Bị bạn tẩy chay


Theo SGTT - Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh

Không ít trẻ vì hoàn cảnh, vóc dáng, tính tình… mà đến lớp bị bạn bè trêu ghẹo, xa lánh khiến trẻ thiếu tự tin, sợ đến trường, học tập sa sút. Thầy cô và phụ huynh cần phát hiện sớm tình trạng này để giải thoát trẻ khỏi những mặc cảm.

Lớp đông không bạn

Mỗi tuần trực phòng tham vấn tâm lý, chúng tôi luôn gặp T., chín tuổi, học lớp ba. Mỗi lần em này đến thường gắn với một lý do, hôm thì “con bị bạn đánh”, lúc khác lại “con bị các bạn giấu mất hết đồ dùng học tập, bạn lấy mất tập vở làm con bị cô phạt”. Có lần, cậu học trò lấm lét xoè ra tờ giấy nhàu nát, trên đó ghi những câu khiêu khích: “Ê, T. cút khỏi lớp mau”, “Thằng T. khờ kia! ha ha ha” và hình vẽ lem luốc một thằng bé với hai hàng nước mắt, kèm ghi chú: “Lệnh truy nã thằng T. xấu xa, thấy ghét đây”… Nhà nghèo, ba mẹ vất vả mưu sinh cả ngày nên ít quan tâm đến con, trong khi các bạn được ba đưa mẹ đón thì T phải một mình đi bộ đến trường. Chỉ vì đầu năm mượn tiền bạn mua quà, không có tiền trả ngay, cậu bị bạn cô lập. Tìm hiểu kỹ hơn, cũng vì áo quần em lếch thếch nên các bạn hay lấy T. ra làm trò đùa. Mất nhiều thời gian tìm hiểu, cậu học trò mới chịu kể chuyện mình thường ở nhà một mình, chỉ có con chó làm bạn, nhiều khi cậu ôm con chó ngủ cùng...

Ở tuổi tiểu học, trẻ rất thích có nhiều bạn và dễ lo lắng, sợ hãi khi bị bạn bè loại bỏ, tẩy chay. Như V., cậu con cầu tự của một gia đình khá giả, do ỷ to con, ai làm gì không hài lòng V. “tặng” ngay một nắm đấm nên bị bạn gọi là Chaien (nhân vật hay bắt nạt bạn bè trong truyện tranh Doraemon). Sau một thời gian, V. bị bạn xa lánh. Buồn quá, V nghĩ ra cách “hối lộ” bạn chơi với mình bằng cách vô căntin trường mua đồ ăn thật nhiều cho bạn ăn nhưng vẫn bị xa lánh. Băn khoăn, V. gởi thư về phòng tham vấn tâm lý hỏi: “Cô ơi, sao con có đồ ăn cho bạn thì bạn ăn nhưng bạn vẫn không chơi với con?” Gặp phụ huynh để phối hợp tham vấn, bố mẹ V. mới giật mình khi biết con đã lấy cắp tiền mỗi lần hai, ba trăm ngàn chỉ để mua đồ ăn dụ bạn chơi với mình!

Nhân chi sơ...

Không chỉ ở trường mà ở nhà, con trẻ cũng dễ bị cô đơn khi anh chị em, bạn hàng xóm cô lập. Với con trẻ, điều đó thật kinh khủng. Nhiều em sợ đến trường vì xấu hổ, mặc cảm với những trò trêu chọc của bạn bè, ảnh hưởng đến thái độ cũng như kết quả học tập. Về lâu dài, nếu tình trạng trên không được cải thiện, những em này sẽ mắc chứng sợ đám đông.

TRẺ NÀO DỄ BỊ BẠN “NGHỈ CHƠI”?

Những trẻ có tính cách hung hăng, ưa gây sự, tính tình kỳ cục thường khó hoà nhập với bạn bè. Trẻ có những tật xấu nói dối, lấy cắp cũng rất khó được bạn bè chấp nhận. Bên cạnh đó, có những trường hợp trẻ là tâm điểm để các bạn châm chọc gây sự chỉ bởi dị tật hay vì không được “thủ lĩnh”, “đại ca” của lớp thích (bạn không dám chơi vì sợ trái ý thủ lĩnh).

Trong tình huống ấy, những người gần gũi trẻ như giáo viên, phụ huynh có thể giúp trẻ hoà nhập với bạn bè. Hiểu được khó khăn của trẻ, chỉ cho trẻ cách khắc phục, thay đổi được những thói xấu, dần dà trẻ sẽ tìm được quan hệ thân thiện với bạn bè. Bản tính thiện của mỗi trẻ đều ở dạng tiềm tàng, cha mẹ cần phát huy lòng tốt của trẻ bằng cách cho trẻ trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế, giúp trẻ có nhu cầu thích làm điều tốt và quan tâm đến người khác. Bên cạnh đó, cha mẹ nên khen ngợi và ghi nhận những việc làm tốt của trẻ nhằm tạo động lực tích cực ở trẻ.

Đối với trẻ không bị bạn cô lập, phụ huynh cũng cần tìm hiểu quan hệ ở trường của trẻ có tốt không, trẻ có a dua theo bạn để cư xử xấu với bạn khác không. Nếu trẻ thấy sai mà vẫn hùa theo bạn thì về lâu dài trẻ sẽ dễ bị sai khiến bởi cái xấu và trở nên vô tâm với nỗi đau của người khác. Cần khuyến khích con yêu thương, biết quan tâm chia sẻ với những bất hạnh của bạn bè. Để hiểu con và những quan hệ bạn bè của con, không cách nào khác là cha mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ. Những biểu hiện ốm đau, vui buồn, no đói có thể nắm bắt nhờ bề ngoài, nhưng những ẩn ức tâm hồn rất khó phát hiện nếu không hiểu đời sống tinh thần của con, nếu không nhạy cảm và tinh tế. Và muốn nắm bắt điều ấy, cần liên hệ chặt chẽ với thầy cô ở trường, quan tâm những sự kiện xảy ra xung quanh con để từ đó lắng nghe, động viên hay uốn nắn con trẻ.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments