Khi trẻ phá rối


Trầm Thiên Thu
(Chuyển ngữ từ WebMD.com)

Đây là “nỗi kinh hãi” của cha mẹ. Mặt khác nhà trường còn thông báo rằng con của bạn vừa vi phạm các lỗi lầm: (A) Đánh nhau, (B) Nói dối, (C) Bắt nạt, (D) Phá trong lớp, (E) Tất cả A, B và C.

Bất kỳ cách cư xử nào cũng có thể là một phần bình thường ở trẻ, nhưng nếu chúng cứ phạm hoài một lỗi lầm nào đó (dù nhẹ), nó sẽ bị gán cho biệt danh “kẻ phá rối”, lỗi nhẹ trở nên nặng. Đó có thể khó rũ bỏ và trở thành “chết” với tên đó. Vậy con của bạn là đứa trẻ bình thường hay thực sự là kẻ phá bĩnh? Hãy tìm hiểu nguyên nhân của cách cư xử đó ở trẻ.

1. Tìm hiểu

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ. Hãy xem xét các động thái và các yếu tố của trẻ có thể khiến chúng cư xử như vậy. Khi xem xét các động thái của trẻ, hãy cân nhắc giai đoạn phát triển của trẻ. Nhà tâm lý giáo dục Michele Borba, chuyên gia về cách làm cha mẹ, và là tác giả cuốn “The Big Book of Parenting Solutions” (Sách Giải quyết Vấn đề Làm cha mẹ), nói: “Một phần trong việc làm cha mẹ tốt là hiểu 101 cách phát triển của trẻ. Hãy nhìn vào những gì thích hợp với trẻ ở độ tuổi của nó”.

TS tâm lý thiếu niên và trẻ em Glenn Kashurba nói: “Một lúc nào đó, cách cư xử đặc thù không thể không thích hợp. Chẳng hạn, khá bình thường đối với trẻ 3 tuổi tức giận, nhưng nếu một thiếu niên 16 tuổi làm vậy thì đó là vấn đề. Rồi hãy nhìn vào chính cách cư xử”. TS Borba khuyên: “Cách cư xử của trẻ thực sự như thế nào? Bạn càng biết rõ chi tiết thì bạn càng có thể hiểu lý do khiến trẻ cư xử như vậy”.

Nên quan tâm các vấn đề sau đây:

* Cách cư xử đó của trẻ xảy ra bao lâu rồi? Đây là lần đầu trẻ nói dối, bắt nạt, phá phách, đánh nhau,… hay trẻ vẫn thường như vậy?

* Cách cư xử đó có thay đổi? Cách cư xử có khá hơn hay tệ hơn? Một số trẻ gặp khó khăn ở một trường mới hoặc sang năm học mới, nhưng trẻ sẽ dần dần hoà nhập và sẽ cải thiện cách cư xử. Cần lưu ý cách cư xử nào đó tệ hơn.

* Cách cư xử đó xảy ra ở đâu? Điều đó xảy ra ở trường hay ở nhà? Điều đó chỉ xảy ra với cha mẹ, hay trẻ vẫn đối xử như vậy với ông bà, thầy cô và bạn bè? Nếu trẻ đối xử với ai cũng vậy thì đó là vấn đề phải chấn chỉnh.

* Mức độ nghiêm trọng thế nào? Trẻ có cãi nhau hay xô xát với bạn bè? Nếu chúng cãi nhau thì mức độ nghiêm trọng thế nào? Nếu đứa trẻ 7 tuổi đánh đấm người khác, đó là trẻ có vấn đề về kiềm chế cơn giận.

* Điều gì khác đang xảy ra ở trẻ? Thường thì cách cư xử xấu là cách để trẻ “xả” những điều ức chế trong lòng, chẳng hạn cha mẹ ly thân hoặc ly hôn. Cũng có thể đó là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn trẻ gặp khó khăn ở trường, xem nhiều phim bạo lực hoặc chơi nhiều game bạo lực, hoặc bị mất ngủ. Nên tìm hiểu những vấn đề nghiêm trọng và minh nhiên, chẳng hạn bị bắt nạt ở trường hoặc có dấu hiệu bị lạm dụng. Hãy tìm hiểu những vấn đề mà trẻ khó nói ra, hoặc những điều có thể bạn không biết. Trẻ có thể bị trầm cảm và tức giận mà cư xử như vậy”.

Khi tìm hiểu, hãy nói chuyện với các giáo viên, nhà tư vấn,.. hoặc với bất kỳ người nào có liên quan và có mức độ hiểu biết. Cuối cùng, hãy cởi mở tâm sự với trẻ. Hãy hỏi xem đánh nhau hoặc cư xử như vậy là xấu và giúp trẻ nhận thức vấn đề.

2. Chân thật

Trước khi sửa sai cách cư xử sai trái của trẻ, bạn phải nhận biết đó là vấn nạn. Hãy giúp trẻ khi trẻ cần. Điều không nên làm là tự đưa mình vào tình huống đó để bảo vệ trẻ, gọi là “bênh con”. Đôi khi cha mẹ thương con không hợp lý nên hành động thái quá mà cứ tưởng mình là đúng, điều này khiến trẻ ỷ thế và được nước làm tới, khiến trẻ càng cư xử tệ hơn!

3. Giúp đỡ

Hãy bắt đầu giúp trẻ bằng cách nhờ người đáng tin cậy và biết rõ con mình – chẳng hạn như giáo viên. Nếu người đó không thể giải quyết vấn đề, hoặc vấn đề quá nghiêm trọng đến mức đe dọa sự an toàn cảu trẻ, bạn có thể nhờ nhà tư vấn giúp đánh giá thêm. Việc đánh giá này sẽ giúp xác định hành vi của trẻ có vấn đề về cách cư xử hoặc có vấn đề về sinh học hay không.

4. Nhấn mạnh các động thái tích cực, và loại bỏ các động thái tiêu cực


Bị coi là “kẻ phá rối”, trẻ có thể mất tự tin và trở nên hung dữ, theo kiểu “cùi không sợ lở”. Điều đó khiến trẻ thất vọng như Chí Phèo muốn sống tốt mà người ta không để anh ta sống tốt, vì trẻ bắt đầu hành động theo cách mà người khác nghĩ về mình. Hãy luôn nói với trẻ rằng hành động xấu sẽ nhiễm dần vào máu thịt và ngấm sâu vào khái niệm, như nghiện ma túy rồi thì hầu như không bỏ được.

Thay vì nhấn mạnh các điều tiêu cực như vậy, hãy nhấn mạnh các động thái tích cực. Hãy củng cố các động thái mà xã hội ủng hộ, đồng thời củng cố những gì bạn muốn thấy ở trẻ.

Loại bỏ tiêu cực nghĩa là hãy cho trẻ biết rằng bạn cương quyết không tha thứ các cách cư xử xấu. Điều đó luôn dễ thực hiện. Bất cứ lúc nào bạn muốn thay đổi cách cư xử của trẻ thì trẻ đều muốn kiểm chứng xem cha mẹ thế nào. Sự cương nghị rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ, đừng nói: “Con nít biết gì!”.

5. Và tiếp tục...

Đừng thay đổi ngay lập tức, nhất là khi đó là một tính xấu, vì cái gì cũng cần thời gian. Hãy luôn chú ý vào MỘT cách cư xử nào đó của trẻ. Nếu tập trung vào vài cách cư xử một lúc, bạn sẽ không bao giờ có thể mong trẻ thay đổi.

TS Borba nói: “Hãy kiên nhẫn. Không ai có thể thay đổi ngay, trẻ cũng vậy. Rồi bạn sẽ thấy mức độ thay đổi dần dần ở trẻ từng ngày và trẻ sẽ có cách cư xử mới. Quan trọng là cha mẹ đừng thất vọng, hãy nhất quyết kiên trì giáo dục trẻ”.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments