Hồng ân và trách nhiệm 


Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP

1. Không phải là thái độ ăn đồng chia đều

Nếu ta có hai đứa con nhỏ đang tranh giành nhau món đồ chơi, ta sẽ xử lý ra sao? Hoặc là ta sẽ chia đôi, mỗi đứa một nửa để khỏi giành nhau? Hoặc là ta sẽ cất món đồ chơi ấy đi để trừng phạt cả hai đứa con? Đó là những chuyện rất đời thường và những giải pháp rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Đó là chuyện quá nhỏ, nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn ta cũng có thể thấy nơi đó có đủ tính rắc rối phức tạp của cuộc đời.

Cách giải quyết theo kiểu “chia đôi”, hoặc “trừng phạt”, có thể nói, đều là kiểu “ăn đồng chia đều”, và phương cách như thế thường được coi như là một thứ công bằng. Tuy nhiên, kiểu “công bằng” như thế chẳng qua là một thứ công bằng trên bề mặt, một thứ công bằng để giải quyết trục trặc trước mắt, thứ công bằng để đối phó với một tình trạng lộn xộn, và cách giải quyết ấy ít nhiều cần tới một sức mạnh trấn áp bên ngoài.

Nếu nhìn rộng ra, ta thấy những toà xử án trong xã hội cũng không khác bao nhiêu với một lối giải quyết của một bà mẹ hay một ông bố bà mẹ trong gia đình. Thứ uy lực của toà án cũng giống như uy lực của bố mẹ; uy lực đó chỉ nhằm đối phó với tình huống… Những vụ án, cũng như toàn bộ cuộc đời, còn có biết bao nhiều tình tiết tế nhị mà vị quan toà không thể biết, hoặc nếu có biết thì cũng chẳng thể áp dụng khoản luật nào để xử lý. Chỉ cần nhìn vào chuyện cỏn con trong gia đình, chuyện hai đứa bé giành nhau món đồ chơi, ta cũng thấy có đủ phức tạp. Hai đứa bé giành nhau món đồ chơi, nhưng đó là món đồ chơi của ai? Có phải đứa này đã từng bị đứa kia lấy món đồ chơi nào khác nên bây giờ nó giành lại chăng?... Trong những vụ án, sự phức tạp như thế có thể nhân lên gấp mười lần. Thật ra, những uẩn ức trong lòng một đứa bé, hay trong lòng nguyên cáo hoặc bị cáo, chẳng dễ gì được hóa giải bằng một quyết định đúng sai, đen trắng của quan toà. Những uẩn ức ấy sẽ bị dồn nén và sẽ lại bùng ra vào lúc khác… và vấn đề phức tạp vào chồng chất thêm phức tạp. Cách giải quyết như vậy đúng là vá chỗ rách này thì lại làm rách ra chỗ khác.

Nhưng ta có thể đặt câu hỏi: Đâu là cách giải quyết một chuyện cỏn con như thế theo kiểu của Chúa? phản ánh được phương cách diễn tả tình yêu của Chúa? Nói một cách nào đó, những giá trị tín lý, thần học, lịch sử cứu độ… có thể mang ra để áp dụng trong những chuyện cỏn con hằng ngày như thế không? Hoặc nói một cách “lớn lao” hơn, có thể có một thứ giá trị nhân bản Kitô giáo được thể hiện ở mức độ đời thường nơi những chuyện lặt vặt như thế không?

2. Không phải là biện pháp đối phó nhưng phải là một tiến trình

Nếu như có nhiều thứ tình yêu chỉ là một thứ xuê xoa, chỉ là lớp áo bao che những bất công bên trong, khiến cho người ta đòi phải “bớt tình yêu và thêm công bằng”; thì cũng có nhiều thứ “vỏ bọc công bằng”, vỏ bọc được gia cố bằng thứ sắt thép của luật phát, lại gia cố cho chính sự bất công sâu xa hơn nhiều; và khi đó, một cách trớ trêu, người ta lại phải nại đến tình yêu thương.

Như thế đó, thật ra biện pháp nào thì cũng phải bao hàm một tiến trình, đúng như bản chất căn bản của kiếp người. Sống kiếp người là sống trong dòng thời gian, hình thành nên một dòng lịch sử. Con người sống trong dòng lịch sử luôn phải đón nhận quá khứ mà mình đã gây ra, chấp nhận quy luật “trước sau” một cách sòng phẳng. Con người chân chính cũng luôn luôn mơ ước và phóng mình tới tương lai, không phải bằng một thức tự do “thênh thang” vô trách nhiệm, nhưng là một sự tự do có khả năng sáng tạo cuộc đời mình trên chất liệu của quá khứ.

Do đó, một giải pháp chân chính của đời sống con người chỉ có thể bộc lộ tác dụng trong một tiến trình; nghĩa là, khi một giải pháp được đề ra, vấn đề chính yếu không phải là nó có giải quyết nhanh gọn tình huống xáo trộn hay không, nhưng là biện pháp ấy có mở ra hay thắt nút lại, có đưa tới một tiến trình làm cho sự công bằng được thể hiện mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn, hoặc nó lại “gia cố” thêm bất công bằng một sự xuê xoa. Cần phải đặt giải pháp của đời người vào “thuốc thử” của thời gian.

Tiến trình nào để giải gỡ bất công?

3. Từ mẫu mực của tình yêu Thiên Chúa: Hồng ân và trách nhiệm

Thiên Chúa là Cha chung của mọi người. Thế nhưng ta lại thấy một thực trạng hiển nhiên: có một sự “bất công tự nhiên”. Cùng là con một Chúa, nhưng có người được sinh ra trong một thời đại bình an, có người lại sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc. Cùng là con Chúa, nhưng có người là nam, có người là nữ, trong một nền văn hoá trọng nam khinh nữ hoặc ngược lại; có người sinh ra đã quá giỏi và có người thì dốt; có người được sống trong một gia đình tuyệt vời, có người thì không có gia đình, hoặc bị sinh ra trong một gia đình không khác gì hoả ngục…

Thiên Chúa đã chẳng phân phát đồng đều ân huệ của Ngài cho mọi đứa con. Chính Thiên Chúa, Ngài lại còn có Dân riêng. Chúa Giêsu thì có “người môn đệ Chúa yêu”, rồi các tông đồ được ưu đãi, vì đó là những người được thấy những điều mà bao người khác ước ao được thấy nhưng không được…

Thiên Chúa chắc chắn đã không phân phát ân huệ của Ngài theo kiểu ăn đồng chia đều. Phải chăng Thiên Chúa đã thấy trước sự bất toàn của thứ ăn đồng chia đều, thứ bất toàn mà tòa án loài người phải vất vả mãi vẫn không làm sao giải quyết được, sự bất toàn biểu lộ trong thái độ tìm cách giải quyết dễ dãi của ông bố, bà mẹ? Đâu là “tiến trình mở” trong cách thức giải quyết của Thiên Chúa?

Thiên Chúa đã thực hiện tiến trình công bằng, có thể nói, bằng cách gắn liền hồng ân với trách nhiệm. Đó là một thứ quy luật của tình yêu. Tất cả gì Thiên Chúa ban cho người này đều đi kèm theo trách nhiệm với người khác. Hồng ân và trách nhiệm luôn gắn liền với nhau. Hồng ân Chúa ban cho một tập thể hay một cá nhân thì cũng luôn luôn đi kèm theo trách nhiệm của cá nhân hay tập thể ấy đối với những người khác. Sự bất bình đẳng tự nhiên cũng bao hàm ý nghĩa là có một thứ “trách nhiệm tự nhiên” trong bản chất người. Con người được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, có nghĩa là con người hiện hữu để sống với Chúa; thì cũng do mối tương quan chiều dọc ấy, con người được mời gọi để sống với nhau trong mối tương quan chiều ngang. Khao khát Thiên Chúa bao nhiêu, con người cũng bị thôi thúc có trách nhiệm với tha nhân bấy nhiêu.

Thiên Chúa đã không làm ngưng đọng vận hành của đời sống con người trong dòng thời gian bằng một sự thăng bằng giả tạo, nhưng Ngài làm cho dòng chảy của cuộc sống trở nên mạnh mẽ hơn khi đặt vào đó một thứ trách nhiệm. Trách nhiệm chính là máng chuyển thông ân phúc để hoá giải bất công trong một tiến trình. Nói đơn giản hơn, khi Thiên Chúa ban một ân huệ cụ thể nào đó cho ai, thì đồng thời Ngài cũng đang ban ân huệ ấy cho tập thể, và cho tất cả nhân loại như con cái của Ngài. Thiên Chúa không dùng kiểu ăn đồng chia đều, để rồi mỗi người lại đâm ra ghen tỵ, so sánh, và chỉ biết suy nghĩ cho bản thân mình.

Một khi hồng ân và trách nhiệm gắn liền với nhau, thì vận hành của đời sống xã hội được mở ra một tiến trình. Khi một người được hưởng nhiều điều may lành, có tiền bạc, có địa vị, có kiến thức, có tài năng, có sắc đẹp, có đức độ, có chức tước… thì không bao giờ những điều may lành ấy được “xài riêng”, được sở hữu như thể tôi có thể làm bất cứ điều gì với những thứ “của tôi”. Lãnh nhận hồng ân luôn có ý nghĩa là trở nên người quản lý các ân huệ của Chúa để có trách nhiệm với những người không có tiền, không có kiến thức, không có sắc đẹp, không có đức độ. Điều đó không là gì khác hơn mầu nhiệm các thánh cùng thông công mà chúng ta tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính.

Kết luận

Nếu khi hai đứa trẻ giành nhau một món đồ chơi, thì tốt nhất nên hỏi chúng xem món đồ chơi đó của ai, của anh hay của em. Rồi khi đã trả lại món đồ chơi ấy cho “chủ nhân”, hãy khuyến khích nó cho anh/em cùng chơi, hoặc tặng luôn món đồ chơi cho anh/em của nó. Đó là cách thức giải quyết diễn tả vận hành của hồng ân và trách nhiệm, cách thức tập cho con cái mình biết nghĩ tới người khác.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments