1. Cựu Ước
Thái độ của Cựu Ước đối với việc ly dị thì
đồng quan điểm với những dữ kiện mà người ta tìm thấy dựa vào
khoa nhân học xã hội (Social Anthropology). Trong thời Giáo phụ,
chỉ có một trường hợp ly dị được nhắc tới: đó là việc Tổ phụ
Abraham đuổi nàng thiếp của mình theo yêu cầu của Sarah (St 21,
9-14). Sự việc khước từ một cô vợ nếu không có lý do chính đáng,
thì tiền nộp cho phía cô dâu sẽ không được trả lại cho chú rễ,
hẵn nhiên, điều này cũng nhằm để ngăn ngừa tình trạng từ chối
hôn nhân hay ly dị một cách tự tiện, và bảo vệ quyền lợi của
người phụ nữ. Nhưng trong thực tế, hay trên phương diện nguyên
tắc, ly dị vẫn có thể xảy ra, và luật lệ của người Do-thái cho
phép thực hiện điều ấy và chấp nhận điều đó là hợp pháp. Nếu
người đàn ông đã lấy vợ và đã cưới hỏi rồi, mà sau đó vợ không
đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì
chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay
và đuổi ra khỏi nhà (x. Đnl 24,1). Điều nổi bật và đáng chú ý
của chứng thư ly dị là người phụ nữ đó được quyền tái giá với
một người đàn ông khác mà không phạm tội ngoại tình (x. Đnl 24,
2).
Lý chứng để làm nền tảng cho việc ly dị được
mô tả khá chi tiết trong bản văn của sách Đệ Nhị Luật, và đã là
nguyên nhân cho những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới các
luật sĩ. Trong thời buổi Chúa Giê-su, có hai lối giải thích khá
quan trọng đối với luật cho phép được ly dị, xuất phát từ hai
trường phái.
* Trường phái thứ nhất là của Shammai, có vẻ
nhặt nhiệm hơn, chỉ có việc ngoại tình của người vợ thì mới được
coi là đủ lý chứng cho việc ly dị.
* Trường phái thứ hai là của Hillel, được đặt
trên nền tảng của chương 24, câu1, trong sách Đệ Nhị Luật, cho
rằng bất cứ lý do gì cũng được. Trong số đó, một vài lý do được
nhắc tới, tỷ dụ như việc người vợ nấu thức ăn bị cháy, hoặc ngay
cả nếu người chồng tìm thấy một người phụ nữ khác đẹp hơn, thì
ông ta cũng có quyền ly dị vợ mình để đính hôn với người ấy. Dân
chúng thời Chúa Giê-su trong các hội đường ủng hộ lập trường của
phái Hillel. Dẫu vậy, việc ly dị cũng đã không xảy ra thường
xuyên, chỉ có những kẻ giàu có lợi dụng chuyện này.
Các ngôn sứ, một đàng tỏ ra chấp nhận việc ly
dị như một thực tại của hoàn cảnh; nhưng đàng khác, họ nhìn nhận
sự bất khả phân ly trong hôn nhân là một lý tưởng. Tuy nhiên,
điều rõ nét nhất trong toàn bộ các lời giảng dạy của các ngài về
hôn nhân và sự trung tín giữa vợ chồng, thì việc ly dị là điều
không thể xảy ra. Sự bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân thì
cũng giống như cái lý tưởng một vợ một chồng, được các ngôn sứ
bao hàm trong lối so sánh của họ, nhằm nói lên mối liên hệ mật
thiết của Đức Chúa Yavê và dân Do-thái, tựa như một hôn ước
(marriage covenant). Tột đỉnh của lý tưởng hôn nhân được mô tả
trong Cựu Ước, qua đoạn sách của ngôn sứ Malachi (2,14-16).
"Bởi Đức Chúa Trời là chứng nhân giữa ngươi
và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Chính ngươi
đã phản bội nó, mặc dầu nó là bạn đường và là người vợ kết ước
với ngươi. Người đã chẳng làm nên một hữu thể duy nhất có xác
thịt và Thần Khí đó sao? Vậy hữu thể duy nhất này tìm cái gì?
Một dòng dõi của Thiên Chúa. Các ngươi hãy coi chừng và chớ phản
bội người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Quả thật,
Ta ghét việc rẫy vợ, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en phán."
Cái lý tưởng này cũng được phản ảnh trong
đoạn Sách Sáng Thế, nói về việc Thiên Chúa tạo dựng người phụ nữ
nơi vườn điạ đàng, trong cái khung cảnh mà hôn nhân đầu tiên
được mô tả như là chỉ có một vợ và một chồng và hôn nhân có tính
cách vĩnh viễn.
2. Tân Ước
Những tranh luận về việc ly dị giữa những
người Do-thái với nhau, tạo cơ hội cho Chúa Giê-su trả lời cho
vấn đề, và đưa ra cái quan điểm của Ngài một cách công khai, và
thẳng thừng lên án cách mạnh mẽ những sự ươn hèn của các luật sĩ
Do-thái và lập trường của chính họ về vấn đề ly dị.
Lời lẽ phát biểu của Ngài được ghi lại trong
Tin Mừng của Mát-thê-ô (5,31tt); Lu-ca (16,18) và thư thứ nhất
gửi giáo đoàn Côrintô (1Cô-rin-tô 7,10tt). Cũng như trong các
cuộc thảo luận được ghi lại do Mác-cô (10,2-12) và Mát-thê-ô
(13, 3-9). Trong khi tranh luận với các biệt phái, Chúa Giê-su
đã hủy bỏ việc cho phép ly dị theo luật của Mô-sê, điều ấy đã
được ban cho dân Do Thái, vì tấm lòng chai đá của họ. Chúa
Giê-su đã trưng dẫn hai đoạn Sách Thánh nhằm chống lại và phản
đối sự việc Mô-sê đã chuẩn cho dân Do-thái được phép viết chứng
thư ly dị. Theo Sách Sáng Thế Ký, phụ nữ được coi như ngang hàng
và bình đẳng về nhân-phẩm với nam giới. "Cả nam lẫn nữ Thiên
Chúa đã dựng nên họ." (St 1,27) " và cả hai thành một xương một
thịt" (St 2,21). Sự hiệp nhất bền vững giữa người nam và người
nữ được Đức Ki-tô nói rõ khi nhắc lại ý định "từ nguyên thủy"
của Đấng Sáng Tạo. "Họ không còn là hai; nhưng chỉ là một xương
một thịt" (Mt 19,6). Lẽ đó, họ không thể phân ly.
Lời Chúa Giê-su phán cho biết Ngài khẳng định
từ chối bất cứ trường hợp ly dị nào. Nhưng chẳng phải trong Tin
Mừng đã chả cho phép rẫy vợ (ly dị) trong trường hợp ngoại trừ
đó sao? sự kiện này đã được hợp thức hoá trong điều khoản phạm
tội gian dâm với người khác.
"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ngoại
trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ tới
chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm
tội ngoại tình" (xem Tin Mừng Mát-thê-ô 5,32).
Và Mát-thê-ô 19,9 " Tôi nói cho các ông biết:
Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ
khác thì phạm tội ngoại tình".
Phải công tâm mà nói việc chú giải đoạn văn
trên với "mệnh đề đặt điều kiện" là một việc khá phức tạp và
nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều ấy vẫn không có hiệu lực làm mất
đi cái giá trị căn bản mà Chúa Giê-su đã tuyên bố về việc ly dị.
Mác-cô, Lu-ca và Phao-lô không hề hay biết về trường hợp ngoại
trừ này. Không thể hình dung được là họ đã bỏ sót một tuyên ngôn
khá quan trọng như vậy.
Vậy thì chúng ta phải giải thích như thế nào
cái điều khoản gian dâm? Nhiều hoc giả Thánh Kinh đã cố gắng chú
giải điều ấy với những lý lẽ khác nhau. Tuy nhiên, có hai giả
thuyết đã được đại đa số chấp nhận. Giả thuyết thứ nhất cho rằng
từ "Porneia" (nguyên ngữ Hy lạp), trong mệnh đề nhắm tới việc
cưới hỏi lẫn nhau giữa những người trong họ hàng thân tộc, điều
này đã được cấm đoán trong Cựu Ước (x. Lv 18, 6 tt) và vì thế
được coi như là bất hợp pháp, bởi người Do-thái cũng như bởi
Giáo Hội thời sơ khai, trong khi điều ấy được coi như là hợp
pháp đối với dân ngoại (tỉ dụ đám cưới giữa chú và cháu hoặc
giữa anh em họ với nhau). Những cuộc hôn nhân như vậy, sau này
có thể bị khám phá ra khi họ nộp đơn xin rửa tội để trở lại đạo,
và hôn nhân của họ phải được kết thúc hoặc giải thể. Điều này,
tạo nên cái ấn tượng là cho phép ly dị đối với người lương dân,
sau này các nhà soạn thảo lại Tin Mừng theo thánh Mát-thê-ô đã
nỗ lực cố gắng để đưa ra một giải thích thỏa đáng cho vấn đề nan
giải này.
Giả thuyết thứ hai thì cho rằng cái mệnh đề
(đặt điều kiện) ấy, mô tả một trường hợp ngoại trừ thật sự đối
với việc cấm đoán ly dị. Từ "Porneia" được chuyển ngữ là thông
dâm/gian dâm (Fornication) hoặc ngoại tình (Adultery). Lối giải
thích này được các nhà chú giải Kinh Thánh của giáo phái Tin
Lành và Chính Thống Giáo chấp nhận cách rộng rãi, và cho đến nay
thì một số đông các học giả Công Giáo cũng đã chấp nhận. Hầu hết
các nhà chú giải Kinh Thánh (trong số đó có cả Công Giáo) hiện
nay, có xu hướng chấp nhận trường hợp ngoại lệ cho vấn đề ly dị
trong trường hợp người vợ phạm tội ngoại tình.
Nhưng nếu chúng ta đối chiếu với phần chú
giải - nằm ở cuối trang - của bản dịch Tân Ước do Ban PhụngVụ
Các Giờ Kinh thực hiện, thì chúng ta thấy văn bản được dịch là
"ngoại trừ trường hợp HÔN NHÂN BẤT HỢP PHÁP" (Mt 5,32) và cụm từ
hôn nhân bất hợp pháp được giải thích như sau: diễn dịch từ Hy
lạp "porneia". Theo văn mạch ở đây cũng như ở Mt 19,9 và so với
Mc 10,11-12; Lc 16,18; 1Cr 7,10-11, thì Chúa Giê-su thắt chặt
lại khoản luật lỏng lẽo của Cựu Ước về ly dị (x. Đnl 24,1-2).
Trường hợp ngoại trừ ở đây không phải là ly dị vì ngoại tình (Hy
Lạp: moikheia). Porneia cũng không hiểu là gian dâm theo nghĩa
thông thường, mà theo luật Do-thái thời xưa. Những cuộc sống
chung giữa những người họ hàng với nhau mà Lê-vi 18 kê khai được
coi là gian dâm, nghĩa là bất hợp pháp. Có lẽ Mát-thêu muốn đưa
về Công Vụ Tông Đồ 15, 29 (cũng từ porneia): các tín hữu gốc
ngoại phải tránh kết hôn với người có họ hàng, vì đó trái luật
Do-thái, dù rằng theo luật đời, các hôn nhân giữa họ hàng như
vậy có thể hợp pháp.
Chúa Giê-su từ chối việc ly dị, đối với giả
thuyết thứ hai, nghĩa là được phép ly dị, nếu người vợ phạm tôi
ngoại tình. Sự kiện Chúa Giêsu phản đối việc ly dị, điều đó được
xem như là một biểu lộ của lý tưởng, chứ không phải là luật hoàn
toàn có tính cách tuyệt đối. Quan điểm này được ủng hộ dựa vào
những chứng cớ tìm thấy nơi đoạn Tin Mừng của Mát-thê-ô 5, 3tt,
qua Bài Giảng Trên Núi. Tại đây, chính Chúa Giê-su, trong một
diễn đạt khoáng đại đã mời gọi con người đạt tới mức thiện hảo
vô song. Nhưng điều ấy không có nghĩa là đặt ra những luật lệ
buộc con người phải tuân giữ theo sát bản văn.
Trong Bài Giảng Trên Núi, có rất nhiều lời
tuyên bố với tính cách xác quyết. Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ coi đó
là những lý tưởng chứ không phải là giới luật (ví dụ như những
huấn dụ về lời thề hứa, việc bất bạo động, yêu thương kẻ thù và
nên hoàn thiện như Thiên Chúa - xem Mt 5, 21-48)5. Vì thế, việc
Chúa Giê-su khăng khăng phản đối việc bất khả phân ly trong đời
sống hôn nhân có thể mang một tính chất giống như vậy, nó chỉ là
một lý tưởng mà người ta phải nỗ lực ra sức theo đuổi chứ không
hẳn là một lề luật áp chế tất cả mọi người tuân theo theo nghĩa
ngữ của nó.