Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình
Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ VI
(Mexico, D.F., 16 - 18 tháng 01, 2009)
“Gia đình là thầy dạy về các giá trị nhân bản và Kitô”
Đề tài 5: Gia đình, mở ngỏ hướng đến
Thiên Chúa và anh em đồng loại
1.
Con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa để sống
và chung sống với Ngài. Thái độ vô thần, bất khả tri, hay dửng
dưng với tôn giáo không phải là những hoàn cảnh tự nhiên đối với
con người và chúng không thể là những tình trạng cuối cùng cho
một xã hội. Con người trong bản chất của mình liên kết với Thiên
Chúa giống như một ngôi nhà gắn bó với người kiến trúc sư đã xây
dựng nên ngôi nhà đó. Những hậu quả đau đớn do tội lỗi chúng ta
gây ra có thể làm mờ tối đi viễn tượng này, nhưng sớm hay muộn
chúng ta cũng sẽ khát mong ngôi nhà và tình yêu của Cha trên
Trời. Chúng ta giống như tình trạng đứa con hoang đàng trong dụ
ngôn (của thánh Luca): nó vẫn mãi là đứa con một khi đã bỏ nhà
cha đi xa, và dẫu cho tội lỗi thế nào, cuối cùng nó vẫn cảm thấy
một khát khao muốn trở về không cưỡng lại được. Quả thế, mọi
người đều luôn cảm thấy có một khát vọng hướng đến Thiên Chúa và
họ có cùng một kinh nghiệm như thánh Augustinô, cho dẫu họ không
có khả năng diễn tả điều ấy ra cách mạnh mẽ và tuyệt vời như
ngài: “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và vì thế
tâm hồn chúng con vẫn sẽ trăn trở mãi cho đến khi được nghỉ yên
trong Ngài mà thôi” (Tự Thú, 1,1).
2. Ý thức thực tế
đó, gia đình Kitô hữu đặt Thiên Chúa ở chân trời cuộc sống của
con cái mình ngay từ sớm lúc con cái bắt đầu có ý thức. Đó chính
là môi sinh mà chúng hít thở và hòa nhập sống. Môi sinh ấy giúp
con cái khám phá và đón nhận Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Chúa
Thánh Thần và Hội Thánh. Một cách hoàn toàn phù hợp, cha mẹ xin
Hội Thánh cho con mình chịu Bí tích Thánh tẩy, ngay từ lúc chúng
vừa mới sinh ra, và vui mừng đem chúng đến giếng nước Rửa tội.
Rồi cha mẹ chuẩn bị cho con đón nhận Rước lễ lần đầu và Bí tích
Thêm sức, và ghi danh cho con tham dự các lớp giáo lí của giáo
xứ và tìm trường tốt nhất cho con nơi có một nền giáo dục Công
giáo tốt.
3. Tuy nhiên, một
nền giáo dục Kitô đích thực không chỉ giới hạn vào việc đặt
Thiên Chúa vào trong những biến cố quan trọng của cuộc đời chúng
mà thôi, nhưng là đặt Thiên Chúa vào ngay trung tâm của cuộc đời
chúng một cách như thế nào để tất cả những hoạt động và thực tại
khác (như trí tuệ, tình cảm, tự do, lao động, nghỉ ngơi, đau
khổ, bệnh tật, những cuộc vui, những phúc lợi vật chất, văn hóa,
nói tóm lại là tất cả mọi sự) được khuôn đúc và uốn nắn bởi tình
yêu đối với Chúa. Trẻ phải được tập quen với suy nghĩ trước mỗi
hành động: “Chúa muốn tôi làm gì hoặc không làm gì giờ phút này
đây?” Chúa Giêsu đã xác nhận đức tin và niềm xác tín của những
tín hữu Cựu ước về cái mà họ xem là “giới răn trọng nhất”, khi
Người trả lời vị tiến sĩ Luật rằng : “Giới răn trọng nhất là thế
này: ngươi phải mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết
linh hồn, hết sức ngươi” (Mc 12,28; Lc 10,25; Mt 22,36t).
4. Công cuộc giáo
dục lấy tình yêu Chúa làm trung tâm điểm ấy được cha mẹ thực
hiện đặc biệt qua những thực tại đời sống hàng ngày: cầu nguyện
trong các bữa ăn gia đình, khơi dậy lòng biết ơn đối với Chúa
nơi con cái mỗi khi chúng đón nhận một hồng ân, chạy đến với
Chúa mỗi lúc gặp đau buồn dưới mọi hình thái, tham dự thánh lễ
ngày Chúa nhật với chúng, đi cùng với chúng đến Bí tích Hòa
giải, v.v…
5. Câu hỏi của vị
tiến sĩ Luật chỉ là: “Đâu là giới răn quan trọng nhất?” Nhưng
khi trả lời, Đức Giêsu còn nói thêm: điều răn thứ hai cũng giống
như điều trước “hãy yêu mến người thân cận của con như chính
mình”. Như thế tình yêu đối với người thân cận là “giới răn của
Người” và là “dấu chỉ” là môn đệ của Người. Một cách tinh tế về
tâm lí thánh Gioan đã kết luận: “Nếu chúng ta không yêu mến
người thân cận mà chúng ta trông thấy, làm sao chúng ta có thể
yêu mến Thiên Chúa Đấng mà chúng ta không thấy?” (1Ga 4,20).
6. Cha mẹ phải
giúp con cái mình khám phá người đồng loại, những người thân cận
mình, nhất là những người nghèo khổ, và thực hành những việc
phục vụ bác ái nhỏ bé nhưng thường xuyên chẳng hạn như: chia sẻ
những món đồ chơi hay quà tặng với anh em chị em của chúng, giúp
đỡ những người hèn kém, bố thí cho người nghèo bên đường, thăm
viếng những người bà con đau yếu, đỡ đần ông bà già yếu qua
những phục vụ nho nhỏ, chấp nhận người khác bằng cách tha thứ
những xúc phạm, giới hạn nho nhỏ của họ trong cuộc sống thường
ngày, v.v… Những việc đó nếu cứ được tái diễn sẽ hình thành nơi
các em một cách suy nghĩ và tạo ra những thói quen tốt để đối
diện với cuộc đời hay có “thành kiến” bằng một tình yêu mến con
người, và như thế khiến cho con cái mình có khả năng góp phần
tạo nên một xã hội mới. |