GIỌNG NÓI


Lm. Lê Văn Quảng
Theo Công Giáo Việt Nam

Khi chúng ta nói với con trẻ, chúng thường nghe giọng chúng ta hơn là lời chúng ta xử dụng. Thỉnh thoảng ở trong chợ, trong công viên, hay những lúc nhóm họp, ở đó cha mẹ và con cái cùng chung với nhau, chúng ta hãy thử lắng nghe giọng nói được dùng bỡi người lớn. Họ ít khi nói với con trẻ bằng một giọng điệu bình thường như họ dùng để nói với nhau. Rồi khi họ về nhà, hãy thử nghe giọng nói của mình. Các bạn muốn diễn tả gì với giọng điệu như thế? Và con cái các bạn nghe gì? 

Rất nhiều lần, chính chúng ta tạo nên những hành vi sai lầm cho đứa trẻ vì giọng nói chúng ta. 

Thanh Minh tuyên bố nó sắp đi tưới cỏ. “Ô, không, không được con ơi, bà mẹ xác quyết mạnh mẽ. Con ở đây, trong nhà nầy.” Cậu bé nhìn mẹ một lúc rồi chuồn ra ngoài. Bà mẹ nghe thấy tiếng nước chảy. Cậu bé đang tưới cỏ. 

Giọng bà mẹ như giọng một nhà độc tài, qua đó bà muốn diễn tả một sự cương quyết, mang lại một cuộc chiến “tranh quyền” mà cậu bé đã khởi sự. Cô gái 16 tuổi, người có mặt vào lúc đó, được phỏng vấn: “Cô đã nghe gì trong giọng điệu được dùng bỡi bà me?”. Cô trả lời: “Cô bị đe dọa. Đó là một giọng điệu của một sự cương quyết sai lầm.” 

Ông bố đang giúp cậu bé Quốc Huy, 10 tuổi, làm bài tập ở nhà. Cậu bé xem ra không hiểu nhiều về điều nó phải làm. “Chắc chắn con hiểu nhiều” ông bố nói với giọng nặng nề. Cậu bé càng cúi xuống gần sách hơn vì xem ra nó càng rối hơn. 

Giọng của ông bố cho thấy rằng ông không hy vọng nhiều vào việc học hành của cậu bé. Ông đã làm tăng thêm sự thất vọng của đứa trẻ. 

Trong gian hàng chợ, bà mẹ gặp một người bạn mà đã từ lâu không có dịp gặp từ khi cô bé Thùy Loan được sinh ra.

- Nó mấy tuổi rồi?

- Mười một tháng.

- Ô, cô bé dễ thương quá.

Đoạn bà bạn vỗ nhẹ cằm và má cô bé. 

Những cuộc nói chuyện đơn giản và thô sơ mà chúng ta dùng với con trẻ cho thấy cảm tưởng của chúng ta đối với con trẻ. Chúng ta nói chuyện với chúng trong cách thế và giọng điệu mà chúng ta không bao giờ dùng với bạn bè chúng ta. Nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ khám phá ra một sự thiếu kính trọng đối với con trẻ. Chúng ta dễ có khuynh hướng truyền lệnh cho chúng, và tạo một chút hồi hộp để kích thích sự thích thú, hoặc nói với sự ngọt ngào để chiếm được sự cộng tác của chúng. Một khi chúng ta ý thức về những sai lầm trong giọng điệu chúng ta, chúng ta đang ở trong vị thế thay đổi. Nếu chúng ta nói chuyện với con trẻ chúng ta như những người bạn trong sự tương kính lẫn nhau là chúng ta đang mở rộng cánh cữa đối thoại. 

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments