền nó.

Tuyệt đối không có lý do gì chúng ta lại mua cho một đứa trẻ mọi thứ nó thích và đòi hỏi. Cũng không có lý do để mua cho nó một cái gì mỗi lúc nó đi chợ với chúng ta. Những hành động như thế chiều theo những ý muốn kỳ cục của đứa trẻ, và làm nó cảm thấy những đòi hỏi như vậy là đúng. Nếu mẹ không mua cho con một cái gì, mẹ không yêu con nữa. Cậu bé không thích thú đồ chơi cho bằng thích thú thấy mẹ phải chiều ý nó tức khắc như nó muốn. Đồ chơi tự nó ít giá trị. Không bao lâu nó sẽ bị phế bỏ. Nhưng làm cho bà mẹ cung cấp ngay cho nó điều nó muốn mới trở thành quan trọng.

Đồ chơi nên có một mục đích hữu ích hoặc đáp ứng một nhu cầu. Chúng nên được cho những món quà thích ứng với thời gian được mong đợi như giây nhảy vào mùa xuân, đồ chơi nước vào mùa hè, đồ chơi trong nhà vào mùa đông. Đi mua đồ nên có mục đích. Nên tạo cho đứa trẻ một ý tưởng về tiền bạc và cách tiêu tiền khi đi với chúng ta. Nếu không có giới hạn vào cái nó có thể đòi hỏi, nó sẽ cho rằng sự cung cấp tiền bạc thì vô hạn và cảm giác về giá trị của những đồ mua đó sẽ trở nên lệch lạc. 

Bà mẹ của cậu bé nên tỏ tình yêu đối với nó và tỏ ra quan tâm về sự lợi ích của nó nếu bà cẩn thận trong việc làm vừa lòng nó và giữ một thái độ “không” khi không cần thiết. Ở đây, bà hoàn toàn không thể thiết lập trật tự vì bà thiếu can đảm. Bà sợ làm tổn thương đứa trẻ và vì thế không thể nói tiếng “không” và cũng không thể cứng rắn được.

- Chúng ta cần cereal hôm nay, bé Mai! Con có thích chọn nó không?

Một cách sung sướng, bé Mai 6 tuổi nhìn một dãy hộp đựng cereal với nhiều loại khác nhau, chọn lấy một, và đặt nó vào chiếc xe đi chợ. Bà mẹ chấp nhận sự chọn lựa, và rồi cô bé chạy tới quày kẹo, chọn lấy một hộp và mang tới cho mẹ.

- Không con ơi. Không phải hôm nay. Chúng ta có đủ kẹo ở nhà!

- Nhưng con muốn loại nầy hôm nay.

- Con có thể có nó lần sau, khi chúng ta đi chợ. Bà mẹ vừa nói vừa mỉm cười. Giúp mẹ chọn lấy một số cam!

Cô bé đem kẹo để lại chỗ cũ và theo mẹ tới hàng trái cây.

Bà mẹ tỏ ước muốn hợp lý làm đẹp lòng cô bé. Bà gợi ý cho cô bé đi chọn cereal. Cô bé chia xẻ một ít trách nhiệm. Tuy nhiên, khi cô bé có một yêu sách không hợp lý, bà mẹ nói “không “ trong cách thế thân tình, và đã có được sự cộng tác bằng cách gợi ý lần tới sẽ thoả mãn ước vọng đó, và quan trọng hơn trong lãnh vực khác cô bé có thể giúp ngay bây giờ. Cô bé đang học cách đi chợ có mục đích. 

Dĩ nhiên là chúng ta muốn làm vừa lòng con trẻ. Tuy nhiên, nếu chúng ta đạt tới mức chúng ta cố gắng làm vui lòng trẻ với chi phí có sắp xếp, hoặc chiều theo những đòi hỏi của nó một cách thích hợp, chúng ta không có gì phải sợ, chúng ta cũng cần phải ý thức những nguy hiểm trong những hành động đó. Chúng ta không cần phải tranh luận trong việc khước từ cho đứa trẻ điều nó muốn. Nhưng bất cứ khi nào ước muốn hoặc yêu sách của đứa trẻ trái ngược với trật tự hoặc những đòi hỏi của tình thế, chúng ta phải có can đảm nói “không” là cái diễn tả sự phán đoán đúng đắn của chúng ta.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments