Thân xác Con người
có thể nói bằng ngôn ngữ Tình yêu 


Người dịch: Trương Đình Giai

VATICAN , 15 / 5 / 2011. Theo Đức Benedicto XVI, ngày nay người ta khó hiểu được vẻ rạng ngời của thân xác con người mà Michelangelo mô tả, vì chúng ta có khuynh hướng xem thân xác như là “vật chất nặng nề,” đối nghịch với tinh thần.

Đức Giáo hoàng đưa ra suy tư này trong một bài diễn văn vào ngày thứ Sáu với các tham dự viên dự hội nghị đánh dấu kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình.

Thứ sáu vừa qua là ngày kỷ niệm lần thứ 30 cuộc mưu sát Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II; vào buổi tiếp kiến chung của ngày hôm ấy, Đức Giáo hoàng đã loan báo việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình và Học viện nghiên cứu.

Đức Benedicto sử dụng thần học của vị tiền nhiệm của mình trong suy tư của ngài về ngôn ngữ của thân xác. Ngài tường thuật lại một sự cố không lâu sau khi Michelangelo qua đời, khi họa sĩ Paolo Veronese bị cáo buộc trước Tòa Pháp đình đã vẽ những hình ảnh không thích hợp khi mô tả Bữa Tiệc ly.

Để biện hộ cho mình, nhà họa sĩ quy chiếu đến những hình ảnh trần truồng trong tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo tại Nhà Nguyện Sistine, và quan tòa Pháp đình đáp lại rằng : “Ông có biết rằng trong các hình ảnh này không có gì ngoài điều thuộc về tinh thần không?”

Đức Giáo hoàng cho rằng bài học này đối với ngày nay là khó hiểu vì “ thân xác đối với chúng ta xem ra bất động, là vật chất nặng nề, đối nghịch với ý thức và tự do của tinh thần”. Nhưng những thân xác của Michelangelo đầy ánh sáng, sự sống, ánh quang,” Đức Thánh Cha nói. “Ông ấy muốn chứng tỏ theo cách này rằng thân xác của chúng ta ẩn chứa một mầu nhiệm. Trong đó tinh thần biểu lộ chính mình và hoạt động. […] Thân xác của chúng ta không bất động, nặng nề, nhưng chúng nói–nếu chúng ta biết cách nghe chúng-ngôn ngữ của tình yêu đích thực.”

Đức Benedicto tiếp tục suy tư về “lời đầu tiên của ngôn ngữ này” trong tạo dựng. “Thân xác của Adam Eva, trước khi Sa ngã, biểu lộ hết sức hài hòa,” ngài giải thích. “Có một ngôn ngữ trong thân xác mà họ không tạo nên, một ái tình (eros) bám rễ trong bản tính của họ, mời gọi họ đón nhận nhau từ Đấng Tạo hóa, để từ đó có thể trao ban chính mình.”

Ngài nói tiếp, trong tình yêu, con người được “tái tạo.”. Và sự hấp dẫn tình dục nằm trong bối cảnh này.Nhưng Đức Giáo hoàng nhận định tội lỗi cũng đã mang lại cho thân xác một ngôn ngữ tiêu cực: “Nó nói với chúng ta về sự áp bức của người kia, của ước muốn chiếm đoạt và khai thác.”

Tuy nhiên, đức Giáo hoàng xác quyết sự Sa ngã “không  phải là tiếng nói sau cùng của thân xác trong lịch sử cứu độ”. “Thiên Chúa cũng trao cho con người một hành trình cứu rỗi thân xác, mà ngôn ngữ của nó được gìn giữ trong gia đình. Nếu sau khi Sa ngã, Eva nhận được tên là Mẹ của chúng sinh điều này chứng tỏ rằng quyền lực của tội lỗi không thể xóa bỏ ngôn ngữ ban đầu của thân xác, sự chúc lành mà Thiên Chúa tiếp tục ban cho khi người nam và người nữ kết hợp nên một xác thịt. Gia đình là nơi mà thần học thân xác và thần học tình yêu gặp nhau.”

Đức Thánh Cha nói chính trong gia đình mà con người khám phá chính mình không phải như là một cá nhân độc lập, nhưng như một ai đó sống tương quan với tha nhân, “căn tính của mình được xây dựng trên việc được mời gọi yêu thương, đón nhận chính mình từ tha nhân và trao ban chính mình cho tha nhân.”

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments