Mục đích chính yếu trong
phương pháp giáo dục của Don Bosco được gói ghém trong câu châm
ngôn này: “Huấn luyện các học sinh trở nên những người công dân
ngay thật và những người công giáo tốt lành”. Một câu nói xem ra
đơn giản thông thường, nhưng thực sự là cả một khoa sư phạm
không dễ.
Không thiếu chi những cha mẹ có quan niệm
giáo dục con cái như khi người ta đi đặt hàng. Tôi muốn con tôi
cao lớn như thế này, có khuôn mặt đẹp, có nước da màu như thế
này, thông minh, học giỏi tới mức độ như ông nọ bà kia, v.v...
Vì thế khi con cái lớn lên không theo đúng như lòng họ mơ ước,
hoặc chưa đáp ứng với khuôn mẫu mà họ mong đợi là họ lo mài dũa
uốn nắn cho nó nên như vậy. Và nếu con cái cưỡng lại những điều
cha mẹ mong muốn tất nhiên sẽ không tránh khỏi những xung khắc,
bất mãn, những lời cãi cọ, đe mắng, dọa nạt gây đau khổ cho cha
mẹ và càng thêm tức giận, bất mãn cho con cái.
Chung quy cũng là vì quá yêu thương con cái
không đúng đắn, cha mẹ muốn con cái trở nên như chính mình, hoặc
bù đắp vào những gì họ không thực hiện được; thay vì biết thực
tình yêu thương con cái và hướng dẫn con cái trở nên chính mình,
theo như kế hoạch Thiên Chúa đã có sẵn cho mỗi người.
Có người mơ tưởng được bà tiên với cái gậy
thần đến bên nôi con cái mình và phân phát cho chúng những tài
năng như lòng họ ước nguyện. Họ quên rằng, cha mẹ chính là những
bà tiên đó. Là người trước hết có thể uốn nắn và vun trồng cây
non; là người trước hết có thể khắc ghi vào tâm trí con cái như
viết trên tờ giấy trắng những hàng chữ đâm nét nhất khó có thể
phai mờ với thời gian. Tương lai, thành công hay thất bại của
con cái sau này phần lớn tùy thuộc vào những gì cha mẹ biết gieo
vào tâm hồn con cái từ ngày còn măng sữa.
Nếu có thể làm danh sách những tài năng,
những đức tính tốt mà cha mẹ muốn ban tặng cho con cái mình, quý
vị phụ huynh sẽ liệt kê những điều gì ?
Sau đây là một số những đức tính tốt lành
được coi như những yếu tố quan trọng cần được vun trồng trong
tâm hồn con cái như hành trang chuẩn bị cho con cái vững tiến
giữa một xã hội đầy những hoang mang, đối nghịch như xã hội
chúng ta ngày nay.
1. Huấn luyện lòng tự tin
Cha mẹ là những người được quyền ưu tiên
làm nảy nở trong tâm hồn con cái niềm xác tín rằng tôi có thể
thành công, tôi có thể làm được việc. Lớn lên với niềm xác tín
tự tin này, đứa trẻ sẽ cảm thấy phấn khởi và không sợ đương đầu
với những khó khăn trong cuộc sống và của những trách nhiệm sẽ
được giao phó cho nó sau này. Vấn đề quan trọng là cha mẹ biết
nhận ra đâu là những tài năng, những khuynh hướng tốt đã phú bẩm
trong tâm hồn mỗi người con, đồng thời tạo điều kiện để chúng có
cơ hội diễn tả và phát triển những năng khiếu đó. Liều thuốc bổ
tinh thần hữu hiệu nhất trên con đường phát triển này không phải
là những lời dọa nạt, hoặc các hình phạt, nhưng là những lời
khích lệ và khen thưởng, chẳng hạn như: cha mẹ rất hãnh diện,
rất hài lòng về con. Những lời nói chân thành đó thật không khác
gì liều thuốc thần, như được chắp cánh để bay bổng, bay xa, bay
nhanh hơn.
Bẩm tính tuổi trẻ rất dễ nản lòng trước những
thất bại nho nhỏ, dễ thối chí trước những khó khăn. Nếu cha mẹ
không biết thông cảm bỏ qua, lại còn thêm nặng lời trách mắng,
thật không khác gì đổ nước vào lửa vậy !
2. Huấn luyện lòng ngay thật và biết tôn
trọng
Lòng tự tin không hẳn là yếu tố làm cho
người trẻ trở nên ích kỷ hoặc kiêu căng. Với thời gian và lòng
kiên nhẫn chỉ bảo đứa trẻ sẽ học nói sự thật, tôn trọng kỷ luật,
quyền lợi của người khác và trung tín trong lời nói, việc làm.
Những lời nói như:
- Cám ơn con đã kể cho cha mẹ biết những sự
việc xảy ra ở nhà trường, giữa chúng bạn. Cha mẹ có thể tin
tưởng vào lời nói của con để biết rõ đầu đuôi câu chuyện như thế
nào. Thế nhưng, càng hiệu nghiệm hơn nữa, khi cha mẹ là tấm
gương sáng trước mắt con cái về sự tôn trọng và lòng trung tín
trong khi khuyên dạy chúng vể những điều đó.
3. Giao phó cho mỗi người con, một
trách nhiệm nhỏ trong cuộc sống gia
đình.
Những buổi họp thường xuyên để phân chia,
trao đổi công tác, những lời nhắc nhở, những phần thưởng nho
nhỏ, quả là những bí thuật huấn luyện tinh thần trách nhiệm rất
hữu hiệu. Cảm thấy công việc và sự đóng góp nhỏ nhặt của mình
được cha mẹ nhìn nhận và quý trọng, con cái sẽ càng thêm hãnh
diện vì biết mình quan trọng đối với cha mẹ, và càng thêm gắn bó
với tình gia đình. Trái lại, khi con cái cảm thấy lạc lõng hững
hỡ trong bầu khí gia đình, dĩ nhiên nó sẽ chỉ muốn chạy trốn để
tìm nơi nào khác được tiếp nhận cách thân thiện hơn.
4. Năng “ sạc lại bình điện hứng khởi“
Sự phấn khởi là như sức hút nam châm cha
mẹ có thể thường xuyên chuyển đạt cho con cái. Thiếu sự phấn
khởi, khó có ai mà thành công được việc gì. Đối với tuổi trẻ,
vấn đề không phải là thiếu phấn khởi, nhưng vì là thứ phấn khởi
bồng bột và dòn mỏng, nên cần được bảo vệ và hâm nóng sức phấn
khởi đó luôn, nếu không nó sẽ dễ bị nguội dần và tắt lịm. Có
những người hoặc vì vô tình, hoặc vì thiếu khôn ngoan, đã rắc
tro nguội trên ngọn lửa phấn khởi đang leo lét sắp tàn bằng
những lời châm biến, chọc tức, phê bình, mỉa mai... Thật không
còn liều thuốc độc nào tai hại hơn cho bằng !
Kinh nghiệm học đường cho thấy, những trẻ em
được cha mẹ lưu tâm tới vấn đề học vấn của con cái, thường là
những trẻ em đạt được thành quả tốt đẹp hơn những trẻ em không
được cha mẹ đoái hoài gi đến việc học hành của con cái. Don
Bosco thật có lý khi khuyên bảo các cộng tác viên của ngài:
- Hãy yêu thích những điều các bạn trẻ ưa
thích rồi chúng cũng sẽ yêu thích nhừng gì chúng con ưa thích.
5. Huấn luyện trái tim bén nhạy, biết
cảm thông.
Bản
tính tự nhiên các bạn trẻ rất bén nhạy và rất dễ mủi lòng trước
những đau khổ của người khác. Hành động và cách cư xử của cha
mẹ trước thảm cảnh đau thương của tha nhân, có thể là tấm gương
sáng cổ võ thêm, hoặc là tấm gương mù bóp nhạt sự bén nhạy ấy.
6. Cùng đối phó với khó khăn và thất bại
Trong gia đình, nếu tất cả các phần tử
biết ý thức và đoàn kết đương đầu với những khó khăn, thất bại
của cuộc sống, dần dần các bạn trẻ sẽ học biết hỗ trợ lẫn nhau
và rút kinh nghiệm sống từ những bài học thực tế đó; biết tự
chủ, kìm hãm tính nóng nổi, bồng bột của mình trước những điều
trái ý. Biết đối thoại, biết hòa giải là phương pháp xây dựng
tích cự hơn là chiến đấu. Thế nhưng, tinh thần đối thoại là hoa
trái của trí thông minh, của sự chuyên cần luyện tập và của tính
tự chủ. Hơn nữa trong một xã hội với những biến chuyển đổi thay
không ngừng, cần huấn luyện các bạn trẻ biết phát triển óc sáng
tạo, không sợ mạo hiểm, sẵn sàng thích nghi với những đổi mới,
đồng thời cũng biết giữ vững lập trường dựa trên những giá trị
chân thật và lâu bền.
7. Biết khôi hài, biết cưòi với chính mình
Bản
tính khôi hài lành mạnh được coi như liều thuốc giải độc tinh
thần rất hiệu nghiệm. Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên tập cười
chính mình, cười trước những cái sai của mình, thay vì cau có,
bực bội. Đừng sợ tạo nên những dịp để cười vui. Người biết cười
cũng sẽ giữ được nét tươi trẻ trên gương mặt lâu dài hơn. Biết
cười với các bạn trẻ, tuy nhiên, đừng bao giờ cười các bạn trẻ,
nó sẽ giết hại lòng tin tưởng tín nhiệm và làm hỏng việc giáo
dục.
Sau cùng là cùng đồng hành với con cái, với
các bạn trẻ trên con đường hy vọng. Thật không còn món quà nào
quý giá hơn cha mẹ có thể ban tặng cho con cái cho bằng lòng
tin vững mạnh và chân thành. Cha mẹ và những nhà giáo dục nào
biết vững lòng tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha nhân
từ đầy tình thương luôn sẵn sàng chăm nom săn sóc các tạo vật
của Ngài, tất nhiên họ cũng sẽ chuyển đạt lòng tin tưởng lạc
quan ấy cho những tâm hồn non dại được giao phó cho họ.
-----------
Cf FERRERO Bruno,
Il capolavoro in Genitori Felici con il
sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 51 - 53. |