Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới
Lần Thứ VI tại Mexico


§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình
Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ VI
(Mexico, D.F., 16 - 18 tháng 01, 2009)

“Gia đình là thầy dạy về các giá trị nhân bản và Kitô”

Đề tài 10: Gia đình, đối tượng và là tác nhân của công cuộc Phúc âm hóa mới

1. “Việc Phúc âm hóa tương lai phần lớn phụ thuộc vào Hội Thánh tại gia” (Diễn văn của đức Gioan Phaolô II tại Đại Hội lần III các giám mục châu Mỹ Latinh, 1979). Hơn nữa, gia đình là trái tim của công cuộc Phúc âm hóa mới (Diễn văn của đức Gioan Phaolô II nói với các Giám mục Phi châu đặc trách mục vụ gia đình, 1992). Lịch sử của Giáo Hội đã xác nhận điều này kể từ lúc khởi đầu. Một trường hợp tiêu biểu là thánh Augustinô, được sám hối trở lại nhờ ơn Chúa với bao nhiêu là nước mắt của mẹ, là thánh nữ Monica. Gia đình thực hiện “sứ mạng loan báo Tin mừng của mình chủ yếu qua giáo dục con cái” (EV 92).

2. Sứ mạng loan báo Tin mừng của gia đình có căn nguyên từ Phép Rửa tội và nó mang lấy một hình thức mới với ân sủng của bí tích Hôn nhân.

3. Nhiệm vụ Phúc âm hóa của gia đình Kitô hữu đặc biệt cần thiết và cấp bách ở những nơi mà luật pháp chống tôn giáo thậm chí ngăn cấm cả việc giáo dục đức tin, hoặc nơi người ta càng ngày càng không tin, hoặc những nơi mà bầu khí thế tục hóa lan rộng đến nỗi thực hành một đời sống tôn giáo đích thực về thực tế là không thể. Hoàn cảnh này đặc biệt có ở các nước khối cộng sản hoặc trước đây vốn là cộng sản và những nước được gọi là thế giới thứ nhất. Hội Thánh tại gia là môi trường duy nhất ở đó các em bé và thiếu nhi có thể được học một giáo lý đích thực về những chân lý hết sức nền tảng.

4. Gia đình cũng có một phương cách đặc thù để loan báo Tin mừng, không cung cấp những bài diễn thuyết hay bài học lý thuyết trọng đại, nhưng qua tình yêu thương hàng ngày, sự đơn sơ, cụ thể và chứng từ của mỗi ngày. Với khoa sư phạm này, gia đình chuyển giao các giá trị quan trọng nhất của Tin mừng. Nhờ phương pháp này, đức tin âm thầm thấm dần vào bên trong, nhưng rất thực đến nỗi biến gia đình thành một thứ chủng viện đầu tiên và tốt nhất cho ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến và độc thân giữa đời.

5. Các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu có phục vụ Tin mừng thì các việc phục vụ ấy về bản chất đều có tính Hội Thánh. Nghĩa là nó đâm rễ và xuất phát từ sứ mạng duy nhất của Hội Thánh và hướng đến xây dựng Thân Mình Đức Kitô. Bởi vậy, nhiệm vụ Phúc âm hóa của gia đình phải kết hợp và hòa hợp trong tinh thần trách nhiệm với các hoạt động phục vụ Phúc âm hóa và Giáo lý của giáo phận và giáo xứ.

6. Tính chất Hội Thánh này đòi hỏi sứ mạng Phúc âm hóa của gia đình Kitô giáo có một chiều kích truyền giáo và phổ quát, hoàn toàn phù hợp với lệnh truyền chung của Đức Kitô “các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Do đó, có thể một vài cha mẹ cảm thấy cấp bách phải mang Tin mừng Đức Kitô “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), như đã có trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Dù sao đi nữa, một hoạt động truyền giáo phải được thực hiện ở trong môi trường gia đình mình, bằng cách loan báo Tin mừng cho những người bà con không tin hoặc còn xa cách về mặt đức tin hoặc cho các gia đình không sống phù hợp với Tin mừng hôn nhân.

7. Gia đình Kitô hữu trở nên cộng đoàn truyền giáo khi nó đón nhận Tin mừng và trưởng thành trong đức tin. “Cũng như Giáo hội, gia đình phải là một nơi Tin mừng được chuyển giao và từ đó Tin mừng được chiếu sáng. Do đó, trong thâm sâu của một gia đình ý thức sứ mạng này, tất cả mọi thành viên đều loan báo Tin mừng và được loan báo Tin mừng. Cha mẹ không chỉ thông truyền Tin mừng cho con cái, nhưng còn đón nhận từ chúng Tin mừng sống cách sâu sắc. Một gia đình như thế thì phúc âm hóa những gia đình khác và môi trường của mình” (EN 71).

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments