Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

YÊU THƯƠNG ĐÍCH THỰC

1. “Biết làm sao định nghĩa được tình yêu”. Câu hát quen thuộc ấy có lẽ cũng phải là câu hỏi mà mỗi người phối ngẫu cần phải tự đặt ra cho mình để không ngừng kiểm điểm về cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ. Thật ra, câu hỏi đích thực mà mỗi người phải luôn tự đặt ra là: “Tôi đã thực sự biết yêu chưa?”. Có những hành động mà người ta tưởng là tình yêu, nhưng thực ra chỉ là những biểu lộ của cảm xúc hoặc của tính ích kỷ mà thôi.

Nên thánh chính là thực thi tình yêu theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa Giêsu. Thế nào là tình yêu đích thực theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa? Chúng tôi xin tiếp tục bàn đến một vài đặc tính của tình yêu đích thực theo quan niệm của Kitô giáo.

2. Trong Kitô giáo, chúng ta thường nghe nói đến hai chữ “đức ái”. Theo định nghĩa đức ái là một nhân đức đối thần được ban cho người tín hữu Kitô cùng với hai nhân đức cơ bản khác là đức tin và đức cậy. Được gọi là đối thần bởi vì đối tượng và điểm đến của đức ái chính là Thiên Chúa. Định nghĩa như thế không có nghĩa là loại bỏ mọi quan hệ với tha nhân. Thực ra chính vì đức ái là tình yêu đích thực phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, nên đức ái cũng bao gồm cả tha nhân.

Được gọi là đối thần bởi vì đức ái hay tình yêu đích thực không phải là một sáng chế hay chinh phục của con người mà trước tiên là một ân huệ của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là tự bản tính, con người sinh ra với tỳ vết của tội nguyên tổ vốn hướng chiều về tính ích kỷ. Tình yêu đích thực không phải tự nhiên đến với con người. Năm tháng có qua đi, tuổi đời có chồng chất, con người không vì thế mà đạt được tình yêu đích thực. Tình yêu là một quà tặng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới biết được thế nào là tình yêu và thế nào là yêu.

Thánh Gioan tông đồ viết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Đây không là một định nghĩa siêu hình. Thánh Gioan đã viết điều đó sau những năm tháng sống gần gũi thiết thân với Chúa Giêsu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Ngài. Chúa Giêsu chính là tình yêu bằng xương bằng thịt của Thiên Chúa. Qua Chúa Giêsu, không những Thiên Chúa bày tỏ thế nào là tình yêu, Ngài còn cho con người biết thế nào là yêu. Trong những lời cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”, và Ngài gọi đó là giới răn mới của Ngài.

Thực ra, yêu thương không phải là điều mới mẻ đối với trái tim con người. Trước Chúa Giêsu đã có biết bao nhiêu người rao giảng về tình yêu. Chúa Giêsu gọi giới răn của Ngài là một giới răn mới bởi Ngài muốn con người yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, và yêu thương như Thiên Chúa yêu.

3. Tình yêu đích thực hay đức ái là một quà tặng của Thiên Chúa. Do đó, để có thể yêu thương thực sự, con người cần có một tâm hồn được đong đầy bằng chính tình yêu của Ngài. Yêu thương trước tiên là trao ban, và người ta chỉ có thể cho điều mình có. Chỉ khi nào cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người mới thấy mình được thôi thúc để trao tặng cho người khác.

Một người chồng chỉ cảm thấy muốn trao tặng cho vợ thực sự khi tâm hồn anh được đong đầy bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Cha mẹ chỉ muốn ban tặng cho con cái khi chính tâm hồn họ được tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Để cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa như một sức mạnh nội tâm thôi thúc con người trao ban thì sự kết hiệp với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện, trong việc lắng nghe Lời Ngài, trong việc thực thi ý muốn của Ngài là điều không thể thiếu trong gia đình.

Giới răn thứ nhất mà Chúa Giêsu truyền cho con người chính là yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Nuôi dưỡng niềm tin là điều kiện tiên quyết để sống đức ái. Một lòng tin sâu sắc luôn thôi thúc con người yêu thương và yêu thương một cách đúng đắn.

Tình yêu đích thực hay đức ái là quà tặng của Thiên Chúa, nghĩa là phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, yêu thương thực sự là yêu thương như Thiên Chúa yêu. Và yêu thương như Thiên Chúa yêu chính là yêu thương như Chúa Giêsu yêu. Yêu thương như Chúa Giêsu yêu trước tiên là quên mình đến độ sẵn sàng hy sinh chết vì người mình yêu. Chúa Giêsu đã nói về cái chết của Ngài: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”.

Cái chết của Chúa Giêsu là định nghĩa đích thực của tình yêu: Yêu là quên mình, yêu là hy sinh, yêu là sẵn sàng chết cho người mình yêu. Định nghĩa như thế về tình yêu cũng có nghĩa là vạch ra hướng đi và ý nghĩa cuộc sống. Sống thực sự, sống sung mãn là sống cho người khác. Đó cũng chính là con đường nên thánh. Bởi vì nên thánh là sống đức ái trọn vẹn như Chúa Giêsu.

4. Nên thánh không phải là một ơn gọi dành riêng cho một số người được ưu tuyển, cũng không phải là một cuộc sống phi thường của những bậc vĩ nhân, nên thánh hay sống đức ái thiết yếu là làm cho nhân cách của mình được sung mãn. Tình yêu đích thực giúp con người biết ra khỏi chính mình, cũng không phải là đánh mất chính mình nhưng là thắng vượt con người ích kỷ nhỏ nhen của mình. Tình yêu đích thực có sức đổi mới con người và giúp con người luôn muốn canh tân.

Sống thiết yếu là thay đổi, là lớn lên trong những chiều kích mới. Nhưng sống thiết yếu cũng là yêu. Do đó, yêu cũng là thay đổi, là canh tân, là lột xác trong đau đớn. Yêu là sinh lại không ngừng. Đó là định luật của cuộc sống và đó cũng là bí quyết của hạnh phúc đích thực.

Thánh Phaolô tông đồ đã ghi lại một lời vàng ngọc của Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn nhận”. Ai muốn yêu và muốn được hạnh phúc, người đó cần phải ra khỏi chính mình, quên chính bản thân, quên hạnh phúc riêng tư của mình và chú tâm mang lại tình yêu và hạnh phúc cho người khác.

Một gia đình cầu nguyện là một gia đình đứng vững, gia đình ấy đứng vững bởi vì biết múc lấy sức sống tình yêu từ chính Chúa. Chính nhờ một lòng tin vững mạnh và kết hiệp thâm sâu với Chúa, con người mới biết thế nào là tình yêu và thế nào là yêu thực sự. Tất cả các vị thánh suốt đời xả thân hy sinh cho tha nhân đều nắm chắc bí quyết ấy. Chúa Giêsu đã không chỉ truyền dạy chúng ta hãy yêu thương tha nhân mà trước hết, hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực.

Bí quyết của hạnh phúc gia đình cũng là bí quyết nên thánh chính là cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và theo gương Chúa Giêsu trao ban và hy sinh quên mình vì tha nhân.

<<<

Mục Lục

>>>