Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình
Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ VI
(Mexico, D.F., 16 - 18 tháng 01, 2009)
“Gia đình là thầy dạy về các giá trị nhân bản và Kitô”
Đề tài 8: Những người cộng tác với
Gia đình: giáo xứ và nhà trường
1.
Nền giáo dục Kitô giáo chắc chắn nhắm tới sự trưởng thành nhân
bản của mỗi con người, nhưng nỗ lực trước hết làm cho các tín
hữu mỗi ngày một ý thức hơn ân huệ đức tin mà họ đã lãnh nhận,
họ phải học để biết thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và
chân lý (x. Ga 4,23), đặc biệt là qua hành động phụng vụ; họ cần
được chuẩn bị để sống theo “con người mới” trong sự công chính
và thánh thiện của chân lý (x. Ep 4,22-24) và nhờ thế họ đạt tới
con người hoàn hảo, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep
4,13) và góp phần vào sự tăng trưởng của Nhiệm Thể của Người; họ
phải quen với việc làm chứng cho niềm hy vọng có ở nơi họ (1Pr
3,15) và góp phần vào việc thăng tiến của thế giới theo nghĩa
Kitô giáo (x.Gravissimum educationis, 2).
2. Khi sinh con
vào đời, cha mẹ nhận lấy trách nhiệm nặng nề phải giáo dục
chúng, và đồng thời nhận lấy quyền của nhà giáo dục đầu tiên và
chính yếu đối với con cái mình. Bởi thế, họ có nhiệm vụ phải tạo
một môi trường ấm cúng của gia đình đầy tình yêu thương và bầu
khí đạo đức hướng đến Thiên Chúa và hướng về con người, thuận
lợi cho việc giáo dục toàn diện con người. Do vậy, như đã nói
trong những bài giáo lý trước đây, gia đình là trường học đầu
tiên dạy những đức tính xã hội mà mọi xã hội đều cần đến, là nơi
ngay từ những năm tháng đầu đời con cái học nhận biết và thờ
phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, là một nơi chúng học được
những kinh nghiệm đầu tiên về xã hội loài người và về Giáo hội,
là môi trường hiệu quả nhất dẫn đưa con trẻ vào xã hội dân sự và
dân Chúa. Do đó gia đình Kitô hữu thực sự cực kỳ quan trọng đối
với đời sống và sự phát triển của Giáo hội, đến nỗi nếu không có
gia đình rất khó có gì có thể bù đắp được.
3. Tuy nhiên, tự
mình gia đình không đủ khả năng thực hiện sứ mạng của mình nhưng
cần đến sự trợ giúp của Nhà Nước. Chính xã hội dân sự có bổn
phận phải bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của cha mẹ và những người
khác liên quan tới giáo dục, hợp tác với cha mẹ, khi cha mẹ và
những tổ chức xã hội khác không đủ sức thực hiện công trình giáo
dục theo nguyên tắc bổ trợ và thỏa mãn những ước muốn của cha
mẹ, và lập ra những trường học và học viện thích hợp theo đòi
hỏi của ích lợi chung. Do vậy, Nhà Nước, thay vì ở thế đối kháng
hoặc tranh chấp với các cha mẹ, nên trở thành bạn đồng minh và
người hợp tác tốt nhất của họ bằng cách sẵn sàng hỗ trợ và chỉ
cung cấp những gì mà cha mẹ không thể làm được và làm theo những
chỉ dẫn của họ. Trong việc hợp tác trung thành và hiệu quả đó có
sự góp phần quan trọng của các thầy cô giáo ở những trung tâm
giáo dục cả công lẫn tư. Các em là những người thừa hưởng đầu
tiên thành quả sự hợp tác này, nhưng xã hội và trường học cũng
được hưởng nhờ bởi vì những trẻ em này sẽ là những công dân tốt
trong tương lai và nhiều em sẽ góp phần quan trọng cho sự tiến
bộ nhà trường.
4. Gia đình cũng
cần đến giáo xứ. Thật vậy, cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái
trên hết qua chứng từ đời sống Kitô hữu của họ, nhất là bởi kinh
nghiệm của một tình yêu vô cầu, tình yêu mà họ dành cho con cái
của họ và tình yêu sâu xa mà họ dành cho nhau, đó là dấu chỉ
sống động của tình yêu Thiên Chúa là Cha. Hơn nữa, theo khả năng
của mình họ được mời gọi giáo dục tôn giáo cho con cái, việc này
thường mang tính chất cơ hội hơn là theo hệ thống lớp lang, họ
thực hiện bằng cách mạc khải sự hiện diện của mầu nhiệm Chúa
Kitô Đấng Cứu chuộc trong thế giới, trong những biến cố của cuộc
sống gia đình, trong những ngày lễ của năm phụng vụ, trong những
sinh hoạt ở trường học, trong giáo xứ và trong các hội đoàn,
v.v… Tuy nhiên, họ cần sự giúp đỡ của giáo xứ bởi vì đời sống
đức tin của con cái trưởng thành khi chúng hòa nhập một cách ý
thức vào đời sống cụ thể của dân Thiên Chúa, vốn được thể hiện
đặc biệt trong giáo xứ. Đó là nơi trẻ con, thiếu nhi, rồi người
lớn cử hành và kín múc nguồn sinh dưỡng từ các bí tích, chúng
tham dự Phụng vụ và gắn bó với một cộng đồng sinh động sống đức
ái và việc tông đồ. Bởi thế, giáo xứ phải luôn sẵn sàng phục vụ
cha mẹ, chứ không phải ngược lại, đặc biệt trong các bí tích
khai tâm Kitô giáo.
5. Gia đình,
trường học và giáo xứ là ba thực thể kết hợp và hợp nhất với
nhau cho việc giáo dục nghĩa vụ dành cho con trẻ. Càng hợp tác
và trao đổi với nhau, quan hệ càng gắn bó mật thiết với nhau,
viêc giáo dục con cái sẽ càng có hiệu quả. |