Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới
Lần Thứ VI tại Mexico


§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình
Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ VI
(Mexico, D.F., 16 - 18 tháng 01, 2009)

“Gia đình là thầy dạy về các giá trị nhân bản và Kitô”

Đề tài 4: Gia đình, người thông truyền các đức tính và giá trị con người

1. Gia đình, khai sinh từ sự hiệp thông trong đời sống thân mật và tình yêu vợ chồng vốn được đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nơi khởi đầu cho các quan hệ liên vị; gia đình là nền tảng của đời sống con người và là nguyên mẫu của mọi tổ chức xã hội. Chiếc nôi sự sống và tình yêu này là nơi xứng hợp cho con người sinh ra và lớn lên, đón nhận những khái niệm đầu tiên về sự thật và sự thiện, nơi con người học yêu và được yêu, và học biết nhân vị nghĩa là gì. Gia đình là cộng đồng tự nhiên trong đó người ta có được những kinh nghiệm đầu tiên và thực hành đầu tiên về xã hội loài người, bởi lẽ đó không chỉ là nơi con người khám phá tương quan liên vị giữa cái “tôi” và “bạn” mà còn mở đường ra cho cái “chúng ta” nữa. Người nam và người nữ hiến thân cho nhau trong hôn nhân tạo nên một môi sinh cho đứa bé có thể phát triển những tiềm năng của nó, ý thức phẩm giá của nó, giúp nó chuẩn bị để sẵn sàng đối diện với định mệnh của nó, một định mệnh độc nhất vô nhị. Trong môi sinh đầy ắp tình cảm tự nhiên đó liên kết các thành viên gia đình lại với nhau, mỗi con người với sự độc đáo của mình phải được nhìn nhận và nhận lấy trách nhiệm.

2. Gia đình giáo dục con người trong mọi chiều kích để phẩm giá con người nên trọn vẹn. Gia đình là môi trường thích hợp nhất để giáo dục và thông truyền các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo vốn thiết yếu cho sự phát triển và phúc lợi cho cả các thành viên của gia đình lẫn cho xã hội. Thật vậy, gia đình là mái trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà mọi dân tộc đều cần đến. Gia đình giúp con người phát triển một số giá trị nền tảng thiết yếu cho việc hình thành nên những công dân tự do, ngay thẳng và có trách nhiệm, chẳng hạn như sự thật, công bằng, tình liên đới, giúp đỡ người yếu, yêu thương tha nhân và chính mình, lòng khoan dung nhân hậu, v.v…

3. Gia đình là môi trường tốt nhất để xây dựng cộng đoàn và những mối tương quan huynh đệ trước những xu hướng cá nhân chủ nghĩa hiện nay. Thật vậy, tình yêu, vốn là linh hồn của gia đình trong tất cả mọi chiều kích của nó, chỉ có thể hiện hữu nếu người ta thành tâm biết tự hiến cho người khác. Yêu thương nghĩa là trao ban và nhận lãnh những gì người ta không thể mua hoặc bán mà chỉ có thể diễn tả cách tự do cho nhau. Bởi yêu thương, mỗi thành viên của gia đình được nhìn nhận, đón nhận và quí trọng với phẩm giá của họ. Tình yêu thương làm nảy sinh những mối quan hệ sống cho đi cách vô vị lợi và xuất hiện những quan hệ vô tư và sâu đậm bền vững. Như kinh nghiệm cho thấy, gia đình xây dựng theo từng ngày một mạng lưới những quan hệ liên vị và chuẩn bị cho ta sống trong xã hội với một bầu khí tương kính, công bằng và đối thoại thực sự.

4. Gia đình Kitô hữu cho con cái mình thấy rằng ông bà và những người già không phải là những người vô dụng vì họ không còn làm ra được cái gì, họ cũng không phải là một gánh nặng vì họ cần đến sự chăm sóc vô tư và thường xuyên của con cái hoặc cháu chắt. Vì gia đình dạy cho những thế hệ sau này rằng ngoài những giá trị kinh tế và hoạt động hiệu quả còn có những di sản khác mang tính nhân văn, văn hóa, đạo đức và xã hội hẳn vượt trổi hơn những giá trị kia.

5. Gia đình cũng giúp khám phá ra giá trị mang tính xã hội của những thiện hảo mà nó có. Một bàn ăn nơi đó chúng ta cùng chia sẻ những thức ăn phù hợp với sức khỏe và với lứa tuổi của mọi thành viên chẳng hạn, đó là một ví dụ, đơn giản nhưng rất hiệu quả để cho thấy ý nghĩa xã hội của những thiện hảo được tạo thành. Trẻ cần được hấp thu dần dần những tiêu chuẩn và thái độ sống, là những điều sẽ giúp nó trong tương lai trong một gia đình khác rộng lớn hơn, tức là xã hội.

Trang gia đình | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments