NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM
VỀ VIỆC THƯỞNG PHẠT


Lm. Lê Văn Quảng
 

Bà mẹ lấy làm lạ sao mọi sự lại yên tĩnh như thế và bà đâm ra nghi ngờ, nên quyết định đi rảo thử một vòng. Bà khám phá ra cậu bé Bình 2 tuổi rưỡi đang bận bịu, lom khom nhét giấy vệ sinh vào cầu tiêu lần nữa. Cậu bé đã bị đánh nhiều lần vì cái tọäi đã nhét giấy làm nghẹt cầu tiêu. Một cách giận dữ, bà mẹ la lên: “Con ơi! Đã bao lần mẹ đã phải đánh con vì việc làm như thế, tại sao con không chừa?” Thế rồi, bà chụp lấy cổ cậu bé, kéo quần nó xuống và quất đít nó. Nhưng chỉ một lúc sau, ngay chiều hôm đó ba nó khám phá ra nhà cầu lại bị nghẹt nữa.

Bị ăn nhiều trận đòn cho cùng một hành động, tại sao cu bé vẫn tiếp tục, không chừa? Có phải nó còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu? Không phải vậy! Cậu bé biết chính xác điều nó đang làm. Nó cố ý lập lại hành vi lỗi lầm đó. Dĩ nhiên, nó không biết tại sao. Nhưng hành động của nó nói cho chúng ta tại sao. Cha mẹ nó bảo: “Không được, không được như vậy”. Hành động nó nói: “Tôi tỏ cho thấy, tôi làm được điều đó. Không thành vấn đề cái gì sẽ xảy ra”.

Nếu hình phạt sẽ làm cho cậu bé ngưng việc ngịch ngợm phá phách, một cái phết đít cũng đủ để cảnh cáo và mang lại kết quả. Nhiều lần phết đít cũng không mang lại được kết quả nào. Vậy cái gì là sai?

Trong những bài trước chúng ta đã đề cập đến sự thay đổi của xã hội để mang lại một nhận thức về sự dân chủ như một nền tảng cho cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Dân chủ ám chỉ sự bình quyền của con người, vì thế cha mẹ nên đóng vai trò của một người dìu dắt, hướng dẫn, giáo dục hơn là của một kẻ có quyền. Quyền hành ám chỉ sự thống trị, có nghĩa là người nầy có quyền thống trị trên người kia. Không thể có sự thống trị như thế giữa những người bình quyền với nhau. Sự thống trị bằng vũ lực hoặc quyền bính phải được thay thế bằng những ảnh hưởng thanh cao, đẹp đẽ hơn.

Thưởng phạt nằm trong hệ thống của xã hội độc tài, ở đó chính quyền thích địa vị thống trị, họ có đặc quyền ban phát thưởng hay phạt tùy theo công đức của người dân. Chỉ có họ mới có quyền quyết định những ai đáng thưởng và những ai đáng phạt. Và vì hệ thống của xã hội độc tài đặt nền tảng trên sự thiết lập vững chắc quyền hành thống trị, nên những phán quyết như thế được dân chúng chấp nhận như một phần của cách sống. Trẻ con quan sát, chờ đợi, và hy vọng một ngày nào đó chúng cũng có thể trở thành những con người có được những quyền hành lớn lao như vậy. Ngày nay, cấu trúc của xã hội chúng ta đã thay đổi. Trẻ con có quyền bình đẳng về xã hội so với người lớn và chúng ta cũng không còn thích những đặc quyền hay vị thế ưu tiên hơn chúng. Quyền bính của chúng ta trên con trẻ trong thế giới ngày nay cũng không còn thích hợp nữa. Và chúng biết điều đó. Chúng không còn công nhận chúng ta như những kẻ có quyền trên chúng nữa.

Chúng ta phải biết nhận ra rằng những cố gắng áp đặt ý muốn của chúng ta trên con cái là vô ích. Hình phạt không mang lại khuất phục lâu dài. Trẻ con ngày nay muốn chấp nhận một số hình phạt để xác nhận quyền lợi của chúng. Nhiều cha mẹ vẫn còn lầm lẫn nghĩ rằng hình phạt sẽ mang lại kết quả mà không biết rằng với những phương pháp đó họ chẳng bao giờ đi đến thành công. Có thể là có một kết quả tạm thời do hình phạt. Nhưng hãy nhớ rằng nếu cùng một hình phạt được lập đi lập lại nhiều lần thì điều đó cho thấy hình phạt đó không mang lại kết quả. Trái lại, việc áp dụng hình phạt chỉ giúp đứa trẻ phát triển sức kháng cự và sự bất tuân đối với chúng ta mà thôi.

-o0o-

Cô bé Quyên 6 tuổi gây lộn suốt cả buổi sáng. Nó làm eo không chịu ăn sáng. Mẹ nó rầy nó. Nó quay sang đánh nhau với em nó 4 tuổi. Mẹ nó đem nó vào phòng nhốt nửa tiếng đồng hồ. Nó lôi mấy nhánh hoa ra khỏi bình. Mẹ nó mắng nó và dọa đánh nó. Nó lại bắt con mèo hàng xóm đang chạy vào phòng nó và cột lại. Mẹ nó lôi cổ nó ra và bắt ngồi vào chiếc ghế trong bếp trong lúc bà chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Cuối cùng nó ném nguyên ly sữa lên sàn nhà. Mẹ nó không chịu nổi nữa, lôi nó vào phòng, phết đít nó, và không cho nó ra khỏi phòng chiều hôm đó. Một giờ sau mọi sự im lìm. Bà mẹ nghĩ rằng nó ngủ yên. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bà rất ngạc nhiên khi bà vào phòng nhìn thấy chiếc màn cữa sổ trong phòng nó bị cắt thành những mảnh nhỏ. Bà mẹ phải kêu lên: “Con ơi! Mẹ phải làm gì bây giờ với con?”

Bé Quyên dấu sự thất vọng của mình đằng sau sự phá hoại đó. Hành động của nó nói lên rằng ít nhất là bà biết rằng tôi vẫn còn có mặt ở đây. Khi bà mẹ của Quyên được thúc đẩy bỡi sự giận dữ dùng hết hình phạt nầy đến hình phạt khác, cô bé với hành vi của nó đã nói cho mẹ nó rằng: “Nếu bà có quyền làm khổ tôi, tôi cũng có quyền làm khổ bà”. Cứ thế, tiến trình của hận thù và trả thù thì thật là kinh khủng. Bà mẹ càng phạt, bé Quyên càng thù hận. Và kết quả của hình phạt là một sự báo thù đáng tiếc xảy ra. Hãy nhớ rằng trẻ con bao giờ cũng uyển chuyển hơn người lớn. Chúng có thể tưởng tượng nhiều hơn và chịu đựng lâu dài hơn cha mẹ. Kết quả là bà mẹ không chịu đựng nổi nữa nên đã phải lắc đầu và kêu lên: “Con ơi! Mẹ không biết phải làm gì với con bây giờ?”

Cái quan niệm “phải vâng lời hoặc chịu phạt” cần phải được thay thế bỡi quan niệm “cộng tác và trọng kính lẫn nhau”. Trẻ con chưa có kinh nghiệm và cần có sự chỉ dạy. Chúng cần được huấn luyện và cần sự dẫn dắt của chúng ta. Một người lãnh đạo tốt luôn biết khích lệ và gây cảm hứng cho những đệ tử của mình có những hành động thích hợp với hoàn cảnh của cuộc sống. Con cái chúng ta cần sự hướng dẫn. Chúng sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của chúng ta nếu chúng ta biết kính trọng chúng như những con người bình quyền có quyền quyết định những điều chúng sẽ làm. Sự xúc phạm đến phẩm giá của con trẻ phải được quan tâm, nhất là khi chúng bị đánh đập. Cha mẹ nên học cách thức sai khiến đứa trẻ làm sao để nó có sự đồng ý muốn vâng nghe những đòi hỏi của bố mẹ. Chúng ta có thể tạo nên một môi trường luôn biết quan tâm và trọng kính lẫn nhau, đồng thời cũng biết cung ứng nhiều cơ hội cho đứa trẻ học cách sống thoải mái và hạnh phúc với người khác. Chúng ta có thể làm những điều đó mà không cần tỏ ra quyền bính, vì quyền bính chỉ sinh sự chống đối và làm mất đi ý nghĩa và mục đích của việc huấn luyện con trẻ.

Trong những khóa huấn luyện về phương cách mới cho việc giáo dục con trẻ, chúng ta thường chia xẻ cho nhau về những kinh nghiệm giáo dục như: nhiều lúc con cái đã làm chúng ta nổi giận đến nỗi chỉ muốn phết đít hoặc phạt ngay một đứa trẻ. Chúng ta nên thành thật chấp nhận rằng sở dĩ chúng ta đã hành động như vậy là vì chúng ta muốn làm giảm bớt cảm giác căng thẳng, thất vọng của chúng ta hơn là cho thấy rằng chúng ta phạt đứa trẻ vì lợi ích riêng của nó. Đồng thời chúng ta cũng còn có cảm giác nầy nữa là: chính đứa trẻ thật sự cũng cần hình phạt đó. Thật ra, chính hành vi của đứa trẻ có những mục đích nầy: hoặc muốn tỏ cho chúng ta thấy rằng nó là xấu, hoặc muốn đưa chúng ta đi vào trong cuộc tranh chấp quyền hành, hoặc để trả thù cho những bất công mà nó đã phải chịu trước đây. Vì thế, khi chúng ta phạt nó, chúng ta rơi vào đúng hướng đi của nó, chúng ta đã rơi vào đúng bẫy của nó.

Vấn đề nằm ở chỗ là: chúng ta đều là những con người, những con người với đầy những bất toàn. Thường thì chúng ta hành động như những con người bình thường hơn là những nhà giáo gương mẫu. Khi con trẻ làm chúng ta thất vọng chúng ta nghĩ rằng chúng ta có quyền sửa phạt chúng nó và chúng ta không cảm thấy chút mặc cảm nào về chuyện đó. Những lúc như thế, cảm giác của chúng ta như muốn nói với chúng ta rằng: “Vâng, tôi phạt chúng vì chúng đòi hỏi chuyện đó. Tôi biết điều đó vô ích nếu xem là phương cách giáo dục, nhưng điều đó làm cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn”. Chúng ta phải can đảm nói lên những lời chân thành của con người bất toàn của chúng ta đó, vì xem ra hình phạt mà chúng ta đã xử dụng không phải vì lợi ích của con trẻ mà là để xả bớt cơn giận dữ của chúng ta mà thôi.

Bà mẹ đưa cho cu Quyết 8 tuổi 5 đồng đô la và bảo nó đi vào tiệm mua bánh trong khi bà đi vào siêu thị mua một số đồ cần dùng. Khi mẹ con gặp lại ởï bãi đậu xe, bà mẹ hỏi cậu bé số tiền lẻ còn lại. Cậu bé hỏi mẹ: “Tại sao mẹ lại hỏi số tiền lẻ còn lại?” Bà mẹ trả lời: “Bà cần nó”. Một cách tức giận, cậu bé nhét số tiền lẻ còn lại vào tay mẹ nó và nói: “Con không thèm lấy đâu!” Bà mẹ nhìn nó. Cả hai mẹ con đi vào xe. Cậu bé tỏ vẻ giận dữ được thấy rõ qua hành vi của nó.

Việc ban thưởng cho những hành vi tốt thì xem ra cũng có hại giống như việc trừng phạt. Cả hai đều thiếu sự kính trọng. Chúng ta thích ban thưởng những con trẻ chúng ta cho những hành động tốt đẹp của chúng. Thật ra, trong chế độ bình quyền và tương kính lẫn nhau, một công việc được làm là vì nhu cầu của công việc cần phải được làm, và sự thõa mãn cũng đến từ công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp chứ không phải từ sự khen thưởng. Nhưng trẻ con thường chưa có được cái quan niệm: làm một công việc là để đóng góp vào lợi ích của gia đình. Sự chú ý của đứa trẻ thường tập trung trên chính nó nên nó thường tỏ ra thù hận khi thấy mình không được gì cả mà lẽ ra mình phải được một cái gì có lợi sau mỗi công việc mình làm. Cái nhìn của nó còn quá hạn hẹp. Quan niệm về xã hội của nó đã được hướng dẫn bỡi tư tưởng sai lầm nầy là: nó chỉ có chỗ đứng nếu nó chiếm được một cái gì; nó chỉ thấy nó thuộc về cộng đồng xã hội khi nó được thưởng một cái gì để đáp trả cho những hành động của nó, nhưng đó là một quan niệm sai lầm cần phải được sửa đổi.

-o0o-

Hai đứa học sinh trung học nói chuyện với nhau trong giờ giải lao của buổi hòa nhạc. Một đứa nói: “Con Kim Chi trình diễn thật là tuyệt vời”. Đứa kia đáp lại: “Nó không đi đâu cả. Mầy có biết gì không? Mẹ nó trả cho nó một đô la cho mỗi giờ tập dượt”. “Mầy nói đùa hả?” “Không, tao không nói đùa. Kim Chi nói: nó thực tập mỗi ngày 8 tiếng suốt mùa hè là để lấy tất cả số tiền đó. Đó là lý do tại sao nó chịu khó tập. Không lạ gì nó không đi đâu cả. Nó không chơi vì vui thích. Khi tao tập dượt, tao tập dượt một cách mê man, bạn bè phải réo gọi tao ngưng để chúng nó có thể nghỉ ngơi”. “À, tao biết mầy muốn nói gì. Tao cũng vậy thôi”.

Trên đây là một ví dụ cho thấy con trẻ rất nhạy cảm về vấn đề tưởng thưởng. Chúng ta thử xem thêm một câu chuyện khác:

Tuyết rơi nhiều. Ông bố bảo Vĩnh 10 tuổi và Lộc 8 tuổi xúc tuyết làm sạch những lối đi. Vĩnh đòi hỏi: “Bố cho chúng con cái gì?” Ông bố do dự: “Con cảm thấy muốn cái gì?” “5 đô la cho 2 đứa” Vĩng mặc cả. Ông bố nói: “Giá đó thì phải làm luôn cả lối ra chỗ đậu xe”. Vĩnh đáp: “Vâng, hết cả”. Ông bố đồng ý: “Được rồi, con làm đi bố cho con”. Hai đứa bé la lên một các sung sướng và lao mình chạy ra làm.

Tại sao phải trả công cho con cái khi chúng phải làm việc bổn phận trong nhà? Chúng sống với bố mẹ, ăn uống, quần áo, học hành, và chia xẻ mọi bỗng lộc với bố mẹ trong gia đình. Nếu chúng được vui hưởng mọi quyền lợi, chúng bắt buộc cũng phải chia xẻ những bổn phận với bố mẹ.

Qua chế độ khen thưởng, bố mẹ sẽ làm cho 2 cậu bé Vĩnh và Lộc lầm tưởng rằng chúng không bắt buộc phải làm bất cứ một bổn phận nào ngoại trừ bố mẹ phải có một cái gì cho chúng nó. Như thế, chúng không thể phát triển được cảm giác trách nhiệm tùy theo sự cần thiết của hoàn cảnh đòi hỏi. Chúng ta nên dạy con trẻ biết chia xẻ mọi bộ mặt của cuộc sống gia đình. Chúng cũng nên biết chia xẻ với bố mẹ về đời sống kinh tế khó khăn của gia đình ngay cả trong hình thức được phép chi tiêu cho những điều cần thiết. Không có sự đòi hỏi giữa công việc phải làm và số tiền được ban thưởng. Con cái có bổn phận phải giúp bố mẹ làm những công việc trong nhà để đóng góp vào lợi ích gia đình.

Bà mẹ bỏ 2 đứa con gái nhỏ trong chiếc xe đậu ở bãi đậu xe để đi vào siêu thị mua ít thức ăn. Bà vừa ra khỏi xe thì chúng bắt đầu khóc. “Con đừng khóc, má sẽ mua đồ chơi cho các con”. “Loại nào?” “Má chưa biết nhưng là có đồ chơi cho các con”. Bà mẹ trả lời ngắn gọn và vội vã ra đi.

Bà mẹ cố gắng thu phục được sự cộng tác của con trẻ bằng cách đề nghị cho một đồ chơi. Nhưng trẻ con không cần phải hối lộ để trở nên tốt. Tự bản tính, mọi đứa trẻ đều muốn nên tốt. Hành vi hướng thiện của con trẻ phát xuất từ bản tính ước muốn thuộc về, muốn đóng góp một cái gì hữu ích, và cả ước muốn cộng tác với cộng đoàn của mình nữa. Khi chúng ta thưởng một đứa trẻ cho hành vi tốt của nó, chúng ta cho nó thấy rằng chúng ta không tin tưởng nó. Nhiều đứa trẻ đã thất vọng khi thấy chúng ta xử dụng những phương cách sai lầm như vậy.

Phần thưởng không mang lại cho đứa trẻ “cảm giác thuộc về”. Đó có thể là dấu hiệu của sự chấp nhận và mãn nguyện của bố mẹ trong lúc đó, nhưng cái gì sẽ xảy ra cho lúc sau đó? Có phải chúng ta cứ phải tưởng thưởng liên tục để con trẻ chúng ta mới chịu cộng tác nghe lời bố mẹ không? Nếu biết quan tâm đến những lúc khác, có lẽ chúng ta sẽ không cần phải dùng đến phần thưởng nữa. Cho dầu chúng ta chỉ muốn giữ lại một phần thưởng đặc biệt nào đó, chúng ta cũng hãy coi chừng  vì chính phần thưởng sẽ khiến đứa trẻ sẽ nghĩ rằng những cố gắng thường ngày của nó chỉ là vô ích bỡi nó sẽ không đạt được gì. Bấy giờ bố mẹ sẽ phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng khác như trong trường hợp đứa trẻ từ chối cộng tác mà không có câu trả lời. Chính vì thế, chúng ta phải dùng phương pháp giáo dục khác để giáo dục con trẻ chúng ta. Tại sao chúng ta không cắt nghĩa cho chúng nhìn thấy bổn phận phải làm những công việc đòi hỏi cần phải làm cho dẫu không có gì đáp trả? Nếu không, thái độ của chủ nghĩa vật chất sẽ theo đà đó phát triển, và như vậy con trẻ chúng ta sẽ không còn có cơ hội để tự thõa mãn với cái khát vọng muốn hoàn thành một cái gì tốt đẹp trong chúng ta. Bấy giờ, một giá trị hoàn toàn sai lầm cũng sẽ được thiết lập trong đứa trẻ và nó sẽ cho rằng thế giới nầy mắc nợ nó đủ mọi thứ. Như thế, cảm giác của đứa trẻ 16 tuổi giữ luật đi đường để bảo toàn mạng sống sẽ không có chỗ trong nấc thang giá trị của nó. Bấy giờ nó sẽ hành động như thế nào? Tuân giữ luật giao thông lúc đi đường là điều cần phải làm cho sự an toàn của tính mạng hay để được nhận phần thưởng? Và nếu không có phần thưởng nó sẽ không cộng tác. Và đây chính là kết quả cuối cùng của phương cách giáo dục với việc thưởng phạt. “Họ không thưởng tôi, tôi sẽ không làm. Nếu họ phạt tôi, tôi sẽ phạt lại họ. Tôi sẽ tỏ cho họ thấy điều đó”.

Thật ra, sự thõa mãn sâu xa đến từ cảm giác tham dự, cộng tác, và đóng góp một cái gì cho cộng đoàn, nhưng cảm giác nầy đã bị thiếu mất đi đối với con trẻ chúng ta trong một chế độ quá chú trọng đến việc ban phát những phần thưởng vật chất. Chính vì thế, chúng ta cần nên nhớ rằng mỗi khi chúng ta cố gắng khích lệ con trẻ chúng ta cộng tác bằng cách cho phần thưởng là chúng ta đã vô tình làm cho con cái chúng ta mất đi sự thõa mãn căn bản sâu xa về tinh thần cũng như về cuộc sống.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments