Khi con cãi lời, phụ huynh thường cảm thấy khó chịu, tức giận vì
cảm thấy bị xúc phạm. Từ đó dẫn đến những cuộc khẩu chiến vô tội
vạ giữa cha mẹ và trẻ.
Trong quá trình tư vấn tâm lý, chuyên viên Trần Đăng Thảo (Tổng
đài 1088 TP HCM) thường nghe nhiều phụ huynh tâm sự không thể
hiểu tại sao con mình đến tuổi "choai choai" lại có những thay
đổi khác thường. Họ luôn có cảm giác con trẻ đang “thách thức”
uy quyền của mình mà trước đây nó từng tuân theo. Nếu so sánh
thì người mẹ thường phải chịu đựng cảm giác này nhiều hơn.

Khi trẻ cãi lời khiến cha mẹ tức giận.
Theo chuyên viên tâm lý, đây là vấn đề thường thấy trong giao
tiếp giữa cha mẹ và con trẻ đến tuổi dậy thì. Khó chịu, tức giận
và bị xúc phạm là cảm giác chung của người lớn. Song theo ông,
những cuộc khẩu chiến như thế là những thử thách đầu tiên và
không thể tránh khỏi khi trong nhà có trẻ đang tuổi "tập làm
người lớn".
Việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của trẻ sẽ giúp
cha mẹ hạn chế được mâu thuẫn không đáng có. Từ đó biết cách ứng
xử cho phù hợp, vừa không làm con nổi loạn hay ấm ức vừa không
làm mất vị thế của cha mẹ trước mặt trẻ.
Phân tích của Thảo cho thấy, việc trẻ đến tuổi "ô mai" thường
hãy cãi với cha mẹ và người lớn xuất phát từ những thay đổi tâm
sinh lý của trẻ. Kèm theo đó là cảm giác muốn độc lập, thành
người lớn, được tôn trọng và đối xử công bằng. Nên khi thấy cha
mẹ không chịu nhìn nhận, không thay đổi cách đối xử, trẻ cảm
thấy không được tôn trọng rồi bắt đầu cãi lại.
Tâm lý học gọi đây là giai đoạn “tranh giành quyền lực” giữa cha
mẹ (khi đưa ra những nguyên tắc, quy tắc ứng xử) với con cái (có
nhu cầu đang phát triển tâm lý, khẳng định cái tôi).
Tuy nhiên, theo ông Thảo, cha mẹ cần nhớ mục đích cuối cùng của
người lớn khi giáo dục con cái là thiết lập các nguyên tắc hành
vi ứng xử lên trẻ, cho nên cần phải làm sao tránh mâu thuẫn, cãi
vã với con. Để thực hiện được tiêu chí đó, phụ huynh cần lưu ý
những điểm sau:
1. Chấp nhận mâu thuẫn, xung đột, xem đó là vấn đề tất yếu
trong mối tương quan với trẻ dậy thì
Cần xem vấn đề này là một tín hiệu tích cực cho thấy con mình
đang lớn và phát triển bình thường. Có rất nhiều mâu thuẫn, xung
đột nhưng không hẳn tất cả đều mang nghĩa xấu. Nghệ thuật làm
cha mẹ là hiểu được động lực chính của tuổi dậy thì và học cách
tránh né những cơn giận dữ không cần thiết. Nhiều cha mẹ không
hiểu hay không chấp nhận thực tế này và cho rằng trẻ “quá hỗn”,
"không thể chấp nhận được" thì sẽ không thể giáo dục con được.
2. Cha mẹ hãy tâm niệm rằng mình đang nói chuyện với một đứa
“trẻ lớn” chứ không hẳn là “trẻ nhỏ”như trước kia
Nếu bình tĩnh nhìn nhận một cách tích cực trong phản ứng của
con, cha mẹ sẽ thấy trẻ đang muốn thay đổi cách thức đối xử hay
thiết lập kiểu quan hệ mới. Đó là kiểu quan hệ bình đẳng, tôn
trọng, được thể hiện quan điểm, lập trường, chính kiến của bản
thân. Tức là muốn trở thành và được đối xử ngang hàng như người
lớn và nguyện vọng độc lập không muốn sự áp đặt của trẻ đã phát
triển.
Hiểu được như thế, cha mẹ hãy lắng nghe và nhìn nhận nhu cầu của
trẻ. Từ đó khuyến khích con nói ra những điều mong muốn và rồi
phân tích cho trẻ cái đúng, cái sai, cái được phép và cái không
được phép. Điều quan trọng mà cha mẹ cần nhớ là luôn thực hiện
mọi thứ trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và yêu thương.
3. Mục đích của cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ ở tuổi này là
thiết lập các nguyên tắc, quy tắc hành vi ứng xử, giới hạn cho
phép
Vì thế hãy tránh những cuộc tranh cãi và đối đầu với trẻ. Rất
nhiều bậc cha mẹ giẫm lên "vết xe đổ" này nên cảm thấy bất lực
trong việc giáo dục con. Khi không thiết lập được nguyên tắc của
mình thì quay lại đe doạ và đánh chửi con, để cuối cùng "xôi
hỏng bỏng không".
Hơn nữa cha mẹ phải kiên quyết chấm dứt tham gia vào những cuộc
tranh cãi, giải thích dài dòng. Nói với trẻ thật ngắn gọn, rõ
ràng bạn muốn con làm gì, khi nào và nếu con không làm thì sẽ
như thế nào rồi bỏ đi ngay chỗ khác, không đôi co.
4. Đối thoại với trẻ
Đây vừa là một nguyên tắc vừa là kỹ năng quan trọng trong việc
ứng xử với trẻ dậy thì. Khi con còn nhỏ, cha mẹ dễ dàng áp đặt
nguyên tắc hoặc ý muốn nhưng nếu tiếp tục áp dụng như thế sẽ
không thành công khi trẻ lớn lên và dễ tạo ra xung đột. Vì thế
tốt nhất khi đề ra nguyên tắc hoặc muốn con làm việc gì thì cha
mẹ nên đưa ra bàn thảo cùng trẻ hoặc các thành viên trong gia
đình xem ý kiến của trẻ, sau đó đi đến thống nhất và cứ như thế
thực hiện.
Chẳng hạn, khi nghe mẹ nói "từ nay con không được về nhà quá
10h" hay “Lan, rửa cho mẹ mấy cái chén", trẻ sẽ cãi lại và tìm
cớ biện minh để không làm. Thay vì vậy, cha mẹ hãy ngồi nói
chuyện với con và thống nhất việc rửa chén và đi về khuya của
trẻ. Tất nhiên nên suy xét một số tình huống ngoại lệ có thể
chấp nhận được.
5. Nhẹ nhàng trong khi giao tiếp với trẻ
Cha mẹ cần cố gắng giữ bình tĩnh khi con cãi lời hoặc không làm
theo ý mình. "Đôi khi trẻ cãi chỉ để cãi chứ chẳng có ý xúc phạm
cha mẹ mình, xong rồi là hết ngay, thậm chí chúng cũng cảm thấy
hối hận vì hành vi của mình. Bằng tình thương, cha mẹ nhẹ nhàng
tâm sự với trẻ, phân tích cho trẻ cái đúng cái sai, tại sao lại
bắt chúng làm và làm theo sẽ tốt cho con sau này", chuyên viên
Đăng Thảo đúc kết. |
|