Giúp trẻ an toàn trên mạng: Tự do và giới hạn


Theo Bee

Theo các chuyên gia tâm lý, tốt nhất máy tính nên đặt ở khu vực sinh hoạt chung của gia đình hoặc ở những vị trí mà bạn có thể "liếc mắt" bất cứ lúc nào.

Bằng cách này con bạn vẫn có thể tự do vào các trang mạng ưa thích, nhưng bạn sẽ đảm bảo được rằng hoạt động mạng của con vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Đối thoại cởi mở

Tâm lý chung của trẻ thường là sợ kể với cha mẹ về những điều không hay chúng chẳng may gặp phải trên mạng vì sợ cha mẹ sẽ phản ứng bằng việc cấm không cho chúng dùng máy tính hoặc cắt đường truyền internet. Phân tích của chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ, Hạnh phúc và Kỹ năng sống cho thấy, trẻ thực sự muốn cha mẹ hiểu biết hơn về internet, nên chúng cũng sẵn sàng trò chuyện với cha mẹ về thế giới web.

Cha mẹ cũng có thể thử nhờ con

Cha mẹ cũng có thể thử nhờ con "dạy" mình vào thế giới online và khéo léo tạo ra những tình huống thảo luận với con về những chọn lựa có ý thức và trách nhiệm khi lên mạng.

Vì thế, các bậc phụ huynh nên tiếp cận gần gũi với con, tạo dựng sự tin tưởng, thương yêu để con thành thực khi trò chuyện và sẵn sàng chia sẻ các vấn đề của mình. Điều quan trọng là cha mẹ phải tạo ra được những cuộc trò chuyện cởi mở, nhẹ nhàng, tránh những phán xét, phản ứng thái quá dễ tạo khoảng cách với con cái. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể thử nhờ con "dạy" mình vào thế giới online và khéo léo tạo ra những tình huống thảo luận với con về những chọn lựa có ý thức và trách nhiệm khi lên mạng.

Các chuyên gia của Wired safety (Tổ chức trợ giúp và an toàn mạng quốc tế) cho rằng, cha mẹ hãy thường xuyên đối thoại cởi mở, chia sẻ với con mình những sở thích, thói quen khi lên mạng, những vấn đề hay những trang mà con thích hay ghét, đánh giá của con về những chuyện đang diễn ra trong cộng đồng mạng,... Những cách làm này vừa có hiệu quả trong việc "công khai theo dõi" con, vừa giúp con nhìn nhận những đúng sai, phải trái, trang bị cho con khả năng tự bảo vệ mình.

Tự do trong khuôn khổ

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hồng Lê khuyên: Để hạn chế việc trẻ tự do lên mạng ở các cơ sở dịch vụ bên ngoài, cha mẹ hãy trang bị cho con một máy tính kết nối mạng tại nhà. Tốt nhất máy tính nên đặt ở khu vực sinh hoạt chung của gia đình hoặc ở những vị trí mà bạn có thể "liếc mắt" bất cứ lúc nào. Bằng cách này, con bạn vẫn có thể tự do vào các trang mạng ưa thích và bạn cũng sẽ đảm bảo được rằng hoạt động mạng của con vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cha mẹ có thể trao đổi với con để thống nhất giới hạn các hoạt động online, ví dụ như thời gian, các chương trình game, các trang thông tin, các trang xã hội... mà con được phép hay không được phép vào.

Theo Wired Safety, bạn hãy cùng con xây dựng một số nguyên tắc an toàn, chia sẻ thông tin online. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động hướng dẫn, huấn luyện con một số quy tắc như giữ kín thông tin cá nhân, tránh xa "người lạ online", chia sẻ với cha mẹ về những khó khăn, vấn đề nảy sinh khi lướt web...

Khi con bạn đủ lớn để sử dụng các trang mạng xã hội hãy nói chuyện với con về quấy rối trên mạng (cyberbullying). Nói với con về những trường hợp đăng tin giả mạo, email bậy bạ, lừa đảo, những hình ảnh phản cảm, thông tin cá nhân bị chia sẻ hoặc gửi chuyền tay... Hãy cho con biết quấy rối trên mạng là cực kỳ phổ biến và rất có thể chúng sẽ gặp phải. Thống nhất với con nguyên tắc phản ứng lại khi việc đó xảy ra - tuyệt đối không phản hồi, mà có thể chặn lại và thông báo cho cha mẹ hoặc những người lớn khác.

Lắng nghe con nói

"Những biện pháp để tự bảo vệ mình thì không thiếu nhưng cách lừa đảo mới cũng ngày một tinh vi. Nhiều khi chúng em còn lúng túng chưa biết nên ứng xử thế nào, nhưng không dám kể với bố mẹ, vì bố mẹ chắc chắn sẽ mắng và cấm vào mạng. Người lớn nhiều khi cứ thấy xấu là cấm, thậm chí không công nhận luôn cả những giá trị tốt mà mạng internet mang lại"_ Nguyễn Hoàng Đức (học sinh lớp 11, trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội)

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments