Để kỷ niệm 30 năm Tông huấn về Gia đình
(22.11.1981-2011):

40 CÂU HỎI & ĐÁP

VỀ TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO


Lm. Giuse Trần Việt Hùng (Bronx, New York)

CÂU HỎI 31 :

Tại sao gia đình phải là một cộng đoàn cầu nguyện ?

· Lời mời gọi nên thánh căn bản là lời mời gọi con người đối thoại với Thiên Chúa, là chính sự thánh thiện. Một cuộc đối thoại như thế đưa chúng ta vào một đới sống cầu nguyện. Gia đình cầu nguyện là một trong những phương thế chủ yếu để chúng ta tiếp tục mối tương giao liên lỉ với Chúa Giêsu.

· Những dịp để gia đình cầu nguyện phát sinh từ những hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Lời cầu nguyện phản ánh những niềm vui nỗi buồn, những thành công, những thất bại, những chán nản, những ngày trẻ chào đời, những ngày tử biệt, những cuộc chia ly, những ngày đòan tụ, nghĩa là tất cả những phần của cuộc đời nối kết lại với nhau. Qua việc cầu nguyện, chúng ta phó thác, tin tưởng vào lòng yêu thương của Thiên Chúa quan phòng.

CÂU HỎI 32 :

Để nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện nơi con cái thì cha mẹ cần phải làm gì ?

· Vì đời sống cầu nguyện tối cần thiết cho sự phát triển luân lý và thiêng liêng của con cái, các bậc cha mẹ nên tạo cho con cái một môi trường và một mẫu mực cầu nguyện thích hợp để chúng có thể làm quen với nhịp sống cầu nguyện hằng ngày. Việc cha mẹ giáo dục và huấn luyện con cái cầu nguyện có thể phải kéo dài suốt cả đời người.

· Nhận ra được giá trị và sự phong phú của việc cầu nguyện chính là một món quà quý giá mà chúng ta có thể trao tặng cho con cái, vì chúng sẽ bước vào cuộc sống trưởng thành với ý thức rằng người ta có thể đương đầu với nhiều hoàn cảnh của cuộc đời trong niềm tin yêu và hy vọng. Cầu nguyện giúp cho con cái biết rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc chúng ta và Người hằng sẵn sàng biểu lộ tình yêu của Người cho chúng ta.

CÂU HỎI 33 :

Gia đình tham dự vào sứ vụ vương giả của Đức Kitô như thế nào ?

· Vương quyền của Đức Kitô được bộc lộ qua cuộc sống hoàn toàn phục vụ những người nghèo khó của Người. Tương tự, gia đình với tư cách là dòng dõi vương giả của Đức Kitô, cũng được mời gọi phục vụ cho xã hội. Gia đình phải tỏ mình ra là dân vương giả bằng cách đáp ứng được những nhu cầu của mỗi thành viên trong gia đình với lòng quảng đại và kính trọng. Gia đình cũng được mời gọi phục vụ những người nghèo và những người bị bỏ rơi.

· Gia đình thực hiện sứ vụ vương giả quan trọng này bằng cách đào tạo ra những con người biết ra đi và sống Tin Mừng. Và Tin Mừng của Đức Kitô dạy chúng ta rằng dân tộc vương giả của Đức Kitô luôn luôn phải sẵn sàng phục vụ những người đang cần giúp đỡ.(x. FC 63-64)

CÂU HỎI 34 :

 Việc chuẩn bị đời sống hôn nhân phải được thực hiện qua những giai đoạn nào?

 Phải được thực hiện tuần tự và liên tục gồm 3 giai đoạn :

- Chuẩn bị xa ( từ thơ ấu, suốt thời kỳ học giáo lý cho đến khi sắp bước vào đời sống hôn nhân): giáo dục nhân bản và đức tin., rèn luyện lương tâm và nhân cách.

- Chuẩn bị gần (từ khi sẵn sàng bước vào đời sống hôn nhân): giúp tìm hiểu sâu hơn về các bí tích để biết lãnh nhận và sống thích hợp với những ân sủng của các bí tích, tìm hiểu mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân và gia đình.

- Chuẩn bị tức thì (bắt đầu từ vài tháng và kéo dài đến ngày cử hành hôn lễ).

Tất cả phải được thực hiện cẩn thận để người chịu phép hôn phối được chuẩn bị đầy đủ về nhân bản, về luân lý và thiêng liêng cũng như các kiến thức và kỹ năng cần thiết theo kế hoạch hôn nhân gia đình của Thiên Chúa.

CÂU HỎI 35 :

 Khi không thể chuẩn bị đời sống hôn nhân đầy đủ 3 giai đoạn như thế thì phải làm sao?

 Khi đó các mục tử cần phải lo liệu dạy dỗ hướng dẫn thế nào để những người kết hôn có được hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa, sự thánh thiêng của bí tích hôn phối, mục đích, đặc tính và những đòi buộc của hôn nhân Công giáo, để có thể chu toàn nghĩa vụ làm vợ làm chồng và làm cha mẹ đối với Thiên Chúa, Hội thánh và xã hội; nhất là phải giúp đôi bạn trẻ tiến lại gần với mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô hơn, vì tình yêu vợ chồng là dấu chỉ sống động của Tình Yêu hy sinh và trao ban sự sống của Chúa Giêsu dành cho Hội thánh.

CÂU HỎI 36 :

Sau khi cử hành bí tích hôn phối, các đôi tân hôn cần được chăm sóc mục vụ thế nào?

 Họ cần phải được tiếp tục hướng dẫn, nâng đỡ bởi giáo xứ, những người đạo đức, hiểu biết, có đời sống đức tin trưởng thành, từng trải kinh nghiệm để họ có thể thích ứng và chu toàn trách nhiệm của mình trước cuộc sống mới với những vấn đề họ chưa từng biết, nhất là khi họ gặp khó khăn hoặc sinh con và nuôi dạy con cái, đặc biệt trong những năm đầu.

CÂU HỎI 37 :

Các hiệp hội gia đình có tôn chỉ phục vụ các gia đình có vai trò thế nào?

 Hội thánh hết sức quý trọng và nhìn nhận sự đóng góp ích lợi của những hiệp hội này. Hội thánh ước mong các gia đình kitô hữu tích cực dấn thân tham gia ở mọi mức độ vào các tổ chức như thế .

CÂU HỎI 38 :

 Đâu là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt cần được quan tâm ưu tiên trong mục vụ gia đình?

 Đó là những gia đình sau đây:

  • Gia đình di dân tìm việc làm

  • Gia đình có người phải vắng mặt lâu ngày: quân nhân, thuỷ thủ, du mục, tù nhân, tỵ nạn, lưu đầy, mất tích..

  • Gia đình vô gia cư;

  • Gia đình cha hay mẹ đơn thân;

  • Gia đình có con tật nguyền, nghiện ma tuý.

  • Gia đình có người nghiện rượu;

  • Gia đình bị xâu xé vì ý thức hệ;

  • Gia đình bị tách khỏi môi trường văn hoá và xã hội của họ;

  • Gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay những lý do khác;

  • Gia đình bị bạo hành hay bị đối xử bất công vì đức tin.

  • Gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với giáo xứ.

  • Gia đình vị thành niên;

  • Gia đình già cả neo đơn nghèo khó.

CÂU HỎI 39 :

Hội thánh được kêu gọi thi hành công tác mục vụ cho những cặp hôn nhân hỗn hợp như thế nào?

 Cần có một sự chăm sóc đặc biệt cho những cặp hôn nhân này:

  • Khi chuẩn bị tiến tới cuộc hôn nhân này, phải cố gắng hết sức để giúp đôi bạn và những người liên quan hiểu thật rõ giáo lý Công giáo về các đặc tính và đòi hỏi của hôn nhân, cũng như để bảo đảm sau này sẽ không có việc gây áp lực hay cản trở các điều thoả thuận : tôn trọng quyền tự do tôn giáo của nhau, kể cả việc người phối ngẫu Công giáo được thi hành nghĩa vụ cho con cái được rửa tội và giáo dục theo đức tin Công giáo.

  • Giúp họ đạt được một sự quân bình khôn ngoan trong đó đức tin Công giáo được tự do diễn tả trong khi người phối ngẫu không Công giáo cũng được thoải mái sống theo lương tâm của mình mà vẫn giữ được sự an vui gia đình.

  • Giúp người phối ngẫu Công Giáo biết làm chứng tá cho Tin Mừng, biết giáo dục tôn giáo và luân lý cho con cái theo Tin Mừng.

CÂU HỎI 40 :

Mục vụ gia đình còn phải quan tâm đến những gia đình có hoàn cảnh đặc thù nào khác nữa?

 Phải quan tâm đến những gia đình trái quy tắc trên bình diện tôn giáo và cả trên bình diện xã hội dân sự. Đó là các trường hợp:

  • Hôn nhân thử

  • Chung sống không hôn nhân

  • Công giáo chỉ có hôn phối dân sự

  • Ly thân / ly dị không tái hôn

  • Ly dị tái hôn.

Đây là những người cần được chăm sóc, hỗ trợ đặc biệt để họ có thể có ngày điều chỉnh tình trạng của mình, để cuối cùng cũng được cứu độ.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý - Chia Sẻ - Comments