CÂU HỎI 1 :
Đâu là những mặt tích cực và tiêu cực liên
quan đến đời sống hôn nhân gia đình trong thế giới hôm nay?(x.
FC 6)
Hoàn cảnh trong đó các gia đình đang sống hiện có
cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh là dấu
cho thấy ơn cứu độ của Đức Ki-tô đang tác động trong thế gian,
một số khía cạnh khác là dấu cho thấy sự chối từ của con người
đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.
Một đàng, người ta thấy có một ý thức sống động
hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của
các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá
phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ
em; thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên
hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật
chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia
đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội
công bình hơn. Nhưng đàng khác, cũng không thiếu những dấu hiệu
cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn
bản: một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc
lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan
uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong
việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm,
con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc
dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành
một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.
CÂU HỎI 2 :
Hội thánh làm gì để giải quyết các vấn đề của
thế giới hôm nay?(x.FC 5)
Nhờ nhận định rõ ràng, Hội Thánh đề nghị một
đường hướng cho phép cứu vãn và thực hiện tất cả sự thật và trọn
vẹn về phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Hội Thánh thực hiện
việc nhận định theo Tin Mừng không phải chỉ do các chủ chăn,
những vị giảng dạy nhân danh Chúa Ki-tô và với quyền bính của
Người, nhưng còn do giáo dân mà Chúa Ki- tô đã đặt làm "những
chứng nhân, khi Ngài ban cho họ cảm thức đức tin và ơn sử dụng
ngôn ngữ (×. Cv 2,17-18; Kn 19,10) để sức mạnh Tin Mừng được
sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã
hội". Hơn nữa, do ơn gọi riêng của mình, giáo dân có một nhiệm
vụ đặc biệt là diễn giải lịch sử thế giới này theo ánh sáng Đức
Ki-tô, vì họ được mời gọi phải soi sáng và xếp đặt các thực tại
trần thế theo ý định của Thiên Chúa Sáng Tạo và Cứu Chuộc.
CÂU HỎI 3 :
Ngày nay gia đình phải đương đầu với thách đố
quan trọng nào?(x. FC 6)
· Ngày nay gia đình phải đương đầu với một sự pha
trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử
không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay
hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa
còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau,
nghĩa là, nói theo thánh Augustinô, một cuộc xung đột giữa hai
tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính
mình và một bên là lòng yêu mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Như
thế, chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có
thể đưa người ta đến chỗ có khả năng đọc được những dấu chỉ thời
đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy.
CÂU HỎI 4 :
Đâu là nguyên nhân sâu xa của các dấu hiệu
tiêu cực của xã hội ngày nay?(x.FC 6)
· Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy
thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự
do, người ta không còn coi tự do như khả năng thực hiện sự thật
Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như
một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống
lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỷ của mình.
CÂU HỎI 5 :
Những vấn đề của thế giới hôm nay tác động
như thế nào lên lương tâm người Kitô hữu?
· Sống trong một thế giới như thế và nhất là dưới
ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, không phải
lúc nào tín hữu cũng đã hoặc sẽ tránh được việc bị lây nhiễm
tình trạng các giá trị căn bản bị lu mờ, không phải lúc nào họ
cũng biết đứng ra đóng vai ý thức phê phán đối với thứ văn hoá
về gia đình vừa nói trên, và đóng vai những người tích cực xây
dựng một nền nhân bản đích thực về gia đình. (x.FC 7)
CÂU HỎI 6 :
Đe dọa lớn nhất đối với gia đình hiện nay là
gì. Do đâu?(x FC 4)
· Trong khi những người nam và những người nữ
ngày nay đang thành tâm và nghiêm chỉnh tìm kiếm một giải đáp
cho những vấn đề hằng ngày và hệ trọng trong đời sống hôn nhân
và gia đình của họ, họ phải đương đầu mối nguy đe dọa đến nhân
phẩm họ: những cái nhìn và những đề nghị được đưa ra dưới dáng
vẻ hấp dẫn nhưng không nhiều thì ít sẽ nguy hại cho chân lý và
phẩm giá con người. Các cám dỗ đó thường được nâng đỡ bởi các
phương tiện truyền thông xã hội đầy quyền lực và phổ biến khắp
nơi, những phương tiện đang có thể, một cách rất tinh vi, làm
cho con người bị mất tự do và khả năng phán đoán khách quan.
CÂU HỎI 7 :
Người Kitô hữu cần phải lưu tâm đặc biệt đến
những điều gì?(x.FC 8)
· Tất cả Hội Thánh có bổn phận phải suy tư và dấn
thân sâu xa để nền văn hoá mới đang ló dạng được thấm nhuần Tin
Mừng cách thâm sâu, để các giá trị chân thật được nhìn nhận, để
các quyền của người nam người nữ được bảo vệ và để công lý được
thăng tiến ngay trong các cơ cấu của xã hội.
Cần phải làm sao cho mọi người ý thức được sự ưu
tiên của các giá trị luân lý: đó là những giá trị nhân vị với tư
cách là nhân vị. Chỉ khi nào cảm nhận được sự ưu tiên của các
giá trị ấy, người ta mới có thể tận dụng những khả năng bao la
mà khoa học đang đặt vào tay con người như phương thế để thật sự
thăng tiến nhân vị trong sự thật toàn diện của nó.
"Hơn bất cứ thời đại nào, thời đại chúng ta cần
có một sự khôn ngoan thế nào để tất cả những khám phá mới của
con người, dù là khám phá nào cũng đều được mang tính chất nhân
bản hơn." (Công Đồng Vaticanô II).
Cần đặc biệt giáo dục lương tâm làm sao để mỗi
người có khả năng phán đoán và nhận ra được những phương tiện
thích hợp để mình tự thực hiện theo đúng sự thật nguyên thuỷ của
mình, việc giáo dục lương tâm ấy trở nên một đòi hỏi hàng đầu
không thể chối cãi.
Liên kết với sự khôn ngoan của Thiên Chúa là một
điều cần phải được mạnh mẽ tái xác định trong nền văn hoá hiện
nay vì chỉ khi nào trung thành với mối liên hệ ấy, các gia đình
ngày nay mới có thể tạo được một ảnh hưởng tích cực trong việc
kiến tạo một thế giới công bình huynh đệ hơn.
CÂU HỎI 8 :
Người Kitô hữu cần phải thực hiện điều gì để
có thể sống trung thành với niềm tin của mình trong thế giới hôm
nay? Vì sao?(x. FC 9)
· Cần phải có một sự hoán cải liên lỉ trường kỳ.
Vừa đòi hỏi phải thoát ly từ bên trong khỏi mọi sự dữ và gắn bó
với sự lành toàn diện, sự hoán cải ấy vừa diễn ra một cách cụ
thể như một chương trình luôn đưa người ta đi xa hơn. Như thế có
một tiến trình năng động được phát triển, từ từ tiến tới trước,
nhờ biết dần dần đem các ơn Thiên Chúa và những đòi hỏi của tình
yêu quyết liệt và tuyệt đối của Ngài hội nhập vào trong đời sống
bản thân và xã hội của con người. Do đó việc tăng trưởng cần
phải đi qua một tiến trình sư phạm để các tín hữu, các gia đình
và các dân tộc và ngay cả nền văn minh có thể từ những gì họ đã
nhận được nơi mầu nhiệm Đức Kitô, được kiên trì dẫn dắt đi xa
hơn, đến chỗ có được một ý thức phong phú hơn và đón nhận mầu
nhiệm ấy trọn vẹn hơn trong đời sống của họ. Trước sự bất chính
do tội lỗi gây ra - tội lỗi đang ăn sâu vào trong các cơ cấu thế
giới ngày nay - thường ngăn cản gia đình không thể thực sự tự
thể hiện chính mình và không thể sử dụng các quyền căn bản của
mình, tất cả chúng ta phải chống lại bằng một sự hoán cải trong
tinh thần và con tim, bao gồm việc từ bỏ ích kỷ riêng mình để
bước theo Chúa Ki-tô thập giá: một sự hoán cải như thế không thể
nào không gây một ảnh hưởng hữu ích và có sức canh tân trên
chính các cơ cấu xã hội.
CÂU HỎI 9 :
Tại sao Thiên Chúa tạo dựng con người? Ơn gọi
cốt yếu của chúng ta là gì? ( x.FC 11
)
· Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh
Ngài giống như họa ảnh củaNgài. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con
người bước vào cuộc sống Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho
tình yêu.
Khi tạo dựng nhân tính của người Nam và người Nữ
theo hình ảnh Thiên Chúa và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy
hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và
trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp
thông.
Tinh yêu ấy là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của mọi
người.
CÂU HỎI 10 :
Ơn gọi sống yêu thương của nhân vị được thể
hiện trong cuộc sống bằng cách thức nào?
(x.FC 11 )
Mạc khải Kitô giáo nhìn nhận có hai cách thế
chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương của nhân vị
trong sự trọn vẹn của nó : đó là hôn nhân và trinh khiết.
· Tình yêu độc hữu, trung tín và tính dục của đôi
vợ chồng phản ánh tình yêu Thiên Chúa đối với dân riêng Ngài.
· Tình yêu Trung thành và Khiết tịnh của bậc Độc
thân biểu hiện tình yêu phổ quát, vô biên của Thiên Chúa đối với
mọi dân tộc trên thế giới.
|