Trong loạt bài “Văn Minh Mỳ Gói”, kỳ trước
người viết đã đề cập đến ảnh hưởng của nó liên quan đến đời sống
hôn nhân gia đình. Lần này xin được đề cập đến ảnh hưởng của văn
minh này trong đời sống tâm linh.
Dĩ nhiên, đời sống thể lý gắn liền với loại
văn minh mỳ gói, mỳ ăn liền hơn, bởi vì những thứ ấy đi liền và
gắn bó hơn với thể lý và những nhu cầu tự nhiên của con người.
Nhưng vì con người gồm đời sống tự nhiên (thể lý), tâm lý, và
tâm linh, nên những gì ảnh hưởng đến đời sống này đều liên quan
đến đời sống kia. Bởi vì con người là một sự kết hợp khăng khít
bất khả phân ly giữa ba đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh.
Khi đề cập đến những ảnh hưởng của nền văn
minh mỳ gói, điều trước hết phải kể đến, đó là ảnh hưởng của sự
dồn nén, vội vàng, hấp tấp, và hưởng thụ trên đời sống tâm linh
của con người. Thí dụ, trong việc cử hành các bí tích, trong đời
sống cầu nguyện, và trong nếp sống đạo thường ngày.
1. ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH:
Khi đề cập đến đời sống nội tâm, điều quan
trọng nhất chính là sức sống và năng lực của các Bí Tích; đặc
biệt là Thánh Lễ. Nhưng đời sống bí tích hiện nay đang bị ảnh
hưởng của văn minh mỳ gói chi phối. Sự chi phối này không những
xâm chiếm và tác dụng đối với các tín hữu, mà còn ảnh hưởng một
cách mạnh mẽ nơi thành phần giáo sỹ và tu sỹ nữa.
Thật vậy, suốt một tuần lễ, người tín hữu bận
bựu với công việc sinh nhai, việc gia đình và việc xã hội đến
nỗi phần đông như “quên” Chúa. Cũng may, còn có ngày Chúa Nhật –
ngày của Chúa - để mọi người quây quần bên bàn thánh dâng lời
chúc tụng, tạ ơn, và cầu xin. Xin ơn tha thứ lỗi lầm, tội khiên,
và xin mọi ơn cần thiết cho cuộc sống tâm linh và vật chất. Cốt
lõi của ngày họp mặt gia đình này là việc học hỏi, lắng nghe và
suy tôn Lời Chúa và việc Bẻ Bánh. Nói một cách gọn gàng là tham
dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
Nhưng than ôi! Trong nhiều thánh lễ linh mục
giảng giải cho có lệ. Nói rông rài, đôi khi còn văn chương, thơ
phú bóng bẩy, và ca hát theo kiểu tài tử. Trong những thánh lễ
như vậy, giáo dân cứ thế mà chịu trận, cho đến một lúc, nhìn
đồng hồ quá 30 phút. Và thế là phần còn lại, trong tất cả các lễ
qui, lời nguyện, và kể cả lời Truyền Phép, linh mục đọc như một
cái máy, đọc nhanh và đọc lướt qua, liến thoắng đến nỗi những
giáo dân lớn tuổi và già cả không nghe kịp và cũng chả hiểu
“cha” đọc và làm gì nữa.
Cũng một cách thức tương tự, nhiều linh mục
ngồi tòa, ban các Bí Tích như thói quen máy móc. Và đó là lý do
tại sao khi được hỏi về sức thu hút và hấp dẫn của đời sống tôn
giáo, của Giáo Hội, phần lớn giới trẻ Công Giáo đã cho là không
thuyết phục và hấp dẫn. Thống kê dưới đây cho biết:
- 39% đối với thành phần không hoặc hiếm hoi
đến thánh đường cho rằng sinh hoạt của Giáo Hội quá buồn tẻ.
- 41% bạn trẻ lâu lâu mới đến với thánh đường
một lần cũng cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội buồn nản.
- 29% bạn trẻ thường xuyên đến thánh đường
cũng đã cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội thiếu hấp dẫn và
buồn chán.
Đó là chưa kể đến những giáo lý và luật lệ mà
tuổi trẻ cũng như phần lớn Kitô hữu ngày nay đều cho rằng khó
khăn, không hợp thời, hoặc cần phải đặt lại vấn đề. Thí dụ, luật
cấm ngừa thai. Luật cấm phá thai. Luật cấm ly dị. Luật đối với
thành phần đồng tính và hôn nhân đồng tính. Luật độc thân của
linh mục...
Ảnh hưởng của văn minh mỳ gói, văn minh vật
chất, văn minh sự chết thật sự đã tác dụng và chi phối đời sống
tâm linh của những người nhẽ ra qua họ, người ta nhìn thấy Chúa
Kitô như các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân.
2. ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN:
“Không cầu nguyện thì không cần phải ma quỷ
cám dỗ. Tự mình ta, ta sẽ gieo mình xuống hỏa ngục” (Thánh
Têrêsa D’avila). Chúa Giêsu cũng bảo Kitô hữu phải cầu nguyện
không ngừng: “Hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”.
Trong thế giới chạy đua với tốc lực, với sức
mạnh của tiền bạc, câu “thời giờ là vàng bạc” quả rất đúng. Nó
đúng đến độ người ta không còn giờ để đọc kinh, không còn giờ để
cầu nguyện. Nhất là không còn giờ để cùng cầu nguyện với nhau
trong gia đình. Cầu nguyện giữa vợ chồng. Cầu nguyện giữa cha mẹ
và con cái. Tại các nước văn minh nhất thế giới như Hoa Kỳ, con
số những gia đình còn giữ được tập quán cầu nguyện có thể nói là
một con số ít ỏi và hiếm hoi.
Nhưng nếu thời giờ cùng nhau cầu nguyện không
có, thì ngược lại, thời giờ gia đình quây quần bên chiếc TV, xem
truyền hình, nghe tin tức, xem thể thao, hát karaoke hoặc xem
phim chưởng lại luôn luôn có và có rất dồi dào. Nhiều người còn
có thời giờ cho những buổi hò hẹ, xem xinê, tham dự các cuộc vui
văn nghệ, và đi vào các sòng bài. Đó là những lý do người ta
thiếu giờ cầu nguyện. Thiếu giờ dành cho đời sống tâm linh.
Một trong những lý do là Chúa “chậm chạp” quá.
Cầu nguyện sốt ruột lên mà Chúa vẫn chưa trả lời. Cầu một ngày,
cầu một tuần, cầu một năm. Có khi cầu đến chục năm mà Chúa vẫn
chưa nghe. Sốt ruột quá! Mất thời gian tính quá! Và có lẽ vì
Chúa chậm nghe, chậm trả lời, nên con người phải tự tìm cách
giải quyết những vấn nạn của đời mình, nếu không thời giờ qua đi
mà không làm gì được.
Do ảnh hưởng của mỳ ăn liền, càphê uống liền,
fast food ăn liền đã tạo nên một tâm thức rất nóng nẩy, rất bất
an và bất nhẫn, và rất dễ sốt ruột. Mà vì Chúa không biết sốt
ruột, nên khi thấy mình sốt ruột, con người đã tìm cách tự giải
quyết lấy. Chúa không cho tiền để sinh sống. Được! Phá thai. Vì
sinh con nhiều mà không có tiền để nuôi nấng, dậy dỗ thì thà
đừng sinh ra còn hơn. Chúa không cho tiền. Được! Con tìm vào
casino, ở đây dễ kiếm tiền và mau làm giầu hơn. Chúa không cho
ly dị. Được! Không lấy vợ, không lấy chồng nữa. Lấy rồi thì khó
bỏ. Ở vậy có nhiều bồ hơn mà muốn bỏ lúc nào cũng được.
Trong cái lẫn lộn và hoang mang giữa thiện và
ác. Giữa đời và đạo. Giữa vật chất và tinh thần ấy, phần đông
con người nghiêng về những gì là vật chất, là thực tế, và dễ dãi
để rồi bỏ cầu nguyện. Bỏ kết hợp với Chúa.
3. SỐNG ĐẠO THƯỜNG NGÀY:
Cũng như con số thống kê mà chúng ta vừa tìm
thấy nơi các bạn trẻ. Phần đông người Kitô hữu lúc này xem ra
cũng không muốn sống đạo với lời giảng dậy, mặc dù Chúa Giêsu đã
nói cách rõ ràng: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”
(Mt 10:22). Và câu hỏi là đến cùng là bao lâu?
Một vị linh mục thân từ Pháp qua chơi thăm Hoa
Kỳ, đã tâm sự rằng tại Pháp lúc này các linh mục được cho đi
“vacation” dài dài. Lý do vì chẳng ai tham dự thánh lễ, xưng
tội, và họa may có đôi trường hợp xin rửa tội, rước lễ lần đầu,
và làm phép xác. Điều này đã được Đức Gioan Phaolô II hết sức hô
hào để Giáo Hội Pháp lấy lại vị thế Trưởng Nữ của Giáo Hội. Một
Giáo Hội mà từ đó Kitô Giáo được mang đi truyền thụ hầu khắp thế
giới, nhưng nay lại nghèo nàn, co cụm, và già nua. Nếp sống đạo
này chắc chắn có chịu phần ảnh hưởng của văn minh mỳ gói. Người
trẻ không tham dự đứng đắn đời sống hôn nhân gia đình. Không có
con, đến tuổi già sức yếu, cảm thấy cô đơn và buông xuôi. Lòng
đạo đức không được hun đúc và tập luyện ngay trong bầu khí gia
đình, lớn lên vào đời bị lôi cuốn và chi phối bởi những lý
thuyết và triết lý sống ngoại lai lấy văn minh sự chết, lấy cá
nhân, lấy những hào nhoáng và sự thoả mãn vật chất làm nền tảng,
tự nhiên đời sống tâm linh bị đẩy lùi, và bị xóa nhòa.
Ai cũng biết, dù hô hào, dù cố tình phủ nhận,
thì tâm thức đạo đức và ý thức về Thiên Chúa vẫn có đó trong
lương tâm con người. Nếu không vậy, Thiên Chúa sẽ không có cơ sở
và căn bản để thưởng phạt. Nhưng vì lương tâm ấy không được tinh
luyện và làm cho sống động bằng những việc làm tôn giáo, do đó,
sẽ dần dà bị lu mờ. Và đó là ảnh hưởng tai hại của thứ văn minh
mỳ gói. Thứ văn minh mà dù những căn bản đời đời, dù những vấn
đề thuộc lãnh vực tâm linh cũng muốn mang ra để giải quyết cấp
thời, nhanh và gọn. Một lối sống và suy tư như không còn tin vào
ngày mai, phủ nhận quyền vạn năng của Thiên Chúa.
Nhân loại ngày nay đang đi về đâu trong niềm
tin của mình? Câu trả lời thật khó khăn nhưng cũng rất dễ. Tuy
nó bị gằng co bởi rất nhiều những yếu tố phần lớn là do trí khôn
con người, do ham muốn, và do những đam mê thôi thúc. Dĩ nhiên,
Satan và bọn quỷ thần chúng đang cố tình gieo vào lòng trí con
người những triết lý và suy tư ấy, mà một trong những triết lý
sống đang làm đảo lộn niềm tin của nhiều người là triết lý và
lối sống mỳ gói, mỳ ăn liền.
Con người ngày nay thật ra không có giờ cho
nhau trong một bữa ăn gia đình đầm ấm. Không có giờ cho nhau
trong một buổi trà đàm thân mật. Không có giờ cho nhau bằng
những buổi thăm viếng, an ủi, và gần gũi nhau. Không có giờ cầu
nguyện. Không có giờ sống niềm tin của mình. Nhưng ngược lại, họ
có tất cả mọi giờ giấc cho những đòi hỏi quay cuồng đến chóng
mặt. Họ muốn loay hoay tự mình giải quyết mọi chuyện để rồi nóng
lòng muốn có ngay kết quả. Họ đã quên hay không muốn dành cho
mình ít phút để đọc và niệm lời Chúa Giêsu đã nói với Martha:
“Martha, con lo lắng, bối rối nhiều chuyện quá” (Luca 10:41).