Sáng 13-05, Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các tham dự viên cuộc gặp gỡ do
Viện giáo hoàng về Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II tổ
chức.
Mở đầu huấn từ, ĐTC nhắc lại cách nay 30 năm, tân Chân phước
Gioan Phaolô II đã thành lập Viện Gioan Phaolô II và thiết
lập Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình, và cũng cách nay đúng 30
năm, vào ngày 13-05-1981, Chân phước Gioan Phaolô II bị mưu
sát tại quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha đã gợi cho các thành viên của Viện một số điểm
nhằm “nối kết suy tư thần học về thân xác với suy tư thần
học về tình yêu để tìm sự thống nhất trong đường đi của con
người”.
Sau khi khẳng định “thân xác
là nơi tinh thần có thể nương náu”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
“Từ điểm nhìn này, có thể hiểu thân xác của chúng ta không
phải là một chất liệu trơ, câm lặng, nhưng đang lên tiếng
nói, và nếu chúng ta biết lắng nghe, tiếng nói của thân xác
chính là ngôn ngữ của tình yêu đích thực…”
Đức Thánh Cha giải thích:
“Thân xác nói với chúng ta về một cội nguồn mà tự mình chúng
ta không có được. Chỉ khi nhận ra tình yêu từ nguyên thủy đã
ban sự sống cho mình, con người mới có thể chấp nhận chính
mình, và chỉ khi ấy con người mới có thể giao hòa được với
thiên nhiên và với thế giới”.
Đề cập việc Chúa dựng nên tổ
tiên loài người, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trước khi sa ngã,
thân xác của Ađam và Eva bộc lộ sự hòa hợp hoàn hảo. Nơi họ
có một thứ ngôn ngữ mà họ không tạo ra, đó là Eros (Ái tinh)
bắt rễ sâu trong bản tính con người, mời họ cùng đón nhận
nhau như quà tặng từ Đấng Tạo dựng, để như thế họ có thể tự
hiến mình... Như vậy sự hợp nhất trong một thân xác trở nên
sự hợp nhất trong toàn thể cuộc sống, đến mức người nam và
người nữ cũng trở nên một tinh thần duy nhất”.
“Chính vì thế - Đức Thánh Cha
nói - đức khiết tịnh mang một ý nghĩa mới. Không phải là nói
‘không’ với khoái lạc và với niềm vui sống, mà là nói ‘có’
một cách hùng hồn với tình yêu như một mối thông truyền sâu
xa giữa con người với nhau, điều này đòi hỏi phải có thời
gian và sự tôn trọng như một con đường cùng nhau hướng tới
sự thành toàn và như tình yêu trở nên có khả năng sinh ra sự
sống và quảng đại đón nhận sự sống mới được sinh ra”.
Đức Thánh Cha lưu ý: “Thân
xác cũng có tiếng nói tiêu cực: nó nói với chúng ta về sự áp
bức người khác, về khát vọng sở hữu và lợi dụng. Tuy nhiên,
chúng ta biết, loại ngôn ngữ này không liên quan đến kế
hoạch ban đầu của Thiên Chúa, mà là kết quả của tội lỗi. Khi
tách khỏi lòng hiếu thảo, khỏi mối liên hệ với Đấng đã dựng
nên mình, thân xác nổi loạn chống lại con người và làm mất
đi khả năng thể hiện sự thông hiệp và trở thành lãnh địa
thuộc sở hữu của kẻ khác. Phải chăng đây chính là bi kịch
của tính dục ngày nay, một tính dục vốn đang bị giam trong
vòng suy đồi của thân xác và khoái cảm, mà thực tế nó chỉ có
thể thành toàn khi được gọi hướng đến điều cao cả hơn?”
“Thiên Chúa ban cho con người
con đường cứu chuộc thân xác mà ngôn ngữ của nó được bảo tồn
trong gia đình… là nơi mà suy tư thần học về thân xác và về
tình yêu đan quyện với nhau. Gia đình là nơi thể hiện ơn ban
cho con người được nên một trong thân xác, trong tình yêu
đôi lứa liên kết họ thành vợ chồng. Chính gia đình là nơi
thể hiện sự phong nhiêu của tình yêu và là nơi nối kết sự
sống giữa các thế hệ khác nhau. Chính trong gia đình con
người nhận ra mình có tính tương quan, không phải là một cá
thể đơn lẻ, tự lập, mà là một người con, một người chồng,
người vợ, một người cha, người mẹ mà căn tính được xây dựng
dựa trên ơn gọi yêu thương, đón nhận và hiến mình cho tha
nhân”.
Kết thúc huấn từ, Đức Thánh
Cha nhắn nhủ: “Thiên Chúa đã nhận lấy thân xác và mặc khải
chính mình qua thân xác đó… Là Con, Ngài đã nhận lấy thân
xác làm con trong niềm biết ơn và lắng nghe Chúa Cha, đồng
thời đã hiến thân xác này cho chúng ta, để một thân thể mới
của Hội Thánh được hình thành”.
|
|