Gia Đình: Cái Nôi của Đời Sống và Tình Yêu


Nguyễn Kim Ngân

Những mong chờ sai lạc về gia đình

Cũng cần ghi nhận rằng có nhiều người còn trẻ mà đã có một thứ quan niệm duy tưởng và sai lầm là cho rằng đời sống đôi lứa là một tình huống hoàn toàn hạnh phúc, thỏa no khát vọng mà không cần phải trả một giá nào cả. Thế là phát sinh một thứ mâu thuẫn giữa khát vọng trở nên một với người kia và ước muốn bảo vệ tự do của mình. Ngày càng thấy có thêm sự hiểu lầm về vẻ đẹp của đời sống lứa đôi chân thật, về các giá trị cố hữu trong sự khác biệt và tính cách bổ túc hỗ tương trong tương quan nam-nữ. Sự hiểu lầm này dẫn đến sự hiểu biết mập mờ lộn xộn về căn tính của tính dục, mà chóp đỉnh của nó là ý thức hệ về nữ quyền. Mặt khác, hiện trạng nghề nghiệp của đôi vợ chồng không còn cho phép họ dành nhiều thời giờ cho nhau trong gia đình, cũng như giới hạn khả năng đối thoại của hai người lại.

Gia Đình: Cái Nôi của Đời Sống và Tình Yêu

Đến khi xẩy ra khủng hoảng thì hai người thường hay tự giải quyết lấy với nhau. Không có ai lắng nghe hay giải thích cho họ, khiến cho họ không thể quyết định ngược trở lại được nữa. Thiếu sự trợ giúp này, vợ chồng cứ khép kín trong vấn đề của mình, không còn thấy đâu là giải pháp cho các khó khăn đang ập đến để rồi chỉ còn một con đường duy nhất là ly thân hay ly dị. Thật ra, nếu được một cộng đồng nhân loại và mang chút ít tính cách của Hội Thánh giúp cho, thì có nhiều cuộc khủng hoảng đã có thể tan đi và cũng có thể đã vượt qua được.

Yếu tố kinh tế và tiêu thụ của đời sống gia đinh

Dù mang đầy những nét phức tạp, các yếu tố kinh tế đã tạo ra các ảnh hưởng mãnh liệt trong việc hình thành mô thức gia đình, trong việc thành lập các giá trị, trong việc tổ chức các công việc, và trong việc xác định chính đời sống gia đình. Thu nhập và chi tiêu để quân bình hoá cán cân chi thu trong gia đình, gia sản và công ăn việc làm, ít nhiều ảnh hưởng đến cha mẹ và con cái, tất cả các yếu tố này đều xác định, một cách nào đó, các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình.
Hãy nghĩ đến các đôi lứa “công lệ” (tạm gọi thế), là những kẻ thực sự không chỉ sống chung mà còn không thể kết hôn vì quá túng thiếu. Một tình huống đáng lo ngại khác nữa là những kẻ nhập cư, buộc phải rời bỏ gia đình và xứ sở đi kiếm việc làm để nuôi sống gia đình, để rồi dần dà vì cứ mãi vắng xa, hoặc là vì các lý do khác nữa, đã đi đến chỗ bỏ bê rồi buông luôn mái gia đình đã bỏ lại sau lưng.

Các động cơ kiến tạo ra bầu khí tiêu thụ hằng bủa vây gia đình cũng mang một nguồn gốc kinh tế. Chính từ căn bản này mà người ta xác định ý nghĩa cho hạnh phúc, và hậu quả là bị cụt hứng rồi bị loại ra bên lề xã hội. Chính kinh tế đã xác định những điều quan trọng như vùng không gian sống của gia đình, nghĩa là, kích thước nhà cửa, khả năng sở hữu nhà đất. Cuối cùng cũng chính kinh tế đã điều kiện hóa các khả năng giáo dục cũng như các dự phóng tương lai của con cái.

Trong ánh sáng này, ta không thể không mang lấy một mối thương cảm sâu xa đối với cái được gọi là, và lẽ ra phải là, cái nôi của đời sống và tình yêu, cũng là mái trường nơi ta học được bài học làm người.

Gia Đình: Đường Đưa Con Thiên Chúa Trở Thành Con Người

Việc Con Thiên Chúa nhập thể, sinh bởi một người phụ nữ và phục tùng lề luật nhằm cứu chuộc những kẻ đang ở dưới ách lề luật ngõ hầu trở thành nghĩa tự như là Con Thiên Chúa (x. Gal 4:4-5) không phải là một biến cố chỉ gắn liền với thời gian Chúa giáng trần, mà còn bao gồm trọn vẹn quãng đời nhân thế của Chúa Giêsu, cho đến khi Ngài chết trên thập giá, như Thánh Phaolô nói (x. Phil 2:8). Thánh Công Đồng Vatican II cũng diễn tả ý nghĩa ấy khi bảo rằng Con Thiên Chúa đã lao động với đôi tay nhân loại và yêu thương bằng trái tim nhân thế (x. GS 22). Vì thế, nhân tính không hề là một trở ngại cho việc Ngài biểu tỏ thiên tính của mình, mà thực ra, đó lại là bí tích mạc khải Thiên Chúa cũng như khiến cho Ngài trở nên hữu hình và đụng chạm được. Thật là kỳ diệu khi chiêm ngắm một Thiên Chúa yêu thương con người đắm đuối đến độ biến mình trở thành con đường mà con người có thể bước đi để đến với Ngài. Bởi đó, con đường của Hội Thánh chính là con người, là đối tượng mà Hội Thánh hằng yêu thương, phục vụ và giúp đỡ để có thể đạt tới mức sung mãn của cuộc đời.

Chính bởi vì muốn nhập thể, cho nên Thiên Chúa đã phải chọn tìm một mái gia đình, một người mẹ (x. Lk 1:26-38), và một người cha (x. Mt 1:18-25). Nếu Thiên Chúa đã trở thành con người trong cung lòng đồng trinh của Mẹ Maria, thì chính từ trong đáy gia đình Nazaret mà Thiên Chúa nhập thể đã học được cách làm người. Để được sinh ra, Thiên Chúa cần đến một người mẹ; để lớn lên và thành người, Thiên Chúa cần đến một mái gia đình. Maria đã không chỉ là một người đã cưu mang Chúa Kitô, mà là một người mẹ chân chính, cùng với Giuse, đã làm cho mái nhà Nazaret trở thành một tổ ấm nơi đó Con Thiên Chúa đã có thể thành người (x. Lk 2:51-52).

Do bởi việc nhập thể của Con Thiên Chúa là một biến cố chân chính, do đó việc phát triển của Ngài sau đó diễn tiến tự nhiên như cho mọi con người; cần có một mái gia đình để chấp nhận và chào đón Ngài, đồng hành với Ngài, yêu thương và cộng tác với Ngài trong việc phát triển tất cả mọi chiều kích nhân bản khiến cho Ngài thực sự trở thành một “ngôi vị” con người; tất cả những điều này đều diễn tiến trong một kế hoạch đời sống có khả năng làm khả hữu sự phát triển các tài năng của chính mình và tìm ra ý nghĩa cũng như thành quả trong đời sống.
Trách vụ cần thiết và mang tính chất giáo dục đầy công hiệu mà gia đình cống hiến cho các thành viên được minh chứng qua trường hợp gia đình Nazaret được diễn tả trong trang Phúc Âm theo thánh Luca nói về việc tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dậy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: ‘Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!’ Người đáp:’Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret, và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Lk 2:48-52).

Trong bản văn này, ta thấy được ba điểm giá trị mà gia đình được mời gọi thực hiện cho con cái để chúng có thể trở thành “các công dân lương thiện và các Kitô hữu gương mẫu.” Từ quan điểm này, thiết tưởng thật là có lý khi lấy tinh thần Salesian để giải thích cái nguyên lý nhập thể theo chiều hướng của một kế hoạch giáo dục.

Trước hết, không phải là vô lý khi thánh Giuse và Mẹ Maria đã đem Chúa Giêsu lên Đền Thờ vào lứa tuổi một người con trai đang học hỏi cách hoàn toàn đảm nhận vai trò của mình trong đời sống dân Ngài, theo đúng các truyền thống vốn đã nuôi dưỡng và nâng đỡ niềm tin của cha mẹ mình. Gia đình Chúa Giêsu đã đem Ngài lên Đền Thờ tuân theo lề luật và các thực hành đức tin, cho dù các ngài biết rằng con mình chính là Con Thiên Chúa. Nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu không hề tha phép cho Ngài không phải tuân giữ các bổn phận chung của người Do Thái, là tuân giữ lề luật Chúa; Con Thiên Chúa đã học cách làm người bằng việc vâng phục con người.

Cũng cần ghi nhận rằng thái độ tôn trọng cha mẹ Ngài dành cho Ngài khi Ngài đang tìm biết ý Chúa thể hiện trong đời mình. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy một vẻ kinh ngạc, y như bảo rằng: “Sau khi dậy con gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi, và tìm cách làm tròn ý Người, thì giờ đây, con đang ở trong nhà Người vào dịp lễ mà con đang hoàn toàn trở thành ‘đưá con của lề luật’, sống hoàn toàn tuân hành ý Cha, thì cha mẹ lại hỏi rằng con đã ở đâu và tại sao con lại làm thế?” (x. Lk 2:49). Dù chưa hoàn toàn trưởng thành, Chúa Giêsu vẫn nhắc cha mẹ rằng chính các ngài đã dậy cho Ngài như thế này là: Thiên Chúa và các việc của Người thì cao trọng và ưu tiên hơn là gia đình và các công việc của gia đình.

Sau cùng, ta có thể ghi nhận rằng sự thiếu hiểu biết của cha mẹ đã không trở thành trở ngại cho việc vâng phục của người con khi đi theo các ngài về sống tại Nazaret. Chúa Giêsu vẫn tùng phục cha mẹ cho dù các ngài không còn hiểu Ngài nữa. Và do đó, tác giả phúc âm đã kết luận rằng, trong khi Maria ‘ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng’ (Lc 2:51), thì Chúa Giêsu ‘ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta’ (Lk 2:52). Chính nơi đây, ta thấy được điểm son nổi bật nhất: đó là khả năng giáo dục của Giuse và Maria. Đó cũng là ý nghĩa thực tế khi bảo rằng cần phải biến gia đình thành một mái nhà và một mái trường, “một cái nôi của đời sống và tình yêu, nơi đó, ta học được bài học vỡ long về cách làm người.”

Chính từ bên trong một mái gia đình mà Chúa Giêsu đã học cách vâng phục lề luật và chìm đắm trong nền văn hoá của một dân tộc. Chính từ bên trong một mái gia đình mà Chúa Giêsu đã biểu lộ ước vọng dành chỗ cao trọng nhất cho Thiên Chúa, và chỉ rắp tâm lo lắng đến việc của Chúa. Dù ý thức mình là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn trở về với đời sống gia đình như một con người ở giữa mọi người, “càng thêm tuổi, càng thêm nhân đức và khôn ngoan.” Con Thiên Chúa đã có thể bắt đầu cuộc sống bằng việc được sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh mà không cần đến một mái gia đình, nhưng nếu không có một mái gia đình thì Ngài đã chẳng thể lớn lên và trưởng thành như một con người. Một trinh nữ đã cưu mang Con Thiên Chúa; một mái gia đình đã làm cho Ngài trở thành con người hoàn toàn. Ta còn có thể nói gì về giá trị thánh thiêng của gia đình hơn nữa đây?

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments