Cả hai vợ chồng tôi cùng đi làm nên không
tránh khỏi guồng quay bận rộn của nếp sống công nghiệp. Dù rất
bận nhưng tôi vẫn dành thời gian để mỗi chiều đưa đứa con
trai hai tuổi ra sân diều ở gần nhà chơi, một thói quen mà nó
rất thích.
Những ngày công việc bận quá, tôi sẽ nhờ ông
ngoại hay cậu, dì thằng bé đưa đi. Hôm nào rảnh, cả vợ chồng tôi
cùng đi với con. Mải mê chạy giỡn trên sân nhưng thằng bé không
quên thỉnh thoảng quay đầu tìm mẹ, mặt nó hốt hoảng mỗi khi tôi
giả vờ trốn hoặc cười toe toét khi thấy tôi vẫn đứng đó. Điều
này khiến tôi tin rằng trẻ luôn cần sự quan tâm của cha mẹ ở bất
cứ hoàn cảnh nào.
Tôi có chị bạn thân, hai vợ chồng làm chủ một
nhóm các công ty đang ăn nên làm ra nên hầu hết thời gian đều
dành cho công việc, chẳng mấy khi gặp con. Đứa con gái của anh
chị 6 tuổi đã được đưa vào một trường quốc tế, đi học có xe hơi
đưa đón, có kẻ hầu người hạ như công chúa. Vật chất dĩ nhiên
không thiếu gì nhưng mỗi khi tiếp xúc với con bé, tôi có cảm
giác tính cách của nó hơi khác thường.
Ở nhà, con bé không chịu gần ai ngoài chị
giúp việc. Mẹ nó còn không tiếp cận được với con mình. Tính con
bé rất hung hăng, hay giận hờn và dễ khóc, nói năng gắt gỏng,
cộc lốc dù nó nói chuyện bằng tiếng Anh - thứ ngôn ngữ nó giao
tiếp ở trường - rất lưu loát. Nhiều lúc giận dữ, chị bạn tôi
trách mình sinh nhằm đứa con ngỗ nghịch, nhưng tôi lại nghĩ
khác. Dù được chăm sóc chu đáo nhưng do thiếu sự quan tâm của
cha mẹ nên tính cách của con bé bị ảnh hưởng.
Lúc tôi còn nhỏ, có lần nghe cô giáo phê bình
một bài văn tả cảnh của bạn tôi là khô khan, thiếu cảm xúc, tôi
không ngạc nhiên vì biết cha mẹ bạn luôn bất hòa dù bạn học
tương đối khá các môn khác. Thế mới biết, tình yêu thương như
cơn mưa làm dịu mát những tâm hồn cằn cỗi.
Sáng cuối tuần đưa con đi Thảo Cầm Viên chơi,
nửa tiếng đồng hồ ngồi xem phim hoạt hình với con hoặc một buổi
tối đưa con đi nhà sách… không ảnh hưởng đến thời gian biểu của
các bậc cha mẹ bao nhiêu nhưng lại tác động đến đời sống tinh
thần của con trẻ rất nhiều. Không thể vịn vào lý do sinh kế để
bỏ mặc hoặc lơ là chuyện chăm sóc đời sống tình cảm của con vì
thương con không chỉ là cung cấp cho con một cuộc sống vật chất
đầy đủ.
Tại các trung tâm tư vấn, không ít khách hàng
là trẻ em gọi đến tâm sự rằng có những tâm tư, thắc mắc không
biết hỏi ai vì cha mẹ ít gần gũi chúng, không thể chia sẻ với
chúng. Thực tế cho thấy những đứa trẻ thiếu tình cảm gia đình
thường có nhu cầu yêu đương sớm hơn những đứa trẻ khác; hay phần
lớn thanh thiếu niên phạm pháp, hư hỏng cũng xuất thân từ những
gia đình “có vấn đề”, thiếu sự quan tâm đến con, thiếu tình
thương yêu của cha mẹ.