NHỮNG MỤC ĐÍCH SAI LẦM CỦA CON TRẺ


Lm. Lê Văn Quảng
 

Bà mẹ đang ngồi viết thơ. Bé Thùy 3 tuổi đang chơi với những đồ chơi của nó trên sàn nhà bên cạnh mẹ. Cô bé thình lình nhảy lên, chạy đến với mẹ, và bảo bà mẹ ôm nựng nó một cái. Người mẹ ôm nó và bảo: “Tại sao con không đặt con búp bê lên chiếc xe của con và chở nó đi?” “Con muốn mẹ chơi với con.” “Cưng, chờ một chút nhé! Mẹ phải viết cho xong lá thơ.” Cô bé trở lại chỗ cũ. Sau vài phút nó chạy lại và nói: “Bây giờ mẹ có thể chơi với con chưa?” “Cưng, chưa được.” Cô bé im lặng một lát, rồi quay lại nói” Mẹ, con muốn đi vệ sinh.” “Được, con đi đi.” “Nhưng mà con không thể kéo cái tã xuống.” “Con làm được mà. Con bây giờ đã là một đứa con gái lớn rồi, con có biết điều đó không?” Cô bé nghe mẹ nói thế, nên cố gắng làm nhưng chỉ cố gắng một nửa thôi. Bà mẹ nhìn cô bé và nói:“Thôi được, cưng ơi, mẹ giúp con lần nầy.” Cô bé rời phòng và người mẹ lại tiếp tục viết thơ. Trong phút chốc, cô bé quay trở lại và nhờ mẹ giúp kéo tã lên. Mẹ nó làm giúp nó, đoạn trở lại với lá thơ đang viết dở. Bé Thùy trở lại với đồ chơi, yên lặng được một lúc và rồi nó lại kêu lên: “Mẹ ơi, mẹ có thể chơi với con bây giờ không?” “Đợi một vài phút nữa cưng ơi.” Nhưng, chẳng bao lâu cô bé lại chạy đến, ôm đầu gối mẹ và nói: “Con thương mẹ, mẹ ơi!” Mẹ nó trả lời: “Mẹ cũng thương con, cưng của mẹ!” Đoạn, mẹ nó ôm đáp trả lại cô bé. Bé Thùy trở lại với đồ chơi. Mẹ nó viết xong bức thơ và bắt đầu chơi với nó.

Câu chuyện xem ra muốn cho chúng ta thấy một người mẹ kiên nhẫn và yêu thương, và mối liên hệ thân tình giữa mẹ và con. Tại sao chúng ta gom nó vào đây? Chúng ta hãy đưa mắt thoáng nhìn những hành động của hai mẹ con. Bé Thùy đang muốn gì ở đây? Cô bé rất ngọt ngào và quyến rũ muốn mẹ chú ý đến cô ngay tức khắc. Hành vi của nó nói lên: ngoại trừ mẹ chú ý tới con, con không là gì cả. Con có một chỗ đứng chỉ khi mẹ bận rộn với con. Con nít muốn thuộc về. Nếu mọi sự trôi chảy, đứa trẻ lên tinh thần, cảm thấy có can đảm, và mọi sự ít có trở ngại. Nó sẽ làm điều cần thiết phải làm và có cảm giác thuộc về qua việc tham dự và sự hữu dụng của nó. Nhưng khi nó cảm thấy chán nản, cảm giác thuộc về sẽ ít đi. Con nít thích thú tham gia các sinh hoạt nhóm hoặc hội đoàn để được mọi người chú trọng. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về đích điểm nầy và bằng cách nầy hay cách khác nó phải tìm cho được một chỗ đứng.

Có 4 mục đích sai lầm mà con trẻ có thể theo đuổi. Là cha mẹ và những nhà giáo dục chúng ta cần nên biết những mục đích sai lầm đó nếu chúng ta muốn hướng dẫn con trẻ chúng ta có cuộc sống thích hợp với phương cách của xã hội.

1. Muốn được chú ý:

Sự ước muốn chú ý không đúng lúc là mục đích sai lầm đầu tiên của những đứa trẻ thiếu tự tin như một phương tiện cho cảm giác là chúng thuộc về. Bị ảnh hưởng bỡi những giả định sai lầm cho rằng nó chỉ có ý nghĩa khi nó là trung tâm của sự chú ý, nên đứa trẻ cố gắng phát triển sự khéo léo để lôi kéo sự chú ý. Nó tìm mọi cách để giữ những người khác bận bịu với nó. Nó xem ra hấp dẫn và thông minh, vui vẻ và lôi cuốn. Nó tỏ ra rất thân thiện với mục đích là chiếm sự chú ý hơn là tham dự.

Trong mẫu chuyện trên, bé Thùy xem ra muốn tham dự. Nó muốn mẹ chơi với nó. Sao chúng ta lại kết luận nó có hành vi sai lầm? Rất đơn giản. Tham gia ám chỉ sự cộng tác với nhu cầu của hoàn cảnh. Một đứa trẻ tự tin cảm thấy được rằng mẹ nó đang cần làm một cái gì đó ngoài việc chơi với nó. Nhưng Bé Thùy lại có ý tưởng khác. Nó cảm thấy rằng nếu mẹ nó bận làm cái gì khác, mẹ nó bỏ quên nó. Cô bé nghĩ rằng nó chỉ có chỗ đứng nếu nó chiếm được sự chú ý. Nên nó đã dùng phương pháp dễ thương đó để chiếm sự chú ý, nhưng nếu thất bại nó sẽ quay sang phương cách quấy rầy. Nó có thể khóc, chọc phá, vẽ trên tường, làm đổ sữa, hoặc trăm ngàn cách khác để gây sự chú ý. Nếu cha mẹ khiển trách nó thì ít nhất nó cũng cảm thấy rằng họ biết nó đang có mặt ở đó. Một đứa trẻ như thế có quan niệm sai lầm về chính mình. Nếu chúng ta nhường nhịn cho đòi hỏi không thích hợp đó, chúng ta củng cố cho sự sai lầm của nó và làm tăng lòng tin của nó rằng với phương cách đó nó sẽ chiếm được cảm giác thuộc về mà nó muốn.

Dĩ nhiên, con trẻ cần sự chú ý. Chúng cần sự giúp đỡ, sự huấn luyện, thiện cảm, và tình yêu của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thấy những đứa trẻ có những cố gắng muốn chiếm sự chú ý ngay tức khắc và không thích hợp, bấy giờ chúng ta có thể tin chắc rằng đây là một cách thế sai lầm mà trẻ con muốn dùng để chiếm lấy một chỗ đứng.

Thoạt đầu xem ra khó biết làm cách nào để phân biệt giữa sự chú ý thích hợp và không thích hợp. Chìa khóa nằm ở trong khả năng nhận ra được nhu cầu của tình thế. Tham gia hay công tác đòi hỏi mỗi đứa trẻ trong gia đình nên lưu ý đến tình thế bấy giờ hơn là chú trọng đến chính mình. Bố mẹ có thể bước lui và quan sát điều mà đứa trẻ làm. Nếu hành động và phản ứng xem ra không phù hợp với nhu cầu của hoàn cảnh như được cho thấy trong mẫu chuyện của bé Thùy, bấy giờ đứa trẻ xem ra đòi hỏi sự chú ý không thích hợp. Vì hành động của con trẻ xảy ra một cách vô ý thức nên chúng ta cũng đáp lại một cách rất tự nhiên. Nhưng khi chúng ta ý thức về hành động và tìm cách để cắt nghĩa nó, bấy giờ chúng ta sẽ để ý đến vấn đề và cũng sẽ tìm cách để điều chỉnh lại đường hướng để hướng dẫn con cái chúng ta một cách tốt đẹp hơn.

2. Tranh chấp quyền lực

Huyền Linh 5 tuổi đang xem Tivi. Nó đã được nhắc nhở 3 lần là đã quá giờ đi ngủ. Mỗi lần má nó nói, cô bé khóc và năn nỉ xin được phép coi cho xong chương trình Tivi. Bà mẹ cho phép vì đó là một chương trình hay. Tuy nhiên, khi kết thúc chương trình người mẹ bảo Huyền Linh đi ngủ. Nó không nghe lời mẹ, đổi đài, và ngồøi lại coi tiếp. Bà mẹ vào phòng Tivi và nói: “Huyền Linh, đã quá giờ đi ngủ rồi. Nào, hãy là một đứa con gái ngoan. Đi ngủ đi!” Cô bé trả lời: “Không.” Bà mẹ cúi xuống và nói với nó: “Mẹ bảo con đi ngủ ngay đi”. “Nhưng mà con muốn coi nữa.” “Con có muốn ăn đòn không?” Bà mẹ tắt Tivi. Cô bé thét lên, đoạn phóng tới Tivi và mở nó. Bà mẹ chụp lấy cánh tay nó, phết cho nó mấy cái, và lôi nó ra khỏi phòng Tivi. “Mẹ không chịu nổi nữa. Bây giờ đi vào giường ngay. Thay đồ đi ngủ.” Cô bé thét to, chạy vào giường và nằm úp mặt xuống giường. Bà mẹ rời khỏi phòng nó. Hai mươi phút sau, bà mẹ quay trở lại và thấy mọi sự vẫn không thay đổi. Cô bé vẫn chưa thay đồ và đang nằm coi sách. Thở dài và giận dữ, bà mẹ lại phết cho mấy cái, thay đồ cho nó và đặt nó vào giường.

Lúc đầu, cô bé biết đó là giờ nó phải đi ngủ. Nhưng bằng cách kéo lê thời gian và xin được thức khuya, nó xem ra muốn thử thách uy quyền của bà mẹ. Vì thế, khi bà mẹ nhường nhịn và cho phép nó, bà mẹ trao uy quyền đó vào tay đứa bé. Hành vi của bé Huyền Linh như muốn nói: cái quan trọng của tôi nằm ở chỗ khiến bà làm cái điều mà tôi muốn. Nó được điều nó muốn khi nó ảnh hưởng được mẹ nó cho phép nó thức khuya hơn một cách thành công. Nó tỏ cho thấy khả năng của nó có thể thuyết phục được mẹ nó.

Cuộc chiến cho quyền lực là mục đích sai lầm thứ hai và thường xảy ra sau khi cha mẹ đã thử một vài lần chận đứng sự đòi hỏi được chú ý của đứa trẻ. Đứa trẻ có thể trở nên nhất quyết dùng sức mạnh để đánh bại bố mẹ. Nó có cảm giác thích thú từ việc từ chối làm điều mà cha mẹ muốn nó làm. Một đứa trẻ như thế cảm thấy rằng nếu nó làm theo những đòi hỏi của cha mẹ, nó sẽ phục tùng một quyền lực mạnh hơn và như thế sẽ mất giá trị riêng của nó. Sự sợ bị khuất phục bỡi một mãnh lực hùng mạnh hơn là một sự thực đối với một số con trẻ và dẫn chúng tới những cố gắng muốn bày tỏ cho thấy sức mạnh riêng của chúng.

Khi mẹ bé Huyền Linh nhấn mạnh rằng nó phải đi vào giường sau khi hết chương trình, bà mẹ và cô bé bắt đầu vướng vào một cuộc chiến tranh chấp quyền lực. Phần còn lại của câu chuyện cho thấy cách thế mỗi người đã cố gắng để tỏ cho người khác thấy ai là kẻ có quyền. Mỗi lần bà mẹ giận dữ và đánh đập bé là mỗi lần bà đã nhường sự chiến thắng cho bé. Sự bị xúc phạm và đau đớn của hình phạt là một cái giá đáng phải trả cho sự chiến thắng. Cô bé tỏ ra sẵn sàng chấp nhận hình phạt để làm cho bà mẹ đâm ra chán nản và khiến cho bà thêm kiệt sức. Chưởi la, đánh đập, đó là điều mà chúng ta, những bậc cha mẹ thường làm khi chúng ta cảm thấy mình bị thất bại. Chính hành vi chúng ta nói lên: tôi không còn gì đáng kể ngoại trừ sức mạnh và uy quyền. Trẻ con cũng cảm thấy được điều đó và cũng làm như vậy. Thật là một sai lầm lớn cho chúng ta nếu chúng ta cố gắng để khuất phục một đứa trẻ đang say máu háo thắng. Trong cuôc chiến như thế, đứa trẻ càng phát triển sự khéo léo của nó trong việc dùng sức mạnh. Tiến trình đó có thể đưa đứa trẻ đến chỗ nó chỉ cảm thấy thõa mãn với việc trở thành một bạo chúa.

Vấn đề tranh chấp quyền lực đang trở nên thịnh hành trong xã hội chúng ta ngày nay vì những thay đổi quan niệm về bình đẳng đang xảy ra. Có thể nói là đủ để chúng ta nhận biết rằng một cuộc chiến tranh về quyền lực chắc chắn xảy ra nếu cha mẹ và con cái mỗi bên đều cố gắng tỏ cho thấy rằng ai sẽ là người có uy quyền.

Một trong những phân biệt quan trọng giữa một đòi hỏi cho sự chú ý và một chứng tỏ quyền lực là: hãy xem hành vi của đứa trẻ như thế nào. Nếu nó chỉ muốn được chú ý, nó sẽ ngưng hành vi quấy rầy của nó ít nhất là trong lúc nó bị khiển trách. Nhưng nếu ý hướng của nó là muốn chứng tỏ quyền lực, những cố gắùng làm cho nó ngưng chỉ làm tăng thêm hành vi quấy rầy của nó mà thôi.

3. Hận thù và Báo thù

Bà mẹ ở trong bếp, còn ông bố ở dưới tầng hầm. Cu Hân 5 tuổi và cô bé Hạnh 3 tuổi đang chơi ở trong phòng xem Tivi. Thình lình bé Hạnh thét lên vì đau quá. Bố mẹ chúng nó vội chạy đến thì thấy bé Hạnh đang thu mình trong góc hét lên trong khi cu Hân đang cầm hộp quẹt lửa đang cháy. Khi bố mẹ chạy đến thì bé Hạnh đã bị phỏng. Cậu bé đã thành công trong việc gây cho cô em một vết phỏng.

Mục đích sai lầm thứ ba đến từ sự căng thẳng của sự tranh chấp quyền lực. Khi bố mẹ và đứa trẻ trở nên căng thẳng trong việc tranh chấp quyền lực và mỗi bên cố gắng khuất phục phía bên kia, điều đó sẽ dễ biến thành những hận thù nguy hiểm. Đứa trẻ trong sự thất vọng có thể tìm cách trả thù như một phương cách để cảm thấy mình có ý nghĩa và quan trọng, vì nó nghĩ rằng nó không còn được yêu thích, cũng không có một chút quyền lực nào, và rằng nó chỉ đáng kể khi nó có thể làm tổn thương người khác cũng giống như nó đã bị người khác làm tổn thương. Và như thế mục đích sai lầm của nó trở thành mục đích của sự báo thù. Cu Hân thất vọng trong cố gắng chiếm một chỗ đứng, nó cảm thấy chính mình như một cậu bé bị ruồng bỏ, không được quí mến. Những đứa trẻ như thế cần nhiều sự khích lệ nhưng nhận lại ít. Cu Hân cần sự cảm thông và chấp nhận thật sự để giúp nó khám phá ra giá trị của nó. Nếu bố mẹ hay rầy la nó, nó càng cảm thấy rằng nó quả thật là xấu và không ai thích nó nữa. Điều đó càng làm cho nó ngày càng thêm thù hận và muốn tìm cách để trả thù. 

4. Tỏ ra đần độn để khỏi làm việc.

Mục đích sai lầm thứ tư thường được xử dụng bỡi những đứa trẻ hoàn toàn thất vọng. Chúng cố gắng tỏ ra sự hoàn toàn đần độn và bất lực của chúng để khỏi phải làm việc.

Cu Cương 8 tuổi gặp khó khăn ở trường học. Trong một cuộc nói chuyện, cô giáo nói với mẹ nó rằng nó học rất kém, mọi môn luôn là cuối sổ, và xem ra chẳng đi đến đâu cả cho dẫu nó có sự cố gắng và cô giáo cũng đã cố gắng giúp nó. Như vậy, ở nhà nó làm gì để giúp việc nhà? Cô giáo hỏi thế. Bà mẹ trả lời: “Tôi không bảo nó làm chi cả vì nó chẳng muốn làm gì cả. Nếu nó làm, nó làm cách vụng về đến nỗi tôi chẳng muốn bảo nó làm chi hết.”

Một đứa trẻ hoàn toàn thất vọng, đầu hàng cách buông xuôi. Nó cảm thấy rằng nó không có cơ hội thành công trong mọi cách. Nó trở thành vô dụng và dùng sự vô dụng của nó để tránh bất cứ một công việc nào mà ở đó sự thất bại ngày càng trở nên chồng chất. Đứa trẻ xem ra đần độn như thế thường là đứa trẻ thiếu tự tin nên dùng sự khờ khạo như một phương tiện để tránh bất cứ một cố gắng nào. Dường như nó muốn nói: “nếu mình làm bất cứ cái gì, họ sẽ khám phá ra mình ngu đần là chừng nào; vì thế, hãy để tôi yên hàn.” Bất cứ khi nào mẹ nó mở miệng nói rằng “mẹ đầu hàng”, bấy giờ nó cảm thấy nhẹ nhõm vì nó biết rằng mẹ nó sẽ không bảo nó làm gì nữa, và đó cũng chính là điều mà nó muốn. Cái nhìn của đứa trẻ về chính nó là một cái nhìn sai lầm vì đã được mang lại bỡi những kinh nghiệm rằng có nhiều trở ngại mà nó không thể vượt qua, và chính vì thế nó đã trở nên mất tự tin. Đó là một quan niệm thật sai lầm vì không có đứa trẻ nào là hoàn toàn vô dụng.

Khi chúng ta ý thức về 4 mục đích sai lầm đó nằm đằng sau những hành vi của đứa trẻ, chúng ta sẽ có nền tảng cho những hành động của chúng ta. Trong mọi trường hợp, chúng ta không được phép nói với đứa trẻ điều mà chúng ta nghi ngờ đó là một mục đích sai lầm, vì nói như vậy rất là tai hại. Kiến thức về tâmlý là một cái gì được dùng như một căn bản cho hành động của chúng ta chứ không phải như một vũ khí chống lại đứa trẻ. Thật ra, nó không ý thức gì về mục đích của nó và người ta có thể làm cho đứa trẻ ý thức về mục đích tiềm ẩn của nó. Nhưng một hành động như thế nên nhường lại cho những người được huấn luyện chuyên môn. Tuy nhiên, một khi chúng ta ý thức về mục đích sai lầm của đứa trẻ, chúng ta dễ nhận thấy mục đích của hành vi của nó. Điều mà trước đây xem ra vô nghĩa bây giờ trở thành có ý nghĩa. Nếu chúng ta lấy đi những mục tiêu mà đứa trẻ mong muốn, hành vi của nó sẽ trở thành vô dụng. Nếu đứa trẻ không đạt được mục đích của nó, nó có thể xét lại ý huớng của nó và chọn lại cách xử thế khác.

Khi chúng ta nhận thấy rằng một đứa trẻ đang đòi hỏi một sự chú ý không thích hợp, chúng ta không nên chìu theo ý nó. Và khi chúng ta cảm thấy mình đang đi vào một  cuộc tranh chấp, chúng ta nên rút khỏi trận chiến vì không nên để mình đi vào một cuộc chiến tranh chấp như thế. Như vậy, sẽ không có chiến thắng trong một trận chiến không người. Khi một đứa trẻ tìm cách làm tổn thương chúng ta, chúng ta nên ý thức về sự chán nản sâu xa của nó, không nên có cảm giác bị tổn thương, và nên tránh sự trả thù bằng cách phạt nó. Chúng ta cũng không nên cảm thấy chán nản bỡi đứa trẻ vô dụng và cố gắng xếp đặt sao cho đứa trẻ khám phá ra những khả năng của nó.

Chúng ta cần biết rằng 4 mục đích sai lầm nầy thường được nhận thấy một cách rất rõ ràng trong thời gian đầu của tuổi thơ. Trong những năm đầu, sự chú ý của đứa trẻ chú trọng trong việc phát triển quan hệ với bố mẹ và những người lớn khác. Đứa trẻ cảm thấy mình quá bé nhỏ trong một thế giới của người lớn. Suốt thời gian nầy, 4 mục đích sai lầm kia càng xem ra rõ ràng hơn đối với một số người quan sát có trình độ hiểu biết. Tuy nhiên, vào lúc lên 11 tuổi, sự liên hệ với bạn bè trở nên quan trọng hơn và đứa trẻ sẽ theo đuổi những mẫu mực hành vi khác nhau để tìm ra chỗ đứng của nó trong hàng ngũ bạn bè. Vì lý do đó, hành vi quấy rầy không còn có thể được cắt nghĩa bỡi một trong 4 mục đích đó nữa. Có những hành động trong tuổi vị thành niên và người lớn thỉnh thoảng cũng có thể được cắt nghĩa trong từ ngữ của 4 mục đích sai lầm đó. Nhưng những mục đích khác xem ra là rõ ràng hơn như là tìm kiếm sự hồi hộp, quá chú ý đến sự lôi cuốn của nam giới, những thành công vật chất và vân vân …là những cái không nhất thiết thuộc lãnh vực của những mục đích sai lầm trên đây.

Một sự đáng quan tâm quan trọng khác nữa đó là: chúng ta là những cha mẹ, phải cố gắng khích lệ con trẻ thay đổi hành vi. Nhưng chúng ta cũng hãy biết rằng chúng ta không thể luôn luôn thành công trong việc thuyết phục chúng cho dẫu chúng ta có thể làm đúng. Mỗi đứa trẻ sẽ làm quyết định riêng cho nó về điều nó sẽ làm. Những ảnh hưởng bên ngoài gia đình, đặc biệt từ các bạn hữu ảnh hưởng đứa trẻ rất nhiều. Nếu những cố gắng hướng dẫn nó đi vào một hướng khác xem ra vô ích, chúng ta hãy nên nhớ rằng nó là một con người và nó có quyền làm những quyết định và chọn lựa cho riêng nó. Chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho vấn đề nầy vì điều đó thuộc về đứa trẻ, và đây cũng là một phần của ý nghĩa bình đẳng và trách nhiệm của con trẻ.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments