ĐỪNG SỢ


Lm. Lê Văn Quảng
Theo Công Giáo Việt Nam

Hôm qua, tôi đưa người chị họ đến thăm người bạn của chị ta. Vì lâu ngày không gặp, nên hai người có nhiều chuyện muốn tâm sự với nhau lâu giờ. Đến chiều người bạn muốn mời chị tôi và tôi ở lại dùng cơm tối với gia đình cho vui, nhưng chị tôi vội vã trả lời: “Tôi tuyệt đối phải có mặt ở nhà vào lúc 5 giờ chiều.” Người bạn hỏi: “Tại sao thế?” “Vì tôi đã nói với con bé Mỹ Huyền tôi như vậy. Nó sẽ nhìn ra cữa sổ. Nếu tôi không về nhà đúng giờ, nó sẽ sợ hãi. Nó sẽ khóc nhiều đến nỗi nó có thể sinh bệnh.” 

Mỹ Huyền có một bà mẹ được huấn luyện chu đáo. Sự sợ thường được dùng để điều khiển bà mẹ. Sự sợ của bé Mỹ Huyền là thật. Cuộc sống của nó thật đáng tội nghiệp bỡi sự sợ sệt đó và bà mẹ dĩ nhiên không muốn gây thêm sự sợ hãi cho nó. Một tình trạng như thế làm thế nào đã phát triển được trong thế giới nầy? 

Tất cả chúng ta đều có cảm xúc. Chúng là chất xúc tác có thể đốt cháy lò lửa hành động. Không có chúng, chúng ta không quyết định được, không có hướng đi. Một cách không ý thức, chúng ta tạo nên những cảm xúc làm tăng cường ý hướng chúng ta. Chúng ta chọn nhiên liệu mà chúng ta muốn dùng để cho chúng ta một lực đẩy cần thiết. Cô bé không bị bệnh sợ hãi. Nó làm chủ sự sợ hãi và muốn dùng nó để điều khiển mẹ nó. Vấn đề là nó tạo điều đó cho chính nó và biến điều đó thành sự thật. Không phải là chuyện giả đò nhưng là rất thật. 

Việc dùng sự sợ hãi như một chiến thuật có thể được khám phá ra bỡi cô bé một cách tình cờ. Một khi cô bé đã nhận thấy rằng có một cái gì lợi ích mà cô có thể gặt hái được trong phương cách đó, dĩ nhiên cô ta sẽ đầu tư vô đó. Bây giờ thì cô bé bị hút cuốn vào trong mạng lưới của hành động riêng cô. Bà mẹ cũng phải chia xẻ trách nhiệm vì chính bà, người bị ấn tượng bỡi sự sợ hãi của cô bé, đã cho cô bé thấy sự thành công của nó trong chiến thuật dùng sự sợ hãi. 

Mọi người chúng ta đều cảm thấy sợ hãi và tất cả chúng ta đều nhận thức rằng chúng ta không thể làm được gì khi chúng ta sợ hãi. Vì thế, dường như sợ hãi là một sự xa xỉ mà chúng ta có thể cung cấp một cách bệnh hoạn. Thật ra, nó cho thấy rằng người ta không sợ vào lúc nguy hiểm của cuộc đời, nhưng chỉ trước hoặc sau đó, khi sự nhận thức và sự tưởng tượng của chúng ta càng đi xa hơn, như cái gì sẽ xảy ra hoặc cái gì đã có thể xảy ra. Nếu một người bị một tai nạn giao thông, họ rất bận rộn để đối phó với tình trạng đang xảy ra. Chỉ sau khi khủng hoảng qua đi, sự sợ hãi mới bắt đầu. Điều đó cho thấy rằng chúng ta không cần sợ để tránh nguy hiểm. Trái lại, sự sợ lại càng làm tăng sự nguy hiểm. Sợ hãi ám chỉ rằng chúng ta không làm chủ được tình thế. Và khi chúng ta sợ, chúng ta không thể làm được gì vì nó làm tê liệt chúng ta. 

Chúng ta phải phân biệt giữa phản ứng của khủng hoảng và sự sợ hãi. Một tiếng động lớn hoặc một sự rơi của một vật gì có thể làm sợ hãi một đứa trẻ. Nhưng đây chỉ là một phản ứng tạm thời ngắn ngủi. Cảm giác sợ sệt như một sự tiếp tục cái kinh nghiệm làm sợ sệt đầu tiên, chỉ phát triển khi cha mẹ cũng trở nên sợ sệt và vì thế ảnh hưởng đến sự sợ hãi tiếp tục của đứa trẻ. 

Một đứa trẻ nhỏ thình lình đối diện với một tình trạng mới mẻ và xa lạ, nó xem ra sợ hãi, và có nhiều chọn lựa đối với nó. Nó có thể ngừng và chờ xem người lớn làm gì, hoặc nó có thể rút lui và chạy trốn. 

Bé Huấn 16 tháng tuổi thấy con chó lần đầu khi mẹ nó đem nó đi thăm bạn bè. Đối diện với một vật biết di động lạ lùng nầy, nó đeo vào cổ mẹ nó. Mọi người lớn chung quanh khích lệ nó: “Nó không cắn đâu. Hãy xem. Nào hãy vuốt ve nó. Nó thích con đó. Đừng sợ!” 

Cậu bé thẩm định tình thế rất nhanh. Không chắc chắn như phải làm gì và phản ứng của người ta đối với sự sợ hãi của nó cho nó một ám chỉ, nó dùng lấy để che lấp sự lẫn lộn của nó và để sự hồi hộp tiếp tục. Và điều đó có thể đã bắt đầu khiến nó xử dụng sự sợ hãi của nó. Giọng điệu và hành vi của hầu hết những người lớn ở trong những trường hợp như thế càng làm tăng thêm sự sợ hãi. Có giọng điệu quá lo lắng, cũng như sự bận rộn trong hành vi của họ. Nó hoàn toàn nhạy cảm để có thể tạo nên một hành động như thế giữa những người lớn bỡi sự sợ hãi. Đây thường chỉ là sự khởi đầu. Sự sợ càng gia tăng càng mang lại những sự bảo đảm được phóng đại nhiều hơn và ngay cả sự chú ý đặc biệt hơn như đứng sửng bất động. Sự miễn cưỡng tự nhiên đã biến thành sợ hãi và sự sợ đã trở thành hữu ích như một phương tiện kích động hành động của người lớn. 

Con trẻ giống như những bức tranh tự nhiên được phơi bày nơi phòng triển lãm. Chúng không có sự tự chế vì chúng không biết những hậu quả của hành động chúng. Dần dần những kinh nghiệm với những hậu quả chắc chắn của một số hành động dẫn những đứa trẻ tới việc phát triển một “chiến tuyến” và cuối cùng là sự khôn ngoan của tuổi trưởng thành. Chúng ta có những ý hướng nhưng không dám làm vì về phương diện xã hội không được chấp nhận. Những đứa trẻ không quan tâm mấy đến vấn đề xã hội có thể chấp nhận và vì thế phản ứng tự do. Cảm giác của chúng lộ trên khuôn mặt. Khi chúng gặp một tình trạng bất ngờ, chúng co rút lại, lượng giá cơ hội và tìm xem dấu hiệu như người lớn sẽ phản ứng cách nào. Những người lớn đã ám chỉ cho đứa trẻ rằng họ nghĩ là nó sợ. Và nó đáp lại sự mong đợi của họ bằng cách để họ phục vụ mình. 

Bà mẹ có thể tin tưởng vào khả năng của đứa trẻ đối với một kinh nghiệm mới. Bà có thể lùi bước và để cho nó tự đối phó vấn đề. Trước hết, bà có thể ngưng giả định cách thức đứa trẻ sẽ đáp ứng và ngưng cố gắng xếp đặt những phản ứng cho nó. Hãy để đứa trẻ đối diện và giải quyết vấn đề. Nếu nó tỏ ra sợ sệt, bà mẹ nên giữ hoàn toàn không để bị một ấn tượng rối loạn nào. Bà mẹ sợ rằng cậu bé sẽ sợ và như thế mang lại cái mà bà không muốn nó xảy ra. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ không thể gây ấn tượng sợ hãi cho bà mẹ, cảm xúc mà nó muốn người mẹ dành cho nó sẽ không xảy ra. Đó chính là những lý do sự sợ hãi có thể được dùng cho những mục tiêu mà con người có thể nhắm đến. 

---o0o---

Vào lúc 5 tuổi, Mỹ Quyên không còn sợ con cào cào nữa. Tuy nhiên, một ngày kia một con cào cào thật to nhảy lên người cô bé và làm cô hết sức ngạc nhiên. Cô hét lên và lấy tay hất con cào cào nhưng nó lại nhảy vào trong áo của cô. Cô bé cảm thấy khó chịu vì thế cô lại hét lên, và tiếng hét của cô bé đã làm anh cô 9 tuổi cười cô bé. Sự cố gắng để hất con cào cào càng làm cho anh cô buồn cười hơn. Cô bé vì thế càng la to hơn vì cô giận anh cô. Bà mẹ chạy ra khỏi nhà, mặt tái mét và run rẫy vì sợ. 

Chiều hôm đó, anh nó đến với hai bàn tay chụm lại. “Có món quà cho em đây!’ “Cái gì?” Anh nó mở tay ra và con cào cào nhảy ra. Cô bé hét to và bố mẹ vội chạy ra. Bố mẹ khiển trách anh nó và mắng cô bé về sự điên khùng của nó. Từ đó trở đi, cô bé cứ thét cách sợ hãi khi nhìn thấy con cào cào. Nhưng cô ta biết cô ta không thật sự sợ con cào cào như thế. Đó chính vì sự sợ của cô có một giá trị nào đó mà cô cảm thấy được. Sự việc bố mẹ đã mắng cô ta là điên khùng là một việc vô ích nhất mà bố mẹ đã làm. Đây là sự thách thức càng làm chồng chất thêm cao vị thế của cô về việc sợ hãi đó. Nếu bố mẹ đã không bị ám ảnh bỡi sự la hét của cô bé, họ đã loại được mục đích của sự sợ hãi của cô. 

Quốc Huy 4 tuổi đang chơi với chiếc xe điện tử bên cạnh cây giáng sinh. Thình lình nó thụt người lại và hét lên. Nó bị điện giật. Bà mẹ ngồi gần đó nhìn thấy như vậy, bà bế nó lên và an ủi nó: “Cưng ơi, con có sao không? Chiếc xe điện trục trặc. Khi bố về, bố sẽ sửa cho.” 

Chiều hôm đó, ông bố tìm ra được căn bệnh và đã sửa được nó. Nhưng cậu bé từ chối không chịu chơi với chiếc xe đó. Nó co người lại và hành động cách sợ hãi. Nó chui đầu vào lòng mẹ mỗõi lần mẹ nó cố gắng kéo nó lại về phía bố nó để chỉ cho nó cách điều khiển. Cuối cùng, bố mẹ nó liếc nhìn nhau. Mẹ nó lắc đầu nhè nhẹ. Bố nó gật đầu đồng ý, rời chiếc xe điện và ngồi xuống với tờ báo ban chiều. Không ai nói gì cả. Cậu bé cũng không động đậy đến chiếc xe. Hai ngày sau đó, ông bố tháo chiếc xe cùng với những đồ trang trí giáng sinh và sắp xếp cẩn thận vào trong hộp. Cậu bé theo dõi tiến trình một cách chú tâm mà không nói gì. Tuy nhiên, vào lúc lên giường ngủ, nó chồm dậy nói: “Bố ơi, con muốn chơi với chiếc xe điện của con.” “Chúng ta sẽ lấy nó ra sớm. Con muốn bố đọc chuyện gì tối nay?” 

Cậu bé miễn cưỡng chơi với chiếc xe lửa là chuyện tự nhiên sau một kinh nghiệm không được vui lắm. Bố mẹ hiểu điều đó. Nhưng khi cậu bé tiếp tục kháng cự, từ chối chấp nhận cách tin tưởng rằng ông bố đã sửa xong, và khi nó bắt đầu kéo họ dấy mình vào những lo lắng sợ sệt của nó, bố mẹ bỏ lửng chuyện đó và xuôi thuyền về hướng khác. Họ nhận thấy rằng cậu bé còn quá trẻ để hiểu những nguyên tắc của giòng điện. Họ không muốn cố gắng thuyết phục cậu bé để hiểu về chuyện đó. Chiếc xe được xếp qua bên. Và bây giờ nó lại khám phá ra nó thích chơi chiếc xe đó. Sự sợ của nó không có cơ hội để trở thành một dụng cụ hữu ích nữa. Ông bố tránh giảng giải về sự điên rồ, cũng không cần khiển trách. Ông chấp nhận phản ứng của đứa con và xếp chiếc xe cho vào hộp. Khi cậu bé muốn chơi trở lại. Ông hứa lấy nó ra sớm và đổi đề tài. 

Bà mẹ cố gắng giúp bé Yến Vy 3 tuổi không sợ bóng tối. Bà đặt cô bé vào giường, bật bóng đèn ở ngoài phòng lên, và tắt bóng đèn ở phòng ngủ của nó. “Mẹ, mẹ!” Cô bé hét lên cách sợ hãi. Bà mẹ yên ủi: “Cưng ơi, mẹ đây. Mẹ không rời con. Không có gì đáng sợ. Nầy xem, mẹ ở với con.” Nhưng con muốn bật đèn lên. Con sợ bóng tối” “Con ơi, có đèn ngoài kia rồi và mẹ ở đây nè!” “Mẹ không rời đây nhé!” “Không, mẹ không rời đây cho tới khi con ngủ.” Phải mất một thời gian khá lâu cô bé mới ngủ. Cô bé thường chồm dậy để xem bà mẹ có ở đó với nó không? 

Bà mẹ nghĩ rằng bà có thể lần lần tập cho cô bé quen dần với bóng tối bằng cách di chuyển ánh sáng xa dần đi. Bà thất bại không nhìn thấy cách thế cô bé dùng sự sợ để giữ mẹ gần nó và bắt bà phục vụ cho nó. Trẻ con diễn tả sợ hãi là muốn thuyết phục. Chúng xem ra đối với chúng ta là quá nhỏ và vô dụng, và cuộc đời xuất hiện đáng sợ đối với chúng. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được cái gì nằm đằng sau hành động của nó, chúng ta có thể trở nên ý thức rằng với sự đáp ứng của chúng ta, chúng ta không giúp được đứa trẻ, nhưng càng làm cho nó xử dụng sự sợ hãi như một cách thế để điều khiển chúng ta. 

Bà mẹ có thể mở đèn bên ngoài và tắt đèn phòng ngủ, đặt cô bé lên giường, và không để ý gì đến sự sợ hãi của nó, và để nó ở đó với lời khích lệ: “Con sẽ học không có gì phải sợ nữa.” Nếu cô bé có khóc, bà mẹ nên hành động như cô bé đang ngủ. Nhưng điều nầy không thể làm được ngoại trừ bà mẹ loại bỏ giả thuyết thông thường là: bà ác độc nếu bà phớt lờ sự đau khổ của con cái. Chúng ta cảm thấy bị ép buộc phải an ủi đứa trẻ đang đau khổ. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy rằng bằng cách làm như thế, chúng ta chỉ làm tăng sự đau khổ vì đứa trẻ chỉ muốn chúng ta chú ý đến nó hoàn toàn. 

Con trẻ chúng ta không thể giải quyết những khó khăn của cuộc đời nếu chúng cứ luôn sợ hãi. Sự sợ không tăng khả năng ứng phó với vấn đề. Càng sợ thì càng nguy hiểm. Nhưng sợ hãi được dùng như phương tiện để khiến người khác chú ý và bắt người khác phục vụ mình. 

Cần dạy con trẻ chú trọng vào những tình trạng xem ra nguy hiểm. Nhưng chú ý và sợ hãi thì khác nhau. Chú ý là sự nhận thức hợp lý và can đảm về những nguy hiểm có thể, trong khi sợ hãi là một sự rút lui mất can đảm và tê liệt. Dĩ nhiên, chúng ta phải dạy con cái chúng ta chú ý khi băng qua đường, súng đạn là vũ khí giết người không phải đồ chơi, và bơi lội ở độ sâu chỉ được phép nếu có khả năng. Tất cả những điều đó có thể được dạy mà không có gì sợ sệt. Cần học mức giới hạn, học cách biết lo đến những hoàn cảnh xem ra khó khăn hoặc nguy hiểm. Sợ hãi làm mất sự can đảm. Sợ hãi thì rất nguy hiểm. Đối với con trẻ, nó phục vụ cho một mục đích. Nếu bố mẹ không đáp trả, con trẻ sẽ không khai thác, bấy giờ cả bố mẹ lẫn con cái sẽ được tự do khỏi sự cực hình và đau khổ. 

Trở lại quá khứ xa xưa mà cậu bé Quốc Lân có thể nhớ được. Cậu đã nghe mẹ nói chuyện đau khổ lúc sinh nở và đau khổ vì phải mổ. Cách đây 3 tháng được khám phá ra cậu bé có một xương mọc lộn xộn trong chân của nó nên cần đi mổ. Khi nó được báo nó cần phải đi mổ, nó hét lên cách sợ hãi. Suốt 3 tháng nó năn nỉ, van xin. Nó thà chết với bệnh đó hơn là mổ. Bà mẹ cố gắng yên ủi nó nhưng vô ích. Ngày mổ đến và sự lượng sức cần phải được lấy để cho đứa trẻ thuốc mê đủ lượng. Nó sợ quá đến nỗi lượng thuốc thông thường của thuốc gây mê chỉ gây ảnh hưởng chút ít hôn mê cho nó. 

Sự đau đớn là một phần của cuộc đời. Không có cách nào chạy trốn nó được. Câu chuyện của bà mẹ kể cho con cái và các bạn bà có thể là để cho thấy rằng bà là một anh hùng trong việc trải qua những đau khổ như thế. Nhưng cậu bé có cảm nghiệm như là đau thật, và trong sự tưởng tượng nó đã tạo nên những tư tưởng về những ca giải phẫu vượt quá xa sự thật. Và trái với mẹ nó, nó không có uớc muốn trở thành một anh hùng. Đối diện với đe dọa đau đớn, nó không được dạy dỗ để chấp nhận điều đó một cách can đảm. Và bà mẹ đồng cảm với sự sợ hãi của nó vì bà có kinh nghiệm về sự hãi hùng của sự giải phẫu. Không giúp con mình ứng phó với tình trạng khó khăn và không thể tránh được, một cách vô thức bà đã giúp và nuôi dưỡng sự sợ của nó trong cố gắng yên ủi và vỗ về nó. 

Không cha mẹ nào muốn thấy con cái mình đau đớn. Tuy nhiên, có những lúc không thể tránh khỏi. Hãy biết rằng đối với đứa trẻ can đảm, thực tế đau đớn ít. Càng sợ càng đau đớn hơn. Càng kháng cự càng cảm thấy đau hơn. Chúng ta phải giúp con trẻ chấp nhận sự đau đớn và buồn khổ. Chỉ vì thái độ chúng ta quá lo lắng một cách không thích hợp mỗi khi thấy đứa trẻ sợ hãi nên nó càng trở nên nhút nhát và sợ sệt hơn. 

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments