ĐỪNG HÀNH ĐỘNG THEO PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN


Lm. Lê Văn Quảng

Mỗi lần cô bé Mỹ Hạnh mới sinh được 3 tuần khóc, bà mẹ liền chạy đến xem nó thế nào. Bà bồng nó lên, xem xét, ôm nó, và chờ nó ngủ lại, đoạn đặt nó trở lại trong nôi.

Cô bé khóc. Mẹ nó bồng nó lên. Cách thức đó được lập đi lập lại mỗi lần nó khóc. Như một kết quả, bất cứ khi nào nó muốn được bồng, nó khóc. Đó không phải là một chiến thuật thành công sao? Ngay cả một đứa bé sơ sinh cũng cảm thấy được môi trường của nó và cảm được điều nó có thể làm trong môi trường đó. Việc bồng nó mỗi lần nó khóc là khuyến khích nó cho việc đòi hỏi sự chú ý và phục vụ. Trẻ sơ sinh thích được ấp ủ và chúng ta có một cảm giác thích thú khi ôm ấp chúng đến nỗi rất dễ để đáp trả động lực tự nhiên ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức rằng chúng ta đang tước đoạt quyền nghỉ ngơi của nó và đang cho nó một ý tưởng sai lầm về cách tìm một chỗ đứng trên thế giới. Một thói quen nên được sắp đặt để thu xếp thời giờ cho sự nghỉ ngơi và thời giờ cho sự ấp ủ, giúp đứa trẻ khám phá luật lệ bình thường trong cuộc sống và sự thoải mái của trật tự được thiết lập. Vì thế, nên tránh hành động theo phản ứng tự nhiên thúc đẩy. Trái lại, hãy quan tâm nhu cầu của hoàn cảnh đang đòi hỏi sự gì? 

Ông bố, Minh Quân 8 tuổi, Mỹ Yến 6 tuổi, và Mỹ Nga 3 tuổi, đang đắp hình một người bằng tuyết. Cậu bé Minh Quân không còn thích thú nữa và bắt đầu trò chơi riêng: chạy chơi và trượt trên tuyết. Trong lúc ông bố với tay để làm cái đầu người tuyết, cậu bé chạy chơi, lao người vào ông bố, làm nắm tuyết rơi khỏi tay ông. “Con xin lỗi bố. Con không cố ý”. “Hãy ý tứ nhé”, bố đáp. Một ít phút sau, cậu bé lại lao đầu vào Mỹ Yến và làm cô bé ngã xuống. Chân cô bé giẫm lên bệ của người tuyết và làm hư nó. Cô bé khóc. “Minh Quân đi vào nhà! Bố và các em không thích con ở đây”. 

Ông bố hành động theo động lực tự nhiên, đã làm cách chính xác điều mà cậu bé muốn. Cậu bé hai lần xuống ngôi nghĩ rằng nó không còn chỗ đứng trong gia đình nầy. Đây là lý do nó mất đi sự thích thú trong sinh hoạt chung. Nó hành động trong cách thức nó có thể chứng tỏ cho chính nó sự chính xác của giả thuyết đó, dầu nó không ý thức về lý do cho hành động của nó. Nó xếp đặt để nó bị loại ra. Thật vậy, nó không được lịch sự trong hành động. Không lạ gì ông bố và các em nó không muốn nó ở đó.

Minh Quân cần có người hiểu và giúp đỡ nó. Nếu ông bố đã hiểu được nỗi lo âu của cậu bé về một chỗ đứng trong cuộc sống và biết tại sao nó tạo nên sự khước từ, ông đã có thể tránh được động lực xua đuổi cậu bé đi chỗ khác. Ông đã không dễ dàng rơi vào bẩy của cậu bé. 

Toàn thể tình cảnh lẽ ra phải làm cách khác. Vì cậu bé muốn chạy chơi chùi tuyết, ông bố có thể gợi ý: tất cả ngưng việc đắp tượng một lúc và cùng với Minh Quân chạy chơi chùi tuyết. Ông bố có thể phớt lờ sự thích thú của bé Mỹ Yến và gợi ý một cách cổ vũ rằng: “Minh Quân con hướng dẫn phái đoàn và chúng ta sẽ san bằng tuyết xuống vừa một lối đi để chúng ta có thể chùi trợt tuyết được‘. Hành đông như thế sẽ làm vô giá trị cố gắng để bị khước từ của cậu bé, trái lại khiến nó trở thành người lãnh đạo và làm gia tăng sự thích thú trong gia đình. Hành vi quậy phá có thể trở thành hoạt động hữu ích và xây dựng.

- Minh Quang, cổ con đau bao lâu rồi? Cô y tá hỏi đứa trẻ 4 tuổi.

- Nó bắt đầu phàn nàn từ sáng hôm qua. Bà mẹ trả lời cho nó.

- Nó thường kêu hay đau cổ lắm. Chị nó Vi Anh 8 tuổi xen vào.

- Con có cảm thấy sốt không? Cô y tá lại hỏi thẳng cậu bé.

- Nó xem ra không có sốt sáng nay. Mẹ nó trả lời.

- Con có ăn sáng chưa?

- Ăn một tí thôi, không nhiều lắm. Chị nó ăn nhiều và làm tôi phát điên lên. Bà mẹ cười. 

Cậu bé Minh Quang khéo léo để những người khác nói thay cho nó. Nó còn bé, không có cơ hội nói cho chính mình. Không được khuyến khích từ đầu, cậu bé đã khám phá ra rằng nó có thể ngồi phía sau, im lặng và không cần trả lời ngay cả diễn tả bằng nét mặt và để cho chị và mẹ nó nói thay. Nó có thể giận dữ, nhưng nếu nhìn người ta có thể thấy rằng nó để cho họ phục vụ nó.

Nếu bà mẹ muốn cho cậu bé lớn lên, bà phải im miệng đi để cho cậu bé nói. Phản ứng tự nhiên muốn nói thay cho nó làm nó và bà thêm rắc rối. Bà cũng phải phớt lờ những câu trả lời của chị nó thay cho nó. Chị nó có thể nghĩ rằng cô cho thấy sự trổi vượt của nó trên cậu bé, và thật vậy cô ta đã đặt mình trong sự phục vụ cho nó. 

Nếu mẹ nó hỏi: “Minh Quang con thích loại cereal nào?” Nó có thể trả lời nhưng nó chờ đợi có người trả lời cho nó. Và thật vậy, chi nó liền nói: “Nó muốn loại giống như bắp rang đó mẹ”. Cậu bé có thể nói cho nó. Tại sao chúng ta không chịu chờ cho tới khi nó nói điều nó muốn. Không có loại cereal nào cả cho tới khi cậu bé nói lên điều nó thích.

Mỗi khi chúng ta trả lời thay cho cậu bé do phản ứng tự nhiên, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang làm điều nó muốn chúng ta làm dầu đứa trẻ chính nó không ý thức về điều đó. Nếu nó thút thít hoặïc khóc khi chúng ta nói chuyện trên điện thoại, nó muốn chúng ta đáp lại ước muốn đòi sự chú ý hoàn toàn của chúng ta. Nếu chúng ta quở trách nó vì những vết bẩn thỉu vung vãi trên sàn, đứa trẻ đã thành công trong việc đưa chúng ta vào cuộc chiến. Nếu chúng ta cột áo khoát cho nó vì nó xem ra lúng túng, chúng ta tái xác nhận quan niệm vô dụng của nó và rồi chúng ta lại phục vụ nó. Đó là sức mạnh của đứa trẻ yếu. 

-o0o-

Minh Đức 6 tuổi từ trường về và nhìn thấy bánh bông lan đặt trên bệ gần cửa sổ. Nó lấy ngón tay nhúng vào đĩa và liếm nhiều lần. Bà mẹ bắt gặp. “Minh Đức, con không có bánh ngọt cho buổi cơm tối”. Trong bữa ăn tối, bà mẹ đem bánh cho bố trước và rồi đến những người khác, nhưng không có gì cho nó cả. Ông bố hỏi tại sao? Bà mẹ cắt nghĩa lý do trong khi cậu bé ngồi với vẻ mặt buồn hiu. Cuối cùng ông bố hỏi: “Bà không cho nó ăn bánh ngọt sao?” “Không, tôi không cho như là một hình phạt”. “Đừng quá khắc khe. Nó chỉ thử xem mùi bánh bông lan thế nào?” Và với sự năn nỉ của ông bố, bà mẹ yếu lòng và sẵn sàng cho nó ăn bánh. 

Ông bố cảm thấy tội nghiệp cho cậu bé xem có vẻ buồn rầu và đau khổ nên ông đã liên minh với nó chống lại mẹ nó, điều đó xem ra không hợp lý chút nào. Cậu bé thông minh, nó đã kéo được ông bố về phe nó để đối đầu với mẹ nó. Một sự trả thù tuyệt vời. Ông bố đã theo phản ứng tự nhiên bênh vực cậu bé và đã củng cố âm mưu trả thù của cậu bé. Người bố nên tránh làm theo phản ứng tự nhiên đó, và trong trường hợp nầy nên làm việc riêng của mình. Sự xung khắc là giữa mẹ và con. Ông không nên dự vào. 

“Hoàng, con đến đây và nhặt đồ của con lên. Biết bao nhiêu lần mẹ đã bảo con dọn dẹp phòng con cho gọn gàng sạch sẽ trước khi con đi đến trường. Bỏ đồ dơ của con vào trong giỏ. Bỏ giày vào tủ đựng giày. Treo áo khoát lên móc. Con trai 9 tuổi rồi cần phải biết dọn dẹp gọn gàng phòng của mình chứ con! Mẹ không thể hiểu được tại sao con lại quá lôi thôi như thế? Mọi thứ trên đời nầy đều ném ngổn ngang trên bàn của con”. 

Sự cố gắng dùng lời nói để thuyết phục của bà mẹ đều vô ích. Cậu bé vẫn cứ lôi thôi vì điều đó đánh bại được bà mẹ, người muốn nó phải gọn gàng. Nó có bà mẹ đang lâm vào cuộc tranh quyền mà trong đó nó thắng ngàn lần trên bà mẹ. Bà làm điều mà cậu bé muốn – là tiếp tục cuộc xung đột để cậu bé có thể tiếp tục đánh bại bà. Nó có thể nhặt đồ lên lúc nầy, nhưng ngày mai mọi sự đều trở lại như cũ. 

Có nhiều điều bất ngờ người mẹ có thể làm. Cậu bé không mong người mẹ rút lui khỏi trận chiến. Vào một lúc thân thiện bà mẹ có thể nói: “Hoàng, mẹ sẽ không quan tâm phòng con như thế nào nữa. Con có thể xếp đặt như con muốn. Nhớ rằng đó là phòng của con, chứ không phải việc của mẹ nhé!” Đó là một điều sai lầm nếu nói ngay vào lúc nó lên đường đi học. Bấy giờ bà mẹ sẽ giận dữ vì sự bừa bãi và cậu bé sẽ xem việc nói đó như một chiến thuật để ép buộc nó, và như vậy không làm được gì cả. 

Thật ra, bà mẹ phải cảm thấy không cần sự quan tâm. Đó là vấn đề của nó. Hãy để nó giải quyết vấn đề đó. Bà chỉ cần giặt những đồ trong giỏ thôi. Hãy để nó gánh chịu hậu quả. Không cần nói. Vào ngày lau nhà, bà có thể hỏi cậu bé nếu nó muốn bà giúp nó lau phòng nó, bấy giờ nó phải lo giữ quy luật bằng sự quyết định của nó. Không có thời gian để lưu ý đến sự bừa bãi trong phòng, đến sự phê bình hoặc cáu giận bởi sự lôi thôi bừa bãi. Điều nầy không dễ nhưng cần thiết nếu bà mẹ muốn giải thoát mình khỏi sự tranh chấp và làm cho con bà có một hành xử thích hợp. Nếu bà mẹ thấy rằng bằng cách nầy hay cách khác bà sẽ làm cho con bà phải giữ được phòng gọn gàng tử tế thì bà sẽ tiếp tục một cuộc tranh chấp, bà sẽ không tự chủ được mình và sẽ thất bại trong việc khiến con mình cộng tác.

Ngay từ lúc còn nhỏ, trẻ con đã sớm tìm cách để tìm cho mình một chỗ đứng quan trọng và có ý nghĩa. Khi chúng khám phá ra một kỷ thuật để đạt được mục đích đó, chúng gắn chặt với nó, không kể bao nhiêu lần chúng bị phạt và quở mắng. Phản ứng không thoả mãn của bố mẹ cũng không thể nào làm tiêu tan cái cảm giác quan trọng của một chỗ đứng. Bao lâu phương cách chúng đã chọn mang lại kết quả, chúng vẫn bám sát và tiếp tục dùng để chiếm sự chú ý và uy quyền. 

Đứa trẻ ít ý thức về mục đích của hạnh kiểm sai quấy của nó. Thông thường cả nó cũng như bố mẹ không để ý rằng đó là một phần của sự cố gắng tìm một chỗ đứng và cố gắng để thuộc về trong nhóm. Nếu hạnh kiểm nó vi phạm trật tự và cắt đứt sự cộng tác, đó là chỉ vì nó dùng sai phương cách để đạt được mục đích của nó thôi, và sự đáp trả theo phản ứng tự nhiên của chúng ta thường lại củng cố giả thuyết sai lầm của nó. Nó không những càng trở nên thất đảm hơn mà còn càng tin vững mạnh rằng không còn cách nào cho nó để hành động.

Nếu chúng ta nhìn vào phản ứng chúng ta, chúng ta có thể khám phá ra đứa trẻ gặt hái được gì từ đó. Nếu chúng ta không phản ứng, những cố gắng của nó xem ra là vô ích đối với nó, và nó có thể tìm phương cách khác tốt đẹp hơn và hữu ích hơn, đặc biệt là nếu chúng ta biết quan tâm và biết cung cấp cho nó phương tiện để nó có một chỗ đứng tốt đẹp trong một cách thế xây dựng tích cực hơn.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments