Trong đời sống hôn nhân, người nam và người
nữ cả hai hợp nhất với nhau trong cộng đồng yêu thương vợ chồng,
tạo cho nhau một mái ấm và sự hỗ tương về mặt an toàn; họ đáp
ứng và thỏa mãn cho nhau những ước muốn về phương diện thể xác
trong yêu thương, từ đó phát sinh ra con cái. Họ cũng lãnh nhận
và đảm nhiệm vai trò giáo dục con cái. Quyền lập gia đình là một
trong những quyền căn bản của con người, cũng như quyền bình
đẳng giữa những người phối ngẫu trong đời sống gia đình đã được
liệt kê trong bản tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Con người (nam lẫn nữ) khi đến tuổi trưởng thành, không bị giới
hạn bởi chủng tộc, quốc gia hay tôn giáo, đều có quyền (được lập
gia đình) đi đến hôn nhân và xây dựng mái ấm gia đình (điều 16).
1) Những mục đích của hôn nhân.
Mục đích của hôn nhân thì nó đi liền với mục
đích của tình yêu tình dục, nhưng chúng lại không nhất thiết là
đồng nhất. Đời sống hôn nhân không chỉ có mục đích duy nhất là
sinh sản con cái, như vẫn thường được quan niệm trước đây,2
nhưng nó còn có những mục đích khác, chẳng hạn như việc giáo dục
con cái. Một trong những mục đích khác của đời sống hôn nhân là
sự tương trợ lẫn nhau trong một cách thức rất cụ thể, được thể
hiện ngang qua cuộc sống hằng ngày, ví dụ như chăm lo săn sóc
lẫn nhau, đặc biệt khi đau yếu, đây cũng là một hình thức biểu
lộ sự yêu thương của tình nghĩa vợ chồng, song song với việc
chăn gối. Nói cách khác, đời sống và mục đích của hôn nhân không
chỉ hạn hẹp trong việc sinh sản và các hành động hợp giao.
1.1. Sinh sản và giáo
dục con cái.
Một trong những mục đích cơ bản của đời sống
vợ chồng là việc sinh sản con cái: "Hôn nhân và tình yêu vợ
chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái.
Con cái là ân huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp
lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha me… Khi nói như vậy, không có
nghĩa là Công Đồng Vaticanô II, xem thường hay coi nhẹ những giá
trị khác trong đời sống hôn nhân. Thực ra, hai mục đích này (và
nhiều mục đích khác để phát triển nhân phẩm về mọi phương diện)
đều là chính yếu, nghĩa là hôn nhân đòi hỏi quyền lợi để hai bên
(vợ chồng) nhờ nhau mà đạt tới mục đích ấy. Lập giao ước hôn
nhân, nhưng loại trừ quyền lợi để sinh sản con cái thật là vô lý
và giao ước không thành. Điều này muốn ám chỉ đến những đôi vợ
chồng lấy nhau chỉ đểm uốn hưởng thụ nhục-cảm, chứ không màng gì
đến việc sinh con cái. Lẽ đó, dưới cái nhìn của Công Đồng thì
những đôi hôn nhân như vậy không thành sự, xét về phương diện bí
tích.
Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ
chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ
việc sinh sản con cái, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn
sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hoá và Cứu Thế, mặc dù
không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân (như đã giải thích
ở trên). Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình Ngài
càng ngày càng bành tướng và phong phú hơn.
Bổn phận truyền sinh và giáo dục con cái phải
được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành
bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên
Chúa Tạo Hoá và như thể trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của
Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận của mình với trách nhiệm
là bậc cha mẹ và là người Ki-tô hữu.
Nhằm chú giải ước muốn của Đấng Tạo Hoá,
Thánh Kinh đã chí lý khi coi việc lưu sinh hậu thế là một mục
đích thiết yếu trong đời sống hôn nhân. Lời chúc lành của Thiên
Chúa cho cặp vợ chồng đầu tiên của nhân loại trong Sách Sáng Thế
ký "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất" (St 1, 28),
đã ban cho đời sống lứa đôi khả năng sinh sản ở tất cả mọi thời
và mọi nơi. Lời chúc phúc này của Thiên Chúa dành cho đời sống
hôn nhân được thể hiện nơi niềm tin của dân Do-thái rằng: con
cái là ân huệ của Thiên Chúa. Và trong cái kế hoạch của Thiên
Chúa đối với đời sống gia đình, là họ phải sinh sôi nảy nở nhằm
bành trướng nhân loại.
Mặc dầu, một số gia đình hôm nay đã giới hạn
số con mà họ sẽ có, so với thời gian trước đây, vì những lý do
chính đáng và dẫu cho chúng ta hiện tại đang nhấn mạnh nhiều đến
khía cạnh tình yêu tương-trợ và sự ân cần nâng đỡ lẫn nhau trong
đời sống lứa đôi hơn so với quá khứ, thì một số đông vợ chồng
vẫn tiếp tục khao khát và ước mong có con. Điều này được thể
hiện qua các cặp vợ chồng hiếm muộn về việc sinh con. Họ đã nổ
lực và đã tìm đủ phương pháp chữa trị hầu có thể thụ thai. Và
ngay cả những cách thức trên đã không thành công, thì họ đã nhận
một con nuôi. Điều này là một chứng cớ hiển nhiên, có sức thuyết
phục chúng ta về sự thật rằng: định chế hôn nhân và tình dục tự
bản chất của nó qui hướng về việc sinh sản con cái.
Định chế hôn nhân và mái ấm gia đình tạo nên
những điều kiện hay môi trường thuận lợi cho việc sinh sản con
cái và giáo dục chúng. Quả thực, đời sống hôn nhân và gia đình
chuẩn bị một bầu khí cần thiết cho tình yêu vợ chồng và hoa trái
của tình yêu đó là những đứa con. Vì thế các quan hệ về tình dục
chỉ hợp pháp trong lãnh vực đời sống hôn nhân.
1.2. Sự nâng đỡ lẫn nhau
và lòng thủy chung trong tình yêu.
Một mục đích quan trọng khác được đạt đến
ngang qua giao ước hôn nhân, đó chính là sự giúp đỡ lẫn nhau và
lòng thủy chung trong tình yêu của đời sống vợ chồng. Người xưa
vẫn nói: "dấu ấn của tình yêu là lòng chung thủy." Trong hôn
nhân, người nam cũng như người nữ: "phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau
bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ,
cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy
đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người
cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc vợ chồng phải trung
tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly (Gaudium et
Spes, 48). Trong giao ước hôn nhân, người nam và người nữ với
những năng khiếu và khả năng khác biệt, bổ túc lẫn nhau một cách
hết sức hoàn hảo. Nói cách khác, họ bổ sung cho những khiếm
khuyết của nhau.
Chính mục đích này mà trong đời sống hôn nhân
đã được Thánh Kinh trong Sáng Thế Ký xác định và thuật lại, nó
xảy ra trong vườn địa đàng. Lý do tại sao Thiên Chúa phú ban một
người nội trợ và cũng là bạn đường cho người đàn ông, là để nâng
đỡ lẫn nhau và để trở nên bạn đồng hành. "Người nam ở một mình
không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ tá tương xứng với nó"
(St 2,18). Vì vậy, Thiên Chúa đã dựng nên một người nữ. Nhìn
thấy người phụ nữ, Adam đã nói: "Phen này, đây là xương bởi
xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" Và Thánh Kinh đã kết luận: "Bởi
thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai
thành một xương một thịt" (St 1, 23tt). Cách diễn tả "một xương
một thịt" xác định một cách hết sức thực tiễn và rõ rệt sự trọn
vẹn và giúp đỡ lẫn nhau, giữa người nam và người nữ trong đời
sống hôn nhân. Điều đó ngụ ý rằng hôn nhân không chỉ là một sự
ràng buộc, nhưng nó là một thực thể mới, hay là một đời sống
mới, một cuộc sống chung với nhau, đã được cấu tạo và trong thực
tế chúng ta không bao giờ có thể tháo gỡ.
Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng trong đời
sống hôn nhân, không chỉ trong những khi vui tươi phấn khởi hay
là hạnh phúc ngập tràn, mà ngay cả những khi gặp khốn khó, hoạn
nạn hay ưu sầu. Nói tóm lại, đã là vợ chồng thì chúng ta phải
chung lưng đấu cật, cùng chia sẻ với nhau tất cả mọi ưu tư lo
lắng trong đời sống lứa đôi. Sự so sánh giữa hôn nhân loài người
và sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giê-su và Giáo Hội được mô tả
trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (Ep 5,21-33). Đó là điều thánh
Phaolô muốn chúng ta nắm giữ khi ngài nói: Hỡi các người chồng,
hãy yêu mến vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội, và đã
nộp mình vì Giáo Hội, để thánh hóa Giáo Hội (Ep 5,25-26), và
thánh nhân cũng không quên nhấn mạnh rằng: "này người nam sẽ rời
bỏ cha mẹ mình để gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ làm thành một
xác thịt duy nhất. Mầu nhiệm này thật lớn lao: tôi muốn ám chỉ
về Chúa Kitô và Giáo Hội." (Ep 5,31-32). Xem Sách Giáo Lý Công
Giáo (GLCG), số 1617.
Điều mà tôi vừa trích dẫn ở trên, nhằm mục
đích nói lên một thực tại trong đời sống hôn nhân, đó là ý nghĩa
của sự khổ đau, được coi như thập giá. Quả thực, trong bất kỳ
bậc sống nào, tu trì hay lập gia đình, chúng ta đều có thập giá
mà Chúa trao gởi cho chúng ta. Điều ấy không có nghĩa là chúng
ta dơ tay đầu hàng khi đối diện với những khổ đau, thất bại hoặc
điều bất hạnh xảy đến. Là Ki-tô hữu chúng ta được kêu mời để
không ngừng nổ lực đem hết mọi cố gắng hầu bảo vệ và duy trì
hạnh phúc gia đình, ngay cả những khi gặp trục trặc. Đôi khi,
chúng ta cũng cần nhắc nhở chính mình là những bất hạnh ấy cũng
có thể là những cơ may cho chúng ta, nhằm điều chỉnh một vài sự
sai trái của bản thân và cũng có thể trở thành trường dạy của
tình yêu, giúp ta khám phá ra những giá trị cao hơn của đời sống
vợ chồng.
2) Sự bất khả phân ly trong đời sống vợ
chồng.
Một số xã hội trong thế giới ngày nay đã cho
phép ly dị trong một vài trường hợp, khi có sự bất tương xứng
giữa những cặp vợ chồng. Trong số những nguyên nhân và căn cớ
làm nền tảng cho việc ly dị được công nhận, đó là vấn đề ngoại
tình, đặc biệt là điều ấy nếu được gây ra do người vợ. Một
nguyên nhân nữa gây nên sự ly dị, đó là tình trạng hiếm muộn
không thể sinh con do người vợ, một giải pháp được đưa ra cho
vấn nạn trên, là cho phép người đàn ông được cưới vợ bé. Tuy
nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận rằng: phần đông các quốc gia
không coi việc ly dị là một giải pháp lý tưởng. Vì thế, việc ly
dị tuy được chấp nhận ở một vài xã hội, nhưng điều đó không có
nghĩa là tất cả mọi nơi đều nhất trí và ủng hộ lập trường đó.
Vấn đề ly dị, trong những thập niên gần đây
đã trở thành một vấn nạn khá thương đau. Cấp độ ly dị đã gia
tăng một cách hết sức nhanh chóng3. Nhiều lý do được đưa ra hay
được vịn tới, thêm vào số những lý do đã được nêu trên. Sự tự do
phóng túng trong vấn đề tình dục đã được chấp nhận cách rộng rãi
hơn trước. Trong thế giới kỷ nghệ hoá và với những thành phố văn
minh hiện đại ngày nay, con người không còn chung sống như một
đại gia đình, trong đó gồm có ông bà nội, ngoại, hay cô chú, dì
dượng… v.v.., trái lại, họ sống như kiểu gia đình hạt nhân hay
còn gọi là tiểu gia đình: trong đó chỉ có ba mẹ và con cái. Điều
này, một mặt, đánh mất đi sự nâng đỡ hữu hiệu của những thân
nhân ruột thịt, bà con trong họ hàng đối với vợ chồng. Đàng
khác, đối với những cặp vợ chồng mà họ phải sống xa nhau tạm
thời, vì công ăn việc làm. Trong những hoàn cảnh như vậy sẽ gia
tăng cái nhu cầu tìm cho mình một người "bạn đường" khác. Thêm
vào đó, con người ngày hôm nay dường như sống lâu hơn, đặc biệt
trong những quốc gia phát triển và văn mình so với ba chục năm
trước đây. Trong quá khứ, cái chết của hai vợ chồng sẽ kết thúc
hôn nhân, trước cái thời điểm mà họ có thể cứu xét đến việc ly
dị. Trái lại, ngày hôm nay, nếu có sự ly thân, thì điều ấy quả
là một gánh nặng đau khổ bởi vì sự sống của con người hôm nay
kéo dài hơn. Nhiều đạo luật cho phép việc ly dị, mà chúng ta
thấy trong thế giới ngày nay tại một vài quốc gia, chẳng qua đó
cũng là một phản ảnh của thực tế về những sự kiện thay đổi trong
cuộc sống con người; nhưng cùng lúc điều ấy cũng là một lời mời
hấp dẫn và dễ dàng bị cám dỗ. Nó đưa đến cho chúng ta một giải
pháp rất thuận tiện cho những khó khăn mà chúng ta đang gặp
trong đời sống hôn nhân, nhất là khi cơm không ngon, canh không
ngọt.