Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

VỢ CHỒNG GIÚP NHAU NÊN THÁNH

1. Nên thánh là ơn gọi và bổn phận của mỗi người đã nhận lãnh phép rửa, nhưng nên thánh không phải là một ơn gọi giống nhau cho mỗi người. Nói đến tiếng gọi là nói đến những hoàn cảnh cá nhân, một cuộc sống đặc thù.

Nên thánh trong bậc vợ chồng là một ơn gọi dành riêng cho những người sống đời lứa đôi. Nhưng ngay cả trong bậc sống này, mỗi người phối ngẫu cũng sống ơn gọi ấy với tất cả những gì là cá biệt, riêng rẽ nhất trong bản thân mình. Tuy nhiên con đường nên thánh không phải là con đường cô tịch nhưng là con đường rộng mở để ta cùng nắm tay nhau tiến bước.

Tương trợ nhau trong ơn gọi nên thánh là bổn phận của người tín hữu Kitô. Bổn phận này càng bó buộc hơn đối với những người sống đời vợ chồng. Yêu nhau, tận hiến cho nhau chính là muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Và điều tốt đẹp nhất cho một Kitô hữu không gì khác hơn là được lớn lên trong sự thánh thiện, giúp nhau thăng tiến trong đường trọn hảo. Đó là điều mà chúng tôi xin chia sẻ trong bài này.

2. Để trở thành những bậc phụ huynh tốt, trước tiên phải là những đôi vợ chồng tốt. Để trở thành những đôi vợ chồng tốt thì mỗi người phối ngẫu cần phải là một tín hữu tốt. Hai người tín hữu không sống đức tin không thể hợp thành một đôi vợ chồng tốt. Một người tàn tật cộng với một người tàn tật không thể trở thành một người khoẻ mạnh được.

Không phải đã nên vợ nên chồng thì đương nhiên nên một thể xác. Không hẳn đã làm phép cưới trong nhà thờ thì đương nhiên trở thành bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Nếu mỗi người phối ngẫu không quan tâm đến sự trưởng thành trong nhân cách và đức tin của mình thì mãi mãi cuộc sống lứa đôi có thể chỉ là một cuộc sống chung mà chưa phải là một xác thể và trở thành một bí tích đích thực của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Trước tiên mỗi người phải quan tâm đến sự trưởng thành của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để sống đời lứa đôi.

Đức tin đặt mỗi người chúng ta và chỉ mỗi người chúng ta trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Chính trước mặt Chúa mà mỗi người đón nhận mệnh lệnh của Ngài: “Các con phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Nên thánh là bổn phận của mỗi người. Cho nên, không ai có thể biện minh cho sự tầm thường của mình bằng gương xấu của người khác: “Tôi không khá hơn người khác. Tất cả mọi người đều làm như vậy, hoặc chồng tôi, vợ tôi không nghĩ như thế v.v..”.

Mỗi người, tự trong đáy thẳm tâm hồn mình, cần phải đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành”. Nên thánh là một đòi hỏi và đồng thời là một biểu lộ cao cả nhất của tình yêu. Yêu là trao ban và điều cao cả nhất mà người ta trao ban cho người khác chính là bản thân mình. Nhưng nếu không có làm sao ta có thể trao ban? Càng thánh thiện con người càng muốn trao ban cho người khác.

3. Nên thánh là một đáp trả của từng cá nhân đối với tiếng gọi của Chúa, nhưng chỉ qua cửa ngõ của phép rửa mà con người lắng nghe được tiếng gọi nên thánh ấy. Cho nên, chỉ trong Giáo Hội, ơn gọi nên thánh mới được ngỏ cho con người. Điều đó có nghĩa là không ai có thể nên thánh một mình.

Trong tình liên đới với mọi người đã chịu phép rửa, chúng ta cần có sự trợ giúp của người khác để sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Chúng ta cần có sự hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta cần có những nhà chuyên môn về tu đức hướng dẫn, nhất là chúng ta cần có lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội để xin ơn trợ giúp của Chúa. Nên thánh không phải chỉ là một cuộc thao dượt và cố gắng của ý chí. Nên thánh trước tiên là một tham dự vào sự thánh thiện của Chúa. Điều đó cũng là công trình của con người cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa. Nên thánh là một con đường do chính Chúa khai phá và mở rộng cho nhiều người. Không ai có thể đi về nhà Chúa mà không cùng nắm tay tiến bước với những người khác. Con đường nên thánh không phải là một con đường đơn độc buồn tẻ nhưng là một đại lộ, trong đó, mọi người cùng tiến bước với niềm hân hoan phấn khởi.

Niềm vui nào cũng cần được chia sẻ, càng được chia sẻ, niềm vui càng lớn lên. Sự thánh thiện đích thực được biểu lộ trước tiên bằng niềm vui. Người Tây phương vẫn nói, một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Do đó, sự chia sẻ cao quí nhất mà người ta có thể làm cho người khác chính là chia sẻ sự thánh thiện của mình. Nói cách khác, người Kitô hữu không những có bổn phận nên thánh mà còn phải giúp người khác nên thánh nữa.

4. Bổn phận này càng đòi buộc hơn trong đời sống vợ chồng. Với bí tích Hôn Phối, hai người nam nữ tạo thành một cộng đồng tình yêu vốn được ví như một Giáo Hội thu gọn. Thực thế, nếu Giáo Hội là bí tích tức là dấu chỉ và khí cụ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, thì gia đình là nơi ưu việt nhất để tính cách bí tích ấy của Giáo Hội được thể hiện.

Giáo Hội là thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Nhưng thực thể hữu hình ấy chỉ có thể hiện diện nhờ các Kitô hữu mà thôi. Và dĩ nhiên không nơi nào sự hiện diện của Giáo Hội được tỏ bày rõ nét cho bằng gia đình. Nơi đây, mọi người nhất là vợ chồng được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, được sinh động bởi cùng một tình yêu và được nâng đỡ, hướng dẫn bởi cùng một niềm hy vọng. Nếu sự hợp nhất là dấu hiệu khả tín nhất của Giáo Hội thì không nơi đâu người ta có thể tìm thấy dấu hiệu ấy một cách rõ nét cho bằng gia đình.

Chính vì là một Giáo Hội thu nhỏ, một Giáo Hội điển hình mà gia đình phải luôn luôn quan tâm đến vai trò bí tích tức vai trò chứng nhân của mình. Vai trò chứng nhân ấy không là trách nhiệm riêng rẽ của mỗi người mà là bổn phận của toàn thể gia đình. Bổn phận ấy chỉ có thể chu toàn với sự cộng tác của mỗi thành phần trong gia đình. Do đó, trong khi chu toàn bổn phận chứng nhân của gia đình mỗi người cũng quan tâm đến người khác để tất cả được liên kết với nhau trong cùng một quyết tâm làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Đức tin là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Qua bí tích Hôn Phối, cam kết tiên quyết nhất của hai người nam nữ Kitô hữu chính là giúp nhau vun trồng, bảo vệ và thăng tiến đức tin của mỗi người… Món quà cao quí nhất mà họ trao tặng cho nhau chính là đức tin. Chỉ khi nào đức tin được giữ vững thì tình yêu giữa hai vợ chồng và trong gia đình mới được bảo đảm.

Xây dựng hạnh phúc gia đình, bảo vệ tình yêu hôn nhân, điều đó chỉ có thể thực hiện được đối với người tín hữu Kitô khi nào niềm tin được vững vàng. Không có đức tin, tình yêu hôn nhân và gia đình chỉ như một ngôi nhà xây trên cát. Chỉ trong đức tin, hai người mới thực sự nên một trong thân xác và tâm hồn. Chỉ trong đức tin, tình yêu giữa hai người mới trở thành đức ái, hai người mới thực sự nên thánh thiện như Cha trên trời.

<<<

Mục Lục

>>>