Học kỳ quân đội không phải 'chiếc đũa thần'


Thi Ngoan
Theo VnExpress

Trước hiệu quả lan toả của mô hình giáo dục Học kỳ quân đội, nhiều phụ huynh có tâm lý nhắm mắt "đẩy" con vào đây với hy vọng trẻ sẽ thay đổi hoàn toàn. Song đến khi hiệu quả không như ý, họ lại đâm ra thất vọng.

Khoảng 3 năm nay, sau thành công của chương trình giáo dục kỹ năng sống mang tên "Học kỳ quân đội" do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (trực thuộc trung ương Đoàn) khởi xướng, hiện đã có 60 đơn vị khác tổ chức mô hình này. Những tên gọi gần giống như "trại hè quân đội" hay "trại hè kỹ năng sống"... kéo dài từ 4 đến 10 ngày, song chất lượng thì "thượng vàng hạ cám".

Một số phụ huynh nhìn nhận về khóa học như một "chiếc đũa thần" nhiệm màu. Họ kỳ vọng chỉ cần học ở đây, trẻ sẽ biến đổi tâm tính hoàn toàn từ xấu trở thành tốt, trong khi bố mẹ không có thời gian chăm sóc đến con. Thậm chí nhiều teen sau khi đi học có những biến đổi tích cực thời gian đầu, song về đến nhà tiếp tục được nuông chiều nên "ngựa quen đường cũ". Chứng kiến cảnh này, cha mẹ lại đâm ra thất vọng.

Như trường hợp của em Dũng từng tham gia học kỳ quân đội do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (quận 3, TP HCM) tổ chức. Sau khi học lớp Bộ sinh sơ cấp về, em đã biết tự giác gấp mùng mền, chăn chiếu và rửa chén giúp mẹ. "Nhưng được mấy hôm thôi, rồi mẹ bảo không cần phải vất vả, cứ để cho người giúp việc làm. Thế là em cũng thôi luôn", cậu bé 14 tuổi hồn nhiên kể.

Trên một trang diễn đàn làm cha mẹ, phụ huynh có nick name Kim Thuy cũng than thở: "Năm ngoái chắt chiu cả tháng lương để dành cho con trai tham gia học kỳ quân đội. Về đến nhà, được mấy ngày đầu cháu rất ngoan, có vẻ tiến bộ rõ rệt, biết giúp đỡ và thương bố mẹ hơn, nhưng khoảng một tuần sau thì đâu lại vào đó. Tôi nghĩ chương trình 10 ngày chưa đủ mà nên là một hoặc 2 tháng".

Xét từ góc độ giáo dục, Thạc sĩ Giáo dục học Phạm Phúc Thịnh, Chuyên viên tư vấn trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc cho rằng, tính cách của một con người cần phải được rèn luyện liên tục và trong thời gian lâu dài chứ không thể chỉ nhờ một khóa học.

"Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận", ông nói. Theo ông, trong quá trình "gieo, gặt" đó, gia đình vẫn là môi trường quan trọng nhất đóng vai trò quyết định, còn nhà trường và xã hội chỉ là nhân tố hỗ trợ hoặc tạo đà bước đầu.

Ông Thịnh nhận định, ngay cả khi cho con theo học tại "chiếc nôi" giáo dục tạo kỹ năng sống nổi tiếng, mà về đến nhà trẻ lại được nuông chiều hoặc cha mẹ không quan tâm tiếp tục giúp con rèn luyện những gì đã học, thì có nhồi nhét kỹ năng nhiều cũng chỉ như muối bỏ biển.

Cũng trăn trở về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam bày tỏ với VnExpress.net, không ít phụ huynh đến ghi danh cho trẻ theo học kỹ năng tại đây trong tâm thế "bỏ tiền để mua nhân cách cho con". Thậm chí khi thấy "quý tử" ăn uống kham khổ trong thời gian nhập ngũ, một số người "xót" con và đề nghị trung tâm đưa đến khách sạn 5 sao để huấn luyện.

Cá biệt hơn, có những bậc sinh thành không làm gương sáng cho con mà bản thân vẫn còn những tật xấu như nói dối, trộm cắp hay làm nghề đâm thuê chém mướn... Nên theo nhìn nhận của bà Liên, dù bản thân các em có tiến bộ sau khóa học thì khi về nhà, trở về với môi trường cũ thì trẻ lại tiếp tục lối sống như trước.

Học kỳ quân đội là mô hình giáo dục kỹ năng dựa trên sự tác động của tập thể, tấm gương của giáo viên và điều phối viên để tác động cải hóa từng cá nhân tham gia. Nếu ở nước ngoài, đây thuần túy là một chương trình giáo dục theo thiết chế quân đội, thì khi về Việt Nam, yếu tố kỷ luật được gạn lọc bớt và thay vào đó đẩy mạnh những giá trị về gia đình, khơi dậy tình yêu thương, lòng biết ơn cha mẹ, ông bà, anh chị em... thông qua những bài học và tấm gương hiếu thảo.

Trên thực tế cũng ghi nhận, nhiều phụ huynh vốn là tiến sĩ, bác sĩ nhưng không bảo ban được con vì khoảng cách tuổi tác. Song khi cho con tham gia những khóa học kỹ năng, các em đã có những thay đổi tích cực nhờ sự giúp đỡ các điều phối viên (vốn là những sinh viên, đoàn viên trẻ xuất sắc đã được đào tạo để am hiểu tâm lý tuổi teen).

Vì thế, theo bà Liên, sau khi trẻ tiếp thu được những bài học giá trị và thay đổi tâm tính theo hướng tích cực thì nhiệm vụ của gia đình phải tiếp tục "nuôi dưỡng" nó. "Chúng tôi cũng chỉ đóng vai trò là yếu tố xã hội phụ trợ, còn gia đình vẫn là nền tảng quan trọng nhất", bà khẳng định.

Mặc dù hiện nay chương trình Học kỳ quân đội được biết đến như một mô hình giáo dục kỹ năng sống hiệu quả, song bản thân bà Liên cũng thừa nhận, sự biến đổi này không hoàn toàn giống nhau ở các học viên. "Có em thay đổi hoàn toàn 100% nhưng cũng có em chỉ được 1%, thậm chí có em không tiến bộ... Và chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận ý kiến, học hỏi để thay đổi chương trình cho phù hợp hơn", bà nói.

Trước ưu tư của nhiều phụ huynh muốn cho con học nhưng băn khoăn vì mức học phí khá tốn kém (trung bình từ 4 đến 20 triệu đồng tùy theo địa bàn và thời lượng), bà Liên giải thích, mức phí này dành để chi các khoản đóng bảo hiểm, ăn uống, quân phục, đồng phục cho học viên và trả thù lao cho giảng viên... Riêng đối với những học sinh nghèo hiếu học, con em gia đình có công với cách mạng, con của cán bộ quân đội... đều được xét miễn giảm phí.

Bên cạnh đó, trung tâm còn có những khóa học kỹ năng miễn phí hoặc giá mềm từ 50.000 đến 1,5 triệu đồng như: học làm nông dân (1,5 triệu đồng trong 3 ngày), trui rèn và trưởng thành (800.000 đồng trong 2 ngày), học làm người có ích (300.000 đồng trong 2 ngày)...

Hiện nay theo chỉ đạo của Bí thư trung ương Đoàn, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam đang tiếp tục tập huấn chuyển giao mô hình học kỳ quân đội này cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Một số tỉnh Đăk Lăk, Kiên Giang... đã bước đầu gặt hái thành công khi tổ chức chương trình này.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments