Trước khi đi đề cập đến những dấu hiệu của lối
sống đạo thiếu trưởng thành, người Kitô hữu cũng cần nhìn lại rõ
hơn về ơn gọi của mình với câu hỏi “Người Kitô hữu là ai?” Câu
trả lời được Công Đồng Vaticanô II định nghĩa trong Hiến Chế Ánh
Sáng Muôn Dân (Lumen gentium) như sau: “Danh hiệu Kitô hữu có
nghĩa là tất cả những ai không thuộc thành phần chức thánh hay
bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những người đã được
Bí Tích Thánh Tẩy sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập
tịch Dân Chúa, được trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào
chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả
của Chúa Kitô. Họ là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân
Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của
mình.”1
Người Kitô hữu, qua phép Thánh Tẩy, được tháp
nhập vào Giáo Hội, được sống và sinh hoạt trong Giáo Hội như
cành nho được dính liền và sống bởi thân nho. Họ cũng có sứ mạng
và bổn phận sống và thực hành đức tin qua vai trò tiên tri, tư
tế, và vương giả của mình. Đời sống của họ gắn bó và ảnh hưởng
đến toàn Giáo Hội, và vì thế, Đức Piô XII đã gọi là “Giáo Hội”.
2
Hơn 60 năm trước, Đức Piô XII đã gọi người
Kitô hữu là “Giáo Hội” và coi vai trò của họ như những người
“đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ,
Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người.” Rất
tiếc, phần đông Kitô hữu Việt Nam, cho đến nay vẫn sống như
những người ở ngoài Giáo Hội. Họ không được giao phó những công
việc cần thiết hợp khả năng, cũng như được tín nhiệm để hoàn tất
ơn gọi của họ trong Giáo Hội. Trước mắt nhiều giáo sỹ, họ vẫn là
những “con chiên”, và hơn thế, là những con chiên dốt nát cần
phải được chăn dắt tận tình. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ
tại sao những dấu hiệu của lối sống thiếu trưởng thành vẫn ảnh
hưởng trầm trọng đến đời sống tâm linh của rất nhiều Kitô hữu
Việt Nam. Điển hình là:
- Sống đạo theo tình cảm.
- Sống đạo theo hình thức.
- Theo đạo không sống đạo.
- Thần tượng hóa giới tu hành.
- Sống lệ thuộc vào giáo hội cơ chế.
***
1.
SỐNG ĐẠO THEO TÌNH CẢM
Cảm tình là những tác động dùng để phản ảnh
nỗi vui mừng, sự buồn bực, giận dữ, khó chịu, hoặc thư sướng
trong cách thức và hình thái cư xử của mỗi người chúng ta. Những
trạng thái này gồm: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Toàn bộ những
cảm xúc này quyện lẫn và hòa tan vào một người và làm nên tư
cách và lối sống của người đó. Không ai giống ai, và cũng không
ai buộc phải như ai. Thí dụ, có người nóng nẩy, hoặc có người
lại hiền hòa và chậm dãi trong những phản ứng của họ trước những
sự kiện xẩy ra trong đời sống thường ngày. Hoặc người này dễ
khóc, dễ bồi hồi xúc động; trái lại, người kia bình tĩnh và trầm
mặc trước một biến cố xẩy ra cho họ. Cùng một hoàn cảnh, cùng
một biến cố mà người thì khóc lóc, người thì trầm lặng; người
thì nóng nẩy, vội vã, người khác bình tĩnh, thư thái.
Tùy theo mức độ di truyền, ảnh hưởng của văn
hóa, xã hội, và đường lối giáo dục của gia đình, học đường, hoặc
môi trường chung quanh, mà mỗi người có một cảm quan và tình cảm
sống khác nhau. Thí dụ, nếu tôi thừa hưởng nơi bố tôi cái tính
vui vẻ, dễ dãi, sau đó sinh ra, tôi lại được sống dưới sự hướng
dẫn của một người bố có tinh thần vui tươi, cộng thêm môi trường
gia đình, học đường, và xã hội chung quanh khiến tôi trở thành
một người có tính tình vui tươi, cởi mở. Nhưng điều đó không có
nghĩa là tôi không phải chiến đấu với cái dục vọng và tham lam
vẫn có trong tôi. Hoặc một người thừa hưởng được một di truyền
về đam mê và giầu nghị lực, nhưng vì không được hướng dẫn đúng
với đường lối giáo dục, và bị ảnh hưởng của môi trường xấu đã
biến khả năng mạnh mẽ ấy thành một lối sống thảo khấu, tàn ác,
bất nhân, đầy tham vọng.
Trong tương quan xã hội, tình cảm thiếu trưởng
thành ở một em nhỏ được cho là những cử chỉ nhõng nhẽo, vòi
vĩnh, và hờn dỗi. Nhưng đối với một người lớn thì được cho là
bất nhất, thay đổi, thiếu nhất quán, và thiếu quyết tâm. Thông
thường, người trưởng thành về mặt tình cảm ít khi phải lấn cấn,
và thay đổi nhiều mỗi khi phải quyết định một việc gì, bởi vì họ
không để những buồn, vui, giận, ghét, yêu thích của họ chi phối
trong những quyết định của mình.
Tình cảm thiếu trưởng thành dù là ở một em nhỏ
hay một người đã lớn làm cho người khác có thể hiểu và thông
cảm, nhưng không được chấp nhận và khen thưởng. Nếu cha mẹ, hoặc
phụ huynh coi việc nhõng nhẽo, hoặc hờn dỗi của con mình là
đúng, và bênh vực những hành động này, họ sẽ bị chê là chiều
con, hoặc nhu nhược. Riêng đối với những người lớn tuổi, hành
động thiếu trưởng thành về mặt tình cảm sẽ được coi là những
người ấu trĩ, và không thể tin tưởng để trao phó trách nhiệm.
Hoặc nếu có trách nhiệm thường là hành xử theo cảm tình, và
những việc làm như thế bao giờ cũng mang lại những hậu quả không
mấy tốt đẹp.
Sống đạo một cách trưởng thành về mặt tình
cảm, do đó, là một lối sống vượt trên những cảm xúc nhất thời.
Vượt trên những yếu tố có tính cách vui, buồn, bực bội, hoặc dễ
dãi theo cảm tình. Một cách nào đó, người Kitô hữu không thể
sống đạo với những yếu tố bên ngoài, hoặc những thôi thúc và dồn
nén theo cảm tình. Người Kitô hữu trưởng thành về mặt tình cảm
luôn luôn trung thành với giáo lý, với đức tin và với Thiên
Chúa. Khi vui cũng như khi buồn. Lúc gặp may mắn cũng như khi
gặp thử thách. Thành công hay thất bại. Được người đời khen hay
chê. Luôn luôn vẫn một niềm trung tín và đặt trót tin tưởng vào
Thiên Chúa, và không để mình bị chi phối, hoặc khủng hoảng về
những chuyện xẩy đến cho mình hay cho những người thân yêu của
mình.
Xét về những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng
chung đến những sinh hoạt Giáo Hội, thí dụ, cơn khủng hoảng tình
dục như đã xẩy ra cho Giáo Hội Hoa Kỳ gây tốn kém cho Giáo Hội
này hơn 2 tỷ Mỹ Kim tiền bồi hoàn, kéo theo một Hồng Y, một số
Tổng Giám Mục, Giám Mục phải từ chức. Hoặc như biến cố gây rung
động đức tin Kitô Giáo như vụ The Da Vinci Code, cuốn tiểu
thuyết của Dan Brown xuất bản tháng 3 năm 2003 và được đóng
thành phim trình chiếu vào tháng 5 năm 2006, trực diện phỉ báng
Giáo Hội, và thiên tính của Chúa Giêsu. Hay như cơn khủng hoảng
lãnh đạo, những khó khăn hiện nay của Giáo Hội Việt Nam khi đối
phó với nhà cầm quyền vô thần Cộng Sản. Dư luận về giám mục này
theo Cộng Sản. Linh mục kia quốc doanh. Linh mục khác có vợ và
con. Tất cả những thứ đó tuy có phần nào làm cho các Kitô hữu
phải suy nghĩ, đặt vấn đề, nhưng từ trong thâm tâm, và nơi niềm
tin bất biến vào Thiên Chúa, người Kitô hữu trưởng thành là
người vẫn tin đạo, vẫn sống đạo, và vẫn hành đạo, vì biết rằng
Giáo Hội này là của Chúa.
Chính Thiên Chúa đã sáng lập nên Giáo Hội, và
ngài đã, đang và sẽ điều hành Giáo Hội theo ý muốn của ngài.
Những người nắm giữ các chức vụ trong Giáo Hội tuy hành động
theo ý họ, hoặc theo những quyền lợi riêng tư của họ, nhưng
Thiên Chúa vẫn có khả năng biến những sự dữ ấy nên những điều
thiện hảo cho những ai có lòng yêu mến và tin kính ngài, theo
Thánh Phaolô: “Tất cả đều là hồng ân”. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu
phán với Phêrô khi đặt ông làm đá tảng cho tòa nhà Giáo Hội mà
ngài sẽ xây dựng: “Con là Đá, và trên Đá này thầy sẽ xây giáo
hội thầy, mà cửa hỏa ngục cũng không phá nổi” (Mt 16:18).
Chúa Giêsu xây Giáo Hội. Giáo Hội ấy cũng
chính là mỗi người chúng ta theo như lời Đức Piô XII. Như vậy,
thái độ trưởng thành của người Kitô hữu chính là sống niềm tin
và sống đời Kitô hữu mình một cách tin tưởng, trưởng thành và
vượt trên những cảm tình của mình, hay của những người khác.
CẢM TÌNH ẢNH HƯỞNG ĐỜI SỐNG TÂM LINH:
Câu hỏi được đặt ra ở đây là
cảm tình ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của các Kitô hữu như
thế nào? Và đâu là những dấu hiệu của những hành động ấy? Sau
đây là một vài câu trả lời:
1- Trong một buổi họp hội đồng giáo xứ, linh
mục chính xứ vì bất đồng ý kiến với một số vị trong hội đồng. Dù
biết mình đuối lý những để chứng tỏ mình là người có quyền, linh
mục chính xứ đã đập bàn, quát tháo các thành viên trong hội
đồng, và giận dữ ra khỏi phòng họp.
2- Trong một buổi cung nghinh Thánh Tượng Đức
Mẹ Thánh Du, vì không được bầu làm trưởng ban tổ chức, một ông
chủ tịch đã vùng vằng bỏ họp ra về. Ông đã giận linh mục chính
xứ và cũng từ đó thôi luôn không tham dự các sinh hoạt của giáo
xứ. Bỏ thánh lễ, và bỏ đạo. Theo ông, linh mục chính xứ đã làm
ông mất mặt trước cộng đoàn giáo xứ, vì ông đã là chủ tịch thì
đương nhiên phải được bầu làm trưởng ban tổ chức.
3- Một bà hội trưởng Hội Đạo Binh Đức Mẹ, vì
không được chị em tín nhiệm bầu lại trong nhiệm kỳ khóa hai nên
nghỉ sinh hoạt với hội, và cũng cấm luôn người con trai không
cho làm huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ nữa mặc
dù trước ngày và giờ bầu cử, bà luôn miệng nói rằng mình sẽ nghỉ
và nhường chức hội trưởng cho những chị em khác xứng đáng hơn
mình.
4- Trong một buổi tĩnh tâm, hội thảo khi đến
nghi thức hòa giải (làm hòa với Thiên Chúa và anh chị em),
người điều khiển chương trình vừa tuyên bố, “Tiếp sau đây là
nghi thức hòa giải với Thiên Chúa. Ai thấy mình cần làm hòa với
Thiên Chúa xin mời đến toà cáo giải. Ở đây chúng ta có 3 linh
mục ngồi tòa. Hai vị cũ, và một vị mới mở tay tháng trước, tức
là tân linh mục.”
Mọi người ùn ùn đứng dậy xếp hàng chờ hòa giải
với Thiên Chúa. Hàng của vị tân linh mục đông gấp hai lần các vị
khác. Và người ta nghe được những tiếng xì xào:
- Đã xưng thì xưng cha mới, chứ cha cũ xưng
mãi chán lắm!
Và trong khi đang đứng sắp hàng chờ xưng tội,
một bà đã khều một bà khác và nói:
- Chị xưng tội chưa? Sao còn ngồi đó.
- Em mới xưng tuần trước rồi, thôi không xưng
nữa đâu. Bà này đáp lại.
- Thì xưng cho vui ấy mà. Tôi cũng mới xưng
tuần trước. Người ta xưng mà mình ngồi đó coi kỳ quá.
Đập bàn, la mắng, quát tháo và bỏ ra khỏi
phòng họp. Hành động như vậy là vị linh mục đã tỏ ra tư cách
thiếu trưởng thành, và thiếu khả năng lãnh đạo. Vị linh mục này
đã để những cảm tình nóng nẩy, và những ý kiến riêng tư mình chi
phối những quyết định lớn lao của giáo xứ, và hành động theo cảm
tình, theo cái ấu trĩ của một người đã lớn tuổi. Từ ngữ chuyên
môn trong ngành tâm lý gọi là thiếu chức nghiệp.
Bỏ đạo vì không được giao phó trách nhiệm
trưởng ban tổ chức cuộc rước. Vị chủ tịch kia cũng đã hành động
và sống đạo theo tình cảm và trọng cái vẻ bề ngoài. Ông đã bỏ
mất đức tin chỉ vì hoàn cảnh không cho phép đạt được những điều
ông ưa thích. Hành động của ông giống như hành động của những
đứa trẻ ưa làm nũng, và hễ điều gì không được ý thì nằm lăn ra
khóc lóc và ăn vạ.
Nghỉ sinh hoạt vì không được bầu làm hội
trưởng thêm một nhiệm kỳ nữa. Đây cũng là tâm thức thiếu trưởng
thành. Nó cũng giống như suy nghĩ và hành động của vị chủ tịch
mà vì không được đặt làm trưỏng ban tổ chức buổi cung nghinh đã
bỏ đạo. Với cái nhìn tâm linh thì nó là những tác động của một
đức tin yếu kém và một lòng mến lỏng lẻo.
Xưng tội âi cho vui. Xưng tội linh mục mới và
không xưng tội linh mục cũ. Hành động này rõ ràng nói lên một
lối sống đạo tình cảm và thiếu hẳn ý thức về tôn giáo và đạo lý.
Làm sao lại có thể đùa chơi với bí tích Hòa Giải bằng một hành
động theo cảm tình và hời hợt đạo lý như vậy.
Những câu truyện vừa nêu trên như những thí dụ
mà chúng ta vẫn thường thấy xẩy ra đầy rẫy trong sinh hoạt tôn
giáo hằng ngày, dù được nói tới hay không nói tới. Vậy đâu là
nguyên nhân của một lối sống đạo tình cảm như thế?
ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN:
Quan niệm về một lối sống đạo
cảm tình này có thể phần nào được tìm thấy qua tâm lý chung của
người Việt Nam. Thật vậy, có lẽ trước con mắt của những người
ngoại quốc, người Việt Nam vẫn được coi như một dân tộc giầu
tình cảm, giầu tình tự dân tộc. Với cái nhìn xã hội, thì họ là
những người hiếu khách, và vui vẻ.
Hình ảnh và quan hệ gia đình. Sự liên hệ xóm
giềng, và những liên đới trong mối tương quan làng xóm có lẽ đã
tạo nên tâm lý nhậy bén, xúc cảm với những người cùng chung một
mái ấm gia đình, cùng chung một huyết thống, và cùng chung một
làng xã.
Nhưng có thể cũng là do ảnh hưởng của tâm lý
sống còn sau những tháng năm dài lê thê của 1000 năm nô lệ Tầu,
100 nô lệ Tây. Và ngay cả hôm nay, dưới những hà khắc và tàn bạo
của chế độ Cộng Sản. Trước những bi thương và đau đớn cùng đường
ấy, bản năng sinh tồn của con người đành phải tìm cách để vươn
lên, để sống còn, mà một trong những phương thức sống còn là gây
hoặc tạo cảm tình tốt đối với những người chung quanh. Không
muốn biến mình thành kẻ thù của những người chung quanh. Nhưng
khi diễn tả cảm tình tốt, thì một trật, những cảm tình xấu, tức
là những hành động theo tự nhiên không kiểm chứng cũng bột phát.
Và đó là lý do ảnh hưởng của tình cảm đã chi phối tư tưởng và
hành động sống đạo của hầu hết Kitô hữu Việt Nam.
Tuy không có một thống kê nào được thực hiện
để nói lên tương quan văn hóa và xã hội ảnh hưởng trên cảm tình
sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam, nhưng chúng ta có thể nhận
thấy ảnh hưởng này qua sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt của những
hội đoàn, hội ái hữu, hiệp hội tại các xứ đạo ở Việt Nam, và
ngay cả tại hải ngoại. Vô số những hội đồng hương xuất hiện. Hội
đồng hương của những người cùng giáo phận cũ, giáo xứ cũ ở Việt
Nam. Hội đoàn này đua với hội đoàn kia về cờ đoàn, về đồng phục,
và về số hội viên. Một người có thể tham gia nhiều hội đoàn để
được tiếng là năng nổ và đạo đức. Đặc biệt, là nếu sau này có
chết đi thì được nhiều hội đoàn đến đọc kinh, thăm viếng, và đưa
xác! Chúng ta vẫn thường nghe những câu nói, đại khái:
- Đám cưới con gái ông Tấn có đến 7 cha đồng
tế, vì ông ta quen biết nhiều với các cha, và sinh hoạt trong
nhiều đoàn thể.
Hoặc:
- Đám tang ông Tự lớn quá! Cả chục cha làm lễ.
Các vòng hoa phúng điếu đặt ra cả ngoài nhà thờ. Đại diện các
hội đoàn lên phân ưu mãi không hết. Vì con ông ấy sinh hoạt và
làm chủ tịch cộng đoàn nhiều nhiệm kỳ, và còn làm cố vấn của
nhiều hội đoàn, đoàn thể.
SỐNG ĐẠO THEO TÌNH CẢM:
Không ai có thể loại bỏ yếu tố
tình cảm trong đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh của một
người. Cũng thánh Gioan Boscô khi nói về yếu tố tình cảm liên
quan đến đời sống đạo đức đã nói: “Một ông thánh buồn là một ông
thánh đáng buồn.” Bởi vì sự buồn rầu luôn là một kết quả tiêu
cực trong cuộc sống. Nó không những làm héo hắt tim gan, mà còn
dẫn đến những ý nghĩ và tư tưởng bi quan, yếm thế.
Do đó, để cảm tình chi phối và hành động theo
cảm tình không biểu thị cho một tâm hồn đạo đức trưởng thành, vì
hành động tâm linh đòi hỏi sự trưởng thành. Một Kitô hữu không
thể trở thành một thánh nhân được nếu mặt mũi lúc nào cũng ủ rũ,
cũng buồn bực, và miệng không nở một nụ cười.
Nhưng để cho tình cảm chi phối trong cuộc sống
của mình, nhất là cuộc sống tâm linh lại là một điều mà người
Kitô hữu trưởng thành cần phải lưu ý.
Sống đạo theo tình cảm. Kinh đọc rang rang. Đi
lễ hai, ba lần một ngày. Không đọc mỗi ngày một chuỗi kinh Mân
Côi là bứt rứt không ngủ được. Nhưng khi có người nghèo đói,
túng thiếu cần đến sự giúp đỡ thì lại quay mặt làm ngơ.
Trong biến cố giáo sỹ lạm dụng tình dục được
nổ ra tại Hoa Kỳ gần đây, một số người đã hoang mang và bỏ đạo.
Họ bất mãn vì Giáo Hội Hoa Kỳ đã che dấu những lạm dụng quá đáng
ấy. Và họ tỏ ra nghi ngờ khả năng điều hành Giáo Hội. Họ bắt đầu
đặt những vấn nạn về tiền bạc được dâng cúng vì thấy rằng Giáo
Hội Hoa Kỳ đã phải chi ra hơn 2 tỷ đô la bồi hoàn cho những nạn
nhân. Và điều này khiến họ thấy mất tin tưởng và đã khiến một số
bỏ đạo.
Nhưng chính vì sống đạo trưởng thành mà nhiều
Kitô hữu Hoa Kỳ vẫn giữ được đức tin. Theo kết quả của cuộc thăm
dò của tạp chí Catholic Digest: 3
1. 73% người công giáo nói rằng cuốn The Da
Vinci Code không ảnh hưởng gì đến niềm tin của họ. Và có đến nhà
thờ sau khi đọc cuốn sách này.
2. 23% đã đọc toàn bộ hay một phần cuốn
sách.
3. 63% cho biết họ không đọc cuốn sách hoặc
không thích đọc những cuốn sách giả tưởng (fiction) như thế.
4. 91% cho rằng việc đọc một cuốn sách như
thế chẳng có gì là sai cả.
Một cách tương tự, khi phải đối diện với những
thách đố hiện nay trong đời sống tâm linh, cũng như những khó
khăn hoặc lấn cấn mà Giáo Hội Việt Nam hiện đang phải đối đầu
với chế độ độc tài và vô thần Cộng Sản, hoặc sau này với trào
lưu văn minh và tiến bộ của nhân loại sau khi Cộng Sản vô thần
bị dẹp bỏ, người Kitô hữu Việt Nam phải hành động và sống đức
tin của mình như thế nào? Chúng ta có cần loại bỏ dần những lối
sống đạo cảm tình, để đối diện với những thách đố lớn lao đang
chờ đón và để minh chứng đức tin của mình hay không? Một lối
sống đạo mà dù muốn hay không muốn đang gặp phải những thách đố
lớn lao với trào lưu tư tưởng, và ảnh hưởng văn minh của khoa
học, và tâm lý con người thời nay?! Henri Lacordaire nói: “La
réligion, fut-elle fausse, est un élément necessaire à la vie
d’un people.” Tôn giáo, dù nhảm nhí chăng nữa, vẫn là một yếu tố
cần thiết cho một dân tộc. Vì thế, không bao giờ nên sao nhãng
nó. Đặc biệt sống niềm tin tôn giáo bằng thái độ thiếu trưởng
thành.
________
1. Second Vatican Council, Dogmatic
Constitution on the Church Lumen Gentium, 48.
2. Pius XII, Discourse to the new cardinals,
Feb. 20, 1946:AAS38(1946), 149.
3. USA Today, 25.4.2006.
(Kỳ sau: SỐNG ĐẠO THEO HÌNH THỨC). |