CÂU 21 :
Sự hiệp thông trong hôn nhân có những đặc
điểm nào?
· Một là sự hiệp thông được xây dựng trong
tính duy nhất không thể phân ly được. Nhờ giao ước
tình yêu hôn nhân mà người nam và người nữ không còn là
hai nhưng là một thân xác và cả hai người được mời gọi
tăng trưởng không ngừng trong sự hiệp thông qua việc trung
thành hằng ngày với lời hứa khi thành hôn, trong việc
trao hiến hoàn toàn cho nhau. Sự hiệp thông ấy có được
là nhờ tính hỗ tương giữa người nam và người nữ và
trong ý chí của mỗi người muốn chia sẻ hoàn toàn về
kế hoạch của cuộc đời.(x. FC 19)
· Đặc điểm thứ hai của sự hiệp thông giữa
vợ chồng là tính bất khả phân ly đã được Công
Đồng nói đến : “Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự
hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái
buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi kết
hợp với nhau bất khả phân ly ”. Để sống với một
người suốt cả đời, chúng ta cần xác quyết Tin Mừng
tình yêu hôn nhân được xây dựng trên nền tảng và sức
mạnh là chính Đức Giêsu Kitô.(x. FC 20)
· Đặc điểm khác của sự hiệp thông trong hôn
nhân là tính cởi mở đến với sự hiệp thông với
gia đình, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau, giữa
bà con họ hàng. Sự hiệp thông ấy đặt nền móng trong
những liên hệ tự nhiên và trở nên vững mạnh hơn trong
tình yêu nối kết những mối tương quan liên nhân vị của
nhiều phần tử khác nhau trong gia đình.(x. FC 21)
CÂU 22 :
Làm thế nào để thể hiện sự tôn trọng
phẩm giá của người phụ nữ ?
· Cần phải đánh giá cao vai trò
làm vợ và làm mẹ, và không được khinh thường những vai trò
ấy như là những cách thức thực hiện tiềm năng phụ nữ một
cách thấp kém. Công việc nội trợ phải được tôn vinh vì sự
đóng góp to lớn của nó cho phúc lợi của xã hội. Hội thánh
phải lên tiếng với tư cách là ngôn sứ chống lại những hình
thức bạo lực trực tiếp đối với phụ nữ (nô lệ, hình ảnh khiêu
dâm, và tệ nạn mại dâm) vốn làm giảm giá trị phụ nữ và biến
họ thành những phương tiện cho người khác tìm thú vui và
trục lợi. Bất cứ xúc phạm nào đối với phụ nữ cũng là xúc
phạm đến Thiên Chúa và đến con người (x. FC 22-24).
CÂU 23 :
Đâu là vai trò đúng đắn làm chồng và
làm cha của nam giới ?
· Nam giới có khả năng yêu thương người khác
bằng một tình yêu vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ(x. Humanae Vitae,
số 9). Tình yêu này tôn trọng những đóng góp độc đáo của vợ mình
và hết lòng chăm sóc vợ con. Việc yêu thương chăm sóc này thôi
thúc người đàn ông dấn thân vào cuộc sống thường nhật của gia
đình với tư cách là chồng và là cha. Việc lao động bên ngoài rất
quan trọng, nhưng không được phép trở nên quá quan trọng đến nỗi
bỏ bê những nghĩa vụ bên trong gia đình. Người chồng và
người cha Kitô hữu có lòng yêu thương nghiêm túc gánh vác trách
nhiệm chu cấp đầy đủ cho cuộc sống hạnh phúc của gia đình. Quan
trọng nhất là lo cho con cái hưởng một nền giáo dục hoàn
chỉnh. Một nền giáo dục như thế không chỉ giới hạn trong việc
thụ huấn chính thức nơi học đường. Chứng tá hằng ngày của người
cha đối với con cái có giá trị rất quan trọng cho công việc phát
triển về mọi mặt nhân bản, luân lý và thiêng liêng. Cung cách
yêu thương và kính trọng của người cha đối với vợ mình sẽ dạy
cho con cái những bài học cốt yếu về lòng tôn kính với mẹ của
mình, và với phụ nữ nói chung. Tinh thần dấn thân hằng ngày của
người cha trong cuộc sống lao động mưu sinh và chu cấp nhu cầu
vật chất cho cả gia đình cũng dạy cho con cái tầm quan trọng của
trách nhiệm, và của sự trung thành làm tốt công việc bổn phận
mình.(x. FC 25)
CÂU 24 :
Gia đình phục vụ cho sự sống như thế
nào ?
Bổn phận căn bản thứ hai
của gia đình là phục vụ cho sự sống. Cha mẹ được
dự phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng
việc truyền sinh làm cho hình ảnh Ngài được lưu
truyền từ người này sang người khác qua việc giáo
dục nhân bản và theo tinh thần Kitô giáo.(x. FC 28)
CÂU 25 :
Đâu là giáo huấn của Giáo hội liên quan
đến việc truyền sinh của các cặp vợ chồng ?
Giáo hội được trao phó
trách nhiệm bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người
và ơn gọi phục vụ sự sống của gia đình. Giáo hội
thực hiện điều này bằng cách trung tín trình bày ý
định của Thiên Chúa liên quan đến tình yêu giữa vợ
chồng, tức là tình yêu đó phải luôn luôn sẵn sàng
đón nhận sự sống mới (x. Humanae Vitae, số
11). Chỉ bằng cách luôn luôn sẵn sàng đón nhận món
quà tặng là sự sống mà đôi bạn nam nữ thực hiện
kế hoạch tình yêu vợ chồng theo ý định của Thiên
Chúa.(x. FC 29)
CÂU 26 :
Đâu là nền tảng quyền và bổn phận giáo
dục của cha mẹ ?
· Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và
bổn phận giáo dục là một điều nằm trong yếu tính
của họ; vì tương quan giữa họ và con cái là một tình
yêu không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo
dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn
phận giáo dục của những người khác, đó cũng là một
cái gì không thể thay thế và không thể chuyển
nhượng được, cho nên cũng không thể khoán trắng hay
bị người khác cưỡng đoạt.
CÂU 27 :
Gia đình tham gia vào việc phát triển xã
hội như thế nào ?
· Bởi vì “ Đấng Tạo Hóa đã đặt gia
đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người ”,
nên gia đình trở thành “ tế bào đầu tiên và sống
động của xã hội ”. Gia đình không ngừng tiếp sức cho
xã hội bằng việc phục vụ sự sống : chính giữa lòng
gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình
các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã
hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển xã
hội. (x. FC 42).
· Chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và
chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của
gia đình đã tạo nên phần thiết yếu và căn bản mà gia
đình đóng góp được cho xã hội.(x. FC 43).
CÂU 28 :
Gia đình chia sẻ sự sống và sứ vụ của
Giáo hội như thế nào ?
· Gia đình là “một Giáo hội thu nhỏ” và
cùng chung phần vào sứ vụ của Giáo hội để loan báo
tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Gia đình thực hiện
công việc này bằng cách sống điều răn mới về yêu thương
như Chúa Giêsu đã dạy.
· Tương quan trong gia đình phải có tình nhân
ái huynh đệ, lòng kính trọng, sự hiến thân cho nhau.
Tình yêu vợ chồng, sự tận tụy của cha mẹ đối với con
cái và lòng kính trọng của con cái đối với cha mẹ.
Tất cả đều là một chứng từ mạnh mẽ cho xã hội.
CÂU 29:
Gia đình được mời gọi tham dự vào các
sứ vụ của Đức Kitô như thế nào ?
· Sứ vụ Chúa Giêsu được tập trung vào ba
nhiệm vụ chính yếu : ngôn sứ, tư tế và vương đế.
· Vì thế gia đình tham dự vào nhiệm vụ
Ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách trở nên một cộng đồng
đức tin và loan báo Tin Mừng.
· Gia đình tham dự vào nhiệm vụ Tư tế bằng
cách trở nên một cộng đồng đối thoại (cầu nguyện) với
Thiên Chúa.
· Gia đình tham dự vào nhiệm vụ Vương đế
bằng cách trở nên một cộng đồng phục vụ cho nhân loại.
CÂU 30 :
Làm thế nào để gia đình phục vụ Giáo
hội và làm chứng cho Đức Kitô với tư cách là một cộng
đồng đức tin và loan báo Tin Mừng ?
· Gia đình Kitô giáo trở nên một chứng nhân
có tính cách ngôn sứ bằng cách sống Lời Chúa mỗi
ngày. Lời chứng ấy bao gồm cả tình yêu giữa vợ chồng,
việc chăm sóc con cái, những hy sinh hằng ngày do tình
yêu đòi hỏi, sự tự chế, sự tha thứ, sự từ bỏ mình và
sự tự vượt lên chính mình. Tất cả những đức tính này
đi vào gia đình để biến gia đình thành một tổ ấm tràn
đầy đức tin, đức ái và sự sống.
· Chứng từ ngôn sứ của gia đình đối với
Lời Chúa chủ yếu mang tính cách Tin Mừng. Nghĩa là, qua
việc thực hiện nền giáo dục đúng đắn của Kitô giáo cho
con cái, và qua việc hằng ngày làm chứng cho sự sống
và cho tình yêu, gia đình sẽ làm toát ra chân lý của Tin
Mừng Đức Kitô.
|