TRÁCH NHIỆM LUÂN LÝ
TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH


A) TRÁCH NHIỆM LUÂN LÝ TRONG HÔN NHÂN
Linh Mục: Trần Mạnh Hùng C.SsR., S.T.D

1) Thời gian đính hôn.

Thông thường thì việc chuẩn bị cho hôn nhân được diễn ra, sau thời gian mà hai anh chị đã quen nhau và đã trở nên thân thiết. Sau thời gian này, nếu được tiếp tục, họ sẽ đi đến thời kỳ đính hôn. Cái động lực chính để đưa hai tâm hồn đến với nhau, trong nhiều trường hợp, đó chính là tình yêu mà họ đã cảm nghiệm được từ nơi nhau. Người thanh niên kia vàcô thiếu nữ nọ tự khám phá ra những nét độc đáo nơi đối tượng của mình, mà thiết tưởng người ngoài cuộc có thể không nhìn thấy, và điều đó khiến cho cả hai người cảm thấy họ thực sự thuộc về nhau. Có thể trong một vài trường hợp khác, cái động lực chính trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời, lại là những yếu tố có tính thực tiễn và do bởi lý luận tự nhiên, tỷ dụ như cùng một nghề nghiệp hay cùng chung một sở thích. Nhưng cũng có trường hợp, tuy chỉ mới gặp nhau đôi ba lần mà cả hai anh chị đã yêu nhau ngay lập tức. Đó là một sự kiện mà ta hay đề cập đến gọi là "tiếng sét của ái tình", nhưng dầu sao đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không nên loại trừ vai trò của lý trí và tiếng nói của lương tâm trong việc chon lựa người bạn đời cho chính mình. Vì đôi khi yêu quá cũng có thể hóa dại.

Người bạn đường tương lai phải có trách nhiệm xem xét và tìm hiểu coi đối tượng và mình có thể hoà hợp với nhau hay không? Và có sẵn sàng chia sẻ vơí nhau những khó khăn để cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi cho bền lâu. Đây thiết nghĩ là công việc của thời gian đính hôn.

2) Ý nghĩa của giai đoạn đính hôn.

Thời gian đính hôn là một cơ hội thuận tiện, cho phép cả hai tìm hiểu lẫn nhau để xem tình yêu của mình có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không? Trong giai đoạn này, họ có thể có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến với nhau trong khi thảo luận hay nói chuyện. Họ có thể dò xét những sở thích của nhau, tìm hiểu những ưu khuyết điểm của nhau và giúp nhau vượt qua những tính hư nết xấu nếu có. Dần dà như thế, họ có thể hiểu rõ hơn về đối tượng của chính mình để có một cái nhìn trung thực và chuẩn xác hơn. Và hy vọng với những chiều hướng như thế, sau này họ sẽ khắc phục được những khó khăn khi về chung sống với nhau với tư cách là vợ chồng.

Có thể nói cái điểm then chốt hay cơ bản, trong thời kỳ đính hôn là thời gian để cả hai bên xem xét lẫn nhau. Và để tránh tình trạng ngộ nhận về đối tượng của mình, thì chúng ta cần có một thời gian tương đối kha khá, có thể là 6 tháng trở lên. Kẻo sau này, khi lấy nhau về, lại có người than rằng: "Phải hồi đó, con biết "ảnh" như dzậy thì con đâu có lấy"… Tính hấp tấp, vội vàng thường hay dẫn đến sự ngộ nhận - "dục tốc bất đạt" - người xưa vẫn nói thế. Nhưng ngược lại, cũng không nên kéo dài quá, tỉ dụ như đã đính hôn cả hơn hai năm mà vẫn chưa thấy cưới, như vậy nó cũng đâm ra thất lợi. Người con gái họ cũng chỉ có một thời mà thôi!

Người trẻ hôm nay, có rất nhiều tự do trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời, so với bậc cha mẹ thuở xưa. Nhưng điều ấy cũng kèm theo sự gia tăng về trách nhiệm cá nhân. Nói một cách chung, thì giới trẻ hôm nay bước vào ngưỡng cửa hôn nhân muộn hơn, so với thời ông bà của chúng ta trước đây.1 Điều ấy, nhìn với một khía cạnh tích cực thì nó có thể diễn tả sự trưởng thành trong cái quyết định của chính họ. Tuy vậy, người trẻ hôm nay cũng gặp rất nhiều khó khăn đang khi bước vào đời sống hôn nhân. Họ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tư tưởng hiện đại, coi nhẹ cái giá trị của đời sống gia đình và định chế hôn nhân. Có một số các bạn trẻ quan niệm như sau: Nếu thích thì ở với nhau, còn không thích nữa thì ra toà ly dị, rồi đường ai nấy đi, như vậy là êm xuôi, không phiền toái gì đến ai cả. Quan niệm ấy đặt giá trị hôn nhân như là một "hợp đồng" giữa hai người, mất đi cái ý nghĩa của hôn ước hay giao ước, và mất đi cái giá trị của sự bất khả phân ly trong định chế hôn nhân. Điều này xảy ra rất nhiều ở các nước Tây phương, vì lẽ đó mà con số ly dị của họ lên rất cao. Một vài tỷ dụ để dẫn chứng.

* Tại nước Ý Đại Lợi, theo con số thống kê của Học viện Quốc gia cho biết thì có sự gia tăng về mức độ ly dị hiện nay. Họ cho biết cứ 100 đôi hôn phối thì tỷ lệ ly thân là 23.5%. Trong số này có 12.3% sẽ ly dị chính thức. Theo bài viết được đăng tải trên nhật báo La Repubblica phát hành ngày 20.10.2001, thì con số ly dị hiện nay tại Ý gia tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây.

* Tại Anh Quốc, theo tờ báo The Time ra ngày 22.8.2001, thì hiện nay đang có một hiện tượng đáng chú ý, đó là con số ly dị đang gia tăng đối với những cặp vợ chồng mà hôn nhân được thực hiện lần thứ hai. Theo thống kê cho biết thì có 18.000 đôi vợ chồng ly dị vào năm 1981 và đến năm 1999 thì có 28.000. Như vậy chỉ trong có 8 năm, con số đã nhảy vọt hơn lên 10.000.

* Tại nước Uc Đại Lợi, theo nhật báo The Age xuất bản tại thành phố Melbourne, phát hành ngày 25.10.2001, thì cứ 3 đôi hôn phối, có 1 đôi sẽ ly dị và con số này còn gia tăng.

Từ đó chúng ta có thể suy ra ảnh hưởng của ý thức hệ rất quan trọng. Tôi rất thích cái câu của Steven Biko, một nhà đấu tranh cho nhân quyền ở Nam Phi trong gian đoạn kỳ thị chủng tộc, giữa người da trắng và người da đen tại đây. Anh ta nói như thế này: "nếu bạn muốn cải tổ xã hội, bạn trước tiên, phải thay đổi cái não trạng của họ." Đời sống hôn nhân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn - điều này có thể xấu hoặc tốt - tuỳ theo cái nhìn của mỗi người chúng ta và những giá trị mà chúng ta gán đặt cho nó.

Lẽ đó, mà tôi thiết nghĩ, anh chị em chúng ta, những nhà lãnh đạo tinh thần, chúng ta có một trọng trách rất lớn trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển những giá trị đặc biệt trong đời sống hôn nhân Công Giáo. Chúng ta và những người tín hữu trong cộng đoàn của chúng ta phải ra sức tìm cách, hầu đề ra những phương thế hữu hiệu nhằm giúp đỡ và hướng dẫn người trẻ hôm nay, để họ có cơ hội tìm hiểu và khám phá ra cho chính mình những giá trị tốt đẹp và độc đáo trong đời sống gia đình; nhờ đó, họ được am hiểu một cách tường tận thế nào là đời sống hôn nhân. Điều này có thể thực hiện cách hữu hiệu qua các khoá dự bị hôn nhân, nếu chúng ta tổ chức cho đến nơi, đến chốn. Đặc biệt là tại những nơi mà từ xưa đến nay, chúng ta đã có một truyền thống tốt đẹp về các lớp dự bị hôn nhân, có lẽ lúc này chúng ta cần đẩy mạnh và thăng tiến nó để cho nó được hoàn chỉnh hơn.

Theo nhận xét chung, có tính cách mục vụ, thì những người trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, nếu họ bằng lòng chịu khó chuẩn bị cho mình một cách tỉ mỉ bằng việc tham dự học hỏi cho đến nơi, đến chốn, các lớp dự bị về hôn nhân, thì họ sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội hơn, để xây dựng mái ấm gia đình được bền lâu, và họ sẽ sống hạnh phúc với nhau hơn, là những anh chị em không có tham gia các lớp dự bị hôn nhân. Nói như vậy, cũng không có nghĩa là, hễ ai đi học lớp dự bị hôn nhân thì đều có hy vọng là đời sống lứa đôi của mình sẽ được vững chắc. Vì có nhiều người đến tham dự lớp dự bị hôn nhân với một tính cách miễn cưỡng, bất đặng đừng, chứ cũng chả mấy gì là tha thiết cho lắm, miễn sao cho nó xong, và hoàn tất những thủ tục cần thiết để cha xứ cử hành thánh lễ hôn phối là kể như hoàn tất.

Nói tóm lại, các khóa dự bị hôn nhân là điều tối cần thiết cho tất cả những ai muốn bước vào đời sống gia đình, muốn xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thật khó có thể hiểu được, khi có những người chỉ muốn lái xe hơi, nhưng không bao giờ chịu khó học lái, kết quả là họ đã gây ra tai nạn, và thương tổn đến tính mạng, trước tiên là chính mình, sau đó là những người khác. 

Trang gia đình | Trang nhà