Bản văn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II liệt kê
ba lý do chính nhằm phản đối việc ly dị gồm có: 1) Lợi ích của
lứa đôi, 2) của con cái và 3) của xã hội (x. Hiến chế Mục Vụ về
Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, số 48). Lý do
thứ tư có tính cách thần học được rút ra từ vai trò của bí tích
trong hôn nhân Công Giáo.
1) Ly dị bị phản đối vì lợi ích của đôi vợ
chồng.
Việc ly dị sẽ đánh mất đi cái ý nghĩa và mục
đích của sự tự hiến của hai người cho nhau và lòng trung tín
trong tình yêu. Người chồng và người vợ không thể tận hiến cho
nhau một cách trọn vẹn, khi mà trong đầu óc của họ vẫn lấp ló
một ý nghĩ, là mối dây liên hệ mật thiết ràng buộc trong tình
nghĩa vợ chồng vẫn có thể bị tan vỡ. Xét về phương diện tâm lý
thì tự bản chất tình yêu của con người đã qui hướng về bạn đường
trăm năm. Mục đích của việc bảo vệ và giúp đỡ chăm sóc lẫn nhau
là một điều tối cần thiết nhất là trong khi gặp hoàn cảnh khó
khăn, điều này chỉ có thể đảm bảo trong bậc sống hôn nhân khi
quan hệ vợ chồng là một quan hệ vĩnh viễn. Quả vậy, tình yêu
chân thật trong đời sống hôn nhân không thể giới hạn trong một
khoảng khắc nào đó. Nghĩa là hôm nay thì tôi yêu em, nhưng ngày
mai thì không còn nữa.
Việc khẳng định rằng mối dây ràng buộc trong
đời sống hôn nhân là bất khả phân ly tạo nên một thế lực rất
mạnh, nhằm để bảo vệ lợi ích tình yêu vợ chồng và lòng trung
thành. Nó mang lại một động lực rất mạnh, hầu giúp cho đôi vợ
chồng chấp nhận, chịu đựng những khuyết điểm của nhau trong kiên
nhẫn và bảo tồn sự hiệp nhất cũng như hoà thuận với nhau. "Nếu
định chế hôn nhân và gia đình không có một nền tảng vững chắc,
thì xã hội sẽ trở nên nghèo nàn, và điều đó đã làm mất đi cái
nét yêu kiều của bộ mặt con người. Con người sẽ trở nên cô lập,
tính toán so đo với nhau và những mối liên hệ giữa con người với
nhau chẳng qua là để vụ lợi. Nó còn làm cho sự đoàn kết mỗi ngày
một rạn nứt lớn hơn." Qủa thật chí lý khi nói rằng: "Dấu ấn của
tình yêu chân thật là lòng trung thành."
2) Sự phân ly trong hôn nhân gây tác hại cho
trẻ em.
Một khi mà mối dây liên hệ ràng buộc trong
đời sống hôn nhân bị lỏng lẻo, thì con cái bị tước đoạt đi tình
cảm của bố hoặc mẹ nó hay cả hai, và điều ấy hiển nhiên ảnh
hưởng đến sự tự tin của chúng, việc học hành và gây nên sự bất
ổn trong tâm hồn. Sự mất mát đối với trẻ em thì không thể bồi
hoàn lại được.
"Có thể nói không ai chịu nhiều đau khổ hơn
các em khi ba mẹ chúng ly dị. Các em là nạn nhân chính trong các
cuộc ly dị. Thật vậy, các em là của hy sinh cho sự yếu hèn của
cha mẹ. Ly dị được cảm nhận bởi các em như là một sự khước từ
của cha mẹ đối với chúng ." (xem "Love Is For Life" - Lá thư mục
vụ của Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan (1985) .
Thông thường thì các em sẽ gặp phải nhiều vấn
nạn và khó khăn khi chúng phải trải qua cuộc ly dị của ba mẹ.
Một cha ghẻ hay dì ghẻ không thể nào có thể thay thế cho một
người cha hay người mẹ của các em, mặc dầu có rất nhiều những
cha mẹ ghẻ đã làm hết sức của họ. Một em khi phải sống với cha
hay mẹ ghẻ của mình thì khả năng bị đối xử tàn tệ có thể diễn ra
thường xuyên hơn khi em ấy sống với cha mẹ ruột của mình
7.
Lợi ích của con cái ít khi được sử dụng để
coi đó như một sự ép buộc cha mẹ không được phép ly dị, nhưng
ngược lại, nó dùng để đấu tranh cho sự bền vững của mái ấm gia
đình.
3) Lợi ích của xã hội đòi hỏi gia đình phải
bền vững.
Chỉ có phương cách ấy thì việc giáo dục lành
mạnh cho các thế hệ trẻ có thể được bảo đảm; và sự tương thân,
tương trợ đoàn kết lẫn nhau trong cùng một cộng đoàn mới được
bảo vệ và nâng đỡ. Chính quyền không những chỉ có trách nhiệm và
bổn phận giải thể những cuộc hôn nhân bị trục trặc, nhưng họ còn
phải có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ tư vấn về phương diện
gia đình hầu giúp đỡ việc hoà giải và tái lập những hôn nhân đã
bị đổ vỡ.
4) Lý luận sau cùng là một lý luận mang tính
chất thần học.
Điều này được xây dựng trên nền tảng của Bí
tích Hôn nhân Công Giáo, bởi nó chỉ được áp dụng cho Ki-tô hữu
mà thôi. Đức Giê-su Ki-tô gợi lại cho những kẻ đi theo Ngài,
việc nhân nhượng cho phép người Do-thái rẫy vợ theo luật của
Mô-sê; và trong thư gởi cho giáo đoàn Côrintô (1Cr 7,12-16),
thánh Phaolô cũng đã nhân nhượng cho phép họ được ly dị chỉ
trong trường hợp hôn nhân không Công Giáo (nghĩa là giữa hai
người chưa chịu phép Thanh Tẩy). Ngược lại hôn nhân Công Giáo,
một khi đã thành sự và trở nên bí tích thì không thể giải được.
Chúng ta thấy Bí tích Hôn nhân Công Giáo cũng
được nhắc đến trong thư của thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn
Ephêsô (Ep 5, 21-33). Bản văn này đã so sánh giữa hôn nhân Ki-tô
giáo và sự hiệp nhất của Đức Ki-tô với Giáo Hội, như đã nhắc tới
ở phần trên "Hôn nhân Ki-tô giáo là dấu chỉ hữu hiệu, là Bí tích
của Giao Ước giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh" (x. GLCG, số 1617).
Thánh Phao-lô còn nói thêm: "Người làm chồng
hãy yêu thương vợ như Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh, và hiến
mình vì Hội Thánh … Còn những người làm vợ thì hãy tùng phục
chồng mình, như Hội Thánh tùng phục Chúa Ki-tô". Nhưng chúng ta
cần ghi nhớ điều này là chúng ta đang sử dụng phương pháp loại
suy, để so sánh, do vậy điều ấy có thể trở thành quá khắc khe
khi chúng ta đi đến một kết luận được suy ra từ một giao ước
siêu việt có tính cách vĩnh cửu, tuyệt đối giữa Đức Ki-tô và Hội
Thánh (Hội Thánh được ví như nàng dâu, chỉ là một cách nói bóng
bẩy, đầy tính chất ẩn dụ; và những phần tử cá nhân của Hội Thánh
thì đã luôn luôn không trung thành với giao ước.), rồi đặt nó
ngang hàng với vĩnh viễn tuyệt đối của giao ước hôn nhân, điều
này xét cho kỹ thì nó rất khác biệt, một trật tự không chắc
chắn. Theodore Mackin, S.J. trong tác phẩm rất nổi tiếng:
Divorce and Remarriage, (Ly Dị và Tái Hôn) (1984), trang
530-537, đã đưa ra một nhận xét như sau: Điểm then chốt trong
việc so sánh (bằng phương pháp loại suy của thánh Phao-lô trong
Eph 5,21-33) giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh, chính là tình yêu tự
hiến và niềm tin tưởng, điều ấy cùng lúc cũng có hiệu lực phát
sinh và gây sống động cho sự liên hệ mật thiết giữa vợ chồng với
nhau, chứ không có ý ám chỉ đến việc bất khả phân ly của hôn
nhân. Để có một chứng cớ rõ rệt nhằm đi đến kết luận về việc bất
khả phân ly của hôn nhân qua Bí tích Hôn Phối, chúng ta cần phải
có thêm những lý chứng khác nữa. Nói vắn gọn, chúng ta không thể
chỉ nại đến mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh
để đưa ra một hệ luận cho việc cấm không được ly dị.