Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

HỌC TẬP YÊU THƯƠNG

1. Kitô giáo là đạo của tình yêu. Tất cả cuộc sống của Kitô hữu là một cố gắng không ngừng để sống đạo yêu thương ấy; nhưng yêu thương là cả một nghệ thuật đòi hỏi phải được hiểu biết và trao đổi từng ngày. Ai cũng nói đến hai chữ tình yêu nhưng liệu người ta có thực sự hiểu biết thế nào là tình yêu đích thực không?

Kitô giáo vừa là trường dạy yêu thương vừa là nơi thực tập yêu thương. Người tín hữu Kitô sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra tầm quan trọng của việc giáo huấn và đào luyện trong Giáo Hội. Để có thể thực thi lòng mến, để biết yêu thương thực sự, họ phải trau dồi và học hỏi không ngừng.

Trong bài này chúng tôi xin bàn đến ba cột trụ của toà nhà tu đức mà dù sống trong bậc nào người tín hữu Kitô cũng đều phải xây dựng để có thể sống một cách sung mãn ơn gọi của mình. Ba cột trụ đó là: giáo lý, cầu nguyện và bác ái.

2. Cột trụ nền tảng của đời sống người tín hữu Kitô chính là giáo lý. Thiếu hiểu biết về giáo lý người ta dễ rơi vào sai lầm, từ đó, không sống bác ái một cách đúng đắn. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sự quá khích trong tôn giáo luôn phát xuất từ sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của mình.

Tôn giáo nào lại không dạy về tình yêu thương, sự khoan dung, lòng tha thứ? Thế nhưng tại sao vẫn có những hành động quá khích và bạo động nơi tín đồ của một số tôn giáo? Nguyên nhân chính hẳn phải là sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết nông cạn hay hiểu biết sai lệch về giáo lý của tôn giáo. Chiến tranh tôn giáo phát xuất từ sự thiếu hiểu biết ấy. Đã có một thời các tín hữu Kitô của nhiều nước tự cho là Kitô giáo đã tỏ ra bất khoan dung với những người không đồng tín ngưỡng với mình. Người ta giương cao ngọn cờ của Kitô giáo để tiêu diệt kẻ thù, người ta tưởng làm như thế là đẹp lòng Thiên Chúa.

Từ ngàn xưa, Giáo Hội vẫn xem giáo lý là cột trụ của đời sống đạo. Giáo Hội không ngừng tìm hiểu về mầu nhiệm của chính mình, cố gắng sống và trình bày mầu nhiệm ấy cho thế giới. Cố gắng tìm hiểu ấy cũng luôn đi kèm với thiện chí thanh tẩy của Giáo Hội. Giáo Hội luôn muốn sống và trình bày một khuôn mặt phù hợp với ý muốn của Đấng sáng lập là chính Chúa Kitô. Là thân thể của Đấng đã yêu thương và trao nộp chính mạng sống vì mình, Giáo Hội cố gắng trình bày khuôn mặt của tình yêu Ngài.

Như vậy, mục đích của giáo lý là giúp khám phá tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả lại tình yêu ấy một cách đúng đắn. Giáo lý chính là lý thuyết của nghệ thuật yêu thương. Người ta không thể trau dồi một nghệ thuật nếu không nắm vững những nguyên tắc của nghệ thuật ấy. Chúng ta có thể so sánh giáo lý với một ngọn đèn soi chiếu trong nhà để tìm kiếm một đồ vật trong nơi tăm tối. Việc đầu tiên là phải thắp lên một ngọn đèn, chỉ trong ánh sáng người ta mới có thể thấy rõ và biết mình phải làm gì.

3. Cột trụ thứ hai trong toà nhà tu đức của người tín hữu Kitô là sự cầu nguyện. Không có giáo lý, người ta dễ rơi vào lầm lạc, không có giáo lý người ta sẽ không biết đâu là ơn gọi của mình; đúng hơn, thiếu hiểu biết về giáo lý, người tín hữu Kitô sẽ không biết được thế nào là tình yêu đích thực. Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói, từ hiểu biết đến hành động là cả một vực thẳm.

Hiểu biết giáo lý không đương nhiên đã trở thành một người thánh thiện. Một nhà thần học lỗi lạc không hẳn là một thánh nhân. Một người quê mùa dốt nát vẫn có thể là một người có tâm hồn đạo đức hơn một kẻ học rộng hiểu nhiều. Có sự cách biệt giữa biết và sống là bởi vì đức tin thiết yếu là một ân huệ nhưng không của Chúa. Không phải do miệt mài tìm kiếm mà con người đương nhiên có được đức tin. Nói như triết gia Pascal, “Bạn muốn có đức tin? Hãy quỳ gối!”. Đó là thái độ cơ bản nhất của người tín hữu.

Cầu nguyện trước hết là nói lên sự nghèo hèn, trơ trụi, bất lực của con người. Không có sự bang trợ của Chúa, như Chúa Giêsu vẫn thường nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài, con người không thể làm gì được, nghĩa là không thể sống và yêu thương đúng với ơn gọi của mình. Và ngay cả việc cầu nguyện, con người cũng hoàn toàn bất lực. Chúng ta thấy được sự bất lực ấy của con người qua tấm gương của các tông đồ. Sống bên Chúa Giêsu, theo dõi cách cầu nguyện của Ngài, nhưng cuối cùng các tông đồ cũng đành thú nhận rằng, họ chưa biết cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Đáp lại nguyện vọng của các ông, thay vì trình bày một phương pháp cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha, kinh Lạy Cha chính là lời cầu nguyện của riêng Chúa Giêsu, đó là tâm tình trong từng phút giây của Ngài. Qua lời kinh này, Chúa Giêsu không dạy một công thức hay một phương pháp, Ngài mời gọi các môn đệ đi vào tâm tình của Ngài. Đó là tâm tình của một người con luôn sống kết hiệp và phó thác nơi Chúa Cha. Đó là hai tiếng “xin vâng” mà Chúa Giêsu luôn nói lên với Chúa Cha.

Như vậy cầu nguyện chính là đi vào tâm tình của Chúa Giêsu, là sống kết hiệp với Ngài, là để cho Ngài sống và hoạt động qua từng tâm tư, suy nghĩ và hành động của ta.

4. Xét cho cùng, cầu nguyện là cố gắng mô phỏng lại cuộc sống của Chúa Giêsu. Đó là cuộc sống của một con người luôn kết hiệp với Chúa Cha và sống trọn cho tha nhân. Như vậy, khi van xin Ngài dạy cho biết cầu nguyện, chúng ta xin Ngài cho chúng ta biết sống và biết yêu như Ngài. Dĩ nhiên, có những giây phút ưu việt dành cho việc cầu nguyện, có những công thức có sẵn giúp chúng ta cầu nguyện cho đúng cách, nhưng lời cầu nguyện đúng đắn nhất vẫn là cố gắng đi vào tâm tình của Chúa Giêsu, sống bằng chính sức sống của Ngài, yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

Có những cử hành phụng vụ của Giáo Hội, có những giây phút cầu nguyện riêng tư hoặc họp nhau trong gia đình, có những lời kinh dọn sẵn; nhưng thiết tưởng không có lời cầu nguyện nào xứng hợp hơn là cả cuộc sống được kết hiệp với Chúa Giêsu qua những hành động bác ái, hy sinh, quên mình. Đó là những lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Đó là những lời cầu nguyện theo đúng thể thức của Chúa Kitô.

Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ được nhồi nhét vào tâm trí của người tín hữu, Kitô giáo cũng không phải là một hệ thống luân lý gồm có những giới răn để tuân giữ, nhưng Kitô giáo thiết yếu là một con người. Con người đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống và hoạt động trong lịch sử nhân loại và từng người. Biết Ngài, yêu mến Ngài, sống cho Ngài và vì Ngài chính là ơn gọi của người tín hữu Kitô; đó cũng là bí quyết hạnh phúc gia đình của mỗi Kitô hữu. Bởi vì chỉ nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài con người mới thực sự biết yêu thương.

<<<

Mục Lục

>>>