Trình bày trong buổi Hội Thảo và mừng Ðại Lễ
Thánh Gia Bổn Mạng Gia Ðình Nazareth, chương trình Mục Vụ Gia
Ðình Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, California.
Thứ Bẩy, 27 tháng 12 năm 2008.
Thánh Gia là một gia đình “thánh” và “rất thánh”. Vì trong gia
đình này, tất cả đều là “thánh”: Giuse là người công chính,
Maria là người đầy ơn phúc, còn Giêsu là Con Ðấng Tối Cao. Tóm
lại, từ vợ, chồng, cha, mẹ, con đều là những nhân vật rất thánh
thiện. Nhưng có lẽ rất ít người dám tin rằng sự thánh thiện ấy
không phải là món quà tặng không của Thiên Chúa. Và từ đó, không
mấy ai dám nghĩ thêm là các Ðấng cũng phải chấp nhận nhau, như
bất cứ ai trong chúng ta trong đời sống hôn nhân gia đình. Cách
riêng, trong vai trò làm cha, mẹ, và trong mối liên hệ giữa cha
mẹ và con cái.
Thánh Luca đã tiết lộ những chi tiết rất ngạc nhiên trong gia
đình thánh này. Ðây là một bài học rất cần thiết và quí giá cho
tất cả những phụ huynh đang gặp những khó khăn khi đối thoại với
con cái.
BỐI CẢNH TIN MỪNG
Thánh Luca trong trích đoạn về cuộc thất lạc trẻ Giêsu trong Ðền
Thờ đã cho biết ít nhất những chi tiết đáng chúng ta suy nghĩ
sau:
- Trẻ Giêsu lúc ấy đã được 12 tuổi. Tuổi của các em bước
vào thời kỳ chuyển tiếp và phát triển bản lãnh, cá tính, và nhân
cách riêng của mình. Tuổi mà rất nhiều phụ huynh và các nhà giáo
dục đã coi như một khúc quanh rất gắt và rất quan trọng cho một
đời người. Vì ở tuổi này, các em bắt đầu loại bỏ những dấu vết
của tuổi thơ để mặc cho mình một nhân cách, suy tư, và cá tính
của riêng mình.
- Trẻ Giêsu đã tự ý ở lại Giêrusalem sau khi xong buổi
lễ. Thánh Luca đã ghi rằng: “Khi buổi lễ kết thúc, trẻ Giêsu ở
lại mà cha mẹ không hay biết” (Lc 2:43).
- Hành động của Giêsu đã tạo ra một sự khó xử cho cha
mẹ. Vì sau một ngày đường mới hay biết mình đã thất lạc con. Sự
kiện này đã khiến cho Ông Bà phải mất thêm một ngày nữa lận lội
đi ngược lại tìm con. Thánh Kinh ghi: “Vì không thấy con, ông bà
đã trở lại Giêrusalem tìm con. Ngày thứ ba họ đã tìm thấy con ở
trong đền thờ” (Lc 2:45-46).
- Và khi tìm được con, thì mẹ ngài chỉ nói một câu hết
sức nhỏ nhẹ: “Hỡi con. Sao con làm chuyện này cho cha mẹ. Này
coi, cha và mẹ đã đau khổ tìm con” (Lc 2:48).
- Nhưng dường như trẻ Giêsu đã không nhận ra sự vất vả
và đau khổ của cha mẹ. Ngược lại, còn nói một câu mà với quan
niệm của người đời thường là “hỗn”, cái hỗn của một em ở tuổi
mới lớn: “Tại sao ông bà tìm tôi. Ông bà không biết là tôi phải
ở lại trong nhà Cha tôi sao?”( Lc 2:49). Một câu nói khiến cả
cha lẫn mẹ đều không hiểu: “Nhưng họ không hiểu ngài nói gì” (Lc
2:50).
- Nhưng rồi trẻ Giêsu cũng trở lại Narareth, và hơn thế
nữa, đã vâng lời cha mẹ, để rồi lớn lên trong khôn ngoan và ân
sủng trước mặt Thiên Chúa và con người. (x Lc 2:51-52)
TỔNG QUÁT VỀ TÂM LÝ PHÁT TRIỂN
Qua
tóm lược trích đoạn Tin Mừng trên, chúng ta tự hỏi, “Thánh Gia
muốn dậy các phụ huynh điều gì? Phải chăng đây là những điều mà
các phụ huynh cần phải học để đối thoại với con cái, đặc biệt,
khi con cái bước vào tuổi dậy thì?
Ðể
hiểu được bài học trên, và để khám phá ra những giá trị đẹp đẽ
của bài học Tin Mừng, chúng ta cần dừng lại để tìm hiểu sơ qua
về sự phát triển tâm, thể lý của một em bé.
1. Tuổi thơ:
Ðây là thời điểm đẹp và hồn nhiên nhất của một em bé từ khi
sinh ra đến lúc các em chấp dứt tuổi 12. Tuổi cha mẹ đào nền,
đắp móng cho ngôi nhà tâm lý, tâm linh, và thể lý của một người
con sau này.
2. Tuổi trẻ:
Ðây là thời kỳ em bé bắt đầu đi vào cuộc sống và suy tư của thế
giới riêng mình. Các em phát triển không những về thể lý, mà
còn về tâm lý và tâm linh nữa. Những phát triển này chỉ có một
mục đích duy nhất là tạo cho các em một nhân cách mới, một nhân
dáng mới, và một lề thói suy tư mới. Tất cả để làm nên một em
như em sẽ là sau này.
3. Tuổi trưởng thành:
Tiếp theo thời kỳ phát triển, bắt đầu từ 30 tuổi, một em trai
hay một em gái đã trở thành một ông hay một bà, một cô hay một
cậu thanh niên, thanh nữ để rồi mọi suy tư, nhân cách, và nhân
dáng mà em đã có trước đó trở thành một người như em có hiện
nay.
4. Tuổi già:
Tuổi từ 60. Nếu lấy đích tối đa như hiện nay khoa học đang cố
gắng, là sẽ giúp con người sống đến 120 tuổi, thì từ 60 tuổi trở
đi là thời gian con người đang đi gần đến kết quả cuộc đời này.
Tuổi hưu, “nợ trần hoàn trang trắng vỗ tay reo”. Thời gian rút
dần vào bóng tối, để nhường đất cho những thế hệ đang lên.
Và
theo Thánh Ký, thì trẻ Giêsu lúc ấy đang sắp sửa bước vào giai
đoạn thứ hai của đời mình. Nói theo một cái nhìn tâm lý, là đang
bắt đầu tạo cho mình một nhân dáng, suy tư và nhân cách mới.
Chúng ta có thể tìm thấy điều này qua câu trả lời mà Giêsu đã
nói với cha mẹ mình: “Tại sao ông bà tìm tôi?”.
BÀI HỌC CỦA THÁNH GIA
Trong suốt biến cố vừa kể trên, chúng ta không thấy Thánh Ký ghi
lại một động tĩnh, ngay một lời nói dù ngắn gọn nào của Giuse.
Ðây là một điểm tâm lý hết sức cần thiết của phụ huynh, đặc
biệt, của các người cha trong vai trò giáo dục.
Phần đông, nhất là con trai, ít muốn nghe cha mẹ nói nhiều;
ngược lại, muốn nhìn thấy cha mẹ, đặc biệt, cha mình làm nhiều.
Thánh Giuse đã áp dụng tâm lý này một cách hết sức hiệu quả.
1. Giá trị lời nói:
Phần đông phụ huynh mỗi khi nói với con đều nói nhiều và nói
giai. Lặp đi, lặp lại một vấn đề với quan niệm cho rằng nói
nhiều thì sẽ thấm, sẽ lọt vào lỗ tai. Nhưng đây là phản ảnh tâm
lý tiêu cực, vì hình ảnh nói nhiều của người mẹ hay người cha sẽ
chỉ đưa đến một người con ưa nói nhiều và thích nói sau này.
Qua
cách thức nói năng với con mình, Giuse và Maria đã để lại cho
phụ huynh một bài học tâm lý rất quí báu, đó là cả hai đều nói
ít và làm nhiều. Và kết quả là chúng ta thấy Giêsu sau này cũng
phản ảnh tâm lý ấy. Sống ẩn dật 30 năm trong nhà Nazareth, và
chỉ công khai rao giảng Tin Mừng có 3 năm.
Thánh Giuse tuy không học về tâm lý, nhưng ngài hiểu được ứng
dụng của tâm lý về giá trị của lời nói. Ðó là giá trị của lời
nói người cha mạnh bằng 5 lần giá trị lời nói của người mẹ. Có
lẽ chính vì thế mà ngài thường yên lặng, chỉ nói khi cần phải
nói. Trong trường hợp không nói, chắc chắn là ngài đứng sau để
hỗ trợ và khuyến khích vợ mình.
2. Cách nói:
Thánh Kinh đã ghi nhận rất ít những câu nói của Giuse và Maria
đã nói với con. Nhưng mỗi khi ghi lại, chúng ta đều thấy Maria
biểu lộ cách nói của mình qua hình ảnh một người mẹ nhẹ nhàng,
từ tốn, và hiểu biết. Biến cố lạc con là một thí dụ: Trước những
khó khăn, cực nhọc của hai ông bà suốt mấy ngày đường đau khổ
tìm con, khi gặp mặt, Mẹ chỉ nói có một câu: “Này con. Sao con
làm chuyện này cho cha mẹ. Này cha con và mẹ đau khổ tìm con”
(Lc 2:48),
Như
vừa trình bày, cả Maria và Giuse đều tỏ ra rất bình tĩnh và biết
tự kìm hãm. Vẫn biết việc làm của trẻ Giêsu lúc đó là không đúng
với mình, và làm bực mình, nhưng cả hai đều đã làm được công
việc giáo dục hết sức cần thiết: kìm hãm được những bức xúc và
khó chịu của mình.
Trong đời sống giáo dục, rất nhiều lần phụ huynh chúng ta phạm
phải lỗi lầm to lớn này là nhân danh giáo dục, nhân danh tình
yêu để la mắng, chửi bởi, hoặc đánh đập con cháu cho thỏa cái
nóng nẩy, và cái tôi ích kỷ của mình. Về điểm này Thánh Kinh đã
nhắc nhở chúng ta: “Ðừng sửa phạt khi nóng giận”.
Là
cha mẹ, chúng ta nhiều khi đã hành động vì nóng giận, vì bực tức
hơn vì giáo dục, do đó, thái độ bình tĩnh của Maria và Giuse là
một bài học cho chúng ta. Trong chiều hướng giáo dục, “Chúng ta
phải giáo dục một đứa trẻ 20 năm trước khi nó chào đời”. Nói một
cách khác, mình phải giáo dục chính mình, phải nên gương cho con
cái.
3. Cách hỏi:
Khi
con cái khó bảo, hư hỏng, hoặc làm phiền lòng cha mẹ, đa số phụ
huynh thường càm ràm, la hét, hoặc chửi bới. Nhưng tất cả những
việc này đều đem lại phản ứng tiêu cực đối với tâm lý tuổi trẻ.
Khi
nói với con: “Này con. Sao con làm chuyện này cho cha mẹ. Này
cha con và mẹ đau khổ tìm con” (Lc 2:48), Mẹ Maria chỉ muốn biết
sự thật như thế nào chung quanh biến cố này, mà không hề kết án
trẻ Giêsu, mặc dù hành động ấy gây đau khổ cho gia đình.
Việc làm của Maria hoàn toàn phù hợp tâm lý, khác với lối phản
ứng võ đoán, chủ quan của phần đông phụ huynh chúng ta, đặc
biệt, khi con cái có lỗi. Trở lại cách thức nói chuyện với con
cái của chúng ta, nhiều khi chưa hiểu, chưa biết con mình như
thế nào, nhưng hễ có chuyện liên quan đến mình là lập tức “quyết
đoán”. Tâm lý này làm cho các trẻ em rất bực tức. Ða số các em
phàn nàn và cho rằng ba má “assume”, võ đoán, hoặc “suy bụng ta
ra bụng người”, và kết quả là rất nhiều lần la mắng con cái,
chúng ta chỉ la cho thỏa cái tính nóng nảy, thỏa cái tôi của
mình mà không hề có một tác dụng giáo dục nào.
Tuy
nhiên, khi hỏi con, chúng ta phải hỏi như Maria đã hỏi, tâm lý
gọi là những câu hỏi “mở ngõ”, những câu hỏi “muốn nghe sự
thật”, chứ không phải những “câu hỏi chết” mà người được hỏi dù
trả lời có hay không cũng đều đáng trách cả.
4. Lắng nghe:
“Ông bà tìm tôi làm gì. Ông bà không biết rằng tôi phải ở lại
trong nhà Cha Tôi sao” Lc 2:49). Ðấy là lối nói của những em
bước vào tuổi dậy thì. Những câu nói mà không chỉ chúng ta, mà
ngay cả đến Giuse và Maria cũng “khó hiểu”. Thánh ký đã ghi lại
điều này: “Nhưng ông bà không hiểu gì”. Vì không hiểu gì, nên
Maria đã ghi nhận và suy nghĩ trong lòng. Hành động này chính là
một cử chỉ lắng nghe.
Mẹ
suy nghĩ gì? Không phải suy nghĩ như chúng ta suy nghĩ để la
mắng, nhưng là một sự bình tĩnh tìm hiểu và lắng nghe. Ðối với
Maria, thì trường hợp này là tìm hiểu Thánh ý Thiên Chúa, và
cũng tìm hiểu xem tại sao con mình lại hành động như vậy.
Chúng ta thường thấy hiện tượng con cái xỏ tai, xỏ mũi, xỏ
lưỡi... Hoặc tóc tai bù xù, áo quần chim cò, nhưng có bao giờ
chúng ta tự hỏi, những việc làm ấy mang ý nghĩa gì không? Câu
trả lời là tuổi trẻ muốn chứng tỏ với chúng ta rằng, chúng đã
lớn, và chúng muốn ta lắng nghe. Mà bởi vì không được lắng nghe,
nên chúng đã dùng thêm những ngôn ngữ bề ngoài như thế.
5. Ðồng nhất trong giáo dục: Maria đã được Giuse hợp ý và đồng
nhất trong việc dậy dỗ trẻ Giêsu.
Sự
yên lặng của Giuse cho chúng ta một khái niệm về giáo dục, đó là
cả hai cha mẹ đều phải có cùng một quan tâm và một ý hướng. Tuổi
trẻ tuy không biết nhiều, nhưng chắc chắn chúng biết giữa cha và
mẹ ai chiều mình hơn, và vì thế trở ngại giáo dục nằm ở chỗ “ông
nói gà, bà nói vịt”. Ở đây chúng ta thấy Giuse yên lặng, và sự
yên lặng này có nghĩa là “Mẹ con nói đúng”.
Trở
lại biến cố lạc mất Giêsu. Ai có lỗi trong việc lạc mất con?
Thiết tưởng cả hai. Giuse và Maria đều có lỗi trong việc này,
nhưng đây chỉ là những lỗi vô tình vì cả hai đều nghĩ rằng con
đi với mẹ hoặc đi với cha. Trong đời sống gia đình, và trong
việc giáo dục con cái cả hai đều có trách nhiệm đồng đều, và
phải có bổn phận đối với nhau và đối với con cái. Người con nếu
hư hỏng, thất bại thì sự hư hỏng hay thất bại ấy không chỉ là do
cha, hoặc ngược lại, do mẹ. Và cũng như Maria, Giuse, cả hai
phải hối hả trở lại Giêrusalem tìm con, có nghĩa là cả hai phải
cộng tác để giáo dục, sửa sai con cái một khi có lỗi, tuyệt
nhiên, không đổ lỗi cho nhau và bỏ bê trách nhiệm giáo dục.
HÃY HỌC CÙNG THÁNH GIA
Tóm
lại, gương Thánh Gia đã để lại cho chúng ta hôm nay là một tấm
gương giáo dục hết sức giá trị không chỉ ở khía cạnh tâm linh,
mà còn ngay trong khía cạnh tâm lý và tình cảm sống nữa. Kết quả
của những việc làm trên là đã tạo nên một Giêsu biết vâng lời,
trưởng thành trong sự khôn ngoan và nhân đức như Thánh Ký ghi
nhận: “Ngài trở về Nazareth vâng phục ông bà. Chúa Giêsu lớn lên
trong khôn ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và con người.
(Lc 2:51-52) .
Ðó
là những điều lý tưởng mà mọi phụ huynh chúng ta đều mong mỏi.
Nhưng nếu nhìn vào gương của Thánh Gia, thì điều đó không phải
là nhưng không mà có mà hiển nhiên phải có sự cộng tác và chịu
khó của mọi người. Giuse, Maria, và cả Giêsu. |