KHÍCH LỆ


Lm. Lê Văn Quảng
 

Khích lệ thì cần hơn những chuyện khác trong công việc giáo dục con cái của chúng ta. Nó quan trọng đến nỗi nếu thiếu điều đó sẽ làm cho con trẻ hành động sai lầm. Một đứa trẻ có hành động sai lầm là một đứa trẻ không được khích lệ. Đứa trẻ cần có sự khích lệ liên tục như một cây cần nước. Nó không thể lớn lên và phát triển mà không có sự khích lệ. Tuy nhiên, những kỷ thuật giáo dục con trẻ mà chúng ta dùng ngày hôm nay cho thấy hàng loạt những kinh nghiệm thiếu khích lệ.

Đối với một đứa trẻ, những người lớn thì xem ra quá lớn, quá oai vệ, và có quá nhiều khả năng, còn nó thì xem ra quá nhỏ bé, nên sự khích lệ giúp cho đứa trẻ không đầu hàng khi phải đối diện với những ấn tượng nầy; và thật tuyệt vời nếu đưá trẻ có được sự can đảm đó. Nếu chúng ta được đặt vào trường hợp sống giữa những người khổng lồ thì chúng ta cũng sẽ đầu hàng như những đứa trẻ của chúng ta vậy.

Trẻ con đáp ứng những hoàn cảnh khó khăn với ước muốn học được những khéo léo và muốn thắng vượt cảm giác mình bé nhỏ và bất lực. Chúng muốn là một phần tử của gia đình. Tuy nhiên, trong cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng, chúng lại gặp phải thiếu sự khích lệ. Những cách giáo dục như thế, thường chỉ gây thêm sự thất đảm cho con trẻ.

Kim Hồng, 4 tuổi, đang đứng bên cạnh mẹ trong bếp, nhìn mẹ đang thu xếp những thực phẩm. Mẹ nó lấy cái hộp đựng trứng trong tủ lạnh ra và đặt trên bàn. Bà lấy hộp trứng ra khỏi túi đồ. Kim Hồng vói tay lấy hộp đựng trứng và muốn lấy trứng xếp vào hộp đựng trứng. Bà mẹ kêu lên: “Kim Hồng! không được, con sẽ làm vỡ trứng. Để đó cho mẹ. Hãy đợi đến khi con lớn đã”.

Bà mẹ đã vô tình làm cho em bé mất đi sự can đảm. Bà đã gây cho nó một ấn tượng là nó quá nhỏ. Điều đó có ảnh hưởng không tốt đối với quan niệm về chính nó. Bà có biết rằng ngay cả đứa bé 2 tuổi cũng có thể xếp được những cái trứng một cách thận trọng không? Chúng ta đã từng thấy một đứa trẻ nhặt từng chiếc trứng đặt vào trong chiếc hộp đựng trứng một cách tốt đẹp chưa? Và nó đã tỏ ra rất vinh dự khi đã làm được điều đó. Cả bà mẹ cũng vui mừng biết bao khi thấy con mình làm được như thế.

Cu bé Thành đang mặc bộ đồ mùa đông để đi ra chợ với mẹ nó. “Lại đây, Thành, mẹ mặc cho con. Con làm chậm quá”.

Bà mẹ đã cho cậu bé một cảm giác là không đủ khả năng để làm mọi việc nhanh chóng. Bị làm thất đảm, cậu bé đầu hàng và đã để mẹ nó mặc quần áo cho nó.

Trong ngàn vạn cách, bằng giọng nói hay bằng hành động, chúng ta chứng tỏ cho đứa trẻ thấy rằng chúng ta coi nó chưa có khả năng, nói chung là còn vụng về, ngơ ngáo. Để đối phó với những quan niệm đó, nó cố gắng làm một cái gì nổi bậc để gây ấn tượng và tìm một chỗ đứng.

Thay vì cho phép con trẻ thử tài của chúng trong trăm ngàn cách khác nhau, chúng ta thường đối xử với chúng với đầy những thành kiến, luôn nghi ngờ khả năng của chúng, hoặc thẩm định giá trị chúng bằng cách thiết lập những tiêu chuẩn cho những trình độ tuổi khác nhau mà qua đó những đứa trẻ được tin tưởng là có thể làm được.

Khi một đứa bé 2 tuổi rưỡi muốn giúp dọn bàn, chúng ta lập tức chụp lấy ngay cái đĩa khỏi tay nó và nói: “Con ơi, không được, con sẽ làm bể nó”. Để cứu lấy một cái đĩa, chúng ta sẵn sàng làm tan vỡ niềm tự tin của đứa bé vào khả năng mới chớm nở của nó. Chúng ta ngăn cản những cố gắng khám phá khả năng và sức mạnh của đứa bé. Đứa bé mang giầy, chúng ta bảo là nó mang lộn chân. Lần đầu tiên nó muốn tự cầm muổng để ăn, nó làm lem luốc mặt mày, quần áo, bàn ghế. Chúng ta rầy la, lấy muổng khỏi tay nó, và cho nó ăn. Dần dần chúng ta làm mất đi những cố gắng đi tìm cho mình một chỗ đứng qua những công việc làm của nó.

Thay vì khích lệ, chúng ta làm con cái chúng ta thất đảm mà chúng ta không biết. Chúng ta thiếu niềm tin vào khả năng của đứa trẻ. Chúng ta nghĩ rằng bây giờ nó còn quá bé để làm những công việc đó, mai ngày nó lớn, nó tự động sẽ làm được những công việc như thế. Nhưng chúng ta đã lầm, mọi sự đều cần phải học hỏi.

Khi một đứa bé làm điều gì sai lỗi hay không hoàn thành được một công việc nào đó, chúng ta phải tránh nói hoặc hành động tỏ cho nó thấy rằng nó là một sự thất bại. Chúng ta cần tách rời hành động ra khỏi con người hành động. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng rằng mỗi lần thất bại là chỉ vì thiếu sự khéo léo nên không ảnh hưởng gì đến giá trị con người. Cần can đảm mỗi khi chúng ta gặp phải thất bại và không nên mang mặc cảm nào cả. Hãy nhớ rằng con người là bất toàn và lỗi lầm thì không thể nào tránh khỏi.

Một nửa của việc khích lệ một đứa bé là tránh làm cho nó thất đảm bỡi việc bảo vệ thái quá hoặc rầy la nó thái quá. Bất cứ việc gì ta làm tỏ ra thiếu tin tưởng vào đứa bé thì đó là làm cho nó thất đảm. Một nửa khác là biết cách khích lệ nó. Bất cứ khi nào chúng ta hành đông để nâng đỡ một đứa bé biết can đảm và tự tin thì đó là lúc chúng ta khuyến khích nó. Không có một câu trả lời nào rõ ràng cho vấn đề đó. Nó liên quan đến quan niệm và sự học hỏi của cha mẹ về vấn đề giáo dục. Chúng ta phải biết quan sát kết quả của chương trình giáo dục và tự hỏi: phương cách mà chúng ta đang dùng có giúp ích gì cho việc giáo dục con cái chúng ta không?

Hành động của đứa bé muốn nói cho chúng ta biết sự lượng định giá trị của nó về chính nó. Một đứa bé nghi ngờ về khả năng của nó hoặc giá trị của nó, chúng ta có thể thấy được qua cách thế: nó không còn muốn làm, không còn muốn tham dự, hoặc góp phần vào những công việc như thế nữa. Trong cơn thất đảm, nó quay sang khuấy động hoặc hành động một cách vô tích sự. Nó nghĩ rằng nó bất tài và không thể đóng góp gì, nên phải làm một cái gì ít ra cũng gây được sự chú ý bằng cách nầy hay cách khác. Thà rằng bị phết vào đít còn hơn là không được ai biết đến. Bị xem là đứa trẻ hư còn hơn là không được chú ý. Một đứa trẻ như vậy luôn có ấn tượng rằng không còn chút hy vọng nào để chiếm được một chỗ đứng qua hành động cộng tác.

Khích lệ là một tiến trình liên tục có mục đích tạo cho đứa trẻ có một cảm giác biết tự trọng và hoàn thành công việc. Từ thuở ấu thời nó cần sự giúp đỡ để tìm được một chỗ đứng qua việc hoàn thành một số những công việc.

-o0o-

Bé Yến, 7 tháng, hay khóc la mỗi khi nó được đặt vào trong nôi và nằm đó một mình. Mẹ nó lấy làm ngạc nhiên: một đứa bé nhỏ như vậy đã có tính dở chứng như thế. Nó cong lưng, đập chân, và la hét đến độ đỏ cả người. Là đứa nhỏ nhât trong 5, bé Yến đã được ôm bế nhiều từ lúc mới sinh. Bé Yến nằm trên đùi mẹ khi mẹ ngồi ở bàn và mắt mẹ thường hay theo dõi lúc nó được đặt trong nôi. Khi mẹ nó phải đi ra khỏi phòng, một trong những đứa lớn hơn được gọi để trông coi nó. Vào giờ ngủ, nó thường không được đặt vào giường cho đến khi nào nó hoàn toàn ngủ say. Nó khóc một chút trước khi thiếp ngủ. Mẹ nó luôn canh chừng và luôn ở cạnh nó mỗi khi nó cựa quậy. Bé Yến vui với mẹ. Mẹ nó nghĩ đến nó như một đứa bé hạnh phúc.

Mới chỉ 7 tháng tuổi, Bé Yến đã tỏ ra thất đảm. Nó cảm thấy mình có một chỗ đứng nếu những người khác để ý làm nó vui và cảm thấy mình bị lãng quên nếu không ai chú ý đến nó. Nó không chịu góp phần vào những sinh hoạt của gia đình và chỉ muốn mình trở thành trung tâm của mọi chú ý.

Sẽ có người hỏi rằng: làm sao một trẻ sơ sinh có thể góp phần vào những sinh hoạt đó? Thưa rằng: đòi hỏi đầu tiên nơi mỗi con người là “phải biết tự mình đủ cho mình”. Một đứa trẻ cần học cách lo cho chính mình và tiến trình học nầy bắt đầu từ lúc mới sinh. Bé Yến cần học cách tự làm mình vui. Mẹ nó yêu nó nhiều và muốn nó là một đứa bé hạnh phúc. Nó trở thành một đứa bé quá được cưng chìu. Bé Yến thấy rằng việc nó khóc mang lại kết quả. Mẹ nó làm mọi cách để nó khỏi khóc, để nó được hài lòng. Trong cách thế khích lệ nó trở thành một đứa bé hạnh phúc, mẹ nó đẵ vô tình không khích lệ nó biết tự mãn với chính mình. Mẹ nó có thể làm ngưng cái dở chứng của nó bằng cách cứ để cho nó khóc nếu nó muốn, cung cấp đồ chơi cho nó và đặt nó ở đó với những đồ chơi của nó. Làm như thế thì tốt hơn cho nó và đó là một sự khích lệ. Mỗi ngày nên có một thời gian nhất định để nó một mình tự lo cho nó. Khoảng thời gian tốt nhất cho sự tập luyện nầy là vào buổi sáng khi các anh chị nó đi học và người mẹ phải lo công việc trong nhà.

Tuy nhiên, rất khó lòng không quan tâm đến một đứa bé đang khóc. Người mẹ phải tự biết rằng yêu con có nghĩa là muốn cái lợi cho con. Một người mẹ tốt không cần phải cung ứng tất cả mọi đòi hỏi của đứa bé. Một đứa bé cảm thấy hạnh phúc khi nó là trung tâm của mọi chú ý thì không hẳn là một đứa bé hạnh phúc thật. Hạnh phúc thật không lệ thuộc vào sự chú ý của người khác nhưng phát xuất từ trong chính mình như kết quả của sự mãn nguyện với chính mình. Đứa bé cần biết điều đó hơn những người khác, và cũng cần biết rằng  có nhiều người đi trước nó đã có thể làm được như vậy.

Bé Mỹ Linh, 3 tuổi, muốn giúp mẹ sắp xếp bàn ghế cho bữa cơm tối. Nó đi một vòng quanh bàn, và rồi nâng lấy bình sữa muốn đổ vào các ly. Mẹ nó chụp lấy bình và nói một cách nhẹ nhàng rằng: “Cưng ơi, con chưa đủ lớn. Mẹ sẽ làm việc đó. Con lấy giấy xếp lên bàn giúp mẹ”. Bé Mỹ Linh xem ra không được hài lòng, quay đi, và rời khỏi phòng ăn.

Trẻ con có can đảm bẩm sinh và hăng hái làm những gì nó thấy người khác đang làm. Giả như cô bé có làm đổ sữa ra đi nữa thì việc mất sữa cũng ít quan trọng hơn là mất tự tin. Bé Mỹ Linh có can đảm nhận lấy một thử thách mới. Người mẹ có thể khuyến khích bằng cách tin tưởng bé. Nếu sữa bị đổ ra ngoài, nó sẽ phải đối diện với sự thất bại đó nên cần một sự can đảm và khích lệ hơn. Người mẹ nên biết sự dũng cảm cũng như sự cố gắng của đứa bé, nên sẵn sàng giúp nó lau chùi và hãy khuyến khích nó: “Con cần cố gắng hơn nữa và rồi con có thể làm được”.

Hồng Loan 8 tuổi, và Hồng Liên 10 tuổi, sau buổi học về nhà với tờ báo cáo của nhà trường. Hồng Loan yên lặng đi thẳng vô phòng trong khi Hồng Liên chạy đến khoe mẹ:” Mẹ xem, con lấy toàn là 90 với 95 điểm”. Bà mẹ nhìn tờ báo cáo và lộ vẻ vui mừng. “Còn Hồng Loan đâu, mẹ muốn xem tờ báo cáo của nó”. Hồng Liên nhún vai: “Nó không lấy được điểm cao như con. Nó đần lắm”. H. Loan trên đường đi ra ngoài chơi, bà mẹ thấy nó và gọi lại:

    - H. Loan tờ báo cáo của con đâu?

    - Trong phòng con.

    - Con lấy được bao nhiêu điểm?

     Cô bé không trả lời. Nó đứng nhìn trần nhà.

    - Mẹ nghĩ con lại lấy điểm thấp nữa rồi, có phải không? Hãy đi lấy tờ báo cáo đưa cho mẹ xem.

 Nhìn thấy H. Loan có 2 cái 40; 2 cái 50; và 1 cái 60, bà mẹ phát cáu:

   - H. Loan, mẹ xấu hổ về con. Không có lý do nào cả. Hãy xem chị H. Liên luôn luôn lấy điểm cao. Tại sao con không như chị con? Con chỉ vì lười và không chú ý. Đây là một cái nhục cho gia đình, con có biết không? Con không được ra ngoài chơi và hãy đi vô phòng.

H. Loan có điểm thấp là kết quả của việc thiếu khích lệ. Nó là đứa con thứ hai trong gia đình. Nó cảm thấy mình không có cơ hội để thõa mãn những tiêu chuẩn mà mẹ nó đòi hỏi: phải giống như chị nó. Cung cách của người mẹ lại càng làm cho nó thất đảm. Trước nhất, cho dầu chưa thấy tờ báo cáo, bà mẹ cũng đã quả quyết: điểm thấp nữa rồi. Vì bà mẹ không tin tưởng vào nó nên nó chỉ có đầu hàng và xem mình như một thất bại. Khi bà mẹ nói bà thấy nhục về nó, cô bé sẽ cảm thấy mình không còn giá trị nữa. Thứ đến, bà mẹ ca tụng điểm cao của H. Liên, bà muốn ám chỉ cho bé Loan một sự so sánh không mấy tốt đẹp về chính nó. Bà mẹ bảo nó nên giống như H. Liên, nhưng đối với bé Loan đó là một điều không thể có được, vì trong đầu óc nó: chị nó lớn hơn nó 2 tuổi, luôn luôn đi trước nó 2 năm, và như thế nó không thể nào bắt kịp được chị nó cả. Bà mẹ phê bình nó: cho nó là lười, là sự nhục nhã của gia đình, điều đó chẳng có ích lợi gì mà chỉ càng làm cho nó thêm thất đảm trên con đường học vấn mà thôi. Cô bé cũng ý thức được rằng: chị nó cho nó là đần độn chỉ vì chị nó muốn độc quyền giữ chỗ đứng như là một đứa thông minh, và cố làm cho em nó càng thêm nhụt chí bằng cách đẩy em nó lụn xuống sâu hơn. Nhưng trên tất cả, việc bà mẹ đã phạt bé Loan không cho nó ra ngoài chơi càng làm cho cô bé cảm thấy chán nản và thất vọng.

Trái với quan niệm thông thường, kích thích sự tranh đua giữa 2 đứa con gái là một việc không nên làm, vì điều đó càng làm cho đứa trẻ thua kém thêm thất vọng và làm cho đứa kia thêm lo sợ, và như thế sẽ tạo cho đứa khá có quá nhiều tham vọng và sẽ đặt cho nó những mục tiêu khó có thể đạt được. Ngoại trừ nó luôn ở hàng đầu, nó có thể cũng xem mình là một thất bại như đứa kia.

Để khích lệ bé H. Loan, bà mẹ phải ngưng đưa H. Liên ra như một khuôn mẫu. Tất cả mọi so sánh sẽ không có lợi. Bé Loan có hành động và phương cách riêng của nó, không cần phải rập khuôn theo như chị nó. Bà mẹ sẽ không giúp gì được cho cô bé nếu bà không tin tưởng vào nó và bày tỏ cho nó thấy điều đó. Trong những tình huống như vậy, cô bé sẽ làm những gì mà người ta nghĩ về bé. Khả năng của nó chỉ tăng lên khi niềm tin được khôi phục. Tránh phê bình chỉ trích, và tốt nhất là bà mẹ nên nhận ra và nêu ra những gì cô bé đã hoàn thành cho dẫu đó chỉ là những công việc nho nhỏ khởi đầu.

Bây giờ, chúng ta hãy thử lập lại cùng một sự việc, và cũng thử  trình bày một phương cách khác mà chúng ta có thể áp dụng để mang lại một sự khích lệ cho một đứa trẻ đang gặp nhiều khó khăn, chán nản như trường hợp của bé H. Loan.

H. Loan và H. Liên về đến nhà với tờ báo cáo của nhà trường. Loan yên lặng đi vào phòng trong khi Liên chạy ngay đến mẹ nói: “Mẹ ơi, con lấy toàn điểm cao”. Người mẹ nhìn và nói: “Mẹ sung sướng thấy con ham học”. Điều quan trọng ở đây là mẹ nó chú trọng đến việc học chớ không phải là điểm. Người mẹ ca tụng công việc đã được làm tốt đẹp. Và nhận ra là Loan muốn tránh né vấn đề, nên người mẹ cần phải tế nhị, chờ đến khi chỉ còn một mình nó với bà, bấy giờ bà mới hỏi: “Loan, con  có muốn mẹ ký vào tờ báo cáo của con không?” Loan cưỡng bách mang tờ báo cáo cho mẹ. Bà mẹ xem xét, ký vào, và nói: “ Mẹ sung sướng nhìn thấy con thích môn đọc sách (môn nầy nó lấy được điểm cao). Môn nầy vui thích phải không? Thế rồi, bà mẹ nên tỏ dấu cưng con, ôm nó, và nói sang chuyện khác: “ Con có muốn giúp mẹ xếp đặt bàn cho bữa ăn tối không?” Trong lúc hai mẹ con thu xếp bàn ăn, cô bé xem ra không vui. Nhưng cuối cùng, cô bé cũng bày tỏ nỗi niềm tâm sự: “Chi Liên lấy toàn điểm cao, còn con thì không”. Bấy giờ, bà mẹ có thể khuyến khích: “Không quan trọng là con phải lấy cùng điểm như chị con. Nhưng con cũng có thể đạt được điểm mà con thích thú, và bấy giờ con sẽ khám phá ra rằng: con có nhiều khả năng hơn con nghĩ mình có bây giờ”.

Thật khó cho chúng ta nhìn thấy cái gì sẽ xảy ra cho bé Loan nếu mẹ nó thình lình thay đổi giọng điệu như thế. Thoạt đầu, cô bé có lẽ không tin. Nhưng bà mẹ cần phải ngưng ngay việc nghĩ rằng: chỉ có bé Liên mới có thể lấy được điểm cao như vậy. Với H. Loan, cô bé vẫn tin rằng nó khó có cơ hội để lấy được điểm cao, xin được học bỗng. Từ cái nhìn đó, mọi cố gắng mà nó làm đều trở nên vô ích. Dẫu sao, nó cũng đã cố gắng để lấy được 60 cho môn đọc sách. Điều nầy chứng tỏ nó cũng đã có một sự nổ lực. Khi bà mẹ nhận ra được điều đó, bà nên cho nó một cơ hội tái thẩm định chỗ đứng của nó và nên giảm bớt sự cạnh tranh quá đáng, không cần thiết. Trong cách thế đó, bà có thể cung cấp cho cô bé một nguồn hứng khởi cho những cố gắng vượt xa hơn. Bé Loan bây giờ có cơ hội để thấy rằng 60 điểm cũng có một giá trị nào đó. Nó sẽ ngẫm nghĩ: nếu đây vẫn còn tốt hơn là thất vọng thì mình có thể làm hơn nữa được. Một tia hy vọng chớm nở trong đầu óc nó, trở thành một sự khích lệ gây cảm hứng cho cô bé cố gắng làm một cái gì hơn nữa.

(còn tiếp)

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments