Cha mẹ sinh con, “ai” sinh tính ?   


Theo DNSGCT

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Hẳn chúng ta ai cũng một lần từng thốt ra như vậy, nhất là khi gặp những đứa trẻ “đặc biệt” trong một gia đình nền nếp. Nhưng liệu điều ấy có thật sự đúng không?

Với kinh nghiệm trong gia đình mình, tôi vẫn cho rằng chẳng có “trời” nào sinh tính cho con cái cả, mà tính cách ấy cơ bản sinh ra từ... con người. Tính tình của trẻ bị ảnh hưởng phần lớn từ cha mẹ và một phần từ môi trường sống xung quanh.

Thời gian đầu khi chồng tôi bắt đầu làm ăn riêng, vài trăm triệu bỏ ra mà công ty ngày càng thua lỗ, tiền bạc thiếu trước hụt sau, lương tháng làm ra bao nhiêu đắp hết vào đấy, lại phải vay mượn thêm bạn bè đã làm tôi đâm ra cáu bẳn. Hơi một chút là tôi nổi nóng, la hét rồi than thân trách phận, hậu quả là hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Cái quy ước không cãi nhau trước mặt con chẳng những bị phá vỡ, mà đôi khi con cái còn bị lôi vào cuộc, bị la mắng vì những chuyện rất bâng quơ.

Cái tính hay lo xa buộc tôi phải làm thêm việc thứ hai để kiếm tiền phòng hờ, nên tôi càng trở nên bận rộn, không dám nghỉ ngơi. Mỗi lần la mắng con hay cãi vã với chồng, tôi lại so sánh mình với chị A, chị B. Sao mà họ sướng quá, du lịch hết Thái, qua Singapore rồi lại đi Phú Quốc, còn tôi thì quần quật không ngơi, vất vả và cực khổ vô cùng.

Một lần, đứa con trai lớn của tôi gào lên: “Ai cấm mẹ đi nghỉ? Mẹ khổ vì kiếm tiền chưa đủ hay sao mà còn về nhà ép cả nhà khổ sở, mệt mỏi theo mẹ? Mẹ tự làm khổ mẹ là đủ rồi, đừng lôi kéo chúng con vào cuộc!”. Tôi sững sờ như bị tạt gáo nước lạnh vào mặt, sốc mất mấy ngày, nhưng rồi cũng dần ngộ ra sự việc.

Tôi nhận ra rằng vợ chồng bất hòa đã đành, con cái vốn trước đây quấn quýt với mẹ, giờ đã xa cách hẳn. Đứa lớn hay né mẹ, tính cộc cằn, hay nổi cáu và sẵn sàng gây chuyện chỉ với một lời trêu ghẹo nhỏ nhặt, bình thường. Cháu xưng mày, tao với đứa em gái mới lên 3 tuổi. La cháu, nó bảo mẹ cũng đang xưng mày tao với con đấy thôi!

Còn đứa con gái út, thì nói “trời sinh tính” còn có phần đúng, nó chẳng nhanh nhẹn, hoạt bát như cả nhà mà còn nhút nhát, rụt rè. Con bé tái xanh mặt, vội vã tìm chỗ nấp khi chồng tôi to tiếng; gào khóc, giật mình trong cả giấc mơ. Hóa ra, đứa lớn, đã ở giai đoạn hình thành rõ tính cách cá nhân nên bị ảnh hưởng bởi vợ chồng tôi, còn đứa nhỏ thì vốn nhút nhát, nay càng trở nên yếu đuối, sợ hãi.

Chuyện cô em chồng tôi thì lại có khía cạnh khác. Ở nhà nội trợ và trông coi gian hàng tạp hóa khá lớn nhưng cô ấy chẳng khi nào chú ý đến việc bày biện, dọn dẹp nhà cửa. Màn ngủ buông triền miên từ ngày này qua ngày khác, sáng ra vẫn không gấp, để... tối ngủ cho tiện!

Quần áo thì vương vãi dưới sàn nhà, cuộn tròn trong tủ áo, cái bẩn, cái sạch lẫn lộn với nhau. Đứa con gái nhỏ, sinh hoạt cũng cẩu thả y như mẹ. Cháu qua nhà nội hay cô chú chơi đều bị la mắng vì cái tính không sạch sẽ, không ngăn nắp. Chơi đồ chơi của anh chị, cháu vứt lung tung mỗi chỗ một cái, mỗi lần thu dọn lại rất vất vả, nhiều thứ chẳng biết ở đâu mà tìm.

Trong khi đứa con của chú út, chỉ nhỏ hơn cháu này một tuổi nhưng suốt ngày chịu khó phụ bán hàng cho mẹ. Con chú út đặc biệt giống cha, mới 5 tuổi đầu nhưng đã có tính tình tỉ mỉ, chu đáo là một nhà giáo. Đồ chơi của cháu chơi xong luôn được xếp ngăn nắp, thứ tự trên kệ. Cháu biết giữ gìn đồ chơi rất bền, có những cái được tặng từ ba, bốn năm trước vẫn còn nguyên vẹn, trong khi cô chị họ có con búp bê mới mua vài ngày đã đen mặt, xước tay.

Bởi vậy tôi vẫn nghĩ chẳng phải tính nết nào cũng do “trời” sinh cả. Cứ bám vào “trời sinh tính” để lý giải thì đó chỉ là một cách đổ thừa khi con cái không giống ta mà thôi. Trẻ còn nhỏ chịu tác động rất lớn từ tính cách của cha mẹ và người thân, từ cách cư xử giữa các thành viên trong gia đình với hai đứa con mình, tôi đã phải bỏ bớt công việc, tập ngọt ngào, dịu dàng với cháu lớn và quan tâm hướng dẫn cho cháu nhỏ thêm bạo dạn.

Mất khá nhiều công sức, và cũng rất kiên trì, tôi mới đưa các cháu trở lại như bình thường, gần giống trước đây. Cái giá mà tôi đã phải trả xem ra cũng không nhỏ.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments