Đại đa số các giáo phụ ủng hộ lập trường
tuyệt đối bất khả phân ly của hôn nhân. Tuy thế, cũng có một số
vị đã bênh vực trường hợp ngoại trừ cho một số trường hợp nan
giải. Họ thường xuyên trưng dẫn đoạn văn của Mat-thê-ô 5,32, để
ủng hộ cho quan điểm và lập trường của họ.
Thái độ của Huấn Quyền đã được đặc điểm hoá
bằng những xác tín không lay chuyển rằng: sự ràng buộc hôn nhân
Công Giáo ngang qua bí tích, thì không thể tháo cởi, nó mang
tính chất bất khả phân ly. Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng và
của Công Đồng chung thì kiên vững và hầu như đồng tâm nhất trí:
việc tái hôn hay lập gia đình lại, sau khi đã ly dị là điều
không thể được, và không thể chấp nhận, ngoại trừ trong trường
hợp đã được tiêu hôn (Annulment), nghĩa là Giáo Hội xác nhận hôn
nhân đầu tiên của họ không thành sự.
6 Giáo Hội Công Giáo hằng
lên tiếng bảo vệ sự tuyệt đối bất khả phân ly của hôn nhân ngay
cả khi phải trả một giá rất đắt. Một ví dụ điển hình nổi bật là
thái độ khẳng định của hàng phẩm trật thuộc Giáo Hội Công Giáo
La Mã đối với vua Henry VIII của Anh quốc, người đã gây nên cuộc
ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã và thành lập Anh Giáo, bởi
vì Đức Giáo Hoàng thời bấy giờ đã khước từ thỉnh nguyện thư của
ngài nhằm để xin phép giải hôn phối đầu tiên, và cho phép ngài
được kết hôn một lần nữa.
Giáo thuyết về việc bất khả phân ly trong hôn
nhân Công Giáo được công bố một cách rõ rệt, tỏ tường bởi Công
Đồng Trentô. Nhưng có một điểm đáng chú ý là các nghị phụ đã chủ
tâm tránh né việc lên án cách thực hành của các Giáo Hội Đông
Phương liên quan đến việc ly dị. Theo các giáo hội này thì quan
điểm của họ cho rằng: hiệu lực của bí tích hôn phối không có giá
trị suốt cả cuộc đời, đối với người phối ngẫu đầu tiên. Tuy vậy,
hôn nhân thứ hai chỉ là việc bất đặng đừng phải chấp nhận và cho
phép đón nhận Bí tích Hôn phối.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II công bố việc bất khả
phân ly của hôn nhân, mặc dầu có một số nghị phụ đề nghị cho
phép ly dị trong một vài trường hợp nan giải. Sau đây, tôi xin
phép trích dẫn một đoạn trong Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong
Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes), số 48, liên quan đến việc
bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân.
"Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong
đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau nhờ sự an bài
của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị
trước mặt xã hội nữa. Vì ích lợi của lứa đôi, của con cái và của
xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở
thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân,
phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác… Sự liên kết mật thiết
vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của
con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi họ kết
hợp với nhau bất khả phân ly."