Trẻ
em là hy vọng của cả nhân loại, bởi vì mỗi thế hệ của các em
mang đến cho nhân loại một điều gì đó mới mẻ. Nếu không có các
em, những người lớn đã trưởng thành có nguy cơ đánh mất ý nghĩa
của sự hy sinh. Nếu phải thừa hưởng những lầm lỗi của bố mẹ, các
em sẽ thể hiện những khiếm khuyết ấy ra qua bản thân mình, khiến
bố mẹ phải thực sự thay đổi. Nếu được thừa hưởng những phẩm chất
tốt đẹp của bố mẹ, các em trở thành nguồn khích lệ cho người lớn
để họ ngày càng hoàn thiện hơn. Trẻ em biến công tác thành sự
quan tâm, công việc thành sự diễn tả của tình yêu; các em không
rao giảng bằng môi miệng, nhưng bằng chính sự ngây thơ của mình.
Và đứng trước các em, những ai có tâm địa xấu xa cảm thấy như
lương tâm mình bị trách móc, phải trở nên đơn sơ hơn và phải bắt
đầu lại.
Những thắc mắc của các em khiến cho những người được coi là
thông thái phải suy nghĩ. Điều đó cho thấy rằng những khối óc bé
nhỏ này thực sự là những triết gia, khi các em liên tục đặt ra
những câu hỏi “tại sao?” Vì những câu hỏi này còn độc đáo
hơn cả Tam Đoạn Luận của các triết gia, các em làm cho cuộc sống
vươn tới những mục đích cao thượng hơn và làm cho người lớn phải
nghĩ tới Những Thực Tại Trời Cao. Sự dễ thương của các em thay
thế những thú vui tầm thường và khiến chúng ta nhận ra rằng mọi
hình thức của tình yêu phải hiện thực – thậm chí cả Tình Yêu của
Thiên Chúa.
Trẻ
em đi vào cuộc đời và trong bàn tay của cha mẹ như một loại
chất dẻo, và hình dạng sau này của các em trong cuộc đời
hoàn toàn lệ thuộc vào sự uốn, nặn của cha mẹ. Khi Thiên Chúa
gởi một đứa trẻ vào cuộc đời, Người làm sẵn cho nó một triều
thiên trên Thiên Đàng, và khốn cho cha mẹ nào không biết dạy
dỗ con cái, khiến cho em trở thành nạn nhân và bị tước đi triều
thiên đó. Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra gần Cổng Thiên Đàng, điều
này có nghĩa là em luôn sẵn sàng và mau mắn đáp lại tiếng gọi
tình yêu đối với Thiên Chúa, một khi được cha mẹ truyền đạt lại
huyền nhiệm tình yêu đó. Các bậc cha mẹ sẽ mắc một lỗi rất lớn
nếu họ trở nên một vật cản khiến con cái không thể đến được với
Thiên Chúa và làm cho con cái mình không được Ân Sủng Của Thiên
Chúa bao bọc. Nhìn từ góc cạnh này, nhiều lúc con cái khiến cho
bố mẹ cảm thấy lúng túng, vì làm sao họ có thể dạy con cái về
Tình Yêu của Thiên Chúa, nếu chính họ không cảm nhận được tình
yêu ấy?
Không ai có thể dấn thân phục vụ đất nước và lợi ích công cộng
cách tận tâm, nếu người ấy không gắn bó mật thiết với một gia
đình. Một động cơ không thể làm chạy một con tàu, nếu động cơ ấy
không gắn kết với khoang tàu. Không gì có thể làm người ta gắn
bó với gia đình hay lòng ái quốc chân chính cho bằng con cái.
Trước khi lập gia đình, người cha và người mẹ tương lai thường
nói về một tình yêu sẽ ràng buộc họ lại với nhau: “tình yêu
của chúng ta.” Họ thường nói tới một hạn từ ở ngoài mình với
hàm ý rằng họ sẽ chẳng bao giờ ràng buộc với nhau nếu không có
cánh tay mạnh mẽ ấy. Khi đứa con sinh ra, cha mẹ bắt đầu nhìn
thấy hiện thân của huyền nhiệm tình yêu được cụ thể hoá. Giống
như tình yêu giữa đất với cây, hôn nhân của đôi vợ chồng trở nên
sinh hoa kết trái trong một tình yêu mới, khi hai con tim này
liên kết với nhau để vượt qua sự bất toàn cá nhân, và tìm cách
bổ sung cho nhau. Và như vậy, đôi vợ chồng không vun quén cho
chính mình, nhưng cùng gầy dựng một cuộc sống mới, làm cho Hôn
Nhân Trong Mùa Đông gặt hái Hoa Trái Của Mùa Xuân. Do đó, hôn
nhân có thể bảo toàn được tính huyền nhiệm của nó, và đôi vợ
chồng nhận ra rằng tình yêu của họ là một món tiền vay từ ngân
hàng sự sống; vì vậy, nó cũng phải được hoàn trả lại ngân hàng
đó bằng sự sống, chứ không phải sự chết.
Nếu
trước đây, hôn nhân giữa hai người chỉ là sự hoán đổi cái tôi
cho nhau, thì nay đôi bạn cảm nhận được rằng sự ích kỉ của
mình đã bị đè bẹp, khi họ nhìn về hoa trái của tình yêu mà hai
người đã cùng nhau tạo nên. Do đó, đứa trẻ trở thành nguồn sống
mới của gia đình và hy vọng của nhân loại.